Việt Nam học: Sứ mệnh dở dang

VĨNH HÀ 03/05/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Mặc dù đã có bước tiến dài trong hơn 2 thập niên qua, nhưng theo GS.TS Lê Huy Bắc, trưởng khoa Việt Nam học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), ngành Việt Nam học mới dừng ở mức dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cung cấp kiến thức nền và nghề cơ bản cho người Việt tìm kiếm công việc linh hoạt ở các lĩnh vực báo chí, văn hóa và du lịch.

Cũng theo ông Bắc, ngành Việt Nam học ở các ĐH một số quốc gia hiện chủ yếu dừng ở việc dạy tiếng Việt, qua đó giới thiệu văn hóa Việt Nam. Các trường ĐH trong nước ở thời kỳ đầu mở ngành Việt Nam học nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên nước ngoài muốn tìm hiểu Việt Nam, nhưng do đối tượng này rất ít nên các trường chuyển hướng sang người học trong nước. 

Giáo sư tiến sĩ Lê Huy Bắc. Ảnh: Vĩnh Hà

 

Để trở thành “sức mạnh mềm” - nhiều trở ngại

Ông nghĩ thế nào về quan điểm cho rằng sứ mệnh của ngành Việt Nam học là quảng bá “sức mạnh mềm” của Việt Nam ra thế giới trong tương quan với những thành quả mà văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ hay châu Âu đã có?

Theo những gì tôi quan sát thì nhiều nước đã biến được nền văn hóa thành “sức mạnh mềm”. Họ có chiến lược quảng bá rõ ràng trong các lĩnh vực như du lịch, ẩm thực, trang phục, âm nhạc, điện ảnh…, tức những gì rất thiết thực mà xã hội hiện đại quan tâm. Ở Việt Nam, để văn hóa trở thành “sức mạnh mềm” thì cần chiến lược ở tầm quốc gia. Ví dụ, chúng ta có gạo “ngon nhất thế giới” thì đi cùng sản phẩm cũng phải quảng bá về vùng đất và cách thức sản xuất ra nó. Vùng đất ấy có lịch sử, đặc điểm địa lý thế nào, liên quan gì tới dòng Mekong chung chảy qua nhiều quốc gia và cần bảo tồn ra sao? Ở đây nếu có chiến lược bài bản, không chỉ quảng bá văn hóa, phát triển du lịch mà còn góp phần tạo nên quyền lực mềm của các quốc gia có chung dòng chảy Mekong, làm sao để hợp tác, bảo vệ những giá trị chung, không phá vỡ môi trường tự nhiên… Trong bối cảnh toàn cầu hóa thì những chiến lược liên văn hóa kiểu đó là việc cần tính đến về lâu dài. 

Chúng ta chưa làm được điều đó?

Thông qua việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở những nơi đào tạo Việt Nam học trong nước và một số nước, những đặc trưng văn hóa Việt Nam bao trùm ở nhiều lĩnh vực cũng được giới thiệu. Nhưng xét khía cạnh quảng bá bản sắc văn hóa Việt với người nước ngoài, thậm chí là với chính người Việt Nam, thì chưa được như mong đợi.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển ngành Việt Nam học, tôi thấy chưa bao giờ nó được đề cao như bây giờ. Có lẽ trong bối cảnh hội nhập thì những gì thuộc về bản sắc quốc gia sẽ được nghĩ đến nhiều hơn. Nhưng có một thực tế buồn không thể phủ nhận là trong khi người Việt học tiếng Nhật, tiếng Hàn để đi xuất khẩu lao động, nhiều người Nhật, người Hàn sang Việt Nam học tiếng Việt để đầu tư kinh tế, để làm ông chủ trên chính đất nước ta. Họ học tiếng, hiểu về Việt Nam để mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa của họ. 

Trong lịch sử, có lẽ Pháp, mà cụ thể là Viện Viễn Đông Bác Cổ, là nơi lưu giữ nhiều nhất tư liệu văn hóa Việt Nam, bởi người Pháp có một thời gian dài cai trị. Họ nghiên cứu, tìm hiểu và lưu giữ tư liệu văn hóa Việt Nam cũng để cai trị.

Thực tiễn đó cũng có những mặt tích cực. Nhưng ở thời hiện đại, khi Việt Nam đã là một quốc gia độc lập đang hội nhập mạnh mẽ, cần suy nghĩ đến việc thay đổi sự lan tỏa văn hóa thụ động bằng sự chủ động.  

Theo ông để làm điều đó, phải bắt đầu từ đâu? Việt Nam từng 5 lần tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế về Việt Nam học và sắp tổ chức hội thảo lần thứ 6, những sự kiện này liệu có thúc đẩy phát triển cộng đồng học thuật nghiên cứu về Việt Nam với nòng cốt là những học giả người Việt không?

Những người nghiên cứu về Việt Nam thường có xuất phát điểm nghiên cứu chuyên sâu một lĩnh vực nào đó như lịch sử, ngôn ngữ, văn học… Ở một số nước như Đức, Mỹ, Hàn Quốc, những học giả quan tâm tới Việt Nam cũng bắt đầu từ nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, ngôn ngữ… So với cộng đồng nghiên cứu chuyên về văn hóa các quốc gia, khu vực thì nghiên cứu về Việt Nam vẫn mỏng và không toàn diện.

Còn chúng ta, theo tôi, chưa có một nhà nghiên cứu Việt Nam học nào trong nước có tầm cỡ quốc tế. Chúng ta cứ hay đóng cửa tự khen nhau, nhưng để trở thành một học giả tầm cỡ quốc tế thì minh chứng thuyết phục nhất là phải có các công bố quốc tế. Trong khi công bố quốc tế về Việt Nam học của ta nói chung rất hiếm. Thế giới hầu như chẳng biết một nhà Việt Nam học người Việt đúng nghĩa nào.

Những hội thảo khoa học quốc tế của ta tổ chức đúng là đã gây được sự chú ý, thu hút hàng trăm học giả các quốc gia khác tham dự. Nhưng tại chính những sự kiện này, cũng hiếm những tiếng nói có trọng lượng của giới nghiên cứu trong nước. Học giả Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài lại càng ít. Có nhiều khó khăn như tài chính, ngoại ngữ, nhưng quan trọng nhất vẫn là không đủ năng lực nghiên cứu, thiếu những thành quả nghiên cứu có giá trị đương đại để có tiếng nói tại những sự kiện như thế. 

Để khẳng định giá trị văn hóa, bản sắc Việt Nam trong tư thế chủ động thì phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong giới học thuật của các nhà nghiên cứu của Việt Nam, rồi lan tỏa bằng các chiến lược trong nhiều lĩnh vực. 

Tôi hi vọng nhiều hơn ở thế hệ 8X, 9X, những người nắm công nghệ trong tay, giỏi ngoại ngữ. Họ sẽ là những người đưa được văn hóa Việt Nam ra thế giới một cách đúng đắn và hãnh diện. Nhà nước cần tập trung đầu tư vào các nhóm nghiên cứu trẻ này. 

Ngành Việt Nam học đang mở ra ở nhiều trường đại học với số chỉ tiêu lớn, ông có cho rằng đây là nơi tạo nguồn những nhà nghiên cứu trẻ không?

Trên thực tế, hiếm người học ngành Việt Nam học trở thành nhà nghiên cứu chuyên sâu. Bởi đi theo con đường nghiên cứu, sinh viên học ngành này ít nhất phải học lên tiến sĩ và là những người có tố chất tốt, có năng lực và đam mê. Thường các bạn trẻ có khả năng nghiên cứu sẽ chọn học các ngành “hot” hơn, có vị trí việc làm và cơ hội thành công rõ ràng hơn. Ngay ở các trường sư phạm, không ít sinh viên nếu không có khả năng vào các ngành đào tạo giáo viên thì mới vào Việt Nam học. Phần đông họ chấp nhận một kiến thức nền và sự năng động đủ để làm việc ở các lĩnh vực báo chí, văn hóa, hay du lịch, chứ không tính đến việc đi sâu để trở thành nhà nghiên cứu. Muốn có được đội ngũ nhà nghiên cứu trẻ có thực lực, tâm huyết, cần có chính sách thu hút người giỏi vào lĩnh vực này, và cần cân nhắc đưa cử nhân Việt Nam học vào tuyển dụng chính thức trong các ngành nghề về giáo viên, quản lý văn hóa, du lịch.

Việt Nam học và việc làm

Thưa giáo sư, sinh viên Việt Nam theo học ngành Việt Nam học có thể hi vọng một công việc thực tế như thế nào?

Sinh viên ngành này có thể làm việc trong lĩnh vực văn hóa như bảo tồn, bảo tàng, ở các viện nghiên cứu văn hóa, báo chí truyền thông, quản trị du lịch, lữ hành… Bắt đầu từ một số nơi, như ĐH Đà Lạt, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội. Hiện có nhiều trường mở khoa Việt Nam học, bao gồm cả những trường thuộc khối công nghệ kỹ thuật, với chỉ tiêu khá lớn. Ở những nơi như thế, ngành Việt Nam học chủ yếu hướng sinh viên đến lĩnh vực du lịch. Có những trường tôi biết dành đến 500 chỉ tiêu/năm để đào tạo ngành này, chủ yếu phục vụ du lịch.

Ngành Việt Nam học đặt trong môi trường sư phạm, theo ông có thể tính đến những mục tiêu gì khác?

Theo xu thế chung trên thế giới, ở bậc phổ thông, chương trình - sách giáo khoa nên xây dựng theo hướng tích hợp. Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 cũng đã chuyển động theo hướng này, ví dụ tích hợp lịch sử và địa lý. Nếu đi theo hướng này và mở rộng hơn, tôi nghĩ các vấn đề lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, con người Việt Nam chính là Việt Nam học. Nếu tích hợp các lĩnh vực đó thành môn đất nước học ở bậc phổ thông thì các trường sư phạm hoàn toàn có thể lấy khoa Việt Nam học là nền tảng để đào tạo giáo viên cho môn học tích hợp này, còn học sinh tiểu học, THCS có thể học môn đất nước học. Lên đến THPT mới cần tách ra thành các phân môn riêng như văn, sử, địa… để định hướng nghề nghiệp. Ở góc độ giáo dục phổ thông, để hình thành phẩm chất, nhân cách cho học sinh thì một môn học bao trùm nhiều lĩnh vực về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam rất cần thiết. Nó cần được đặt ở vị trí quan trọng.

Với cách tiếp cận liên ngành bao gồm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, địa lý và con người Việt Nam như thế, sinh viên học ngành này sẽ có được kiến thức nền và nghề đủ rộng để có thể lựa chọn một ngành nghề linh hoạt.■

Việt Nam học trong nước, một số cột mốc

Năm 1988: ĐH Tổng hợp Hà Nội thành lập Trung tâm Phối hợp nghiên cứu Việt Nam. GS Phan Huy Lê là giám đốc đầu tiên.

Năm 1998: Hội thảo Khoa học quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất có sự tham dự của hơn 300 nhà khoa học quốc tế từ 26 nước và 400 nhà khoa học Việt Nam.

Năm 2016: Việt Nam đã tổ chức 5 Hội thảo Khoa học quốc tế về Việt Nam học vào các năm 1998, 2002, 2008, 2012, và gần nhất là 2016. Hội thảo lần thứ 6 dự kiến diễn ra trong năm nay. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận