'Thánh nữ dọn nhà' Kondo Marie: “Về cơ bản, tôi luôn bị sự gọn ghẽ ám ảnh”

HẠNH NGUYÊN 23/07/2019 17:07 GMT+7

TTCT - Marie Kondo không chỉ giúp ta dọn dẹp căn nhà của mình, cô còn giúp ta khởi đầu một hành trình rất riêng tư, lật đi lật lại nhiều khía cạnh và nhu cầu đích thực của cuộc sống, xác định lại những giá trị cả về vật chất và tinh thần mà ta theo đuổi.

Marie Kondo

Kondo Marie, với nụ cười tươi thắm, dẫn bạn đi vào từng phòng trong căn nhà của chính bạn, để bạn đứng nhìn trân trân vào từng món đồ, tủ quần áo, góc bếp của mình, rồi tự hỏi: “Ta đã làm gì mà mua sắm, sử dụng lắm thứ thế này?”.

Sau đó, trong một giây phút nửa phấn khích (vì có cảm giác “đã tìm ra nguồn sáng”) nửa muốn vượt qua cảm giác tội lỗi, ta có thể quyết định sẽ cho đi đến 1/2 số đồ dùng hiện đang chất đống hoặc phủ bụi trong nhà.

NHỮNG TỰ VẤN VỀ VẬT CHẤT

Kondo Marie là ai mà quyền lực thế?

Đó là một người phụ nữ, mẹ của hai con, có vẻ ngoài xinh xắn và thuần khiết. Luôn mặc những bộ trang phục một màu trung tính, Kondo, 34 tuổi, có mái tóc dài, dáng người nhỏ nhắn, nói tiếng Anh chậm trộn lẫn âm sắc tiếng Nhật. Cô trở thành ngôi sao trên thế giới sau chương trình Tidying Up with Kondo Marie (Dọn dẹp với Kondo Marie) được chiếu trên Netflix đầu năm 2019 với biệt danh “Thánh nữ dọn nhà”.

Bằng những câu hỏi đơn giản và thông qua những cuộc trò chuyện ấm áp, Kondo có thể khiến bạn đặt rất nhiều câu hỏi về mục đích tiêu dùng hằng ngày của mình. “Tôi có thực sự cần (món đồ) hay không?”. “Vì sao tôi mua món đồ này?”.

Kondo dường như đã hoàn thiện một kiểu liệu pháp chữa lành vết thương đối với những người bị ám ảnh với việc tích trữ đồ đạc khắp không gian sống của mình. Vài chục cái áo, váy cả năm không động đến, vài chục đôi vớ, trong đó có những đôi còn mới tinh, hay vô số quần áo đã cũ nhưng vẫn nằm im lìm trong góc tủ.

 

Trong những tập phim đầu của mùa thứ nhất, Kondo Marie đến thăm 8 gia đình Mỹ, mỗi gia đình có vẻ riêng, từ một cặp vợ chồng trẻ tới một gia đình nhỏ có 1 và 2 con, rồi một gia đình lớn hơn, hoặc một bà góa đang muốn khởi đầu một quãng đời mới. 

Mỗi nơi Kondo Marie đến, cô đều thực hành một thủ tục: quỳ giữa gian nhà, giới thiệu mình và công việc mình làm, thì thầm những lời chào đón âu yếm với ngôi nhà, đầy biết ơn đối với ngôi nhà đã hoàn tất công việc che chở cho chủ nhân. Thủ tục chào hỏi này kéo dài khoảng 2 phút, nghiêm cẩn chẳng kém gì cách người Nhật vào những ngôi đền Thần đạo.

 

Công việc của guru (bậc thầy) dọn nhà Kondo Marie về cơ bản là tham gia quá trình sắp xếp lại không gian sống của người ở trong ngôi nhà đó, để chủ nhà có thể hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc hơn, bình an hơn và rõ ràng hơn về cả tinh thần lẫn không gian vật chất.

Kondo và cả những người trong các gia đình nhận được tư vấn của cô sẽ trực tiếp lôi tất cả đồ đạc lưu cữu của họ ra, tạo ra một “núi” đồ chồng chất lên nhau đầy hỗn loạn giữa nhà (hoặc trên giường) trước khi xem xét từng món, đặt các câu hỏi: “Mình có cần chúng không? Mình có yêu chúng không?”, trước khi quyết định giữ lại hay cho đi. Sau đó bắt tay sắp xếp lại đồ đạc, vật dụng vào những vị trí sao cho gọn gàng, thuận tiện, sạch sẽ, nhưng không tạo ra những khác biệt quá lớn trong lối sinh hoạt của người được tư vấn.

Với những món đồ không “đem lại hạnh phúc” hay tạo cảm giác bình an, Kondo tư vấn để chủ nhân thì thầm, chia sẻ những tình cảm yêu thương, biết ơn và luyến tiếc với những món đồ trước khi đóng gói chúng, cho vào túi. Lịch sử đã sang trang. Những món đồ không còn “spark joys” (đem lại niềm vui) cho chủ nhân nữa sẽ được hiến tặng hoặc bán lại.

Kondo Marie
Kondo Marie

Quan sát cuộc trò chuyện giữa người chủ và những món đồ rất thú vị. Đó không phải là cuộc trò chuyện đơn thuần, mà là một hành trình rất riêng tư, lật đi lật lại nhiều khía cạnh và nhu cầu đích thực của cuộc sống, xác định lại những giá trị cả về vật chất và tinh thần mà người đó theo đuổi.

Là tác giả của hai cuốn sách bán chạy The Life Changing Magic of Tidying Up (1) và Spark Joy: An Illustrated Master Class on the Art of Organizing and Tidying Up, Kondo không chỉ là chuyên gia về sắp xếp. Phương pháp KonMari đặt theo tên của cô không chỉ là cách giúp nhà cửa gọn ghẽ, có tổ chức hơn, mà còn là cách giúp nhiều nhân vật đưa cuộc đời mình trở lại đường ray như mong muốn.

Nhìn qua, phương pháp này khá đơn giản. Có 5 hạng mục đồ đạc mà con người thường sở hữu bao gồm quần áo, sách vở, giấy tờ, những thứ linh tinh và những thứ chứa đựng tình cảm của chúng ta. Kondo tư vấn sắp xếp lại từng hạng mục theo kích cỡ một cách “thần kỳ”, rồi sau đó ta mới phát hiện: nếu tuân theo thì hóa ra nơi ở của chúng ta không đến nỗi bừa bãi như chúng ta tưởng!

Kondo trở nên đặc biệt quan tâm tới công việc sắp xếp mọi thứ xung quanh mình từ khi lên 5 tuổi, thành lập công ty tư vấn ở tuổi 19 khi còn là sinh viên ở Tokyo. The Life-Changing Magic of Tidying Up - cuốn sách đầu tay của cô ra mắt năm 2011 - được dịch và bán ở Mỹ năm 2014, lọt vào danh sách bestseller của New York Times (*).

Nhiều gia đình tại Mỹ, nơi những mô hình bán lẻ bùng nổ từ cách nay hàng chục năm, khuyến khích sự sở hữu, mua nhiều, chất đống, dùng dần (vì các gói mua sắm càng mua càng rẻ quá hấp dẫn!), đã rất xúc động và trân trọng cách mà Kondo hướng dẫn họ tập trung vào những gì mà họ thực sự yêu và khi họ ở nhà, xung quanh họ thực sự là những gì họ thương mến (chứ không phải những món họ tha về vì… giá rẻ).

Kondo Marie cho thấy đồ đạc, nếu ta không yêu thích, có thể trở thành gánh nặng, kéo ta chậm lại, làm ta rối ren. Đồ đạc như những kẻ “ngoại lai” xâm phạm không gian sống và cả không gian tinh thần của chủ nhân. Chúng chềnh ềnh ở đó, không dịch chuyển, chặn mọi luồng chảy tư duy, làm rối loạn tâm trí.

Trong khi đang giúp việc kinh doanh bán các dụng cụ chứa đồ (hộp, giỏ, tủ…) của nhiều cửa hàng trở nên phát đạt, Kondo Marie cũng chịu nhiều lời chỉ trích từ những tư vấn “không hợp lý” của mình. Ví dụ, có những người yêu sách chỉ trích cô đã tư vấn rằng một người không nên sở hữu quá 30 cuốn sách ở nhà. Lý giải lời khuyên này, Kondo cho biết cô khuyên dựa trên diện tích nhà ở nhỏ tại Nhật Bản cũng như khí hậu không phù hợp để tích trữ nhiều sách trong nhà.

BẮT ĐẦU MỘT TRẬT TỰ MỚI CHO CUỘC ĐỜI

Tới đây, bạn đọc có thể hình dung người viết là một Konverts (người theo “giáo phái” Kondo) đang bắt đầu muốn dọn dẹp những đống hổ lốn trong cuộc đời mình, và là người truyền thông điệp của Kondo tới những người khác.

Tại Nhật, phương pháp của Kondo Marie chỉ thuần là một quy trình sắp xếp. Nhưng nếu chỉ có thế, dễ học, dễ thuộc thì cớ gì Kondo lại nổi tiếng toàn cầu như vậy? Câu trả lời là vì phương pháp của cô đã trở thành một sự giác ngộ bản thân, hiểu mình, cải thiện chính mình. Kondo đã chạm đến ước muốn được sống trong một môi trường sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, một cuộc đời bình yên, không có những bi kịch từ vật chất của chúng ta.

Minh họa:
 

Tất nhiên, không phải Konverts nào cũng có thể nói lời tạm biệt đầy âu yếm với một món đồ mà họ vốn đã tha về trong một phút giây hứng chí ngớ ngẩn nào đấy. Nhưng Kondo khuyên rằng ta nên dừng lại một giây, tự vấn, nói lời cảm ơn và chào một cách đàng hoàng tử tế, thậm chí hôn món đồ trước khi hiến tặng hoặc bán lại chúng. Và phải làm một cách chân thành, với hi vọng món đồ sẽ đem lại niềm vui cho một người khác sau ta. Bởi đó không chỉ là cách ta thẳng thắn, dứt khoát với chính mình, mà còn là cách để việc dọn dẹp và loại bỏ đồ cũ không phải là việc đẩy những năng lượng tiêu cực ra nơi khác. Vì một món đồ cũ của người này rất có thể sẽ là niềm vui mới lấp lánh của người khác đang thực sự cần đến nó.

Trong khi có thể chúng ta chưa kiểm soát được những thứ lớn lao như biến đổi khí hậu, tham nhũng, kẹt xe, tắc đường, có vẻ như phương pháp Kondo giúp ta kiểm soát được ham muốn mua sắm của mình, rồi sắp đặt cuộc đời ta vào một trật tự mới tốt đẹp hơn. Như một cách an ủi phần nào! ■

(*) Đến nay, sách đã bán được hơn 7 triệu cuốn và được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ.

6 nguyên tắc dọn dẹp của Kondo:

1/ Cam kết là mình sẽ cần phải dọn dẹp.

2/ Hình dung ra lối sống mà mình mong muốn.

3/ Loại bỏ những thứ mình không cần đến, không đem lại niềm vui.

4/ Sắp xếp theo loại, chứ không phải theo vị trí.

5/ Tuân thủ trình tự, làm từng bước một.

6/ Tự hỏi mình xem món đồ đó có đem lại niềm vui không.

Với xêri phim Tidying Up with Marie Kondo, Netflix đã thu hút sự chú ý rất lớn của người xem, khích lệ họ sắp xếp lại tủ quần áo, thậm chí khiến họ suy nghĩ lại về thói quen chi tiêu, tư duy lại lối sống của mình.

Hiệu ứng Kondo (Kondo Effect) đang là nhân tố tạo nên xu hướng “tối giản” - cách sinh hoạt chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu, đối nghịch với chủ nghĩa tiêu dùng, từ quần áo tới bài trí nhà cửa, sách vở và cả dinh dưỡng. Các từ khóa tìm kiếm liên quan tới Kondo, KonMari và cả “gấp áo” trở nên phổ biến hơn khi Netflix phát hành bộ phim, theo dữ liệu của Google Trends năm 2019. Ảnh hưởng của Kondo khiến nhiều người mua hàng ít đi và chú trọng mua hàng chất lượng thay vì số lượng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận