Khi cầu thủ làm nghề tay trái

NGUYỄN VŨ 16/05/2020 17:05 GMT+7

TTCT - Tập trung thi đấu chuyên nghiệp, nhưng nhiều cầu thủ Việt Nam còn tập tành kinh doanh để lo cho tương lai.

Nguyễn Công Phượng là ông chủ của hai quán cà phê mang tên CP10 ở Gia Lai và Hà Nội.

Trần Hữu Đông Triều cũng đang chuẩn bị khai trương quán ăn món Quảng thứ hai ở TP.HCM, sau quán đầu ở Đà Nẵng.

Nguyễn Tuấn Anh thì kinh doanh homestay ở Pleiku.

Lê Đức Lương có hẳn một thương hiệu riêng chuyên thiết kế thời trang cho giới trẻ…

“Bóng đá là đam mê, cà phê là tri kỷ”

Tiền đạo Nguyễn Công Phượng có lẽ là người có máu kinh doanh sớm nhất trong số các cầu thủ của Học viện HAGL - JMG. Trở về sau khi sang Nhật Bản khoác áo CLB Mito Hollyhock vào năm 2016, Công Phượng quyết định mở một quán cà phê nhỏ ở Pleiku để thử sức kinh doanh và nhằm tận dụng lượng fan rất lớn của mình.

Quen một kiến trúc sư ở Pleiku, Công Phượng tâm sự về ý tưởng kinh doanh đầu tiên của mình và lập tức được ủng hộ nhiệt tình bằng một thiết kế miễn phí. Quán nhỏ nhắn, nội thất gỗ đơn giản nhưng cũng khá bắt mắt. Tên quán, vốn viết tắt từ tên và số áo thi đấu của anh là CP10, được thiết kế cùng slogan: “Bóng đá là đam mê, cà phê là tri kỷ”.

Công Phượng tại quán CP10 của mình ở Hà Nội Ảnh: NVCC
Bùi Thanh Bình - Người có khuôn mặt khá giống Công Phượng tại quán của thần tượng Ảnh: NVCC

Quán cà phê CP10 ra đời vào tháng 11-2017, với chi phí đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Lượng khách hằng ngày khá ổn định, tăng đột biến mỗi cuối tuần khi CLB HAGL thi đấu trên sân nhà.

Đó cũng là lý do giúp Công Phượng tự tin mở thêm quán thứ hai ở Hà Nội vào tháng 5-2018 với chi phí tương tự. Quán nằm đối diện bệnh viện nên cũng khá đông khách, càng đông hơn mỗi dịp đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia tập trung tại Hà Nội chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế. Người hâm mộ ngoài việc tìm đến sân tập để tiếp cận Công Phượng, còn đến quán với hi vọng có dịp gặp “ông chủ” nổi tiếng.

Sức hút của Công Phượng quả thật rất lớn. Có người hâm mộ vì quá mê Công Phượng nên đã đến quán xin làm nhân viên phục vụ để được giáp mặt thần tượng. Bùi Thanh Bình - một người có khuôn mặt khá giống với Công Phượng - nhân viên của quán, là một người như vậy. “Ngoài việc hè vừa thi xong cũng khá rảnh, muốn đi làm cho biết, tôi còn mê Công Phượng. Nên khi nghe quán cà phê CP10 tuyển nhân viên phục vụ là đăng ký làm ngay. Lượng khách khi đó khá đông, chủ yếu từ sáng đến đầu giờ chiều. Công Phượng thỉnh thoảng có dịp tập trung đội tuyển thì ghé quán, những dịp như thế, tôi và những người hâm mộ khác rất vui”, Thanh Bình kể.

Không chỉ kinh doanh cà phê, Công Phượng còn tính tham gia thêm những lĩnh vực khác. Mới nhất, anh góp 20% vốn cho quán ăn món Quảng sắp khai trương của người đồng đội thân thiết, trung vệ Trần Hữu Đông Triều, tại TP.HCM.

Tham vọng của anh chàng xứ Quảng

Năm 2012, bộ tứ xuất sắc nhất của Học viện HAGL - JMG là Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng và Trần Hữu Đông Triều được sang CLB Arsenal tập huấn.

Sau chuyến đi đó, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đều trở thành những ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Chỉ có Đông Triều là chững lại. Đó cũng là lý do thôi thúc anh chàng quê Đại Lộc, Quảng Nam này nỗ lực hơn cả trong và ngoài sân cỏ để lo cho tương lai.

Đông Triều mở quán ăn xứ Quảng tại Đà Nẵng được vài năm và tình hình kinh doanh khá ổn. Anh xoay xở đầu tư cho quán thứ hai ở TP.HCM, dù thậm chí phải bán cả xe hơi từng dành dụm mua được trước đây. “Quán ở TP.HCM có mặt bằng khá đẹp nên chi phí thuê mắc. Hơn nữa, tôi phải chuẩn bị cho việc 6-9 tháng đầu tiên có thể lỗ để có chi phí vận hành. Vì thế, tôi phải xoay nhiều nguồn để chuẩn bị sẵn” - anh kể.

Đông Triều dồn nhiều tâm huyết cho quán ăn thứ hai, vốn sẽ bán chủ đạo hai món mì Quảng ếch và bánh tráng cuốn thịt heo. “Nếu kinh doanh thành công, tôi sẽ cho các đồng đội khác hùn vốn để mở chuỗi quán” - anh mơ ước.

Triều tỏ ra rất chỉn chu trong kinh doanh, nghiên cứu rất kỹ xem trong bán kính 3-5km ở quán định mở có nơi nào bán trùng món ăn của mình hay không. Chọn được mặt bằng ưng ý rồi, anh dành thời gian đứng quan sát nhiều lần để nghiên cứu lưu lượng xe cộ đi qua, phân tích cơ hội kinh doanh.

“Ra kinh doanh, tôi phải nghiên cứu thị trường và nhu cầu khách hàng xem họ muốn gì để đầu tư thích hợp. Tiêu chí chất lượng được đặt lên hàng đầu, thịt và rau đều được chuyển từ Quảng Nam vào. Rau là do nhà tôi tự trồng nên rất đảm bảo”, anh chia sẻ.

Đông Triều giải thích về nguồn vốn của mình: Với 75 triệu đồng tiền thưởng cho chức vô địch Giải U21 quốc tế 2015 trên sân Thống Nhất, anh vay thêm cho chẵn 200 triệu để mua đất ở Quảng Nam. Hai năm sau, miếng đất ấy đã thành 1 tỉ đồng và nhờ vậy, anh có một số vốn kha khá.

Quán ăn sắp mở của Đông Triều ở TPHCM.

Kinh doanh không hề dễ dàng

Cũng đầu tư một ít cho bất động sản, nhưng thiết kế thời trang mới là công việc ưa thích của hậu vệ từng khoác áo đội tuyển U23 Việt Nam Lê Đức Lương (sinh năm 1994).

Tháng 10 năm ngoái, Đức Lương cùng vài người bạn thân ở Bình Dương bắt đầu tự mày mò thiết kế thời trang, rồi tự tin mở shop bán với thương hiệu 2Brothers.

Anh kể: “Tôi vốn đam mê thời trang, nên nghĩ tại sao mình không thử tự thiết kế đồ để mặc, tặng cho bạn bè và có thể kinh doanh thử. Nói với bạn bè, họ cũng ủng hộ, thế là chúng tôi mạnh dạn làm”.

Đức Lương kể ngoài thời gian dành cho bóng đá, anh lên mạng tìm hiểu xu hướng thời trang thế giới để cùng nhóm của mình thiết kế cho phù hợp xu thế cũng như cho giới trẻ như mình. Sản phẩm thời trang của Đức Lương nhanh nhạy nhắm đến từng sự kiện như Ngày của mẹ, Ngày phụ nữ Việt Nam, Lễ tình nhân…

Để quảng bá sản phẩm, anh diện đồ của mình thiết kế, nhờ những đồng đội như tiền vệ Nguyễn Phong Hồng Duy, tiền đạo Đinh Thanh Bình mặc, chụp ảnh và quảng cáo trên Facebook. “Chúng tôi làm theo sở thích, không làm theo số lượng. Dù vậy, điều đáng mừng là việc kinh doanh cũng tạm ổn khi được khá nhiều bạn trẻ mua ủng hộ”.

Nhưng không phải cầu thủ HAGL nào cũng kinh doanh thành công như Công Phượng, Đông Triều hay Đức Lương. Tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1995) từng thuê một ngôi nhà cũ ở Pleiku cải tạo lại rồi kinh doanh homestay hồi tháng 9-2018.

Tuấn Anh kể: “Năm 2018, tôi bị chấn thương nên có nhiều thời gian suy nghĩ và bật ra nhiều ý tưởng, rồi quyết định thử xem mình làm được đến đâu và thử kinh doanh homestay. Thật ra, khi đó tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế, chủ yếu là tiện cho mình, có nơi ở trên phố. Bên cạnh đó, tôi có thể có được những điều thú vị, mới mẻ từ những vị khách ở khắp nơi mà mình sẽ gặp khi họ đến thuê homestay”.

Nhưng làm được một tháng, Tuấn Anh phải sang Hàn Quốc chữa trị chấn thương. Khi bình phục, anh được HLV Park Hang Seo triệu tập vào đội tuyển Việt Nam thi đấu ở vòng loại World Cup 2022 suốt năm 2019, thời gian dành cho kinh doanh không còn. Anh quyết định dừng việc kinh doanh lại.

Nhiều cầu thủ khác đang còn thi đấu cũng kinh doanh thêm. Trung vệ Bùi Tiến Dũng năm 2019 đã khai trương quán cà phê FiveStar tại quận Hà Đông (Hà Nội). Hậu vệ Sầm Ngọc Đức (TP.HCM) kinh doanh quán bún đậu mắm tôm A Sầm tại quận Tân Bình.

Nhưng kinh doanh lớn vẫn là cựu tiền đạo Nguyễn Anh Đức khi anh đầu tư ở nhiều lĩnh vực đồ thể thao, khách sạn, nhà hàng, spa, sản xuất và xuất khẩu nông sản, tổ chức sự kiện thể thao… ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận