"Cùng con trai lên facebook"

ĐĂNG BẨY TRÍCH DỊCH 10/06/2013 01:06 GMT+7

TTCT - Đúng 10 năm sau cuốn truyện nổi tiếng thế giới Cô đơn trên mạng, nhà văn Ba Lan Janusz Leon Wisniewski vừa cho ra đời tiểu thuyết Cùng con trai lên Facebook.

Về tác phẩm mới nhất của mình, ông chia sẻ với báo Nga Luận Chứng Và Sự Kiện. TTCT trích giới thiệu.

Phóng to
Nhà văn Janusz L. Wisniewski - Ảnh: Cầm Phan

* Cuốn sách mới nhất của ông về tình mẫu tử, nó khác những tiểu thuyết trước đó của ông toàn kể về tình yêu nam nữ. Do đâu mà ông quyết định thay đổi đề tài?

- Thì cũng do tình yêu thôi (cười). Nói chung, đây là đề tài rất riêng tư. Nhân vật nữ chính trong sách là mẹ tôi, còn nhân vật nam chính là tôi. Tôi đã mất mẹ từ khi còn rất trẻ - mẹ tôi bị bệnh tim, chết trẻ, nên suốt đời tôi vẫn giữ cảm giác mình vẫn chưa nói xong với mẹ câu chuyện quan trọng nhất.

Trẻ con thường có sai lầm là chúng cứ tưởng bố mẹ bao giờ cũng ở bên mình, nói chuyện lúc nào chẳng được. Nhưng đột nhiên gặp phải một ngày không còn bố mẹ nữa... Muộn rồi. Những điều trước đây tưởng chừng không quan trọng - bởi vì lúc nào cũng hỏi được mẹ - nay bỗng nhiên trở nên rất quý giá.

...Khi tôi học nghề thủy thủ từ năm 15 đến 20 tuổi, trường ở rất xa thành phố quê hương, mẹ ngày nào cũng viết thư cho tôi. Học xong, tôi đã có đầy một vali thư của mẹ. Những bức thư thông thường, có khi buồn tẻ - về con chó, về những gì diễn ra trong nhà. Đối với tôi, giao tiếp với mẹ là việc thường ngày. Toàn bộ giá trị của việc đó tôi chỉ cảm nhận được từ khi mẹ không còn nữa.

Rồi một lần tôi nảy ra ý nghĩ: trò chuyện với mẹ bằng Facebook. Là một phụ nữ rất hiện đại, mẹ mà còn sống thể nào cũng tham gia mạng xã hội ấy, và mẹ con tôi có thể trao đổi với nhau. Bởi bây giờ tôi sống ở Đức, sau Thế chiến thứ hai mẹ tôi chưa hề đặt chân tới đây lần nào. Nhưng hẳn mẹ sẽ sẵn lòng gặp tôi qua Facebook. Và ngày 20-4-2011, vào ngày sinh của mẹ tôi, tôi lập cho mẹ một trang cá nhân và bắt đầu trò chuyện với mẹ. Mẹ thì ở cõi âm, từ đó mẹ viết cho tôi.

Mặc dù sống dưới địa ngục, nhưng mẹ tôi cũng quan tâm tới thiên đàng và đưa ra trước Thượng đế nhiều câu hỏi hóc búa: Tại sao ngài lại trọng nam khinh nữ? Tại sao ngài cho phép người cõi trần xuyên tạc niềm tin vào ngài? Đấy đều là những tranh cãi về tôn giáo. Cùng con trai lên Facebook là cuốn sách chống mê tín, nhưng trong đó có nhiều tình yêu - tình mẫu tử và tình yêu giữa mẹ tôi với bố tôi. Ông cũng phải xuống địa ngục nên hai người thường xuyên gặp nhau. Nhưng, tôi nhắc lại, đấy là chuyện siêu thực mà tôi mượn để kể về tình yêu, về chiến tranh, về nghệ thuật, về lịch sử và về di truyền.

* Về cả di truyền?

- Xin hiểu cho, một số người cực tin vào Thượng đế, một số khác lại hoàn toàn không. Và mẹ tôi muốn dùng những nghiên cứu mới nhất trong di truyền học để tìm giải đáp cho câu hỏi đó. Có "gen Thượng đế" hay không? Về vấn đề này, đến nay đã có hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học. Trong các phân tử ADN đã thấy những đoạn được gọi là "gen Thượng đế".

Những người mang "gen Thượng đế" thì cực tin vào sức mạnh siêu nhiên, còn những người không có gen đó là kẻ vô thần. Ví dụ, có một nghiên cứu rất lý thú về cặp trẻ song sinh sống tách biệt nhau sau khi rời bụng mẹ.

Chúng được nuôi dạy trong hai gia đình khác nhau, ảnh hưởng của xã hội đến sự hình thành tính cách rất khác nhau, nhưng lớn lên cả hai đều có đức tin bởi vì chúng mang "gen Thượng đế". Tức là có thể dùng di truyền học để giải thích về thiên hướng vươn tới sự siêu việt của con người.

Phóng to
Bìa quyển sách của Janusz L. Wisniewski bằng tiếng Ba Lan

* Bà mẹ còn quan tâm đến những vấn đề nào nữa?

- Tình yêu, tất nhiên rồi. Bà đã nghe nhiều người khác nhau sám hối về những tội lỗi và cảm xúc của họ. Tất nhiên, đấy không phải là những điều thú tội thật sự, nhưng tất cả đều có thể trở thành hiện thực. Tiện thể, một số độc giả viết thư cho tôi rằng địa ngục trong sách của tôi thật là một chỗ hạnh phúc.

Tất cả những chuyện lý thú đều diễn ra ở đó chứ không phải ở thiên đàng.

* Ông quảng cáo cho địa ngục ghê quá đấy.

- Tất nhiên rồi, vì mẹ tôi đang sống ở đó mà (cười).

* Ông viết cuốn đó có lâu không?

- Không, nhanh lạ thường, đúng nửa năm. Khai bút năm 2011, đúng vào ngày sinh của mẹ tôi, đến cuối tháng 10 đã xong, hơn 400 trang. Đầu tiên sách ra ở Ba Lan, sau đó là Ukraine, Nga, mà các dịch giả khá vất vả vì tôi viết bằng thứ ngôn ngữ Ba Lan cổ có pha ngôn ngữ Đức. Mẹ tôi ra đời ở Berlin mà. Cuốn sách chỉ toàn độc thoại - hơn 400 trang mẹ tôi độc thoại với tôi.

* Trong cuốn sách này cũng như Cô đơn trên mạng, ông trở lại chuyện Internet?

- Tôi sử dụng mạng từ năm 1984, viết luận án tiến sĩ tin học ở Mỹ. Hồi đó Internet chưa phát triển, chưa có trang web và nhiều thứ như bây giờ, nhưng đối với tôi Internet đã quen thuộc như điện thoại vậy... Tôi nghĩ sắp tới Internet sẽ không còn mới lạ nữa, nó sẽ trở nên bình thường đối với mọi người, như điện thoại vậy.

* Nghĩa là các mối quan hệ thông qua Internet sẽ trở thành chuẩn mực?

- Thì nhiều người chẳng đã thiết lập các mối quan hệ qua mạng đó sao. Bởi vì ở đó ngoại hình không có ý nghĩa như trong đời thực. Nhiều người ngại tiếp cận một cô gái hoặc một chàng trai, vì trong đời sống thực họ làm quen khá khó khăn. Phụ nữ lại càng đặc biệt khó bởi đàn ông hay để ý đến những phụ nữ xinh đẹp. Cái này được gọi là "hội chứng quán bar đêm". Khách vào quán bar thường tìm đến người phụ nữ xinh đẹp nhất.

Nếu cô ấy đã có người săn sóc thì tìm đến cô không đẹp bằng nhưng lại có nụ cười tươi. Nếu như đến với người phụ nữ nhan sắc tầm tầm thì chỉ là để sau đó khỏi phải về nhà một mình. Đó là chuyện tâm lý. Nhưng trong các quán bar đêm trên mạng chỉ thấy toàn những cô xinh nhất mà thôi (cười). Cánh đàn ông nghĩ thế.

Yahoo! có gom ý kiến về các mối quan hệ trên mạng, họ hỏi phái nam: bạn viết cho những người phụ nữ như thế nào? Và 85% trả lời rằng viết cho người phụ nữ mà họ nghĩ là xinh đẹp nhất. Tức là trên mạng không có phụ nữ nào xấu xí... Thường nhận được nhiều thư nên tôi biết có nhiều đôi quen nhau trên mạng, sau đó khi đã gặp nhau trong đời thực, họ mới hiểu ra rằng nếu họ gặp nhau trong đời thực trước chắc sẽ chẳng có mối quan hệ nào sau này... Internet đã tạo cho họ cơ hội hiểu biết lẫn nhau không thông qua ngoại hình...

* Ông có giao tiếp với hai con gái của mình qua mạng?

- Không nhiều. Tất nhiên, các cháu có trang cá nhân trên Facebook nhưng giao tiếp đời thực vẫn hơn. Thật tình hai cháu rất bận, lại trẻ và xinh nữa, gặp chúng thật khó, đau thế chứ! Nếu muốn gặp con, tôi phải viết cho chúng trước.

* Ông có sợ những độc giả là tín đồ sẽ phật lòng bởi cách tiếp cận phóng túng của ông với địa ngục và thiên đàng?

- Mẹ tôi là người rất tin đạo. Ở trang cuối cùng tôi có viết rằng bà rất yêu Thượng đế mặc dù mình bị đày xuống địa ngục. Nhưng mẹ tôi không bằng lòng với những gì diễn ra ở cõi trần. Đám quan chức của Thượng đế ấy mà, họ diễn ghê quá. Mẹ tôi không thích những việc họ làm. Nhà xuất bản có gửi bản thảo của tôi đến ba luật sư nhờ đọc, cả ba đều trả lời rằng cuốn sách có khả năng bị quy là "xúc phạm tình cảm tôn giáo".

Nhưng ai mà chẳng có thể bị quy tội xúc phạm tình cảm tôn giáo. Tôi nghĩ luận về đề tài đó cũng lý thú đấy chứ. Mẹ tôi dẫn lời phúc âm, hỏi Thượng đế tại sao ngài cứ im lặng suốt? Tại sao ngài ban cho loài người sự sống, sự an lạc mà bây giờ chúng tôi không quan tâm đến ngài?

Nhiều người ở Ba Lan bị sốc khi thấy tôi nói với mẹ về chuyện tình dục. Chuyện đó vốn không được nói. Nhưng đơn giản là tôi muốn đưa ra tất cả như cuộc sống vốn có. Cái địa ngục trong cuốn sách đó có tất cả như ở cõi trần. Ở đó có Facebook, có tivi. Mà thường thì cõi trần cũng giống địa ngục (cười).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận