Tôi sẽ dùng di sản của giáo sư để truyền lửa theo cách của mình

TTCT - Đứng dưới góc nhìn của người trẻ, các nghiên cứu của ông rõ ràng là không dễ tiếp thu, nhưng nó là nền tảng khoa học để những sản phẩm khác ra đời.

Giáo sư  -Phan Huy Lê, chủ tịch  -Hội Khoa học - lịch sử  -Việt Nam. -Ảnh V.V.TUÂN
Giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học - lịch sử -Việt Nam. -Ảnh V.V.TUÂN

 Lâm - Lê - Tấn - Vượng

Bốn cái tên này có thể rất xa lạ với giới trẻ, nhưng với những người đã trót phải lòng bộ môn tìm tòi về quá khứ, họ không khác gì “Tứ đại thiên vương”. Thú thực trước đó tôi không quan tâm tới môn lịch sử và cũng không hề biết danh tiếng của giáo sư Lê.

Những ngày đầu mò mẫm, tôi đọc Việt Nam sử lược của thầy Trần Trọng Kim, kế đó là các bài viết trên mạng của giáo sư Trần Quốc Vượng. Tôi chỉ thực sự chú ý đến giáo sư Phan Huy Lê khi báo Tuổi Trẻ đăng bài viết “Ghi nhận công lao nhà Nguyễn” (23-2-2017).

Trong hội thảo “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức tại Hà Nội tháng 2-2017, giáo sư Lê trình bày: “Một trong những công lao rất lớn của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn là mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, khai phá đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 1757 chúa Nguyễn đã định hình được lãnh thổ Việt Nam mà về cơ bản gần giống như lãnh thổ Việt Nam hiện nay từ phía Bắc vào Cà Mau, từ Tây Nguyên ra biển, bao gồm cả vùng biển, các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Nhà Nguyễn có công rất lớn trong việc hình thành và định hình một nhà nước thống nhất và xác lập lãnh thổ - không gian sinh tồn của nước Việt Nam. Công lao nhà Nguyễn về phương diện này không thể chối cãi. Đã đến lúc cần nhìn rõ công, tội của nhà Nguyễn”.

Ông nêu rõ: “Nhìn nhận về lịch sử phải hết sức khách quan và cái gì khách quan của lịch sử mới tồn tại lâu dài được. Còn cái gì mà trong một tình thế thời sự nào đó ta phải tôn vinh hoặc hạ thấp thì nó chỉ tồn tại trong một điều kiện nhất định nào đó. Sử học đành rằng phải làm tròn trách nhiệm công dân nhưng sứ mạng cao cả nhất của sử học là làm thế nào để tạo nên được những trang sử bằng cứ liệu lịch sử khách quan, trung thực”.

Ông cho rằng lịch sử Việt Nam chỉ có miền Bắc là được trình bày ngọn nguồn đầy đủ, còn lịch sử Nam Trung Bộ trở xuống thì lại rất hời hợt và cần được đánh giá đúng. Những phát biểu này gây ra không ít phiền toái cho giáo sư. Nhiều lời công kích ác ý trên mạng nhắm trực tiếp vào ông khi họ cho rằng ông “cố chạy tội cho nhà Nguyễn”, “xét lại lịch sử khi bao biện cho bọn vua chúa bán nước”. Lúc bấy giờ tôi mới để tâm tới vị giáo sư này, ông là ai và ông có những thành tựu gì.

Ảnh: M.N.

“Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ”

Giáo sư Phan Huy Lê là người con đất Lam Hồng, xứ sở lừng lẫy tạo nên không ít tinh hoa Việt Nam. Quay ngược lại 200 năm trước, vua Quang Trung cũng 4 lần phải mời La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp về giúp triều Tây Sơn, hay dòng họ Nguyễn Tiên Điền lừng danh của Nguyễn Du cũng xuất phát từ đây.

Phan Huy là một danh gia vọng tộc có truyền thống văn chương và khoa bảng từ thế kỷ 18. Để liệt kê thì rất nhiều, nhưng nổi bật nhất là vị quan ba triều Phan Huy Ích và nhà bác học Phan Huy Chú.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Phan Huy Lê là ông có vẻ ngoài mộc mạc, rất cổ điển của những thầy giáo thế hệ trước. Một ông cụ nhỏ bé tóc bạc phơ, gọn gàng lịch sự trong bộ đồ tây, đeo cặp kính trí thức và có nụ cười rất hiền. Ngoại hình phần nào nói lên tính cách.

Sách của ông viết chỉn chu, khúc chiết, nhưng khá kén người đọc vì nặng về hàn lâm và học thuật. Và không nhiều người biết ông cụ đó đã đạt được vô số thành tựu trong cuộc đời. 24 tuổi, ông trở thành chủ nhiệm bộ môn lịch sử cổ trung đại - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông sáng lập khoa Đông phương học của Trường ĐH KHXH&NV.

Ông phát hiện hàng loạt di tích khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long. Bộ hồ sơ khoa học do ông làm chủ biên về Hoàng thành Thăng Long đã được gửi lên UNESCO và mang về cho di sản này danh hiệu cấp thế giới vào đúng dịp kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi. Ông có công lớn trong việc bảo quản thành công Mộc bản triều Nguyễn (từ đó chúng được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới.

Ông nhận được nhiều giải thưởng danh giá (giải thưởng quốc tế văn hóa Á châu Fukuoka, Nhật Bản; Huân chương Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Pháp).

Mặc dù sự nghiệp hiển hách là thế nhưng giáo sư Phan Huy Lê không bao giờ muốn học trò xem mình là “thần tượng”. Ông vẫn là một nhà giáo điềm đạm, tâm huyết và không màng danh lợi. Nhiều lần ông muốn thôi chức chủ tịch Hội Khoa học lịch sử nhưng mọi người đều nài nỉ ông ở lại.

Bác già rồi, viết khô khan quen rồi, người trẻ cần những cuốn sách như của cháu”. Những lời này nói cho anh Dũng Phan (Phan Trần Việt Dũng) - tác giả cuốn best seller Sử Việt - 12 khúc tráng ca (1). Tôi khá “ghen tỵ” với anh Dũng vì anh đã được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với giáo sư Phan Huy Lê.

Trong hội sách TP.HCM tháng 3-2018, sau khi kết thúc cuộc giao lưu giữa các blogger và tác giả với độc giả do Fahasa tổ chức, tôi rảo bước qua từng gian hàng để lùng sách của giáo sư.

Là một blogger chuyên viết sử trên mạng, tôi dựa vào chính sử để viết những câu chuyện vui cho người trẻ đọc đã 3 năm nay, nhưng giáo sư Phan Huy Lê là một nguồn sử mới mà tôi chưa bao giờ khai thác. Tôi nhớ mình đã đọc say mê cuốn Di sản văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử dày hơn 1.000 trang của ông như thưởng thức cuốn Harry Potter.

Nhất là những gì ông cẩn trọng, tỉ mỉ viết: “Cuộc khai quật khảo cổ học khu 18 Hoàng Diệu những năm 2003-2009 đã phát lộ dấu tích của thành Đại La thời Đường và Cấm thành Thăng Long từ thời Lý đến hết thời Lê qua nhiều tầng văn hóa chồng xếp lên nhau. Thời Trần, khảo cổ học đã tìm thấy và bước đầu xác định 7 di tích kiến trúc cùng dấu tích giếng nước, cống thoát nước, hệ thống tường bao trong Cấm thành và nhiều di vật các loại.

Ngoài các vật liệu xây dựng như gạch, ngói, các tượng đất nung còn có các loại đồ gốm sứ, đồ sành, đồ kim loại và tàn tích thức ăn động vật... Khảo cổ học cũng cho phép xác nhận sự tồn tại của những lò gốm cao cấp tại kinh thành sản xuất cho cung đình và xuất khẩu” (trang 971- 972, cuốn Di sản văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử).

Tôi đang ấp ủ nhiều dự án, trong đó trọng tâm là đưa lịch sử tiếp cận giới trẻ bằng mọi phương tiện, đặc biệt là thông qua lĩnh vực giải trí, những điều mà những nước đồng văn với chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm từ lâu và rất thành công.

Người ta say mê với “Cung Tâm Kế”, đắm chìm trong “Mặt Trăng ôm Mặt Trời”, hoặc phấn khích cùng “Sengoku Musou”, còn chúng ta thì sao? Tại sao chúng ta không làm được, dù bề dày lịch sử văn hóa Việt Nam có kém gì? Rất nhiều lần tôi tự hỏi vậy và tự tìm câu trả lời cho bản thân.

Đóng góp của giáo sư Phan Huy Lê không chỉ dừng lại trong lĩnh vực lịch sử và văn hóa học, ông còn khai phá một lĩnh vực, ngành khoa học rất mới, chính là “Việt Nam học” - thứ mà tôi đang tự học mỗi ngày.

Và vì rất quan tâm tới Thăng Long, tôi muốn một ngày nào đó được góp sức phục dựng và truyền thông cho sự tái sinh của Hoàng thành Thăng Long và phủ chúa Trịnh như cách Trung Quốc đã làm với phim trường Hoành Điếm. Do đó, những lần giáo sư tổ chức khảo cổ và khai quật kinh thành huyền thoại này đã giúp ích tôi vô cùng nhiều.

Đứng dưới góc nhìn của người trẻ, các nghiên cứu của ông rõ ràng là không dễ tiếp thu, nhưng nó là nền tảng khoa học để những sản phẩm khác ra đời. Tôi ấn tượng sâu sắc về những gì ông kết luận trong cuộc tranh luận khi nhóm khai quật tại Hoàng thành Thăng Long tìm được một miếng gỗ khắc “Sắc mệnh chi bảo” tại Vườn Hồng, gần nhà Quốc hội vào tháng 12-2012, có hình vuông mỗi cạnh 10,5cm, dày 5cm (đặt ký hiệu 12.VH.G8.L6).

Từ phát hiện khảo cổ này, tôi suy nghĩ tới việc có thể xây dựng nhiều kịch bản xoay quanh chiếc ấn này để đưa nó lên phim.

Chúc cháu thành công trong nghiên cứu và phổ biến Việt sử trong thế hệ trẻ” - vị giáo già nói với niềm vui lấp lánh trong ánh mắt. Vì không được đào tạo bài bản theo trường lớp, tôi không nghĩ mình có thể đi theo hướng nghiên cứu, nhưng tôi sẽ dùng di sản của giáo sư để truyền lửa theo cách của mình.

Hiện tôi đang thực hiện kịch bản cho Hùng ca sử Việt Việt sử kiêu hùng, và tiếp tục viết 100 nhân vật lịch sử cho Công ty văn hóa Sử Việt. Tôi mong muốn kết hợp với một công ty (Gamize) để tái hiện, “thần tượng hóa” các nhân vật lịch sử theo hướng game và truyện tranh, đáp ứng khát khao của giới trẻ là có những sản phẩm hiện đại về các anh hùng cổ xưa nước Việt. Chắc chắn các sử liệu mà tôi cần đến sẽ phải trích từ 500 bài nghiên cứu đồ sộ và tâm huyết của giáo sư Phan Huy Lê. Không có các công trình của ông thì tôi bó tay.■

(1): Dũng Phan là người đồng sáng lập, quản trị viên của fanpage “The X File of History” trên Facebook với những bài viết hấp dẫn về lịch sử, có trên 151.000 người theo dõi tính đến tháng 6-2018.

Giáo sư Phan Huy Lê đã công bố trên 500 công trình nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước. Nhiều công trình có ý nghĩa mở đường cho một hướng nghiên cứu mới. Sau này tôi mới biết, năm 1975, những người vào tiếp quản Đại học Văn khoa Sài Gòn vẫn thấy sách của giáo sư Phan Huy Lê nằm trên kệ. Số sách này rất khó khăn để vận chuyển từ Hà Nội, sang Paris, rồi quay lại Sài Gòn. Như vậy có thể hiểu rằng giá trị nghiên cứu của giáo sư quan trọng đến mức đã vượt ra ngoài ranh giới phân tranh Nam Bắc bấy giờ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận