Nhớ Hà Nội từ những điều nho nhỏ

TTCT - Tôi yêu Hà Nội vì đó chính là quê hương của tôi, là nơi tôi lớn lên, được nghe mẹ hát ru và cả những câu ca dao của mẹ. Ký ức về Hà Nội của tôi là những buổi sáng được mẹ dắt qua đường cho đi học, là buổi chiều mẹ đứng đợi bên đường dắt về.

* NHẠC SĨ PHÚ QUANG: Bàn tay mẹ lúc nào cũng ấm áp nên cảm giác ấy chưa khi nào nguôi trong nỗi nhớ của tôi. 

Ảnh: Hà Châu

Hà Nội trong tôi còn là những buổi đánh bi cạnh bãi rác hồ Bảy Mẫu. Sẽ chẳng có niềm sung sướng nào lớn hơn niềm vui của tôi khi chơi cạnh bãi rác và mua lại được những viên bi ve trong veo, lấp lánh. Có bà bán xôi sáng nào cũng đợi tôi ra mở hàng bởi tin rằng khi tôi mở hàng thì bà bán hàng sẽ mau hết...

Những điều nho nhỏ ấy gắn vào tâm hồn tôi, máu thịt tôi từ ngày thơ bé cho đến cả những năm tôi sống xa Hà Nội mà mỗi lần trở về, nhìn vào từng góc phố, từng hàng cây lại bồi hồi thức dậy cả một miền ký ức... Tất cả những điều đó khiến tôi viết về Hà Nội, về nơi tôi lớn lên, về dòng sông tuổi thơ, về nét cổ xưa trầm mặc.

Sáu mươi năm trước hay bao nhiêu năm sau, tình yêu với quê hương trong tôi vẫn nguyên vẹn như vậy.

* Ông NGUYỄN TỰ HUY (biên kịch điện ảnh, sinh năm 1939, cháu bốn đời gọi cụ Nguyễn Siêu là tổ nội):

Gắng giữ linh khí và lời nhắn nhủ của tiền nhân

Ảnh: Hà Châu

Tổ nội tôi là Nguyễn Siêu (1799-1872), hiệu là Phương Đình - một danh sĩ thời vua Tự Đức, khởi nghiệp dạy học, mở trường tại làng Giang Nguyên (ở vị trí 20 phố Nguyễn Siêu ngày nay). Quần thể văn hóa hồ Gươm mà điểm chính là khu Ngọc Sơn, lúc đầu các danh sĩ thời bấy giờ lấy làm nơi đọc thơ, tụ hội thú vui tao nhã văn chương, sau này tổ nội tôi huy động công đức và bỏ nhiều công sức, tâm trí tôn tạo.

Theo tôi hiểu, quần thể Ngọc Sơn không chỉ là nơi thờ tự các bậc thánh nhân, mà còn mang dụng tâm khuyến học, ca ngợi tri thức, với hình tượng nghiên và bút ngay từ lối vào đền, với câu “Tả thiên thanh” (viết lên trời xanh) của tiền nhân.

Quần thể văn hóa hồ Gươm là nơi tụ hội linh khí, có những truyền thuyết dựng nước, giữ nước từ thời vua Lê, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử vẫn tồn tại một cách thiêng liêng trong lòng người dân Hà Nội và nhân dân cả nước. Nó mang lời nhắn nhủ của tiền nhân là nước muốn hưng thịnh thì phải chú ý tới việc học hành của các thế hệ. 

Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi hi vọng Nhà nước ta, lãnh đạo thành phố chú ý tới đặc điểm này, đừng để mọi hoạt động quanh hồ Gươm, kể cả việc xây dựng kiến trúc xấu, đè nặng lấn lướt làm mất đi linh khí và lời nhắn nhủ của tiền nhân ở nơi đây.

Ảnh: Hà Châu

* Chị PHẠM HỒNG THINH (người nhập cư):

Tôi đã rất “thần tượng” về Hà Nội

Tôi đến Hà Nội để học rồi ở lại, đến nay là 15 năm. Vì đến Hà Nội đúng vào thời điểm đổi thay nên tôi được chứng kiến sự chuyển mình như vũ bão của Hà Nội. Nhà cao tầng mọc san sát, bêtông hóa ngoại thành, siêu thị mọc lên như nấm, trường dân lập đua nhau mở, các hội nghị quốc tế nườm nượp... Đường phố Hà Nội cứ mở mãi mà vẫn chật, người và xe chen chúc nhau...

Ngần ấy năm sống ở Hà Nội, tôi vinh hạnh vì được thấy một Hà Nội sôi động song cũng thật sự nuối tiếc vì không được thấy một Hà Nội xưa yêu kiều duyên dáng thế nào. Những câu chuyện về Hà Nội gần gũi hơn đối với cuộc sống của tôi hiện tại nhưng tôi vẫn thích cái cảm giác háo hức thời thơ bé chờ những câu chuyện về Hà Nội hơn là việc nhìn thấy những ồn ào, bụi bặm ở đây bây giờ.

1.000 năm đối với đời một con người thì thật là dịp may hiếm có, đấy là bao xương máu cha ông, bao nền văn hóa bồi đắp, biết bao đời người, bao danh nhân lớp lớp nối tiếp nhau. Mong sao những câu chuyện tốt đẹp của năm nay sẽ được kể lại vào 1.000 năm nữa, khi ấy Hà Nội là thành phố 2.000 năm tuổi.

* Ông NGUYỄN HỮU THƯỜNG (nông dân, xóm 1, thôn Mễ Trì Hạ, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội):

Sao không giữ ruộng trong thành phố?

Ảnh: Hà Châu

30 năm trước, làng Mễ Trì còn là một “ốc đảo” cách biệt với nội ô vì tứ bề là ruộng. Cứ độ thu tháng 9, tháng 10 là cả làng thơm lừng hương lúa, hương sen. Từ thời nhà Nguyễn, làng này đã nổi tiếng là vùng đất cấy được gạo ngon để tiến vua nên mới được vua ban tên cho là Mễ Trì (ao gạo). Ngoài làm nghề nông, chúng tôi còn có nghề làm cốm, nhà nhà giã cốm thậm thịch cả đêm, vui tai lắm...

Giờ thì làng khác lắm rồi. Mới có chục năm mà nay làng Mễ Trì không còn nằm gọn giữa cánh đồng lúa nữa mà là giữa các cao ốc, đường cao tốc, sớm chiều chẳng thấy hương lúa, hương sen, toàn là bụi bặm... Nhà tôi giờ còn lại 2 sào ruộng nhưng không thể cấy vì đường lớn chắn hết hệ thống mương máng vào ruộng rồi.

Tôi có suy nghĩ thế này, tại sao khi phát triển, chúng ta không giữ được nghề nông trong lòng thành phố? Nếu nghề nông vẫn giữ được, những nông dân như chúng tôi không thất nghiệp và quan trọng hơn cả là những dòng sông của Hà Nội không chết, sinh thái đô thị không ô nhiễm như hiện nay.

Được chứng kiến sự đổi thay của làng mình, của Hà Nội, của đất nước, chỉ là ông nông dân nhưng tôi cũng vui và sung sướng lắm. Nay nhà ai cũng có tivi nên dịp đại lễ chẳng cần đi chúng tôi cũng được xem diễu binh, lễ hội mừng thủ đô ngàn năm tuổi.

* Ông HORST WESSELL (người Đức):

Tôi bắt đầu gọi Hà Nội là “nhà”

Ảnh: Hương Giang

Cách đây mười năm tôi chuyển tới sống ở Hà Nội. Lúc đầu tôi không biết điều gì sẽ chờ đợi mình bởi hầu hết những gì tôi nghe hay đọc được về Việt Nam đều liên quan tới chiến tranh... Ấn tượng đầu tiên của tôi là về quãng đường từ sân bay Nội Bài đến khách sạn. Tôi vẫn nhớ những cánh đồng lúa xanh bên đường và những người dân đội nón đang làm việc ở đó. Đó là hình ảnh tôi không bao giờ quên và nó sẽ mãi là hình ảnh gắn với Việt Nam.

Rất nhiều thay đổi đã diễn ra trong mười năm qua và tôi dám khẳng định là theo chiều hướng tốt hơn. Hà Nội đã trở nên cởi mở hơn nhiều so với trước. Tôi vẫn luôn ấn tượng về khả năng hòa hợp những xu hướng hiện đại về cách sống, thời trang... với bảo tồn sự “duyên dáng” của một thành phố cổ lặng lẽ. Hà Nội đã thành công khi vừa phát triển kinh tế năng động vừa duy trì được sự tĩnh lặng trong những ngôi chùa nhỏ cổ kính nằm sâu trong ngõ nhỏ, gần những hồ nước tuyệt đẹp.

Là một người đã sống ở đây cả chục năm và cảm thấy đây là nhà, tôi xin gửi lời chúc mừng sinh nhật chân thành nhất tới Hà Nội!

* Bà TRỊNH THỊ NGOAN (87 tuổi, cư dân phố cổ Hà Nội):

Giữa phố cổ Hà Nội vẫn là những xóm, những làng

Ảnh: Hà Châu

Người ta hay nói Hà Nội đổi thay thế này thế khác, nhưng tôi thấy chỉ là thay đổi bề ngoài, còn bản chất Hà Nội vẫn thế, như cách đây 80 năm, khi tôi còn là con bé con sống ở phố cổ. Rồi người ta bảo Hà Nội giờ đông và chật chội, nhưng 80 năm trước Hà Nội cũng đông đúc như thế, nườm nượp người buôn kẻ bán như thế. Chỉ khác là vào buổi tối ngày xưa yên tĩnh, còn ngày nay người ta bán hàng ăn nhậu suốt đêm, như phố Tạ Hiện đấy, ngập ồn ào vì những hàng bia cỏ.

Sống ở phố cổ nên nếp nghĩ, tình cảm xóm giềng của những người trong xóm vẫn như xưa. Ngõ xóm tôi có 8 hộ gia đình, gần 50 con người ở cùng nhau qua rất nhiều đời, cả xóm gắn kết với nhau bằng tình cảm của các cụ để lại. Một nhà có việc, cả xóm xúm tay vào làm, việc vui cả xóm vui, việc buồn cả xóm chia sẻ.

Sáu chục năm nay tôi bán hàng ở đầu ngõ. Không giàu có nhưng túc tắc đủ ăn. Có điều, nay thì những gia đình gốc Hà Nội đều ở trong ngõ, trên gác, còn những ngôi nhà mặt tiền là những chủ mới đến. Người Hà Nội gốc vẫn giữ nguyên chất xóm làng và quan hệ mật thiết giữa các ngõ xóm với nhau. Vì người phố cổ là người buôn, thông tin cho nhau bằng truyền miệng nên mọi câu chuyện trong xóm ngoài ngõ đều gần gũi.

Dù có phát triển hiện đại chừng nào thì tôi nghĩ vẫn còn những xóm nhỏ ngay giữa phố ồn ào. Đó mới là đặc trưng của phố cổ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận