Về một cọng rơm bên đầm Walden 

NGÂN HƯƠNG 10/06/2016 02:06 GMT+7

TTCT - Với Walden, Henry David Thoreau (1817-1862) đã tìm thấy lời đáp cho mình khi đứng trước một trong những vấn đề triết học lớn: suy cho cùng đâu mới là cuộc hành hương dài hơi và khó nhọc nhất trong đời mỗi người?

Bìa sách
Bìa sách


Thoreau xuất phát từ nhận thức về con người vốn là những sinh thể lầm lạc, nhưng họ không đủ can đảm thoát khỏi mê cung. Tệ hơn nữa, họ không ý thức được bi kịch của chính mình. Không tự nhận mình là người thông thái, song niềm tin về sự kiên nhẫn trong mọi nỗ lực tìm thấy lối thoát đã đưa ông đến gần với linh hồn của triết học Đông phương.

 

Tổng thể 18 chương sách xoay quanh việc tường thuật quãng thời gian hai năm hai tháng Thoreau sống một mình trong một ngôi nhà tự xây, tự xoay xở thực phẩm và các nhu yếu phẩm bên đầm Walden, ở Concord, Massachusetts.

Cuốn sách bắt đầu bằng một vấn đề mang tính nền tảng đối với cuộc sống con người: kinh tế. Đây cũng là chương dài nhất, chiếm gần một phần năm dung lượng, lý giải tại sao chỉ để giải quyết các nhu cầu về thức ăn, chỗ ở, quần áo và chất đốt, con người đã đi đến chỗ họ thường xuyên chết đói, không phải vì thiếu những thứ cần thiết, mà vì muốn những thứ xa xỉ (tr.70).

Thoreau kết luận: tôi tin chắc việc nuôi sống bản thân một con người trên mặt đất này không phải là sự lao khổ, mà là tiêu khiển nếu chúng ta sống đơn giản và khôn ngoan (tr.79). Sự đơn giản và khôn ngoan ấy được ông thực nghiệm trong chính cuộc sống của mình.

Tự phong tỏa khỏi đời sống văn minh, liên tục đặt ra những đối lập ý niệm về một cuộc sống hạnh phúc theo quan niệm của số đông/của bản thân, Thoreau đặt mình vào vị thế nhóm người thiểu số với những lựa chọn bị phần lớn xem là lập dị, thậm chí thiếu khôn ngoan.

Sự thăng hoa trong cuốn sách có thể tìm thấy ở những chương Thoreau đặt mình vào vị trí của kẻ quan sát, lắng nghe và làm bạn với thiên nhiên: những âm thanh, ruộng đậu, những cái đầm, những con vật mùa đông, đầm trong mùa đông hay mùa xuân.

Sự tận hưởng tuyệt vời nhất, với Thoreau, là nhìn thấy thiên nhiên với những quy luật vận hành của sự sống sinh sôi, nơi ông hiểu mong muốn lớn nhất của mình không phải là sống gần với sự hỗn tạp của những tiếng nói số đông, mà bằng niềm cô độc, ông đến gần hơn với nguồn gốc vĩnh cửu của đời sống, vốn luôn giữ trong nó sự im lặng.

Thoreau là một trong những triết gia tiên nghiệm có sức ảnh hưởng lớn. John Updike gọi ông là nhà hiền triết bốn mùa (a sage for all seasons). Thoreau giữ vững niềm tin vào hai điều: sự im lặng tối thượng của tự nhiên và luật tối thượng của lương tri con người.

Niềm tin này như hấp lực đưa Thoreau tiến sâu vào không gian bóng tối của thế giới văn minh. Về phần mình, Thoreau luôn xem văn minh là một kiến tạo được dát lên chật cứng những món trang trí rẻ tiền. Đứng trong vùng tối đó, Thoreau giữ cho mình tham vọng bóc lớp những tồn tại, với ông là thừa thãi, để diện kiến cái cốt lõi tinh túy của đời sống: tính đơn giản và sự thật.

Sống cạnh đầm Walden, giọt nước của trời, Thoreau nhận ra ý nghĩa thiêng liêng của vũ trụ chứa đựng trong sự vận hành đời sống của những sinh vật nhỏ bé nhất.

Ông đã quan sát, lắng nghe và mô tả chúng kỹ lưỡng và tinh tế cho đến lúc nhận ra sự thật: Trong những ngày hội hè, thành phố bắn những khẩu súng lớn của nó, tiếng vọng đến những cánh rừng này nghe như súng của trẻ con chơi và những tiếng khóc than của âm nhạc chiến tranh đôi khi xuyên đi xa thế đấy (tr.174).

Bìa sách
Bìa sách

 

Câu chuyện của Thoreau dễ khiến ta nghĩ đến Cuộc cách mạng một-cọng-rơm của Masanobu Fukuoka (1913-2008). Sau Thoreau gần một thế kỷ, vẫn là cuộc hành hương quen thuộc ấy, Fukuoka đi tìm tính thiền của đời sống thông qua thực hành phương pháp canh tác tự nhiên.

Thế giới mong ước của cả Fukuoka và Thoreau là cõi utopia gần như không có thực, không phải vì sự bất khả trong năng lực của con người, mà vì lòng tham đã biến họ trở thành kẻ thù của tự nhiên.

Với lối hành văn đậm chất dụng điển, ưa thích câu văn dài, Walden thử thách người đọc một sự kiên nhẫn, tương tự cách Thoreau đã tìm kiếm ý nghĩa tồn tại của bản thân, trong việc nhận ra những tương tác giữa họ và môi sinh.

Con người đã tự chất vấn mình những gì khi đối mặt với những vấn đề sinh thái, mà ở đó không ai có thể phủ nhận sự dự phần của mình trong việc gây ra những thảm họa tự nhiên. Bằng tất cả nỗ lực vươn đến cõi sống không tưởng, trong sự nhân danh của phẩm hạnh thiêng liêng, nhưng rốt cuộc sự nhân danh ấy hiển lộ mọi trật khớp, con người luôn phá vỡ những quy luật của tự nhiên. Có điều gì nghịch lý, thậm chí phi lý trong hành trình này, khi ranh giới không tưởng và phản không tưởng dường như chỉ là trò cợt nhả?

Cuộc sống ở rừng là một lựa chọn mang đến cho Thoreau khoái cảm của kẻ tìm thấy hạnh phúc, tuy đó không phải là lựa chọn cuối cùng. Ông đã trở về và tái cư trú trong đời sống văn minh. Sự tìm kiếm dài hơi và khó nhọc nhất của con người là cuộc hành hương nhằm hiểu bản ngã, nhưng không tháo chạy khỏi đời sống. Câu trả lời của Thoreau, của Fukuoka, hay những tiếng nói bảo vệ thiên nhiên khác cho thấy mọi cuộc cách mạng trong đời sống luôn khởi phát từ nỗ lực thay đổi ở mỗi cá nhân.■

Phần lớn chúng ta không ở nơi chúng ta đang ở, mà ở một vị trí giả. Thông qua sự yếu đuối của bản tính mình, chúng ta tưởng tượng ra một cảnh ngộ và đặt bản thân vào đấy. Như vậy cùng một lúc chúng ta ở trong hai cảnh ngộ, muốn thoát ra lại khó gấp đôi. (tr. 339)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận