Gián đoạn tập luyện vì cách ly: Ngàn lẻ một nỗi lo của VĐV chuyên nghiệp

HUY ĐĂNG - KHƯƠNG XUÂN 09/05/2020 18:05 GMT+7

TTCT - Buồn chán chỉ là một vấn đề rất nhỏ trong vô số những vấn đề mà các VĐV thể thao chuyên nghiệp gặp phải khi cách ly mùa đại dịch.

Họ phải làm gì để duy trì thể lực, phong độ, không tăng cân và vượt qua những sức ép?

Ngôi sao thế giới cũng lo lắng

Có một thân hình được mô tả là “khiến các vị thần Hi Lạp cũng phải ghen tị”, nhưng với kình ngư người Mỹ Caeleb Dressel, một tháng cách ly vừa qua, anh đã phải vật lộn với cuộc chiến chống tăng cân.

Với 2 tấm HCV Olympic và 13 HCV vô địch thế giới, Dressel được xem là tay bơi nam mạnh nhất nước Mỹ hiện tại. Nhưng cũng không có ngoại lệ nào dành cho kình ngư 23 tuổi khi phải cách ly tại nhà. Bởi thế, anh chỉ có thể sử dụng hồ bơi 4 buổi/tuần để tập luyện, kém xa lịch tập 10 buổi/tuần mà anh duy trì trước đó.

Kình ngư Caeleb Dressel

Nhưng tập luyện cũng chỉ là vấn đề nhỏ, bởi Dressel được phép đến nhà của HLV thể lực Matt DeLancey - cách đó 5 phút đi bộ - để sử dụng các máy tập của ông. Điều mà kình ngư này lo lắng hơn là sự hãm mình trước những “đồ ăn rác” (“junk food”, ý nói những loại thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, kém lành mạnh mà dân Mỹ thường tiêu thụ).

“Bữa ăn trong mơ của tôi là kết thúc bằng một bịch bánh ngọt. Đã vậy, gã bạn cùng nhà còn rất giỏi làm bánh, một chuyện tồi tệ. Hắn ta làm bánh mọi lúc - Dressel nói về Ben Kennedy, người bạn thân của anh ở đội bơi của Đại học Florida - Trước đây, Ben thường mời tôi ăn bánh và tôi không bao giờ từ chối. Nhưng bây giờ tôi phải nỗ lực làm sạch chế độ ăn uống của mình. Tôi không phải người thường xuyên ăn những thức ăn rác, nhưng giờ đây khi không còn phải tập luyện 10 buổi/tuần, chuyện đó thật dễ dàng. Tôi có thể vớ lấy mọi thứ mà tôi thấy sau khi rời hồ bơi, vì khi đó tôi rất đói”.

Tăng cân là vấn đề mà mọi VĐV đều phải đối mặt khi trải qua những kỳ nghỉ, đặc biệt là các môn thể thao mang tính đối kháng như bóng đá. Các cầu thủ bóng đá thường không kiểm soát được trọng lượng cơ thể và phải chạy đua tìm lại hình thể phù hợp sau khi kết thúc kỳ nghỉ. Nhưng mùa cách ly ròng rã hàng tháng trời còn mang đến những thách thức lớn hơn - vì không ai biết điểm trở lại của mình.

“Chúng ta có thể thấy mọi thứ đang thay đổi rất nhanh. Mỗi ngày và mỗi tuần, tôi đều phải tự hỏi chúng tôi cần tập ra sao, mọi thứ sẽ diễn ra thế nào? Có một điều tôi không hề muốn chút nào, đó là hối thúc cầu thủ cứ tập luyện mà không rõ lý do” - HLV Frank Lampard nói về nỗi lo của ông với các cầu thủ ở Chelsea.

Thật vậy, tập luyện để có thể trạng, sức khỏe tốt là mục tiêu của hầu hết mọi người. Nhưng với VĐV chuyên nghiệp, họ đã quen với các mục tiêu thành tích rõ ràng và thiết lập chương trình tập luyện xoay quanh đó.

Các cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu trung bình một trận đấu đỉnh cao mỗi tuần. Các bài tập của họ đều hướng tới trận đấu đó, từ rèn thể lực, tốc độ, thả lỏng, tập nhẹ…, với chu kỳ hết sức đều đặn. Sẽ là vô lý nếu thiết lập chế độ tập tương tự ở thời điểm hiện tại, khi chẳng có trận cầu nào diễn ra!

Hầu hết các cầu thủ bóng đá đỉnh cao đều được CLB thiết lập một chế độ tập luyện khắt khe tại nhà. Nhưng các HLV thừa nhận điều này chỉ đủ để giúp họ duy trì thể lực và hình thể, còn thi đấu là chuyện hoàn toàn khác. Một HLV thể lực ở Giải ngoại hạng Anh tin rằng các cầu thủ cần ít nhất 3 tuần tập luyện mới lấy lại cảm giác thi đấu chuyên nghiệp.

Đó là với các VĐV có đầy đủ điều kiện tập luyện ở nhà, điều mà không phải ai cũng có. Morgan Lake, VĐV nhảy cao người Anh, cho biết cô không có đủ thiết bị để tự tập luyện tại nhà. “Tôi có thể chạy bộ, nhưng không thể tập nhảy cao thực sự. Không thể tập bằng cách nhảy qua hàng rào. Nhưng dù sao mọi người đều trong hoàn cảnh giống nhau, vì vậy đây không phải là một bất lợi quá lớn” - Lake nói.

Mất 40-50% phong độ

Trong khi đó, các VĐV VN phải nghỉ tập từ 3-5 tuần cho biết họ giảm từ 40-50% phong độ và sẽ phải mất nhiều thời gian để hồi phục.

Ngày 4-5, VĐV điền kinh Nguyễn Trung Cường (HCB SEA Games 30 nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật) vừa trở lại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) sau 4 ngày nghỉ lễ tại quê nhà Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Tại SEA Games 30, Nguyễn Trung Cường (0912) đã giành HCB nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Những ngày này, anh về quê gặt lúa phụ gia đình. Ảnh: NVCC
Tại SEA Games 30, Nguyễn Trung Cường (0912) đã giành HCB nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Những ngày này, anh về quê gặt lúa phụ gia đình. Ảnh: NVCC

Cường cho biết từ Tết Nguyên đán đến giờ anh mới có dịp về thăm gia đình. Lý do bởi sau tết anh ra Hà Nội tập trung với đội tuyển, sau đó dịch COVID-19 bùng phát, VĐV chỉ ở trung tâm “nội bất xuất ngoại bất nhập”.

Tranh thủ thời gian hết cách ly xã hội và nghỉ lễ, Cường về quê gặt lúa. Suốt hai ngày liên tục, VĐV 20 tuổi này nỗ lực gánh lúa từ đồng về nhà giúp cha mẹ. Anh chia sẻ: “Tập luyện liên tục nhưng không được đi thi đấu nên ảnh hưởng ít nhiều đến tinh thần, phong độ của VĐV. Sau nhiều tháng phải ở yên trong trung tâm, khi được ra ngoài tôi liền về nhà gánh lúa quần quật hai ngày giúp gia đình vì giờ đang là vụ gặt. Tôi rất hi vọng tháng 7 này Giải việt dã toàn quốc báo Tiền Phong sẽ được khởi tranh như dự định để VĐV chúng tôi có cơ hội thi đấu. Tập mà không được thi đấu thì khó mà tốt được”.

Tại SEA Games 30, Nguyễn Trung Cường (0912) đã giành HCB nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Những ngày này, anh về quê gặt lúa phụ gia đình. Ảnh: NVCC
Tại SEA Games 30, Nguyễn Trung Cường (0912) đã giành HCB nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Những ngày này, anh về quê gặt lúa phụ gia đình. Ảnh: NVCC

Do dịch bệnh, Trung tâm Nhổn bị cấm trại, VĐV phải hủy toàn bộ kế hoạch tham dự các giải trong nước và quốc tế, nên các HLV phải tìm đủ mọi cách để duy trì phong độ cho VĐV.

HLV Trần Văn Sỹ, đội tuyển điền kinh VN, cho biết đội tuyển điền kinh phải tự tổ chức một cuộc thi đấu nội bộ vào cuối tháng 3, có sự chứng kiến của lãnh đạo bộ môn, Liên đoàn Điền kinh. Ngày 29-4, cuộc thi đấu nội bộ thứ hai diễn ra và cuộc thứ ba sẽ diễn ra ngày 25-5 để VĐV có chút cảm giác thi đấu.

Anh Sỹ nói: “Đội tuyển điền kinh VN vẫn tập luyện suốt những ngày cách ly xã hội tại Nhổn, nhưng tình hình dịch bệnh khiến VĐV bị ức chế tâm lý, cơ bắp mỏi mệt. Vì vậy HLV phải điều chỉnh các bài tập chuyên môn cho VĐV khi khối lượng và cường độ vận động không thể đạt được như bình thường. Khi có các cuộc thi đấu nội bộ, thần kinh và sự hưng phấn của VĐV được đẩy lên một mức độ nào đó thì mới có thể tập những bài nặng hơn. Hiện giờ phong độ của các VĐV chỉ mới đạt 80-90%”.

Kình ngư Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng) - thành viên đội tuyển bơi lội VN - cho biết dịch bệnh ảnh hưởng không ít đến việc luyện tập của anh và đội tuyển bơi lội VN tại Đà Nẵng. Trong thời gian cách ly xã hội, do không thể xuống bể bơi tập luyện, Quý Phước và các VĐV phải tập thể lực trên bờ, chủ yếu là các bài chạy bộ, nên cảm giác dưới nước của VĐV rất hạn chế.

Với bóng đá, trong 4 tuần ở nhà, các tuyển thủ quốc gia Văn Quyết, Quang Hải, Đức Huy… cho biết đã phải tự tập thể lực để hạn chế sự sa sút phong độ.

Tiền đạo Văn Quyết tâm sự: “Sau một tháng nghỉ đá bóng, tôi chỉ còn khoảng 50% phong độ. Khi cách ly ở nhà tôi vẫn tập thể lực với các bài tập cơ lưng, cơ bụng nhưng nói thật tập ở nhà rất chán, bởi không có không gian, đồng đội. Điều quan trọng nhất với bóng đá là cảm giác bóng thì thời gian này chúng tôi lại không được chạm vào bóng. Sau khi tập trở lại từ ngày 27-4, CLB duy trì tập ngày hai buổi, mỗi buổi hai tiếng rất nặng để bù đắp những gì đã mất”.■

"Tôi từng trải qua chứng trầm cảm. Các VĐV sẽ cảm thấy căng thẳng khi lịch thi đấu thể thao chuyên nghiệp bị trì hoãn quá lâu. Họ tập luyện là để thi đấu". (Michael Phelps)

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận