TTCT - Cho đến khi chia tay ông, tôi vẫn thắc mắc làm sao một vị giáo già với bao nhiêu khó khăn như vậy mà trong một thời gian không dài đã hoàn thiện hàng vạn trang bản thảo để in ra hàng chục quyển sách quý gồm đủ các thể loại dịch thuật, biên khảo...

Phóng to
Cực nhọc, vất vả với công việc nhưng thầy Đặng Quí Địch luôn tươi vui khi có người đến thăm, trò chuyện - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Vị giáo già đó là thầy Đặng Quí Địch, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) - xứ sở của cây dừa ở duyên hải miền Trung. Trong ngôi nhà khá rộng nằm ở con lộ chính của thị trấn chỉ có mỗi mình ông với vô số sách chất đầy những chiếc tủ lớn. Bàn làm việc của ông xếp dày chồng bản thảo của tác phẩm viết dở cùng giấy bút. “Mình lạc hậu lắm. Xưa nay chỉ biết dùng có cây bút thôi, không máy chữ, không vi tính vi tiếc gì hết” - ông cười nói.

Vượt bao ách tắc

“Ông Đặng Quí Địch đã phục hồi và giới thiệu cho chúng ta một khối tư liệu lớn và quý giá về truyền thống văn hóa đặc sắc của mảnh đất Bình Định vốn được xem là vùng “đất võ trời văn”. Ông đã âm thầm, kiên nhẫn thực hiện bằng công sức của riêng mình và tiền của gia đình, cùng với sự hỗ trợ phần nào của các vị mạnh thường quân và các nhà xuất bản. Cái công và cái tâm của ông đối với quê hương thật lớn, cần được ghi nhận xứng đáng...” .

Vóc người tầm thước, mái tóc bạc trắng được húi ngắn, nụ cười tươi và sự mau mắn trong câu chuyện làm vị thầy già dễ trở nên thân tình, gần gũi. Chính những tính cách đó đã giúp ông dễ tiếp cận mọi người, dành được nhiều thời gian hơn cho công việc. “Mình sắp 73 tuổi, quỹ thời gian không còn nhiều. Vậy mà công việc còn nhiều quá. Giá mà...” - ông nói. Nỗi day dứt với ông là đã bỏ qua một quãng thời gian khá dài trước khi trở lại với việc cầm bút. Mảnh đất với nhiều danh nhân như Đào Duy Từ, Đào Tấn, Đào Phan Duân, Quách Tấn... đã làm cho người dạy học vốn yêu thích tìm tòi, nghiên cứu như ông sớm để tâm vào công việc của một nhà biên khảo dẫu đó là việc “tay trái”.

“Tui ra sách không sớm nhưng cũng không muộn lắm. Năm 1969, vừa 30 tuổi, tui đã cho ra cuốn Phong cảnh và sản vật Bình Định, đến năm 1971 lại cho ra cuốn Nhân vật Bình Định. Thời đó tui dạy ngày hai buổi, tranh thủ ngày nghỉ đi điền dã, ban đêm chong đèn viết...” - ông nhớ lại hành trình. Vậy mà mãi đến đầu năm 1986 ông mới “lọ mọ” cầm bút trở lại, làm sao không tiếc được.

Nghỉ dạy sau năm 1975, giữa bao khó khăn kinh tế, từ phố thị Quy Nhơn ông về quê vợ ở xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) hết làm ruộng lại vào làm ở hợp tác xã sản xuất gạch ngói. Nhớ bục giảng, học trò, nhớ sách đèn, thèm bước chân đi thực tế, lại bị dòm ngó vì nhân thân “người của xã hội cũ”, bị mang điều tiếng về cái “tội” hay chữ của mình, ông cố ẩn nhẫn làm lụng. Ngày ngoài ruộng đồng, ở hợp tác xã, đêm về ông lại thắp đèn âm thầm đọc những tư liệu xưa mình có được vừa để ôn nhớ vốn Hán văn tự học ngày trước, vừa chờ ngày biên dịch in ra sách.

Dịch, biên khảo, niềm vui chữ nghĩa sau bao năm đứt đoạn lại trở về, ông phấn khích khi thấy bút lực của mình không suy sút mà lại mạnh thêm lên sau những năm dài hòa vào cuộc mưu sinh mới. Viết để đó, không thù lao, nhuận bút bởi tác phẩm chưa được in, mặc vợ con có lúc nặng nhẹ khi thấy ông ngày đêm miệt mài nơi bàn viết dù đã nghỉ việc ở hợp tác xã, ông vẫn dốc lòng cho công việc.

“Trời không phụ lòng người”, ông đã nói thế và cố kìm xúc cảm khi được Nhà xuất bản (NXB) Thanh Hóa nhận in cuốn Đào Duy Từ khảo biện và cuốn Cố sự Quỳnh Lâm (dịch Hán văn) vào năm 1998 khi một NXB ở Bình Định từ chối. Những cuốn sách mới này đã tạo nên lực đẩy. “Tui đạp xe đi điền dã, tìm kiếm tư liệu rồi ngồi viết. Chồng bản thảo cứ cao lên lần. Tiền nong thu được chẳng là bao, chỉ đủ để trà thuốc, mua giấy bút. Vẫn phải bám vào cơm vợ...” - ông nhớ lại giai đoạn “tăng tốc” cho cái nghiệp dĩ mình đã chọn.

Phóng to
Thầy Đặng Quí Địch viết lách cẩn trọng từng trang bản thảo như thế này, dẫu có tác phẩm lên đến 3.000 trang bản thảo - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Trải dài thao thức

Lục cho tôi xem 16 tác phẩm đã được xuất bản, xếp thành chồng dày sau khi phải ngồi nghỉ một hồi vì cơn chóng mặt, ông tâm sự: “Việc gì thành bại cũng một phần nhờ cái duyên. Cái duyên cho những cuốn sách của tui là gặp được NXB Văn Hóa Dân Tộc. Hầu hết sách của tui đều được NXB này cho ra đời”. Và cái duyên lớn của ông, như lời ông tự bạch, là ông được làm con dân của mảnh đất Bình Định vốn có nhiều di sản văn hóa lớn, từ núi sông, cảnh trí đến con người. Trong số 15 tác phẩm được in từ năm 1998 đến nay hầu hết là các biên khảo cũng như dịch thuật một số di cảo của văn hào Đào Tấn, phó bảng Đào Phan Duân, bên cạnh là biên dịch thơ văn của một số nhà khoa bảng, văn nhân tiền bối đất Bình Định.

Trong ngôi nhà vắng - vợ con ông theo nghề buôn bán và sống riêng ở ngôi nhà gần chợ huyện, bao năm nay ông phần nào tự lo cơm nước và bầu bạn với việc viết lách. “Tĩnh lặng, viết được nhiều”, ông nói nhỏ như sợ làm buồn lòng vợ con đã giúp ông được hoàn toàn tự tại với công việc. Nở nụ cười, ông cho hay về việc “đứa con” thứ 17 ra đời: NXB Văn Hóa Dân Tộc vừa báo rằng đã in xong tập 1 của cuốn Chuyện cũ nhà sư Bình Định (trọn bộ ba tập, đã viết xong, mỗi tập dày 600 trang).

Nhọc nhằn đi điền dã, cắm cúi viết, vượt qua bao điều thị phi, hơn thiệt, ông nói niềm vui lớn trong đời mình là có được kinh phí từ ai đó tài trợ để in tác phẩm, là khi nhận được tin sách đang được in ở NXB. Nhưng sau niềm vui là nỗi lo toan. Trong số 13 tác phẩm được ông hoàn chỉnh bản thảo chờ in phần lớn là những tác phẩm nhiều trang, nhiều tác phẩm dày đến 2.500-3.000 trang bản thảo, gồm 2-3 tập. Ngoài mảng địa phương chí từ dịch thuật các tư liệu là cổ văn, biên khảo về các danh nhân địa phương, về võ thuật và các đền chùa trong tỉnh, trong số những tác phẩm chờ in còn có một số tác phẩm có tầm rộng như Kinh Thi diễn ca (2.000 trang), Văn thi liệu tầm nguyên tự điển (3.000 trang).

Không thích nhắc nhiều những buồn vui trong nghiệp viết lách vốn đến sau nghề sư phạm, ông cho rằng điều quan trọng với mình là phải làm sao đi thực tế, tìm kiếm tư liệu để viết những cuốn sách về quê hương xứ sở mà nếu chậm tay nguồn tư liệu sẽ bị hư hỏng, mất mát. Ông đã trải qua mấy lần sinh tử trên đường đi điền dã thời chiến tranh. “Chắc ông trời cho mình sống để mình làm cái điều cần làm cho quê mình”, lời tự nhủ đó luôn thao thức trong ông nỗi lo công việc.

Gần dăm năm nay, bị chứng rối loạn tuần hoàn não và thấp khớp làm hạn chế công việc, ông tự ra nghiêm lệnh cho mình: có mệt đến mấy cũng phải viết cho được ba trang bản thảo mỗi ngày. Nhìn ông đang viết những trang cuối cho tác phẩm khảo luận dài hơi Bình Định tam Đào nối sau chồng bản thảo cao ngất Bình Định lưỡng Tấn, tôi thấy ông như một đô vật lão thành đầy cường kiện trên sàn đấu chữ nghĩa. “Mai mốt đây sẽ dịch tiếp 28 bổn tuồng hát bội Bình Định. Tui đã dịch xong hai tuồng rồi. Rồi còn dịch thơ văn ông Đào Tấn nữa. Cái ông để lại lớn quá mà. Tui mong cấp trên sớm lập hồ sơ để UNESCO xếp ông Đào Tấn là danh nhân văn hóa thế giới” - ông cho biết.

“Ông trời cho mình sống...”, vị giáo già luôn thích dùng lời mộc mạc trong chuyện vãn. Ông không nói nhưng rõ là cái “thiên mệnh” của ông là phải gắn với quê hương đất nước bằng việc giữ gìn di sản của ông cha. Không than bệnh tật, không kêu thiếu thốn, ông chỉ đăm đắm với công việc mình phải làm “vì ông trời cho mình sống” với tất cả nhiệt tình và thao thức. “Cái nhiệt tình thì tui có rồi đó. Nhưng cái tui lo là làm thế nào để cuốn sách mình soạn ra được in, được xuất bản. Không in ra được thì mình có viết ra, soạn ra rồi e cũng bỏ trong tủ như tư liệu gốc mình tìm về thôi...” - ông nói. Nhìn ông bên “núi” bản thảo chờ có tiền in, tôi tự hỏi phải chăng những ưu tư, thao thức trải dài như thế đã làm ông sớm bạc trắng mái đầu?

Phóng to
Những tác phẩm của thầy Đặng Quí Địch. Chồng bên phải là những tác phẩm đã được xuất bản từ năm 1998 đến nay. Hai chồng kề bên là những tác phẩm đã được ông viết hoàn chỉnh, chờ in (hay đúng hơn là chờ kinh phí tài trợ để in), phần lớn là những tác phẩm có nhiều tập, nhiều trang - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận