Việt Nam và những cam kết ở COP-21

NGUYỄN ĐĂNG ANH THI 30/11/2015 21:11 GMT+7

TTCT - Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) diễn ra từ ngày 30-11 đến 11-12 tại Paris đặt mục tiêu đi đến một hiệp định quốc tế về khí hậu có hiệu lực từ năm 2020, nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 20C vào cuối thế kỷ 21.

Biến đổi khí hậu gây hạn hán ở Ninh Thuận  -Thuận Thắng
Biến đổi khí hậu gây hạn hán ở Ninh Thuận -Thuận Thắng

Để chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo hiệp định quốc tế về khí hậu này, các quốc gia được yêu cầu trình nộp báo cáo “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (INDC) cho Ban thư ký Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), trong đó thể hiện cam kết pháp lý trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn sau năm 2020.

Việt Nam cần tham vọng hơn

Báo cáo INDC của Việt Nam đưa ra các đóng góp dự kiến trong hai hợp phần chính là cắt giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đóng góp dự kiến trong hợp phần cắt giảm phát thải khí nhà kính tập trung vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải.

Riêng đối với lĩnh vực năng lượng, các hoạt động giảm phát thải bao gồm các quá trình đốt nhiên liệu, cụ thể là công nghiệp sản xuất năng lượng, công nghiệp chế biến, xây dựng, giao thông và các dịch vụ về dân dụng, nông nghiệp, thương mại.

Các đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu tập trung vào nông nghiệp, tài nguyên nước, lâm nghiệp ở vùng đồng bằng, ven biển, đồi núi và đô thị nhằm giúp tăng khả năng chống chịu, tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Về chỉ tiêu cắt giảm phát thải, INDC của Việt Nam thể hiện rằng bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ các hợp tác song phương và đa phương.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu - phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường), tổ trưởng xây dựng INDC, trong tổng dự kiến tài chính 21 tỉ USD Việt Nam chỉ có thể bố trí 3,2 tỉ USD để hoàn thành mục tiêu 25% này, phần còn lại (17,8 tỉ USD) cần quốc tế hỗ trợ.

Bảng tổng hợp các cam kết cắt giảm phát thải của các quốc gia ASEAN (xem bảng đính kèm) cho thấy một số quốc gia đặt mục tiêu cao, như Thái Lan 20%, Indonesia 26%, Campuchia 36,5% và đặc biệt Philippines cam kết cực kỳ mạnh mẽ với 70%.

Tại hội thảo “Hành động về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam” do phái đoàn EU tại Việt Nam đồng tổ chức với đại sứ quán các nước Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh ngày 21-11-2015, ông Bruno Angelet - đại sứ, trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam - phát biểu:

EU muốn khuyến khích Việt Nam cam kết một mục tiêu khí hậu tham vọng hơn cho Paris COP-21 so với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính hiện thời là 8%”. Để hỗ trợ và khuyến khích Việt Nam cam kết về một mục tiêu cao hơn, EU rất trông đợi và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam lồng ghép các hành động giảm nhẹ, ứng phó cụ thể vào những kế hoạch hành động của mình, trong đó một trong những ưu tiên của EU là hỗ trợ Việt Nam cải cách ngành năng lượng.

EU và Chính phủ Việt Nam đang xúc tiến thảo luận các vấn đề liên quan tới cơ chế thị trường, cơ chế định giá, trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và đánh giá sự độc quyền.

Giải pháp nào để tăng mục tiêu cắt giảm phát thải?

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, Việt Nam xem ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Tuy nhiên, mục tiêu cắt giảm 8% phát thải không điều kiện của Việt Nam dường như chưa tương xứng với việc góp phần giảm nhẹ hậu quả tác động của biến đổi khí hậu trước hết cho chính mình, như EU đã khuyến cáo.

Có hai điều cực kỳ quan trọng mà báo cáo INDC không tập trung sâu vào, đó là khả năng cắt giảm phát thải trong ngành sản xuất năng lượng và huy động tài chính tư nhân cho việc cắt giảm phát thải.

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và môi trường, trong kịch bản phát triển thông thường, phát thải khí nhà kính của chỉ riêng việc đốt nhiên liệu trong ngành sản xuất năng lượng (nhiệt điện) của Việt Nam đã chiếm đến 31,1% tổng phát thải khí nhà kính năm 2020 và lên đến 51% tổng phát thải khí nhà kính năm 2030, chủ yếu đến từ nguồn nhiệt điện than.

Do vậy, có thể thấy tiềm năng cắt giảm phát thải trong sản xuất năng lượng của Việt Nam là vô cùng lớn. Nếu chỉ giảm phát thải thêm 20% trong ngành sản xuất năng lượng như là mức tự nguyện giảm phát thải năm 2030 theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thì đã dẫn đến giảm phát thải thêm 10,2% trong toàn bộ phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2030, lúc đó mức giảm phát thải không điều kiện của Việt Nam đã nâng lên 18,2%.

Tiếc rằng báo cáo INDC của Việt Nam đã bỏ qua điều này. Việc cắt giảm phát thải trong ngành sản xuất năng lượng có thể được thực hiện thông qua việc nâng cao hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện than hiện hữu, sử dụng than sạch hơn và lựa chọn công nghệ nhiệt điện than hiệu suất cao khi đầu tư mới, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc phát triển năng lượng tái tạo để thay thế nhiệt điện.

Về vấn đề tài chính, báo cáo INDC của Việt Nam chỉ đề cập đến nguồn lực nội tại mang tính chất đầu tư công của Việt Nam và các hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương mà bỏ quên nguồn tài chính tư nhân.

Theo báo cáo Bối cảnh toàn cầu về tài chính khí hậu năm 2015 do Sáng kiến chính sách khí hậu (Climate Policy Inititative) công bố tháng 11-2015, tổng hợp các nguồn tài chính đầu tư cho khí hậu trong giai đoạn năm 2012-2014 là 391 tỉ USD, trong đó tài chính tư nhân đóng góp đến 243 tỉ USD, chiếm 62% trong tổng số các nguồn tài chính huy động, chủ yếu đầu tư vào các giải pháp nhằm hỗ trợ cắt giảm phát thải khí nhà kính là phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.

Với Việt Nam, tiềm năng đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng là vô cùng lớn, nhưng việc huy động nguồn vốn tư nhân đến nay vẫn còn cực kỳ hạn chế, chủ yếu do những rào cản về pháp lý.

Với việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm huy động tối đa tài chính tư nhân đầu tư vào các dự án liên quan đến công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng, khi đó nguồn vốn không còn là một trở ngại để Việt Nam cam kết mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế đóng góp vào việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam.■

Nguồn: Tác giả tổng hợp
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận