Con khỉ của nhà văn

NGUYỄN VIỆT LONG 10/05/2013 02:05 GMT+7

TTCT - Làng sách dịch dạo này dậy sóng. Những lỗi sai, hoặc chưa hẳn là lỗi sai, được đem ra mổ xẻ, xới đi lật lại trên mạng cả chính thức lẫn không chính thức, bình phẩm hay có, dở có, tốt có, xấu có, thanh có mà tục cũng có.

Nó cho thấy mối quan tâm của công chúng đối với dịch giả và dịch thuật.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Có kẻ quát nạt: thật là lũ vô lương tâm, háo danh hám tiền, phải đánh cho nó chết. Của đáng tội, cái danh kia cũng chỉ đến mức là “con khỉ của nhà văn” (danh hiệu mà Gabriel Marquez đã tặng cho các dịch giả) mà thôi, có gì ghê gớm đâu. Còn vì tiền ư? Thì có anh dõng dạc tuyên bố tớ giỏi nhưng chẳng thèm làm cái nghề dịch dọt khốn khổ ba cọc ba đồng đấy thôi.

Nếu hái ra tiền thì thế gian đã bu lại, đâu có èo uột như thế, khi mà số “khỉ” kiên trì múa may không nhiều lắm, thậm chí có người nói rằng không quá số ngón tay trên hai bàn tay (không tính những kẻ thử sức một hai cuốn rồi bỏ cuộc hoặc không đáp ứng được tay nghề). Những dịch giả được tắm trong nền văn hóa trời Tây ít nhất dăm năm đang hành nghề thì lại càng hiếm.

Có vị lên giọng: tớ chỉ đọc nguyên bản, hay lắm, tuyệt lắm, một trời một vực so với mấy câu chữ dịch ngô nghê này. Nhưng có phải ai cũng thạo ngoại ngữ đâu, mà có thạo thì giỏi lắm cũng thạo một vài ngoại ngữ thôi, làm sao đủ để thưởng thức hết đông tây kim cổ qua nguyên tác? Có người buông thõng một câu: chuyện bình thường, “nhỏ như con thỏ”, không ai không sai, cái sai không chừa một ai. Nói theo kiểu Tây thì dịch là diệt (traduire, c’est détruire), dịch là phản (traduttore, traditore). Thời xưa cũng thế mà thời nay vẫn thế.

Nói gì thì nói, nền dịch thuật nước ta vẫn tiến lên, cho dù có những khiếm khuyết. Trong điều kiện ngặt nghèo hơn (Việt Nam tham gia công ước về bản quyền quốc tế, tự bơi trong thị trường...), người đọc vẫn được thưởng thức những tác phẩm mới ra lò ở nước ngoài, có cuốn đoạt giải thưởng này nọ. Sách ra nhiều hơn hẳn thời bao cấp, đa dạng hơn, tóm lại là thượng vàng hạ cám, tỉ lệ sách được dịch từ nguyên bản cũng nhiều hơn. Góp công lớn trong việc này là lực lượng xuất bản đang vẫn phải đứng tên một nhà xuất bản nào đó của Nhà nước.

Điều đáng tiếc là những sai sót vừa qua lại chủ yếu rơi vào một trong những công ty có máu mặt và có công lao không nhỏ trong làng xuất bản, với đội ngũ biên tập viên tương đối “cứng” so với mặt bằng chung. Mọi người băn khoăn tìm lời giải đáp cho nghịch lý ấy. Một lý do là trình độ người đọc ngày nay đã giỏi hơn, sách nguyên bản dễ kiếm hơn và tra cứu cũng thuận tiện hơn, chứ chưa chắc ngày xưa ít sai hơn.

Một nguyên nhân khác đã được một bạn nói đến trên trang Facebook của mình: “Rồi thì biên tập viên và dịch giả lại cùng một ổ, do một nhà trả lương, làm cùng nhau... Có khi biên tập viên lại là nhân viên cấp dưới hoặc là bạn của dịch giả nên lại càng dễ bỏ qua chỗ sai. Hoặc là tặc lưỡi sếp là dịch giả nổi thế chắc chả sai mấy đâu”. Lại cũng có lý giải theo “thuyết âm mưu”: hoặc do các nhà làm sách “chơi” nhau, hoặc có sự yêu ghét cá nhân gì ở đây, thậm chí là chiêu PR cho sách bán chạy!

Ở xứ ta, biên tập và dịch thuật toàn là tay ngang, cứ vừa học vừa làm, hoặc nắm tay chỉ việc cho nhau thôi chứ có ai dạy dỗ bài bản đâu. Cũng không có chỗ để trao đổi kinh nghiệm cho nhau, tỉ như một tạp chí chuyên về dịch thuật, hay chí ít cũng là một góc trên tạp chí hay tờ báo của hội nhà văn. Trong tình hình hiện nay, chưa thấy rõ vai trò của hội đồng dịch của hội nhà văn, chắc có lẽ tại thiếu kinh phí và thiếu người làm?

Trước đây trên báo chí vẫn có mục Dọn vườn, nơi bạn đọc nhặt sạn, nhặt rác ở những tác phẩm cả viết lẫn dịch, không hiểu sao lâu nay bị bỏ bẵng.

Chỉ ước sao có dịp, có chỗ để dịch giả bàn chuyện nghề, trao đổi cho ra tấm ra món về những vấn đề đơn giản như “dịch mà như không dịch”, những lỗi dịch do không hiểu đời sống và văn hóa của bối cảnh, có nên dịch thoát các thành ngữ, châm ngôn hay bám vào nguyên bản và chú thích, rồi chú thích thế nào cho thích hợp... cho đến những vấn đề cao siêu hơn như tính sáng tạo trong dịch thuật và giới hạn của nó (cái tôi của người dịch được bộc lộ đến mức nào?), tính chuyên nghiệp của dịch thuật, thuật ngữ khoa học trong dịch sách kiến thức, sách công cụ... Toàn là những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Đến đây tôi muốn nhắn nhủ bạn trẻ nào còn muốn theo nghề dịch: đây là nghề đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó và sẵn sàng hứng búa rìu dư luận, phải luôn luôn cẩn trọng, chịu khó tra cứu. Mặt khác, cũng nên biết rằng vẫn có người coi dịch thuật chẳng có gì ghê gớm, người dịch chỉ là kẻ ăn theo tác giả, cứ học giỏi ngoại ngữ là phải làm được, còn làm không ra hồn thì chỉ có nước đeo mặt mo.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà mỗi khi chê một người viết văn, làm thơ nào đó, thiên hạ thường bảo: “Văn (hay thơ) thằng ấy như văn (thơ) dịch!”. Nhưng tôi cũng mong sao sẽ có dịp thay cho câu cảnh tỉnh “Hỡi người đọc, hãy cảnh giác!” hay một câu chửi rát mặt nào đó, người dịch sẽ nhận được câu chửi mát mặt đại loại (vô phép cụ Nam Cao): “Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh dịch giả”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận