“Đồng đôla đang là cánh buồm thế kỷ”

PHAN XUÂN LOAN (*) 16/06/2017 03:06 GMT+7

TTCT - Trò chuyện với độc giả tại hội sách ở Riga (Latvia) tháng 3 vừa qua nhân giới thiệu quyển sách thiếu nhi Chìa khóa pha lê và bộ phim dựa trên quyển sách này, họa sĩ Nga, đạo diễn điện ảnh, nghệ sĩ Aleksandr Adabashyan đã thật hóm hỉnh nói về những vấn đề đương đại.

Alesander Adabashyan
Alesander Adabashyan

Đầu tiên, một công ty nước ngoài mời chúng tôi hợp tác: từ thập niên 1990, tất cả những gì chúng tôi quay đã được họ, như bây giờ người ta gọi là các đối tác Mỹ, mua hết. Họ muốn phim thiếu nhi để phát hành nó. Sau khi chúng tôi giới thiệu ý tưởng, họ thích và đề nghị chúng tôi viết kịch bản. Sau đó là hợp đồng, rất tuyệt đối với các tác giả, đó là tôi chưa nói về số tiền họ hứa.

Có điều họ giành hết tất cả các quyền, cả quyền làm lại phim như họ muốn. Cộng với hàng lô lốc các điều khoản cấm và phạt vạ, mà vì các điều khoản này chúng tôi có thể mất việc bất cứ lúc nào và mất hết tiền. Khi chúng tôi chia tay, họ bảo trong trường kinh tế Mỹ họ được dạy rằng các kịch bản ở Nga có “hai sợi chỉ và hai tấm gương”, nhưng bây giờ họ đã hiểu là chỉ có “một sợi chỉ và một tấm gương”.

Việc không thành. Nam diễn viên Yura Stoyanov bèn khuyên: các ông tự viết sách đi, sau đó chuyển thể điện ảnh. Và chúng tôi đã làm thế.

Quyển sách nhận được giải thưởng cuộc thi mang tên Sergey Mikhalkov với phương châm: “Trẻ em ngày nay - nhân dân ngày mai”. Người ta đề nghị chúng tôi làm một phương án với 222 hình minh họa. Song song đó, chúng tôi viết kịch bản... Bây giờ phim đã xong. Chúng tôi đang đấu tranh để phát hành nó tại các rạp.

Nhưng nhiều thứ không dễ với phim thiếu nhi. Nếu một nhân vật của Chekhov từng nói “Đồng rúp là cánh buồm của thế kỷ 20” thì bây giờ “Đôla đang là cánh buồm thế kỷ”.

Về sứ mệnh của Hoa Kỳ

Trong hồi ký của công tước Volkonsky, tôi đọc được câu mà ông ấy đọc từ C.Dickens: “Sứ mệnh của Hoa Kỳ là dung tục hóa vũ trụ”. Không phải tôi, mà là Dickens đã nghĩ ra như thế từ thế kỷ 19. 

Nhưng tôi cho rằng sứ mệnh này đã hoàn thành. Chiến đấu với nó cực kỳ khó, bởi đã xuất hiện cái thay thế đặc biệt cho bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào - đó là lợi nhuận. Một tác phẩm có thể mang về bao nhiêu tiền. Chỉ thế thôi.

Bìa sách
Bìa sách

Về sự ăn năn

Các bạn hỏi tôi về sự ăn năn. Mỗi người đều có những sự thật cần che đậy. Ai đó cần chương trình của Menshova “Một mình với tất cả” để sám hối. Ai đó tìm đến vị linh mục. Theo tôi, xưng tội trong trả lời phỏng vấn là lẫn lộn giữa ăn chay với ăn kiêng. Ăn chay hướng đến nội tâm, ăn kiêng là để cho bề ngoài. Ăn kiêng để được nhìn thấy đẹp hơn, còn xưng tội là để nhìn thấy xấu hơn trước mắt người mà bạn đang xưng tội.

Làm sao có thể nói là cả một đất nước phải ăn năn? Người Đức là một ví dụ cho tất cả về việc họ ăn năn. Hãy nhớ lại lịch sử nước Đức, đó là một loạt tuần tự những nỗ lực phục thù. Trước đó là sự ăn năn, sau đó sự giận dữ tích tụ và rồi một nỗ lực phục thù tiếp theo, không thành công, lại ăn năn... Tôi không cho rằng họ đã bình tâm. Và sau đó khó mà nói cho cả đất nước.

Nước Nga phải ăn năn trong việc gì? Tôi nghĩ mỗi người cần bắt đầu từ chính mình, đừng nói cả đất nước phải ăn năn, còn tôi hoàn toàn gột rửa mình...

Về số phận điện ảnh

Vào cuối đời mình, Fellini nói với tôi: không phải điện ảnh của tôi kết thúc, mà là khán giả của tôi bỏ đi. Tôi không thể tưởng tượng vào hôm nay có thể gom được một phòng đầy khán giả đến xem những bộ phim kiểu như Tám rưỡi hoặc Dolce Vita. Đó là hậu quả của việc các đối tác Hoa Kỳ đã kết thúc thành công sứ mệnh của họ. Khái niệm dung tục rất dễ định lượng: khi quá êm ái hay quá đáng sợ, khi vượt quá mọi ranh giới.

Có thể những sản phẩm của Tarantino đối với tôi chỉ là một sự khiêu khích. Làm sao có thể vui được trước một người chết vì dùng thuốc quá liều? Làm thế nào một cái đầu bị bắn thủng có thể gợi lên tràng cười ha hả, khi não văng tứ tung trên ôtô và cần phải lau rửa nó? Nó nằm ngoài cái thiện và cái ác!

Nếu giới trẻ xem chúng thì sau đó chúng không thể xem Wild Strawberries của Bergman. Lúc nào họ cũng cần cù lét vào thần kinh của họ - nhát sợ, chọc cười... Tất cả chuyển động về hướng này. Điện ảnh đi theo chúng ta, giống như con chuột đến với cái bẫy chuột cho đến khi mọi thứ sập xuống. Và ở nước Nga cũng thế - hiện nay chính những đối tác ấy quyết định việc làm phim, quyết định chúng ta sẽ xem gì và không xem gì.

Về nghệ thuật đương đại

Có lần trong Bảo tàng Tretyakov có triển lãm lớn về Serov, sau triển lãm này tôi đi lướt qua những gian còn lại, đến gian “modern art”: những bệ tiểu được sơn phết và các màn biểu diễn. Tôi có nói chuyện với các chủ phòng tranh quen biết. Đấy anh đi dọc bảo tàng, một bức tranh phong cảnh với chữ ký “Một họa sĩ không nổi tiếng của nhóm Corot”, hay “Chân dung một người không quen biết. Một họa sĩ nông nô nào đó”. Nhưng có thể tưởng tượng người ta sẽ treo mẩu gỗ dán tô màu xấu tệ này rồi viết lên đó: “Một họa sĩ không nổi tiếng thế kỷ 20”. Nó có đại diện cho một giá trị độc lập? Nếu không có ba trang viết giải thích ngay bên cạnh thì chắc là không.

Tôi đọc ở đâu đó rằng sau khi chiếu “Hình vuông” qua tia X-quang, người ta phát hiện một hình chữ nhật màu đen với chữ ký của nhà báo Pháp: “Trận ẩu đả ban đêm của người da đen trong hang tối”. Bên dưới “Hình chữ nhật đỏ” là “Các hồng y giáo chủ thu hoạch cam trên Hồng Hải”. 

Còn đối diện với “Hình vuông” có tám người đứng bất động chiêm ngưỡng bức tranh một cách đầy cảm hứng. Nên không có gì ngạc nhiên nếu Bảo tàng Louvre trong một tháng không có bức “Mona Lisa”, dòng người xếp hàng đứng xem cái ô trống sẽ đông hơn những người xem chính hiện vật.

Ông Aleksandr Adabashyan
Ông Aleksandr Adabashyan

Về giới phê bình

Tôi luôn không thể chịu được phê bình. Chính vì thế giới phê bình cũng không yêu tôi. Có lần tôi đã nói bất cứ sự phê bình nào cũng giống như cuộc thảo luận của các thái giám về tình yêu. Họ ngồi ở hậu cung, thấy một số hành vi tình dục và họ tưởng đã biết hết. Ngoại trừ một chi tiết nhỏ mà họ không có, nhưng nó lại là chính yếu. Anh ta thấy thì thấy đó, nhưng thử làm thì…■


(*) TRÍCH DỊCH.

Ngay vào những lúc còn rất yên bình, tôi đã so sánh những gì đang diễn ra với đại dịch bạo lực. Khi đó, tôi hiểu Thế chiến thứ ba đã bắt đầu và như tất cả mọi cuộc chiến tranh, nó đang diễn tiến theo tất cả các quy luật của dịch bệnh - chẳng hiểu xuất hiện từ đâu và không biết khi nào kết thúc. Chỉ sau đó người ta mới đặt cho chiến tranh một ý nghĩa nào đó...

Tôi không cho rằng có logic trong những gì đang xảy ra. Những đất nước gọi mình là tự do và ủng hộ tự do ngôn luận lại trừng phạt ngôn luận. Nghiệt ngã và bất công nhân danh tự do ngôn luận. Tự do là gì? Vào thập niên 1960, khi ở Pháp xảy ra bạo loạn, ở đó người ta đã nói đến mức rằng “tự do - đó là cấm ngăn cấm”. Mọi thứ đều có thể.

Chúng ta phải cố sống sót qua dịch bệnh. Thành công hay không lại không tùy thuộc chúng ta. Xoay xở với nó bằng cách đồng thanh hô to rằng chúng tôi sẽ không mắc bệnh tả nữa thì sẽ không giúp được gì. Phải làm gì trong thời dịch tễ? Giữ vệ sinh cá nhân. Đừng ăn trong đĩa người khác, đừng đi đến những nơi tập trung đông người, đừng liếm láp đĩa hay tay người lạ. Cố sống bằng chính trí tuệ của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận