Khi sách bị cấm ở trường học

TRÚC ANH 25/02/2022 18:10 GMT+7

TTCT - Nhà tù kiểm duyệt sách đã đành, ngay ở chốn học đường, chuyện cấm sách cũng đã liên tục diễn ra trong hơn một thế kỷ qua ở Mỹ, nhân danh bảo vệ trẻ em. Làn sóng đó đã trở lại và vẫn tiếp diễn, từ cuối 2021 đến nay.

 
 Ảnh: AFP

Tại Tennessee, nơi những quyển sách văn học hư cấu bị vùi trong lửa, hội đồng trường học quận McMinn hồi cuối tháng 1 yêu cầu cấm Maus, hồi ký dưới dạng truyện tranh về nạn diệt chủng Holocaust của tác giả Art Spiegelman, lưu hành trong trường học. Các quan chức giáo dục McMinn cho rằng họ không phản đối chuyện dạy về thảm sát, nhưng những lời nói tục tĩu, cảnh khỏa thân, hình ảnh bạo lực và mô tả cảnh tự tử trong Maus “quá người lớn để được dùng trong nhà trường”.

Trước đó, tháng 12-2021, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rob Standridge (bang Oklahoma) đề xuất một dự luật yêu cầu cấm sách đề cập đến việc nghiên cứu về giới tính, hoạt động tình dục, bản dạng giới trong trường và thư viện trường, cùng với một dự luật khác liên quan đến các yêu cầu buộc đăng ký các khóa học về tính đa dạng ở các trường cao đẳng và đại học. Tương tự, dân biểu bang Texas Matt Krause, cũng là một người Cộng hòa, hồi tháng 11-2021 cũng đưa hơn 800 tựa sách vào tầm ngắm, hầu hết là sách về vấn đề chủng tộc và LGBTQ. 

Trong thông cáo do Văn phòng thượng nghị sĩ Oklahoma phát, Standridge cho rằng mục đích của hệ thống giáo dục công của Mỹ là dạy học sinh về toán, lịch sử, khoa học và các lĩnh vực học tập cốt lõi khác, và “không may là ngày càng có nhiều trường học đang cố gắng dạy dỗ học sinh bằng cách cho chúng tiếp xúc với các giáo trình và khóa học về giới tính, tình dục và nhận dạng chủng tộc”. Theo chính trị gia này, hệ thống giáo dục công miễn phí của Mỹ không phải là nơi dạy những bài học đạo đức, chuyện đó nên để cho cha mẹ và gia đình, và 2 đạo luật ông đề xuất sẽ “bảo đảm những bài học kiểu này chỉ diễn ra ở nhà và nằm ngoài ngoài lớp học”.

Những lý lẽ như thế có hợp lý không? “Hãy tìm đọc những quyển sách mà trường học muốn cấm”, tác giả Emma Sarappo viết trên The Atlantic, và cho rằng nhiều đầu sách đang bị tấn công chỉ vì chúng làm đúng chức năng của văn học.

Spiegelman vẽ Maus để thuật lại những điều địa ngục trần gian mà cha mình, một người Do Thái Ba Lan sống sót sau thảm họa Holocaust, đã kinh qua, bao gồm thời gian ở trại tập trung Auschwitz. Làm sao nói về Holocaust mà không có những điều xấu xí kinh hoàng, khi đấy là một trong những tội ác khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại? Những cảnh khỏa thân trong truyện xuất hiện khi người Do Thái (dưới hình tượng chuột, đối lập với người Đức là mèo) bị lột truồng trước khi xử tử, một sự thật lịch sử và theo Sarappo, giấu những hình ảnh này với trẻ em đồng nghĩa với cố tình phớt lờ sự tàn bạo của thảm họa diệt chủng.

Theo Sarappo, Maus không phải là nạn nhân đầu tiên hay cuối cùng của một hệ tư tưởng nhân danh bảo vệ trẻ em nhưng thật ra lại khiến chúng không biết gì về thế giới. Những “nạn nhân” khác có thể kể đến là 13 tựa sách, trong đó có nhiều quyển đã dịch sang tiếng Việt và được biết đến rộng rãi: Giết con chim nhại (Harper Lee), Chuyện người tùy nữ (Margaret Atwood), Mắt biếc (Toni Morrison), Thiên thần sa ngã (Walter Dean Myers), Vật chất tối của ngài (Philip Pullman), Đi tìm Alaska (John Green), Heather has two mommies (Lesléa Newman), Speak (Laurie Halse Anderson), Between the world and me (Ta-Nehisi Coates), The hate u give (Angie Thomas), Gender queer (Maia Kobabe), In the dream house (Carmen Maria Machado) và All boys aren’t blue (George M. Johnson).

Heather has two mommies (1989) nói về cô bé Heather có mẹ là 2 phụ nữ đồng tính. Speak (tạm dịch: Lên tiếng, 1999) kể chuyện một thiếu niên phải đương đầu với dư chấn của xâm hại tình dục. The hate u give (2017) được gắn với phong trào Black Lives Matter, với nhân vật chính là một thiếu niên da màu quyết tâm thành người tranh đấu cho bình đẳng chủng tộc sau khi chứng kiến một cảnh sát da trắng giết chết bạn mình. 

Với những chủ đề như vậy, tất cả 14 quyển sách (tính cả Maus) kể trên đều buộc phải có nội dung/hình ảnh gai góc, đôi khi đau buồn, để kể những câu chuyện vốn cũng phức tạp. “Cách tiếp cận này đã khiến chúng trở thành một trong những cuốn sách thường xuyên bị thách thức hoặc bị cấm hoàn toàn trong các trường học ở Mỹ; nhưng nó cũng khiến [những quyển sách đó] trở thành những ví dụ hoàn hảo về những gì văn học phải làm” - Sarappo viết và kêu gọi hãy cứ mua những tựa sách kể trên.

Theo Vox, những người ủng hộ tự do ngôn luận đánh giá rằng sự gia tăng của các lệnh cấm sách ở trường học chỉ là phần nổi của tảng băng chìm - phong trào sử dụng đòn bẩy của quản lý nhà nước và địa phương để kiểm soát giáo viên và thúc đẩy cái nhìn thiên lệch về ý thức hệ liên quan đến những gì trẻ em nên học về văn hóa, xã hội và lịch sử Mỹ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận