Harmonica Việt Nam: Cây kèn nhỏ bước vào cuộc chơi lớn

TUẤN KHANH THỰC HIỆN 06/08/2015 17:08 GMT+7

Harmonica ở Việt Nam tưởng chừng chỉ là cuộc chơi nghiệp dư giải trí, ấy vậy mà đã có một dàn nhạc được thành lập âm thầm, nay đã lên đến 50 người, đủ sức trình tấu những nhạc phẩm phức tạp, thu hút người xem trong và ngoài nước.

Năm thành viên của Dàn nhạc harmonica Việt Nam (VNHO) trong những ngày tập nước rút chuẩn bị dự SIHF - Ảnh: Q.T.

Dàn nhạc Vietnam Harmonica Orchestra (VNHO) vào ngày 29-7 đã lên đường sang Hàn Quốc tham dự Seoul International Harmonica Festival (SIHF), một trong những liên hoan danh tiếng riêng của nhạc cụ harmonica. TTCT trò chuyện cùng ông Hoàng Mạnh Hà, sáng lập viên VNHO, về sự kiện này.

Nhân dịp dàn nhạc harmonica của ông sang Hàn Quốc tham dự SIHF 2015, ông có thể cho biết đôi chút về tầm vóc của festival này và những “đối thủ” mà nhóm Việt Nam sẽ đứng cùng sân khấu?

- SIHF 2015 quy tụ các dàn nhạc, nhóm nhạc, cây solo harmonica từ khắp nơi trên thế giới, đông nhất là khu vực châu Á. Festival này diễn ra hằng năm, do Hiệp hội Giáo dục harmonica Hàn Quốc (Korea Harmonica Education Association - KHEA) tổ chức.

Giám khảo và diễn giả là những nghệ sĩ harmonica lừng danh thế giới mà những ai chơi harmonica đều ao ước một lần gặp gỡ. Đó là nghệ sĩ Howard Levy đến từ Mỹ. Ông được mệnh danh là “quái vật” harmonica với khả năng khám phá kỹ thuật chơi kèn kết hợp giai điệu và đệm hợp âm rải (arpeggio) cùng lúc trên cùng một cây kèn. Hay nghệ sĩ Branden Power đến từ Anh, người chế tạo và cải tiến các loại kèn harmonica đôi (twin harmonica)...

Song song với các cuộc so tài harmonica, tại festival còn có nhiều hội thảo với các diễn giả tên tuổi nêu trên; hội chợ harmonica - nơi người yêu mến harmonica tha hồ chiêm ngưỡng đủ loại kèn từ khắp thế giới; “bệnh viện” harmonica là nơi các tay chơi có thể đưa kèn của mình đến bảo dưỡng, sửa chữa...

Danh sách đối thủ của nhóm harmonica Việt Nam được ban tổ chức giữ bí mật. Tuy nhiên, theo dõi các đội thi của những năm trước, đó có thể là những dàn nhạc, nhóm nhạc nặng ký đến từ Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc..., nơi phong trào harmonica đã đi trước chúng ta ba bốn chục năm. Họ có bề dày hoạt động, từng tham gia World Harmonica Festival tại Đức...

Trở thành một môn trình diễn được thế giới biết tới, Harmonica Việt Nam chắc chắn phải có một quá trình?

- Sự kiện đánh dấu harmonica ở Việt Nam được “thế giới biết tới” có lẽ phải kể đến việc ngài Ben Hewlett - chủ tịch Liên đoàn Harmonica Vương quốc Anh, đến Việt Nam diễn thuyết. Ông đã chủ động liên hệ với chúng tôi và đặt vấn đề sang Việt Nam. Trước khi liên hệ, ông đã tìm hiểu thông tin về VNHO, xem rất kỹ các clip biểu diễn của VNHO trên truyền hình, được tải lên YouTube.

Tiếp theo, lần này được phía Hàn Quốc biết đến và đánh tiếng mời thông qua sự giới thiệu của anh Mai Thanh Sơn - giảng viên Nhạc viện TP.HCM.

Những thành quả, clip biểu diễn trên truyền hình hay những chương trình biểu diễn của VNHO... là kết quả nỗ lực học hỏi, tập luyện của cả tập thể hơn hai năm qua kể từ ngày thành lập. Một năm đầu chúng tôi chủ yếu đóng cửa tập luyện, sau đó bắt đầu biểu diễn.

Ông Hoàng Mạnh Hà - Ảnh: Tuấn Khanh

Nói một chút về harmonica, xin ông cho biết về trình độ chung của thế giới và vị trí hiện nay của Việt Nam?

- Thế giới đã đi rất xa chúng ta. Ngay từ giữa thế kỷ trước tại châu Âu và Mỹ, phong trào và trình độ harmonica đã phát triển rực rỡ, xuất hiện nhiều nghệ sĩ lừng danh như Larry Adler (chuyên về kèn chromatic harmonica), Sonny Terry (blues harmonica)...

Ở giai đoạn ấy, các nhóm nhạc harmonica bên châu Âu phát triển như nấm mọc sau mưa. Cho đến nay, khi xem những clip trắng đen họ biểu diễn thời bấy giờ, những người mê harmonica vẫn không khỏi kinh ngạc trước trình độ và kỹ thuật siêu đẳng đã có từ thời đó. Các liên hoan harmonica trên thế giới phải kể đến Festival Harmnoica thế giới (World Harmonica Festival) tổ chức tại Đức. Ở khu vực chúng ta thì có Liên hoan harmonica châu Á - Thái Bình Dương...

Ở khu vực châu Á, Dàn nhạc harmonica ĐH Quốc gia Singapore có bề dày hoạt động 30 năm, thành viên lên đến hàng trăm người. Riêng Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan là con số không.

Chúng ta mới chỉ chơi harmonica như một món đồ chơi trong một số sinh hoạt như picnic, những bữa tiệc nhỏ và chỉ thổi được những bản nhạc đơn giản. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây ở Việt Nam ngày càng có nhiều người chơi loại kèn harmonica chuyên nghiệp (chromatic harmonica, loại kèn có nút bấm, có thể thổi được cả nốt thăng giáng và thể hiện được nhiều kỹ thuật).

Học hỏi các nước đi trước, VNHO được thành lập theo mô hình một dàn nhạc (orchestra). Chúng tôi cũng đi tiên phong nhập về những loại kèn harmonica đặc biệt để chơi trong dàn nhạc như bass harmonica, chord harmonica...

Từ khi có hoạt động của VNHO thì lượng kèn chromatic harmonica nhập về Việt Nam cũng tăng đột biến. Anh Nguyễn Quí Đôn, giám đốc Công ty nhạc cụ Doremi, cho biết chính hãng sản xuất kèn Hohner ở Đức cũng ngạc nhiên là tại sao Việt Nam bỗng dưng nhập khẩu nhiều loại kèn chuyên nghiệp nhiều thế.

Phần trình diễn của VNHO là gì? Với các tác phẩm Việt Nam thì phần chuyển soạn và hòa âm ông cũng là người thực hiện? 

- Ban đầu nhóm chỉ định dự thi một tác phẩm ngũ tấu Bay tới hòa bình do nhạc sĩ Nguyễn Hương Thành sáng tác riêng cho nhóm đi dự festival. Bản khí nhạc này viết bằng chất liệu âm nhạc Tây nguyên, sở trường của nhạc sĩ Nguyễn Hương Thành. Tuy nhiên, gần đến ngày đi thì ban tổ chức liên tục hối thúc đoàn Việt Nam tăng thêm bài. Do đó chúng tôi chuẩn bị thêm một bản tam tấu Trống cơm và bản solo Chim K’Tia.

Nói chung cả ba bản nhạc đều đậm chất dân tộc. Nhạc sĩ Nguyễn Hương Thành viết riêng một bài, phối khí hai bài. Anh là người rất mát tay trong việc phối các bản dân ca với tiết tấu và màu sắc hiện đại. Qua bản phối bước đầu, tôi là người nghiên cứu khai thác tối đa các tính năng của cây kèn harmonica để đưa vào bài phối. Có bản phối đẹp và phải khai thác tối ưu các kỹ thuật riêng có trên cây harmonica.

Mọi thứ đều phải bắt đầu với căn bản, việc huấn luyện cho hơn 50 người trong nhóm nhạc harmonica của ông là do tự luyện tập hay dựa trên một chương trình cụ thể nào? Những bài học đó có cập nhật và tương đương trình độ chung thế giới?

- Hầu hết thành viên trong dàn nhạc đều được học qua các lớp harmonica do tôi dạy, trước khi trở thành thành viên chính thức của VNHO. Giáo trình hiện nay cũng do tôi biên soạn dựa theo kinh nghiệm sư phạm và những điều tôi tiếp thu được trên thế giới qua mày mò tự nghiên cứu.

Cuốn Làm bạn với harmonia tôi đã biên soạn xong và áp dụng để dạy khá hiệu quả, nhưng tôi vẫn lần lữa chưa xuất bản. Có lẽ sau đợt festival này về tôi sẽ “bấm nút¨ cho xuất bản.

Trước năm 1975, harmonica cũng đã có một giai đoạn hưng thịnh...Hôm nay có vẻ như harmonica đang khởi sắc trở lại. Có sự khác biệt nào giữa hai giai đoạn của phong trào harmonica này?

- Khác biệt lớn nhất là hiện nay có Internet. Qua Internet, chúng tôi dễ dàng cập nhật trình độ của thế giới, nắm bắt thông tin của làng harmonica thế giới hơn. Thế giới xuất hiện loại kèn nào mới chúng tôi đều biết. Ít ai hình dung ra ngồi tại Việt Nam mà tôi hằng ngày vẫn chat chit với ông chủ tịch Liên đoàn Harmonica Anh.

Cũng không thể tin được rằng ông tổng biên tập tạp chí Harmonica World lại đặt tôi viết bài cho tạp chí của ông. Không lâu nữa, những thông tin của làng harmonica Việt Nam sẽ xuất hiện trên cuốn tạp chí về harmonica hàng đầu thế giới.

So với nhiều nhạc cụ và bộ môn văn nghệ khác, harmonica có vẻ như nghệ sĩ và ít thực dụng, nhưng điều đó có là hạn chế do chỉ là môn chơi của một số người mang tính tạm thời?

- Đó là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm, vì sẽ khó tìm ra những con người dấn thân thật sự cho harmonica, dám lấy harmonica làm sự nghiệp. Ở các nước, chỉ riêng với harmonica có thể tạo ra nhiều khía cạnh, có người trở thành người dạy harmonica chuyên nghiệp, người biểu diễn chuyên nghiệp, người theo khía cạnh chế tạo, sản xuất kinh doanh, buôn bán...

Ở Việt Nam hơi khác, do cách nhìn của mọi người. Có lẽ từ trước đến nay người ta chỉ biết đến cây kèn thường thấy trong mỗi gia đình với giá rất bèo, chỉ vài trăm nghìn đồng. Đương nhiên những cây kèn đó cũng chỉ thổi được những bài đơn giản, cho nên chẳng ai nghĩ đến việc đầu tư học hành bài bản.

Tình hình gần đây đã khác. Đã có bạn trẻ dám đặt mục tiêu “năm 20 tuổi em phải là Hohner Master”. Đó là một danh hiệu cao quý do hãng sản xuất kèn lừng danh thế giới công nhận. Và với lòng đam mê, nhiệt huyết như một số học trò của tôi hiện nay, tôi nghĩ không xa nữa sẽ có những lớp nghệ sĩ harmonica sánh vai với các môn khác như saxophone, piano, guitar, violon...

Giờ đây, nếu công chúng hâm mộ muốn tìm đến tham gia và học hỏiở VNHO, ông đã có một địa chỉ để tiếp nhận?

- Hiện nay các khóa học tại BACH Music Shool (39 Hoa Lan, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) do tôi phụ trách vẫn mở cửa đón nhận học viên mỗi ngày. Ngoài ra, tôi còn các lớp học rất vui, tổ chức tại quán cà phê Cao Minh. Học viên được học bài bản để có thể nhìn tổng phổ chơi harmonica, thực hành với nhạc đệm và nếu thích sẽ thành thành viên của Dàn nhạc VNHO.

Xin cảm ơn ông.              

Ảnh: Gia Tiến

VNHO là dàn nhạc harmonica quy mô đầu tiên tại Việt Nam, thành lập từ năm 2013, trực thuộc Trường âm nhạc B.A.C.H. Dàn nhạc quy tụ gần 50 thành viên, hoạt động theo mô hình như một dàn nhạc giao hưởng bằng kèn harmonica. Nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc chuyên nghiệp là thạc sĩ Nguyễn Bách, người phối khí là nhạc sĩ Lê Quang Vũ, nhạc sĩ Nguyễn Hương Thành - Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Giám đốc dàn nhạc là nhà báo - nghệ sĩ Hoàng Mạnh Hà. Anh là người sáng lập, lo công tác đào tạo, huấn luyện chuyên môn về harmonica cũng như điều hành dàn nhạc.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận