10 môn thể thao trọng điểm

KHƯƠNG XUÂN 13/02/2011 10:02 GMT+7

TTCT - Trong điều kiện ngành thể thao còn nghèo nàn, thiếu thốn, việc Thủ tướng Chính phủ thông qua Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020 được xem là tín hiệu vui đầu năm, qua đó hi vọng sẽ không tái diễn thất bại ê chề như tại Asiad 16 mà nguyên nhân do thiếu kinh phí, đầu tư dàn trải.

Phóng to
Các nữ VĐV quyền anh tập tại Cung thể thao Quần Ngựa. Đây là một trong những môn được đầu tư đặc biệt từ năm 2011

Trong năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược 2020, 10 môn thể thao trọng điểm trong nhóm các môn được đầu tư đặc biệt đã có những chuyển biến rõ rệt từ việc được tăng nguồn kinh phí, thuê chuyên gia nước ngoài và tổ chức nhiều chuyến tập huấn nước ngoài.

Những mục tiêu vừa sức

Sau thất bại tại Asiad 16, rất ít người quan tâm đến đấu trường SEA Games. Những người làm công tác quản lý thể thao có lẽ đã không còn ảo tưởng thể thao VN (TTVN) nằm trong top 3 khu vực như số lượng huy chương tổng kết mỗi kỳ SEA Games gần đây.

Tại Asiad 16, đoàn TTVN chỉ giành 1 HCV, đứng thứ sáu khu vực Đông Nam Á, xếp sau Thái Lan (11 HCV), Malaysia (9), Indonesia (4), Philippines (3) và cả Myanmar (2). Trong số 11 HCV của Thái Lan thì có đến bảy thuộc các môn trong hệ thống thi đấu Olympic: điền kinh (1), quyền anh (1), đua thuyền buồm (3), taekwondo (2).

Nói như vậy để biết TTVN đã tụt hạng so với các quốc gia trong khu vực và hướng đi những năm qua là sai lầm. Trong điều kiện kinh phí có hạn, VĐV tài năng không nhiều nhưng ngành thể thao lại đầu tư dàn trải quá nhiều môn, nhiều VĐV. Thậm chí mang cả những môn như đá cầu, bi sắt, lặn... để gom vào thành tích chung tại SEA Games mà ảo tưởng rằng chúng ta đang đứng trong top 3 khu vực. Trong khi đó, rất nhiều HCB trong số 17 HCB của đoàn TTVN tại Asiad 16 đều rơi vào những môn Olympic và lẽ ra đã có thể biến thành HCV nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức như: 3 HCB điền kinh của Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương; 1 HCB vật của Nguyễn Thị Lụa; 1 HCB taekwondo của Nguyễn Hoài Thu; 1 HCB bắn súng của Hà Minh Thành...

Trong Chiến lược 2020, điều quan tâm đặc biệt được dành cho Asiad và Olympic. Cụ thể, tại Asiad 18 (năm 2018), TTVN sẽ phải đứng vị trí từ 14-12, trong khi tại Olympic là phấn đấu có 30 VĐV đạt chuẩn tham dự London 2012, tăng lên 40 VĐV ở Olympic 2016, 45 VĐV ở Olympic 2020, đồng thời phấn đấu có huy chương Olympic.

Những mục tiêu cụ thể và cũng vừa sức cho thấy TTVN đã hướng tới đầu tư cho tầm châu lục và thế giới, chứ không còn lo giành giật huy chương và vị trí tại các SEA Games với quá nửa là các môn đứng ngoài Olympic. “Cũng khó có thể đưa ra những mục tiêu đột phá về thành tích, bởi trình độ phát triển của thể thao thế giới ngày càng mạnh trong khi khoảng cách giữa các quốc gia ngày càng được rút ngắn” - ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao và là trưởng đoàn TTVN tại nhiều kỳ đại hội, nhấn mạnh.

Phóng to
Vũ Thị Hương cùng Trương Thanh Hằng được tập trung đầu tư để hi vọng đoạt vé đến Olympic London 2012 - Ảnh: Hữu Tâm

Xác định 10 môn thể thao trọng điểm

Gần 40 năm theo dõi quá trình phát triển của TTVN, nhà báo Nguyễn Lưu đã phải nói rằng “quá tốt” khi lần đầu tiên TTVN đã phân chia và xác định được các nhóm môn trọng điểm cần đầu tư. Cụ thể đó là 10 môn thể thao trọng điểm loại một và 22 môn thể thao trọng điểm loại hai. Trong số này, các môn trọng điểm loại một có đến 9/10 là các môn Olympic sẽ được đầu tư đặc biệt gồm: điền kinh, bơi lội, cử tạ, taekwondo, vật (nữ), bắn súng, quyền anh (nữ), cầu lông, bóng bàn và karatedo. Với mục tiêu đến năm 2020 vào top 10 châu Á, bóng đá cũng chỉ nằm ở nhóm 22 môn loại hai cùng với bóng chuyền, thể dục dụng cụ, xe đạp, silat, cầu mây, cờ vua, bóng ném, bi sắt...

Để tập trung phát triển các môn thể thao trọng điểm loại một, ngành thể thao sẽ quy hoạch các trung tâm thể thao trọng điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, các trung tâm phụ trợ, các trường đại học thể thao. Đảm bảo việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ cho các môn trọng điểm, trong kế hoạch ngành thể thao sẽ đầu tư xây dựng các trường năng khiếu tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các VĐV trong các môn trọng điểm loại một sẽ được đầu tư đặc biệt theo lộ trình từ khâu tuyển chọn, đào tạo, thi đấu cùng việc giám định sức khỏe, ban hành chế độ dinh dưỡng...

Trao đổi với TTCT, tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng khẳng định việc đầu tư trọng điểm, đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ, tìm kiếm tài năng cho TTVN không phải làm một lúc là xong. Tuy nhiên từ sau khi Chiến lược 2020 được thông qua, ngay trong năm 2011 ngành thể thao sẽ bắt tay vào làm việc với các địa phương để thống nhất cách làm từ tuyển chọn VĐV, đào tạo, trang bị cơ sở vật chất, tuyển chọn chuyên gia... Thậm chí phải thay đổi cả hệ thống thi đấu cũ mà ngành thể thao đang áp dụng. Việc thuê chuyên gia nước ngoài chất lượng với mức lương cao luôn là vấn đề, nhưng kể từ nay các môn trọng điểm sẽ được đáp ứng tối đa mọi yêu cầu về chuyên gia nước ngoài.

Phóng to
Nguyễn Thị Lụa (bìa phải) nhiều khả năng không dự SEA Games 26 để tập trung cho vòng loại Olympic London - Ảnh: K.X.

Đầu tư nhiều hơn cho Điền kinh, cử tạ, quyền Anh, vật

Ngay từ đầu năm 2011, sau khi quy hoạch các môn trọng điểm được thực thi, các môn thuộc loại một đã được đầu tư nhiều gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp ba kinh phí hằng năm trước đó.

Ông Vũ Đức Thịnh, trưởng bộ môn quyền anh, cho biết môn này được đầu tư cao gần gấp ba kinh phí năm 2010, từ 30.000 USD lên 80.000 USD. Đội quyền anh nữ, hầu hết là VĐV trẻ ở độ tuổi 15-19, sẽ có hai chuyến tập huấn tại Thái Lan và Trung Quốc, tham dự Giải VĐ châu Á, Giải trẻ thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể dự tính mời đội quyền anh CHDCND Triều Tiên sang VN tập huấn hơn một tháng để có điều kiện giao lưu, học hỏi. Với mức lương 1.400 USD trả cho chuyên gia Thái Lan hiện nay, dự kiến năm 2012 quyền anh sẽ thuê chuyên gia giỏi hơn ở tầm thế giới.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, TTVN sẽ đào tạo 2.000-2.500 HLV trong giai đoạn từ 2011-2015, 2.500-3.000 HLV giai đoạn 2016-2020. Kết hợp với đó là thuê chuyên gia, HLV nước ngoài để đào tạo VĐV trong nước. Đào tạo và bồi dưỡng 200-250 trọng tài quốc tế, 2.500-3.000 trọng tài quốc gia. Tuyển chọn và đào tạo 30.000 VĐV quốc gia. TTVN cũng đang xây dựng đề án xin đăng cai Asiad 18 (năm 2018) tại Hà Nội và SEA Games 2017 hoặc 2019 tại TP.HCM.

Với điền kinh và bơi lội, có lẽ đây là năm đầu tiên VĐV hai môn này đi tập huấn ở châu Âu và Mỹ. Với hi vọng giành suất chính thức đến Olympic London, Vũ Thị Hương sẽ tập huấn sáu tháng tại Đức, trong khi Trương Thanh Hằng tập huấn tại Trung Quốc và vùng núi cao Bhutan. Chuyên gia người Đức Uwe đánh giá Hằng có nhiều cơ hội đến London hơn cả Hương. Kinh phí của điền kinh tăng từ 80.000 USD năm 2010 lên 120.000 USD năm 2011.

Cùng số tiền đầu tư như điền kinh, năm 2011 taekwondo tiếp tục hi vọng trong số Nguyễn Hoài Thu (57kg), Lê Huỳnh Châu (58kg), Dương Thanh Tâm (68kg) ít nhất sẽ có một người giành vé chính thức đến London 2012. Để chuẩn bị cho vòng loại Olympic London, taekwondo sẽ có hai chuyến tập huấn tại Trung Quốc, Hàn Quốc và tham dự hầu hết các giải quốc tế để nâng cao trình độ và tích lũy điểm cho VĐV đến Olympic.

Tháng 11-2011, khi SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia cũng là lúc diễn ra giải taekwondo vòng loại châu Á để tích điểm dự Olympic. Vì vậy ông Vũ Xuân Thành, trưởng bộ môn taekwondo, cho biết các VĐV xuất sắc nhất tham dự vòng loại Olympic thậm chí sẽ không đến Indonesia để chỉ tập trung giành vé đến olympic. “Hiện nay đấu trường Olympic là quan trọng nhất, còn SEA Games để các em trẻ và yếu hơn tham dự cũng không sao” - ông Thành nhấn mạnh.

Ông Đỗ Đình Kháng, trưởng bộ môn cử tạ, rất buồn vì lực lượng VĐV thế hệ của Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thiết đã giải nghệ hoặc đang bị cấm thi đấu. Tuy nhiên Thạch Kim Tuấn đang là người được kỳ vọng sẽ thế chỗ các đàn anh giành vé đến Olympic. Năm 2011, cử tạ được đầu tư 80.000 USD, cao hơn rất nhiều số tiền đầu tư năm 2010 cũng chỉ với 80.000 USD cho cả hai môn cử tạ và thể hình. Trong tháng 2 này, cử tạ sẽ thuê chuyên gia giỏi của Bulgaria với mức lương 2.000 USD để huấn luyện Thạch Kim Tuấn. Có thể Tuấn sẽ bỏ đấu trường SEA Games 26 khi trong tháng 11 anh phải tham dự giải VĐ thế giới tại Pháp.

Ông Vương Bích Thắng cho rằng nhiều khả năng đô vật Nguyễn Thị Lụa, HCB Asiad 16, cũng sẽ không có mặt tại SEA Games 26 để tập trung việc giành vé đến Olympic London, khi vật nữ được xác định nằm trong nhóm môn đầu tư trọng điểm loại một.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận