Khi nghệ sĩ hài bàn về khí hậu

LÊ MY 09/10/2021 17:25 GMT+7

TTCT - Xưa nay, biến đổi khí hậu chẳng phải là chuyện vui vẻ gì. Mấy chương trình khoa giáo, phim tài liệu và tin tức thường khiến chúng ta thấy chán nản và tội lỗi. Những host (người dẫn) nổi tiếng của truyền hình Mỹ liệu có làm khá hơn, khi bàn về chủ đề này dưới lăng kính hài hước trong các chương trình trò chuyện đêm khuya trứ danh của mình?

 
 Minh họa: Guillaume Chiron thiết kế cho Wellcome Collection

“Nhiều người buồn bã vì mùa hè đã qua. Nhưng nhờ ơn biến đổi khí hậu... không hề nhé!”, danh hài Jimmy Fallon “an ủi” nước Mỹ trong chương trình đêm muộn của mình - The Tonight Show trực tiếp trên Đài NBC ngày 22-9. Ai cũng phải tức (mà) cười khi nhớ về mùa hè 2021 với nắng hạn, cộng cháy rừng, cộng lũ lụt rải rác Bắc Bán cầu.

Cùng lúc đó, trên Đài CBS, Stephen Colbert của chương trình The Late Show tiết lộ về thỏa thuận khí hậu Paris: “Chỉ mới có một quốc gia trên thế giới đã đệ trình kế hoạch giảm nhẹ biến đổi khí hậu vào năm 2030: Gambia”. “Ôi, tội nghiệp cho Gambia... Họ giống như đứa nhỏ duy nhất trong lớp chịu làm bài tập nhóm, và những người còn lại thậm chí chẳng có ý định chia tiền in ấn”, Colbert nhả một miếng hài sâu cay.

Đó là 2 trong số 7 chương trình trò chuyện đêm khuya “triệu view” của Mỹ đã đồng loạt dùng lăng kính hài hước để “soi rọi” cuộc khủng hoảng khí hậu vào tối 22-9, mà các host gọi là “đêm khí hậu”. Vì biết tâm lý chán nản và thấy tội lỗi xung quanh chủ đề này, cả 7 chương trình đều có thông báo nửa đùa nửa thật: “Quý vị đừng mất công chuyển kênh”.

Sử dụng nhiều cách chọc cười khác nhau, các host cùng với khách mời (có cả nhà khoa học và tỉ phú công nghệ) đã “giữ chân” biết bao nhiêu là khán giả, dù họ bàn về những vấn đề xám xịt, như chuyện rùa biển đực “lao lực” vì cái nóng đang gián tiếp tạo ra nhiều rùa cái hơn, hay một tương lai khan hiếm mì ống vì khí hậu không còn thuận lợi cho cây lúa mì...

“Cười trước một thảm họa có thể giúp vấn đề đó dường như ít đáng sợ hơn - thậm chí có thể dễ giải quyết hơn”, cây hài kỳ cựu Steve Bodow, người đứng sau ý tưởng “đêm khí hậu” chia sẻ với CBS News. Đây là một phần của sáng kiến Tuần lễ khí hậu (20 đến 26-9), khởi động nhân cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, nơi hàng trăm vị lãnh đạo thế giới gặp gỡ các nhà hoạt động môi trường.

Niềm tin của những “người thích đùa” này thật sự được chống lưng bằng nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Theo đó, đùa cợt về khí hậu - và những vấn đề khoa học khác - có thể góp phần thu hút công chúng. Khi chọc cười thành công khán giả, kể cả bộ phận ít quan tâm hoặc hiểu biết về khí hậu nhất, ta đã ít nhiều đưa vào đầu họ những thông tin khoa học, thông điệp môi trường, theo cách ít gây khó chịu nhất. Cách tiếp cận hài hước, bình dân còn tránh được việc sa lầy vào các thuật ngữ, số liệu và tranh luận căng thẳng.

Một nghiên cứu năm 2018 trên tập san Journal of Communication chỉ ra rằng: lăng kính hài hước là một công cụ hữu ích để thúc đẩy người trẻ từ 18 - 24 tuổi tham gia vào vấn đề biến đổi khí hậu. Bên cạnh thủ pháp châm biếm vừa gây cười, vừa gây... nhói, kiểu hài “không làm xấu mặt ai” cũng hiệu quả không kém. Khi sinh viên tham gia sáng tạo những miếng hài “thân thiện” thay vì giễu nhại sâu cay, họ giải quyết được các cảm xúc tiêu cực về sự nóng lên toàn cầu, nuôi dưỡng hy vọng và hứa hẹn trở thành những nhà truyền thông khí hậu - theo một bài báo năm 2019 trên tạp chí nghiên cứu về hài kịch Comedy Studies.

Bản thân giới học thuật cũng đã bắt đầu xuất hiện những cây hài. Trang Wellcome Collection giới thiệu tiến sĩ khí hậu Matt Winning của ĐH College London (Anh): ban ngày thì nghiên cứu, ban đêm thì đi diễn hài độc thoại. “Có những điều cơ bản đối với một nghệ sĩ hài, chẳng hạn như tạo cho cả khán phòng cảm giác gắn kết và giống như tất cả đang cùng chia sẻ một trải nghiệm mà họ thấy thoải mái”, Winning cho biết. Để đạt được điều đó, trong một buổi diễn, nhà khoa học kiêm nghệ sĩ hài này chọn chủ đề “không của riêng ai” như: có nên đẻ con giữa thời buổi khủng hoảng khí hậu?

Ngày nay, một nụ cười không chỉ là thuốc bổ, mà còn có thể truyền tải bao thông điệp, kể cả những đề tài “nghe tới là muốn tắt đài”, như giảm tiêu thụ đồ nhựa, tin tưởng vào vắc xin và không ngừng nghi ngờ tin giả. Việt Nam là một dân tộc thích cười. Nghệ sĩ giải trí trong nước có thể dành thời gian hợp tác với các nhà khoa học để thúc đẩy phong trào khí hậu, hài hước về những viễn cảnh như phần lớn diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM có thể nằm dưới mực nước biển, thay vì chụp cả ngàn tờ giấy đăng lên mạng được không? Riêng người viết thì mong lắm thay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận