Để tận dụng hết các ưu đãi của TPP

THANH TUẤN THỰC HIỆN 19/08/2013 18:08 GMT+7

TTCT - Sống tại VN trên 20 năm, Frederick R. Burke - giám đốc điều hành của Hãng luật Baker & McKenzie - là người theo dõi sát diễn tiến đàm phán của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông Burke, TPP là cơ hội lớn bậc nhất của VN hiện tại.

TTCT đã trao đổi với ông về những diễn tiến mới liên quan đến TPP.

Phóng to
Với TPP, nông sản VN sẽ có thêm cơ hội. Trong ảnh: thu hoạch lúa đông xuân tại Nông trường Cờ Đỏ, TP Cần Thơ (tháng 2-2013) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Ông Frederick R. Burke - Ảnh: T.T.
Lý do chính mà tôi rất chú ý đến TPP là vì đây là hiệp ước kinh tế quan trọng duy nhất “xảy đến” với VN trong vòng vài năm tới. Có những hiệp ước kinh tế khác đang đàm phán như RCEP, Hiệp định thương mại tự do với EU... nhưng có thể nói TPP là hiệp định “đáng đồng tiền bát gạo nhất,” có tác động lớn nhất đến nền kinh tế.

Sẽ phải thay đổi luật

TPP sẽ tạo cơ hội tốt hơn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, giúp tăng thêm tính cạnh tranh. Ví dụ, thuế cho hải sản đóng hộp sẽ giảm từ 28% xuống còn 0% trong TPP. VN có chính sách tăng thêm phần sản xuất nội địa trong dây chuyền cung ứng của mình. TPP là cơ hội tốt để làm điều đó.

Nếu không làm được điều này thì mặt trái của TPP là chúng ta có thể mất một số thị trường cho các nước khác như Malaysia, Peru, Chile cũng có các mặt hàng hải sản và họ sẽ có lợi thế giảm 28% mà chúng ta không có.

* Thuế trong TPP sẽ giảm, nhưng điều kiện là sản phẩm phải sản xuất trong TPP. Ở VN, đó sẽ là thách thức khi hệ thống công nghiệp phụ trợ hầu như chưa có?

- Đó là một điểm quan trọng. Để tận dụng được TPP sẽ cần tạo điều kiện để các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển được. Ví dụ nói về ngành công nghiệp ôtô chẳng hạn, chúng ta có Toyota ở đây để lắp ráp xe nhưng các ngành sản xuất phụ kiện ôtô hầu như chưa bao giờ đến VN đầu tư cả. Có mảng khuyết ở đó, có thể là mức thuế, có thể là thủ tục cấp phép, mà không tạo điều kiện cho ngành này...

* Thách thức nào cản trở ngành công nghiệp phụ trợ ở VN thưa ông?

- Mỗi ngành công nghiệp lại có khó khăn khác nhau. Nhưng nói về công nghiệp ôtô - xe máy thì họ sẽ nói là thuế nhập linh kiện cứ liên tục tăng giảm thất thường rồi liên tục có những tranh cãi về chính sách đối với ngành đó, chưa bao giờ có một chiến lược cố định là thật sự VN có muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô hay chúng ta đơn giản là cứ nhập xe thẳng từ Thái Lan và dùng tiền làm việc khác.

Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp cung cấp linh kiện là các doanh nghiệp nhỏ. Bạn chẳng bao giờ biết tên của họ. Họ cần sự bảo trợ từ Nhà nước chứ họ không thể lên tiếng hết mỗi lần khi họ bị cản trở hay bị nhũng nhiễu tham nhũng.

Có hai cách mà VN có thể bị “bỏ rơi”. Kể cả khi VN vào TPP thì cũng vẫn có thể bị tụt lại phía sau nếu VN không tạo được môi trường thuận lợi để tận dụng hết các ưu đãi của TPP, không tạo điều kiện được cho khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Còn nếu VN không vào được TPP nữa thì chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội quá lớn.

* Đối với ngành may mặc thì sao?

- Ngành may mặc là lĩnh vực quan trọng bậc nhất mà Mỹ - Việt vẫn cần phải thống nhất, đặc biệt là về vấn đề xuất xứ (nguyên tắc “từ sợi trở đi”). Theo tôi hiểu, đến giờ trong số hàng xuất đi Mỹ của VN thì khoảng 40% vẫn dùng nguyên liệu thô nhập từ Trung Quốc. Phần còn lại nhập từ Đài Loan, thậm chí Mỹ và Úc.

Thực tế là Mỹ không muốn VN trở thành cửa sau trong TPP để nguyên liệu thô Trung Quốc tràn vào Mỹ. Theo tôi hiểu, đề xuất nhượng bộ cách đây ba tháng của Mỹ là VN sẽ có thêm ba năm có thể tiếp tục lấy hàng từ Trung Quốc, nhưng sau ba năm thì nguyên liệu sẽ phải là trong nội khối TPP hoặc là vải sợi sản xuất trực tiếp từ VN.

* Quay lại với chuyện “từ sợi trở đi”, ông nói đề xuất hiện tại là quá nhanh...

- Theo tôi hiểu đó là đề xuất ba tháng trước. Đề xuất mới nhất tôi nghe được có vẻ hợp lý hơn. Theo đó, quy tắc ngoại lệ sẽ được áp dụng với nhiều dòng thuế hơn và thời gian [ngoại lệ] sẽ lâu hơn. Liệu đó là 25% các mặt hàng hay 50%, hay thời gian là ba hay bốn năm thì tôi không dám chắc.

* Ông từng bày tỏ lo ngại VN có thể không bắt kịp chuyến tàu TPP. Giờ mối lo ngại còn đó hay không?

- Tôi nghĩ vẫn còn những lo ngại. VN vẫn còn nhiều những ngoặc vuông (các vấn đề bảo lưu, các chi tiết kỹ thuật chưa thống nhất được) trong khi hầu hết các nước đã xong phần đó.

Ví dụ nói góc độ ở phía ngoài một chút. Mexico chẳng hạn, sẽ không muốn VN vào TPP vì bản thân họ đang được hưởng NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ). Họ đóng thuế 0% với hàng may mặc, rồi kinh tế của họ thật sự gắn chặt với kinh tế Mỹ. Họ cần bảo vệ lợi thế đó của mình và họ lo lắng chuyện VN sẽ cùng sân chơi bình đẳng như họ.

TPP là hiệp định khó. Sẽ có rất nhiều triển khai luật lệ mới đối với các nước. Không chỉ với VN mà ngay cả với Mỹ cũng sẽ phải thay đổi luật, sẽ phải có những công nhận mới với các điều khoản của TPP.

Ví dụ như lao động hay môi trường. Đây là các vấn đề hoàn toàn mới đối với hiệp định thương mại quốc tế. Rồi các nước cũng không thể tùy tiện dùng luật của mình trong TPP. Làm thế nào để triển khai những điều này, chúng ta vẫn chưa hiểu hết. Có thể sẽ phải mất vài năm sau khi TPP được thông qua để hiểu và làm rõ hết các chi tiết của nó. Không ai kỳ vọng là sẽ thay đổi được mọi thứ ngay sau một đêm.

Khó và bí mật

* Lĩnh vực nào của VN dễ bị rủi ro khi vào TPP?

- Chúng ta đã thấy các công ty như Kinh Đô hay Masan... được hưởng lợi khi “thuyền lên, nước lên”. Họ có cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm cạnh tranh, sử dụng được nhân lực nước ngoài để phát triển doanh nghiệp của mình.

Đương nhiên sẽ có người thắng và người thua khi vào TPP, một số lĩnh vực của Mexico sẽ mất việc sang VN, một số lĩnh vực của VN sẽ mất sang Mexico. Một số doanh nghiệp nhà nước sớm muộn gì cũng sẽ giải thể. Chỉ là TPP đẩy nhanh quá trình đó, nhưng đồng thời sẽ tạo thêm một số việc làm cho khối tư nhân. Trở ngại đối với việc thu nhỏ quy mô doanh nghiệp nhà nước sẽ là vấn đề việc làm cho những công nhân ở đó.

Hãy nhìn vào smartphone, đó là lĩnh vực mà VN có thể trở thành trung tâm sản xuất lớn. Đương nhiên mọi người vẫn phàn nàn về chuyện VN chỉ lắp ráp và hưởng một phần nhỏ lợi nhuận, nhưng đó là con đường mà mọi nước đều trải qua. Hàn Quốc hay Đài Loan đều vậy rồi dần dần xây dựng và nội địa hóa sản xuất.

* Sự có mặt của Nhật Bản rõ ràng thay đổi đàm phán TPP?

- Điều quan trọng nhất của việc Nhật Bản gia nhập với VN là TPP không còn chỉ là về thị trường Mỹ nữa mà còn là cả thị trường Nhật Bản. Đó là cơ hội cho VN. Họ thậm chí còn nói về cả vấn đề gạo - vốn từng là thứ không bao giờ họ chấp nhận trước kia... Có rất nhiều cơ hội cho VN như với thủy sản, đồ gỗ...

Nhật cũng có thể mở thị trường dịch vụ cho VN như tài chính, ngân hàng... Có những vận động để nguồn vốn có thể luân chuyển giữa hai nước. Cứ tưởng tượng nếu các công ty cổ phần VN cũng có thể sang Nhật để huy động vốn sang đầu tư tại VN, điều đó sẽ rất tốt.

Tôi nghĩ một mặt nó làm việc đàm phán phức tạp hơn, mặt khác các nước thấy thêm lợi ích từ TPP vì một thị trường lớn hơn.

* Tại sao TPP lại bí mật đến vậy?

- Đây rõ ràng là hiệp định thương mại đàm phán bí mật nhất mà tôi từng thấy. Rõ ràng là có lý do. Nếu họ để lộ chi tiết hiệp định đang đàm phán thì sẽ không bao giờ hoàn tất đàm phán được. Các nhóm vận động hành lang sẽ bóp méo tất. Tôi vẫn hay đùa là có 12 nước đàm phán TPP thì đồng nghĩa với việc có 24 quan điểm khác nhau trên mọi vấn đề. Nếu thỏa thuận lộ ra thì sẽ không phải 24 mà là 24 tỉ quan điểm khác nhau.

Các thương nhân ở Malaysia, các nghị sĩ ở Úc, Mỹ đều phàn nàn về việc họ không có thông tin về TPP. Chính quyền Obama ba tháng trước nhận ra là dư luận không biết nhiều về TPP và họ bắt đầu liên lạc với các AmCham (phòng thương mại Mỹ) và các nhóm để thông báo những vấn đề gì đang đàm phán, tác động của nó là gì...

* VN nên làm gì để tận dụng hết được TPP?

- Đào tạo nghề là một ưu tiên Nhà nước cần chú ý đến. Những kỹ sư, những người làm thật sự... Kể cả về xây dựng hạ tầng. Các công ty xây dựng nói với chúng tôi rằng họ không thể tìm được đúng công nhân xây dựng mà họ cần ở VN.

Đào tạo nhân lực, đào tạo nghề là thách thức lớn. Cái bằng MBA không biến sinh viên thành chuyên gia IT được. Chúng ta cần các kỹ sư điện, các chuyên gia hóa chất... những người có thể làm trong môi trường nghiên cứu, làm trong xí nghiệp có thể giúp cho các ngành công nghiệp. Mọi người đã nói nhiều về chuyện cải cách giáo dục này kia, nhưng các biến chuyển thì quá chậm.

Chính quyền cũng cần thay đổi các thủ tục hành chính, quyết liệt chống tham nhũng. Phải nói là có nhiều công chức tốt trong hệ thống, nhưng vẫn còn quá nhiều người trong hệ thống đóng vai là người “thu tô” hơn là cầu nối cho các doanh nghiệp. Rất nhiều người biện hộ đó là vì văn hóa, rồi tính cách châu Á. Tôi nghĩ đó là điều rất vớ vẩn và rất xúc phạm.

Hãy cứ nhìn rất nhiều nơi ở châu Á thành công trong chuyện chống tham nhũng như Hong Kong là một nơi rất “sạch” đối với tham nhũng. Bạn sống ở đó mà không phải trả loại phí gì trong khi có dịch vụ công rất tốt...

Chúng ta không thể chỉ dựa vào lao động giá rẻ rồi hi vọng mọi người sẽ tìm đến chúng ta. Xã hội bây giờ rất khó để giấu những chuyện như vậy. Thế giới đã thay đổi và VN cần bắt kịp điều đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận