Ocean Vuong: Tiếng Việt có một cách nhìn rất lạ về thế giới, rất thơ 

NGUYỄN HUY HOÀNG 30/01/2018 00:01 GMT+7

TTCT - “Tôi viết rất chậm và xem từ ngữ như những vật thể. Tôi luôn cố gắng tìm từ ngữ ở trong từ ngữ”

Ocean Vuong
Ocean Vuong

 Sinh năm 1988 trên một cánh đồng lúa ở ngoại ô Sài Gòn, di cư sang Mỹ năm 2 tuổi cùng sáu người thân và tất cả cùng sống trong một căn hộ chỉ có một phòng ngủ, mất chín năm trời vật lộn với ngôn ngữ mới trước khi trở thành người đầu tiên biết đọc trong gia đình, Ocean Vuong vừa được trao giải T. S. Eliot, giải thưởng danh giá bậc nhất ở Vương quốc Anh, cho tập Night Sky With Exit Wounds (Trời đêm với những vết thương xuyên).

Trước khi thông báo Vuong là người đoạt giải T. S. Eliot năm nay tại buổi lễ ở Bảo tàng Wallace Collection, London hôm 15-1, chủ tịch hội đồng giám khảo, nhà thơ Bill Herbert, gọi Night Sky With Exit Wounds là “tập thơ đầu tự tin một cách cuốn hút, sự xuất hiện dứt khoát của một tiếng nói quan trọng”.

Suy tư về hậu quả của cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam đối với ba thế hệ trong gia đình, Night Sky With Exit Wounds được Copper Canyon xuất bản ở Mỹ năm 2016 với bìa là bức ảnh chụp Vuong ngồi giữa mẹ và dì, từng mang lại cho anh giải Whitting cho thơ năm 2016, giải Thom Gunn năm 2017, giải Felix Dennis cho tập thơ đầu xuất sắc nhất năm 2017, đồng thời lọt vào vòng chung khảo giải Kate Tufts Discovery và giải văn chương Lambda.

Ban đầu theo học marketing tại Đại học Pace với mong muốn hỗ trợ cho gia đình, Vuong đã bỏ sau ba tuần để theo đuổi ngành văn học Anh tại Brooklyn College. Làm việc ở một tiệm bánh sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu nhận được một số học bổng và tài trợ, cho phép anh có đủ thời gian và tài chính để tập trung hoàn thành tập thơ đầu.

===========================

Gồm gần bốn mươi bài thơ, chia làm ba phần không mang đầu đề với kết cấu tương đối lỏng, đi từ quá khứ của gia đình ở Việt Nam với những bài thơ thường xuyên gợi lên các câu chuyện trong thần thoại Hi Lạp, đến tuổi thơ tha hương vắng mặt người cha (cha anh phải vào tù vì bạo hành vợ, và không lâu sau họ ly dị), cuối cùng là hành trình tự khám phá bản thân như một chàng trai trẻ đồng tính, Night Sky With Exit Wounds lập tức nhận được nhiều phản hồi tích cực sau khi xuất bản.

Kate Kellaway của tờ Observer ví von nó như đường dẫn cho một cuộc đời nơi bạo lực và dịu dàng đụng độ. Như anh viết trong bài “Untitled (Blue, Green, and Brown): oil on canvas: Mark Rothko: 1952”:

Người ta nói bầu trời màu xanh

nhưng tôi biết nó là đen trông qua quá nhiều khoảng cách.

Trong khi đó, Michiko Kakutani của New York Times nhận xét thơ của Vuong mang âm vọng chính xác đến căng thẳng, kết hợp sự thấu hiểu âm thanh và nhịp điệu của từ ngữ, nhờ đó tạo ra những hình ảnh bất ngờ và khiến sự im lặng trong thơ anh cũng có khả năng biểu đạt như từ ngữ.

Và dưới những bài thơ ấy là một dòng sóng ngầm mang cảm xúc mạnh mẽ bắt nguồn từ sự chân thành và thẳng thắn của Ocean Vuong, và từ khả năng nắm bắt được những khoảnh khắc cụ thể bằng cả sự rõ ràng về hình ảnh lẫn cảm giác về sự mong manh của mọi thứ trên trần thế.

Dù anh viết về chiến tranh, gia đình, hay tình dục thì vẫn luôn tồn tại một dự cảm về mất mát - được định hình bởi bạo lực, bởi sự hiểu lầm”- Kakutani viết.

Night Sky With Exit Wounds bắt đầu bằng một ngưỡng cửa bước vào tập thơ như bước vào trong cơ thể: “Trong cơ thể, nơi mọi thứ đều có giá/tôi là kẻ ăn mày”.

Và, “Tôi chẳng biết cái giá/của bước vào một bài ca - là đánh mất/đường về”.

“Cơ thể” sẽ còn tiếp tục xuất hiện nhiều lần trong tập thơ này, thể hiện sự mong manh của đời sống con người và thực tế ương ngạnh của cái chết, nhưng cũng cho thấy những khả năng của đam mê và dục vọng:

Giả sử bạn có thay đổi đời mình.

& cơ thể không chỉ là

một phần của đêm - bọc

bằng những vết bầm.

Và:

Cơ thể được tạo ra mềm mại

để giữ chúng ta

khỏi cô đơn.

Các chủ đề khác xuyên suốt tập thơ này còn trở lại với nhiều nhân vật liên tục bị ám ảnh bởi ký ức về quá khứ bạo lực của chiến tranh, bạo lực trong sự hiện diện của nó ở hiện tại, từ tiếng trực thăng đến tiếng súng AK-47 và Colt đến những trận bạo hành trong gia đình:

Một người lính Mỹ ngủ với một cô nông dân Việt. Do đó mẹ tôi tồn tại. Do đó tôi tồn tại. Do đó không bom = không gia đình = không tôi.

Bia Ocean Vương
Bìa Tập thơ "Trời đêm với những vết thương xuyên" của Ocean Vương

 Và trong bối cảnh đó là mối quan hệ giữa cha và con, đại dương như thực tế của những người tị nạn vượt biển và như ẩn dụ cho sự tái sinh và chuyển hóa, như cái tên Ocean mà anh mang, tình yêu của người mẹ, và sức mạnh của từ ngữ:

bằng cách ấn

chiếc bút này vào giấy, con đang chạm chúng ta

từ sự tuyệt chủng.

Với tiếng Việt - ngôn ngữ mẹ đẻ, Vuong có thể dùng nó để định hình ngôn ngữ mà anh viết bằng tiếng Anh. “Tiếng Việt giàu nhạc tính và ý nghĩa của từ có thể thay đổi tùy theo cách giọng lên xuống - anh giải thích trong một bài phỏng vấn - Nó có một cách nhìn rất lạ về thế giới, rất thơ.

Cách nhìn ấy và cách nó tạo nên ẩn dụ - vì nếu không có từ ngữ để nói gì đó thì ta phải tự tạo ra - cho phép tôi tạo ra những hình ảnh cho riêng mình khi viết”.

Anh im lặng đến mức gần như là

ngày mai”.

========================

Sau khi đoạt giải Forward cho tập thơ đầu xuất sắc nhất năm ngoái, Vuong nói với tờ Guardian rằng có thể trong gia đình anh có chứng khó đọc, nhưng điều đó lại có ảnh hưởng tích cực lên việc viết của anh: “Tôi viết rất chậm và xem từ ngữ như những vật thể. Tôi luôn cố gắng tìm từ ngữ ở trong từ ngữ”. Anh viết trong bài “Logophobia” (chứng sợ chữ):

Tôi bước vào

đời mình

cách từ ngữ

bước vào tôi -

bằng cách rơi

xuyên qua

sự im lặng

của cái mồm

này há rộng.

Hai bài thơ về người mẹ trong tập này đặc biệt cảm động. Trong “The Gift”, anh cho thấy một người mẹ vất vả trong việc đọc, nhưng dường như anh đã có thể nhận được nhiều hơn những gì mẹ anh có thể dạy, qua những bài hát và câu chuyện truyền miệng mà anh lớn lên cùng trong căn hộ nơi anh sống hồi nhỏ, với hình ảnh nhẹ nhàng của sợi tóc:

a b c a b c a b c

Bà không biết tiếp đến chữ cái gì.

Nên chúng tôi bắt đầu lại:

a b c a b c a b c

Nhưng tôi có thể thấy chữ cái thứ tư:

một sợi tóc đen - xổ ra

từ bảng chữ cái

& được viết

trên má bà.

Và bài thứ hai, “Headfirst,” qua giọng của người mẹ:

[C]on không được sinh

mà bò ra, đầu trước -

vào đói khát của bầy chó. Con ơi, bảo họ

cơ thể là lưỡi dao được mài

bằng những vết cắt.

Năm ngoái, Ocean Vuong hoàn thành chương trình thạc sĩ văn chương tại Đại học New York và hiện sống ở Massachusetts, nơi anh vừa bắt đầu giảng dạy trong Chương trình M.F.A. tại Đại học Massachusetts, Amherst. Năm 2016, tờ Foreign Policy chọn anh vào danh sách 100 nhà tư tưởng toàn cầu vì đã “viết lại những ranh giới của chủ nghĩa dân tộc”.

Nhìn lại, các bài thơ trong Night Sky With Exit Wounds thể hiện một con người trước đây của Ocean Vuong trên hành trình văn chương của mình. “Tôi đã đạo cuộc đời mình để trao cho bạn cái tốt nhất của tôi - anh viết - Làm nhà văn về cơ bản là thể hiện và đối đầu với sự thất bại, vì không gì hoàn thiện trong lần đầu tiên, kể cả lần thứ hai hay thứ ba hay thứ bảy”.

Tôi nhìn văn bản và bài thơ như một bức ảnh, như một cái gì đó còn đang lớn lên, và với tôi, tập thơ này chỉ là bức ảnh chụp một cái cây, và cái cây đã lớn vượt ra ngoài những gì được lưu lại trong sách - anh nói tiếp - Vậy nên cách duy nhất để nắm bắt nó một lần nữa là viết cuốn sách tiếp theo”. Và Vuong đang viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình.■

MH

Hôn kiểu người Việt

Ngoại tôi hôn

như thể bom đang nổ ở sân sau nhà,

nơi bạc hà và hoa nhài phẩy hương

qua cửa sổ bếp,

như thể ở đâu đó, một cơ thể đang rụng rời

và những ngọn lửa đang tìm đường trở lại

qua những mạch máu của đùi một chàng trai trẻ,

như thể để bước ra khỏi cửa, thân mình bạn

sẽ nhảy từ những vết thương xuyên.

Khi ngoại tôi hôn, sẽ không

có âu yếm cầu kỳ, không âm nhạc Tây phương

của đôi môi mím chặt, ngoại hôn như thể để hít lấy

bạn vào bên trong bà, mũi ép vào má

để mùi của bạn được biết đến lại

và mồ hôi bạn đọng lại thành những giọt vàng

trong phổi, như thể trong khi bà ôm bạn

cái chết cũng đang nắm chặt cổ tay.

Ngoại tôi hôn như thể lịch sử

chưa bao giờ chấm dứt, như thể ở đâu đó

một cơ thể vẫn đang

rụng rời.

Ocean Vuong, “Kissing in Vietnamese”

(Nguyễn Huy Hoàng dịch)

 

Đầu trước

                             Không có gì bằng cơm với cá.

                             Không có gì bằng má với con.

                                                           Tục ngữ Việt.

Con chẳng biết sao? Tình yêu của người mẹ

chẳng màng đến lòng tự hào

                           cái cách mà lửa

chẳng màng đến tiếng gào

               của những gì nó đốt. Con ơi,

                                              ngay cả ngày mai

con cũng sẽ có ngày hôm nay. Con chẳng biết sao?

               Có những người đàn ông sờ vú đàn bà

                           như họ sờ

               đỉnh sọ. Những người đàn ông

cõng những giấc mơ

         qua những ngọn núi, người chết

                                              trên lưng họ.

Nhưng chỉ người mẹ mới có thể bước đi

                           với sức nặng

của một trái tim đập thứ hai.

                                              Ôi thằng con ngốc.

               Con có thể lạc lối trong mọi cuốn sách

nhưng không bao giờ quên được chính mình

                           cái cách chúa quên

đôi bàn tay người.

                           Khi người ta hỏi

                                              con đến từ đâu,

hãy nói tên con

         được bồi đắp từ cái miệng móm

                                              của một người đàn bà chiến tranh.

Rằng con không được sinh

                           mà bò ra, đầu trước—

vào đói khát của bầy chó. Con ơi, bảo họ

                                              cơ thể là lưỡi dao được mài

               bằng những vết cắt.

Ocean Vuong, “Headfirst,” Night Sky with Exit Wounds (Copper Canyon Press, 2016).

Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Giải T. S. Eliot, trao cho tập thơ mới xuất sắc nhất lần đầu tiên được xuất bản ở Vương quốc Anh hoặc Cộng hòa Ireland, được Poetry Book Society (PBS) thành lập năm 1993 và hiện được điều hành bởi Quỹ T. S. Eliot. Giải năm nay đi kèm với số tiền 25.000 bảng Anh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận