Phần hồn của một đại dịch

PHAN XUÂN LOAN 07/04/2020 16:04 GMT+7

TTCT - Đi chợ, chuyện quá thường tình, giờ đã là một đặc quyền. Bởi đâu đó trên thế giới, đồng loại tôi đang bị chôn chân trong các căn hộ, một bước xuống đường có thể đáng giá từ ít nhất là vài ngàn euro tiền phạt, đến cao nhất là một mạng người. Thời corona.

Đó là điều mà những lần hiếm hoi còn đi chợ được, tôi luôn nghĩ. Thậm chí luôn tự nhủ: có thể đây sẽ là buổi đi chợ cuối. Ngày mai không biết sẽ ra sao. Khu chợ nhỏ tôi đi có thể phải cách ly, con hẻm nhỏ tôi sống có thể phải cách ly.

Với tôi, khu chợ nhỏ là chiếc nhiệt kế của đại dịch. Nên tôi đi, quan sát, ghi nhớ.

Và tôi nhìn ngắm. Tôi nhìn quán chú Tiều góc đường, cái quán nhỏ lèo tèo dăm bảy bàn, bán hủ tiếu mì kiểu người Tàu. Cái quán nằm đó lâu lắm rồi, từ khi trục đường chính còn là con lộ đất đỏ đầy ổ gà, giờ đã là đường tráng nhựa khang trang.

Quán của chú Tiều cũng qua nhiều dâu bể, phải chuyển từ đầu đường bên kia thị tứ hơn sang góc đường bên này ẩn khuất hơn, do bị chủ nhà lấy lại cho người khác thuê (cũng để bán hủ tiếu!). Chiều qua có lệnh cấm những hàng quán tập trung quá 30 người. Rồi tới lệnh cách ly toàn xã hội, quán hẳn sẽ đóng. Không đóng cũng chẳng còn ai tới mua.

Rẽ vào chợ, gặp cô chủ tiệm tóc bình dân ngay đầu chợ, cô bảo thợ còn ba em ở lại trụ, chưa biết sắp tới thế nào. “Các em đó đang ở nhà thuê, em bảo qua ở hẳn với em, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, đỡ chạy tới chạy lui, từ từ tính tiếp”. Nhớ hôm gội đầu gần nhất, các cô thợ lo âu nói không biết bất ngờ khu phố bị cách ly, tụi em kẹt gí ở đây làm sao chạy về quê đây. Cái lo của cô chủ lẫn các cô thợ phảng phất không khí còn đọng trong ký ức tôi của Sài Gòn thời chiến, mấy mươi năm trước.

Chợ vẫn họp như mọi khi, nhưng người bán thưa bớt, một số mẹt đã ít hàng hơn. Mấy cô bán rau và trái cây than ế, dù hàng thịt, hàng cá giá vẫn không giảm, kể từ dạo tết. Những mặt người nhao nhác hỏi thăm nhau lẫn trong tiếng nhắc nhở ầm ĩ của loa phóng thanh kêu gọi phòng dịch.

Hôm nay có chỉ thị mới, quán hủ tiếu, tiệm tóc đã đóng cửa rồi. Những anh Tiều, những cô thợ đó giờ đã về đâu?

Bức tranh “D’où venons-nous? Que sommes-nous? Où allons-nous?” (Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi về đâu?) của Paul Gauguin vẽ năm 1897, sơn dầu trên vải, kích thước 139,1x374,6 cm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Boston, Mỹ
Bức tranh “D’où venons-nous? Que sommes-nous? Où allons-nous?” (Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi về đâu?) của Paul Gauguin vẽ năm 1897, sơn dầu trên vải, kích thước 139,1x374,6 cm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Boston, Mỹ

Chúng ta đang đi về đâu? Câu hỏi lớn và có vẻ rỗi hơi khi thế giới còn chưa biết ngày mai sẽ ra sao. Chỉ cảm giác bất định là điều rõ nhất.

Qua Viber, hỏi thăm một chị bạn Nga ở cái tuổi mà khắp thế giới khuyên “ở yên trong nhà”. Chị đùa “đang học lại chương trình lớp 1”. Thì ra chị đang nhận nhiệm vụ mới: giữ con cho con gái. 

Thằng bé đang vào lớp 1, mà phải chuyển sang học online, thế là bà ngoại đang đánh vật với các thể loại công nghệ để học với cháu. Cùng cháu ngoại “cố thủ” trong nhà nghỉ của mình ở ngoại ô Matxcơva, chị tự an ủi: “Thôi thì cũng yên tâm, không sợ lây nhiễm, lại có không khí thoáng đãng cho thằng bé”. Nhưng chỗ bạn già với nhau, thì chị thú thật: “Sợ nhất là cảm giác bất định trước tương lai”.

Chúng ta đang đi về đâu? Về một xã hội mà điện thoại mỗi người sẽ được cấp một mã QR. Và một chiếc máy quét sẽ quyết xem ai được tự do đi lại (những ai được màu “xanh”), ai bị cách ly, bao nhiêu ngày (“vàng”: 7 ngày, “đỏ”: 14 ngày) - như một ứng dụng mới được giới thiệu ở Trung Quốc? 

Còn máy móc thì đang “tự lên đời”: người ảo đang phát hành MV cho người thật giải trí. Những điều tưởng lố bịch, nhưng lại nghiễm nhiên và đường hoàng “hiện hình” trong đại dịch. Con người từng lớn tiếng bảo vệ tự do cá nhân, kiện tụng nhau vì đâu đó rò rỉ một cái tên, một địa chỉ cá nhân, giờ đang ngoan ngoãn cho các loại thử nghiệm công nghệ khác nhau, giao nộp nhiều thông tin cá nhân. 

Đứng trước bờ vực tồn vong, những thứ khác đều trở thành nhỏ bé.

Rồi chúng ta sẽ đi qua đại dịch này, tôi tin thế. Nhưng ký ức con người vốn ngắn, sẽ lưu lại những gì?

Y văn có thể ghi số ca nhiễm, số người chết tăng vọt khiến nhân loại từ hoảng sợ chuyển sang chai lì. Con người thích chiến công sẽ muốn nhớ những tung hê thành công. Chẳng phải xã hội đã quá quen đến đâm nghiện những “siêu anh hùng giữa đời thường”, những “hành động đẹp có sức lan tỏa”, những niềm vui rập khuôn?

Nhưng còn những hoang mang, tự vấn trên con đường vùn vụt “tiến hóa để cô đơn” này, ai sẽ níu giữ, ai sẽ gọi tên?

Nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa nhắc các đồng nghiệp mình ghi lại “những tiếng khóc, tiếng kêu gào bên lề của những cá nhân, gia đình” đang lọt thỏm và có nguy cơ bị bỏ qua giữa những “ca tụng thánh minh, vội vàng khánh chúc” khi đại dịch thế giới vẫn chưa qua.

Còn đạo diễn Nga Andrey Konchalovsky nhắc con người lưu trữ lại những cảm xúc, những hình ảnh. Thế giới đang đổi thay ngay trước mắt, con người cần thời gian để nghiền ngẫm hết những gì đang diễn ra. Và con người của hình ảnh, Konchalovsky nhắc những người đương thời lưu lại những biến đổi này. Nhà đạo diễn giải thích như thế cho bộ phim tài liệu tạm gọi là “Cách ly kiểu Nga” mà những người cùng thời với ông sẽ là đồng tác giả.

Trên tài khoản mạng xã hội của mình, ông kêu gọi người Nga ghi hình lại trên camera điện thoại rồi chuyển cho ông trả lời của họ cho bốn câu hỏi: “Cách ly ở Nga khác cách ly ở những nước khác thế nào?”, “Thứ điên khùng nhất mà bạn mua lúc hay tin về đại dịch” (đừng xấu hổ, cứ kể cho chúng tôi), “Góc yêu thích nhất ở nhà, hay nơi trú ẩn của bạn, mùa cách ly này là đâu, hãy cho chúng tôi xem”, và “theo bạn, khi nào tất cả sẽ kết thúc, và kết thúc như thế nào?”. Gợi ý của ông được đông đảo đồng bào ông hưởng ứng.

Ở một góc khác của thế giới, một người nào đó, đầu trùm nón bảo hộ, mặt mày che kín dưới khẩu trang và mắt kính y tế, chia sẻ trên Reddit rằng anh chỉ là một nhân viên giặt và khử trùng những tấm drap trong bệnh viện. 

Anh tâm sự: “Vâng, những ngày này chúng tôi rất mệt mỏi về thể chất, nhưng mọi người sẽ không hiểu những khó khăn tinh thần là thế nào đâu... Mỗi sáng càng khó thức dậy đi làm hơn... Quá nhiều tấm drap thắt gút hai đầu. Mỗi tấm drap thắt gút đó từng bao bọc một bệnh nhân đã qua đời, trong khi chờ đưa họ xuống nhà xác. Và càng tệ hơn nếu đó là những tấm drap nhỏ...”.

Những con người thời đại của chúng ta, dù đó là nhà văn, đạo diễn, hay chỉ một nhân viên khử trùng trong bệnh viện... đã cố ghi lại những nỗi ám ảnh, những tiếng thổn thức, những cao trào trong tâm tưởng, những bột phát trong hành động, thời đại dịch. Bởi nếu không gọi tên, không lưu giữ để nghiền ngẫm, để trao lại cho những người đi sau, thì “càng dã man và đáng sợ hơn” (Diêm Liên Khoa), sẽ là “một lỗi lầm không sao tha thứ” (Konchalovsky).

Đó là một phần hồn của đại dịch mà ta phải nhớ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận