TTCT - Nếu phải kể một hành động “phi bạo lực” bị khinh thị ở mọi quốc gia, nền văn hóa, thậm chí vượt tầm lịch sử, đó hẳn là việc đốt sách. Cảnh đốt sách ở Tennessee. Ảnh: Tyler SalinasLịch sử đốt sách cũng dài gần như lịch sử sách có mặt trên đời; sách vở và thư viện đã nhiều lần trở thành mục tiêu cần tiêu diệt của con người thuộc đủ thành phần, giai cấp. Từ Tần Thủy Hoàng “đốt sách chôn Nho” đến những đội quân phá hoại các kho tàng sách vĩ đại của nhân loại ở phương Tây, tất cả đều được nhớ tới như những kẻ bạo tàn đã kéo lui sự tiến bộ của loài người.Lịch sử đó vừa được nối dài bởi một vụ đốt sách quy mô lớn tại bang Tennessee (Mỹ) vào đầu tháng 2. Sự kiện đã khiến không ít người liên tưởng đến tương lai phản địa đàng mà tiểu thuyết gia Ray Bradbury đã gợi nên trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Fahrenheit 451 gần 70 năm trước.Chuyện ở TennesseeNgày 2-2, mục sư Tin Lành Greg Locke - một lãnh đạo tôn giáo theo phe ủng hộ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump - đã dẫn đầu một nhóm tín đồ “chiến đấu chống lại ảnh hưởng ác quỷ” tại ngoại ô Nashville, thủ phủ bang Tennessee. Sau một giờ biểu diễn âm nhạc và đọc diễn từ ca ngợi Chúa, họ kéo nhau tới một đám lửa lớn, vừa ném những quyển Harry Potter và Chạng vạng mà họ gọi là “dị giáo” vào, vừa hò reo mừng thắng lợi.Vốn nổi tiếng với những phát ngôn gắn đạo đức Tin Lành với tư tưởng cực hữu, Greg Locke đã bị khóa tài khoản Twitter sau khi liên tục phát tán tin giả về vắc xin COVID-19. Trở ngại này cũng không thể ngăn vị mục sư nối dài danh sách tấn công của mình sang trẻ em tự kỷ, chính quyền tổng thống đương nhiệm Joe Biden và gần đây nhất là bộ sách viễn tưởng nổi tiếng Harry Potter. “Mang hết chúng đến đây - thứ này 100% là thuật phù thủy!” - Locke viết trong một bài kêu gọi trên Instagram trước giờ đốt sách. Trong video truyền hình trực tiếp buổi đốt sách, Locke lại tuyên bố: “Chúng ta có thẩm quyền theo cả hiến pháp và kinh thánh để làm việc này. Chúng ta có giấy phép đốt lửa, nhưng kể cả khi không có thì thẩm quyền tôn giáo vẫn cho phép nhà thờ đốt các văn hóa phẩm dị giáo đe dọa đến quyền và sự tự do tín ngưỡng của chúng ta”.Ở thời nay, khi thế giới số hóa đã cho phép sách vở và tư tưởng lan truyền ở một chiều kích mà không mồi lửa nào có thể ngăn chặn được, việc đốt sách có vẻ như là một động tác thừa thãi. Vậy tại sao những sự kiện như trên vẫn diễn ra, và quan trọng hơn, tại sao chúng ta vẫn bị kích động khi nhìn thấy chữ nghĩa bị quăng vào lửa?Vụ việc ở Tennessee không phải là lần đầu tiên Harry Potter trở thành mục tiêu của mồi lửa từ các nhóm tôn giáo cực đoan. Theo tạp chí Polygon, xêri truyện hư cấu về thế giới phù thủy đã xuất hiện trong ít nhất sáu vụ đốt sách trên toàn nước Mỹ tính từ 1997 (năm ra mắt tập đầu tiên) đến năm 2017. Vào năm 2007, các cáo buộc cho rằng bộ tiểu thuyết đầu độc trẻ em bằng “tà thuật” và “thần bí học” đã được một bà mẹ ở bang Georgia mang lên tận Tòa án tối cao liên bang Mỹ. Đốt sách = diệt tư tưởngNhư đã nói, đốt sách không phải một hiện tượng mới. Năm 213 TCN, theo đề xuất của thừa tướng Lý Tư, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh đốt tất cả các thi, thư, sách mà ông cho rằng có nội dung nguy hại với nước Tần. Đến năm 1258, khi quân Mông Cổ xâm lược thành Baghdad, sử thi mô tả sông Tigris “bị nhuộm đen bởi mực từ sử sách bị tiêu hủy”.Với các vương triều xưa, việc tiêu hủy văn tự cũ tương đương với khả năng viết lại toàn bộ lịch sử, để lịch sử bắt đầu từ lúc họ lên ngôi. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, đốt sách ở thời hiện đại lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. “Trong bối cảnh hiện đại, việc đốt sách trở thành một sự kiện mang tính tuyên truyền đặc trưng cho thời kỳ hậu Thế chiến thứ 2” - tạp chí Time dẫn lời nhà nghiên cứu lịch sử người Úc Matthew Fishburn.Một trong những sự kiện đốt sách khét tiếng nhất thế kỷ trước diễn ra vào năm 1933, khi Đức quốc xã vừa lên nắm quyền. Để “thống nhất tư tưởng” và gìn giữ “tính thuần khiết của tinh thần Đức”, chính quyền phát xít đã ra lời hiệu triệu sinh viên và học sinh tham gia thanh lọc các thư viện. Hàng chục ngàn cuốn sách bị xếp vào hàng “phi tinh thần Đức”, trong đó có các tác phẩm của Sigmund Freud, Stefan Zweig và Jack London, đã cháy thành tro. Đoàn thanh niên Hitler đốt sách năm 1938. Ảnh: Kho lưu trữ lịch sử thế giớiTheo nhà sử học Rebecca Knuth, cuộc đốt sách 1933 có nguyên nhân sâu xa từ vai trò ngày một quan trọng của sách trong xã hội hậu cách mạng công nghiệp. Từ thế kỷ 19, các cải tiến trong công nghệ in ấn đã giúp sách được sản xuất nhanh, rẻ và phù hợp với tiêu thụ đại chúng, thay vì được coi là món hàng dành riêng cho một số ít trí thức và quý tộc như trước đây. Nhận thức về sức mạnh của sách, cũng như sự lan tỏa của tri thức tăng cao, và việc tiêu hủy sách cũng vì thế mà mang nặng tính biểu tượng hơn bao giờ hết. “Phá hủy sách nghĩa là bạn đang phá hoại kẻ thù và hệ tư tưởng của họ” - Knuth trả lời CBC News.Cần chú ý rằng, chính quyền Hitler cũng không phải những kẻ đốt sách đầu tiên trong lịch sử đương đại Đức. Vào dịp kỷ niệm 300 năm sáng lập tư tưởng Tin Lành năm 1817, sách vở “phi Đức” cũng đã bị các nhóm sinh viên dân túy nước này thiêu rụi. Tuy nhiên, ở thời kỳ đầu của Đức quốc xã hơn 1 thế kỷ sau, đốt sách có vẻ là chuyện vô ích. Như Fishburn lý giải: “Nhờ có cuộc cách mạng trong in ấn, sách lúc này đã có mặt ở khắp mọi nơi. Việc tiêu hủy hoàn toàn một đầu sách có vẻ như là bất khả”.Tuy nhiên, theo Fishburn, chính tư tưởng này đã khiến thế giới chủ quan trước sự tàn bạo của Đức quốc xã. Một số tác giả sách thậm chí còn thấy tự hào khi tác phẩm của mình “được” đốt, theo Time.Tất cả có lẽ đều đã đánh giá thấp mức độ tàn bạo của quốc xã trong lĩnh vực kiểm duyệt tư tưởng - điều mà phải hơn 10 năm sau họ mới bắt đầu vỡ lẽ ra. Từ thời điểm này, “sức mạnh của việc đốt sách thời hiện đại và quan niệm rằng trở thành kẻ đốt sách là một dấu hiệu chắc chắn của tội ác đã được củng cố” - Time nhận định.Sau năm 1945, khi quân đồng minh đánh bại phát xít, thành phố Berlin lại trải qua một đợt “thanh lọc” văn tự tiếp theo - lần này nhắm đến các di sản của Đức quốc xã. Trong thời chiến tranh lạnh, Mỹ cũng bắt đầu dọn sạch các sách vở “không phù hợp” ra khỏi thư viện. Sách vở bị rút khỏi kệ và nghiền vụn thay vì đốt công khai, do lẽ “việc bỏ đi toàn bộ một mục sách khỏi một thiết chế công lập thì lại không gặp nhiều chỉ trích [như mang chúng đi đốt]”, theo Fishburn. Minh họa: Luis CaballeroTri thức sẽ sốngTranh cãi về đốt sách tại Mỹ ngày một căng thẳng trước khi đạt đỉnh điểm vào năm 1953, khi Hiệp hội thư viện Mỹ và Hội đồng các nhà xuất bản Mỹ ra thông cáo chung nhằm bảo vệ “quyền tự do đọc”. Cũng trong năm đó, Fahrenheit 451 của Ray Bradbury chính thức ra mắt, góp phần gắn hình ảnh “kẻ đốt sách” vào tuyến vai phản diện trong nhận thức công chúng Mỹ.Sau giai đoạn này, các động thái hủy sách ở cấp nhà nước dần được thế chỗ bởi các sự vụ nhỏ và rời rạc, đơn cử như các vụ đốt truyện Harry Potter kể trên, hoặc vụ đốt kinh Koran tại một nhà thờ ở bang Florida (Mỹ) năm 2010, theo Rebecca Knuth.Mặc cho sự phát triển của Internet, giá trị biểu tượng của sách vẫn được duy trì một cách mạnh mẽ, và hình ảnh sách cháy vẫn cứ là một phương pháp hiệu quả để thu hút sự chú ý của những kẻ cơ hội. Thế nhưng, khát vọng bảo tồn và chia sẻ tri thức là thứ không bao giờ có thể đốt hết được. Có thể kể đến công lao năm 2012 của thủ thư Abdel Kader Haidara, người đã cùng đồng đội cứu hơn 350.000 pho tư liệu quý từ 45 thư viện của đất nước Mali khỏi bàn tay rắp tâm phá hoại của các phần tử cực đoan Al-Qaeda.Câu chuyện của Haidara gợi nhắc đến những tia hy vọng lấp lánh trong một thế giới phản địa đàng của Fahrenheit 451, nơi Montag và những người đồng chí vẫn đặt niềm tin vào tri thức ngay cả khi mọi cuốn sách đã cháy rụi. Bằng cách này hay cách khác, tri thức vẫn sẽ bền bỉ sống, như phượng hoàng rực rỡ luôn tái sinh từ đống tro tàn. Ngày nay, Internet và công nghệ số hóa tài liệu có vẻ đã mang đến cho sách một sự bất tử mới, song theo tạp chí Smithsonian, việc số hóa vẫn có những thách thức như công nghệ lưu trữ (phải dùng định dạng nào để không lạc hậu), không gian lưu trữ và cả nguồn lực (thời gian, tiền bạc và nhân lực).Công nghệ đã thay đổi cách chúng ta chia sẻ và lưu thông tin, nhưng động cơ “đốt sách”, hay đúng hơn là tiêu diệt tri thức dưới bất kỳ hình thức nào, vẫn không đổi: ai đó muốn ưu tiên loại thông tin này hơn loại thông tin khác và dùng quyền lực để thực thi nó, theo nhà sử học Rebecca Knuth. Tags: Sách
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học hành, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ...
Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ mọi vụ án liên bang chống lại ông Trump THANH BÌNH 26/11/2024 Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Tin tức thế giới 26-11: Mỹ lần đầu xác nhận cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS bắn sâu vào Nga BÌNH AN 26/11/2024 Ông Biden và ông Macron chuẩn bị công bố thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hezbollah; EU khởi kiện lên WTO việc Trung Quốc về thuế.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.