TTCT - Đương kim tổng thống Brazil, Luiz Inácio Lula da Silva, thề sẽ chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Nhưng vừa giữ rừng vừa giữ cử tri nghĩa là ông Lula sẽ phải giữ thăng bằng trên một sợi chỉ. Ảnh chụp từ trên cao cho thấy khu vực rừng nhiệt đới Amazon bị phá ở bang Amazonas, Brazil ngày 8-7-2022. Ảnh: Bruno Kelly/Reuters Đất nước Brazil đang trông coi những khu rừng quan trọng và giàu có về mặt sinh học bậc nhất thế giới, bao gồm rừng mưa Amazon, rừng Đại Tây Dương và thảo nguyên nhiệt đới Cerrado.Chúng có thể góp phần đáng kể trong việc hạn chế biến đổi khí hậu, vì cây cối ở đó mỗi ngày hấp thụ và lưu trữ một lượng lớn CO2 - một trong những khí đang làm nóng hành tinh.Nhưng Brazil cũng là một trong những nhà xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới với số lượng gia súc nhiều hơn số người. Điều đó gây ra một vấn đề lớn. Ví dụ ở Amazon, 86% của phần diện tích rừng bị chặt phá trong giai đoạn 1985-2020 là để trồng cỏ cho bò, theo tổ chức phi lợi nhuận Imazon. Khi những trang trại chăn thả gia súc, những cánh đồng đậu nành hay một cụm nhà nhỏ thế chỗ rừng già, sự kết hợp của thứ ánh nắng thiêu đốt và lượng mưa dữ dội sẽ nhanh chóng rửa trôi các chất dinh dưỡng trong đất, để lại mặt đất cằn cỗi nghèo nàn chỉ sau vài năm.Theo dữ liệu mà Chính phủ Brazil công bố, các đồng cỏ đang chiếm khoảng 160 triệu ha diện tích, nhưng 63% trong số đó đã bị suy thoái. Vì thế nông dân khai hoang các khu vực mới bằng cách phá rừng cùng với các quần thể sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng.Nông dân? Cũng không chắcAmazon lưu giữ 40% diện tích rừng nhiệt đới còn lại của Trái đất và 25% đa dạng sinh học trên cạn. Tuy nhiên nó bị chia cắt bởi hai đường cao tốc tạo thành một hình chữ thập: đường BR-163 kéo dài hơn 3.500km từ bắc tới nam, và đường Trans-Amazonian chạy hơn 4.000km từ đông sang tây. Thân xác rừng già bị đục khoét vào những năm 1970 để mở cửa vùng hoang dã cho những người định cư và cho sự phát triển. Kể từ khi xây dựng đường cao tốc, ước tính khoảng 20% diện tích rừng nhiệt đới đã bị phá hủy.Nhưng đã có một "tia sáng cuối rừng già", kể từ ngày tổng thống cánh tả Luis Inácio Lula da Silva nhậm chức (1-1-2023). Nhà lãnh đạo này hứa sẽ đảo ngược tình trạng phá rừng gia tăng dưới trào chính phủ tiền nhiệm của Jair Bolsonaro. Dữ liệu đến nay cho thấy ông đã đạt được một số thành công: đến tháng 7-2023 nạn phá rừng ở Amazon giảm 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức thấp nhất kể từ năm 2018 khi ông Bolsonaro đắc cử.Nhân viên tổ chức Nature Convservancy nói chuyện với một nông dân địa phương ở São Félix do Xingu (Amazon, Brazil). Ảnh: Rafael AraujoTháng 12 năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP28 của Liên Hiệp Quốc ở Dubai, ông Lula đã trình bày kế hoạch tái tạo đến 40 triệu ha đất chăn thả đã nghèo kiệt - một diện tích lớn hơn Việt Nam - trong vòng một thập niên nhằm giảm bớt áp lực lên rừng tự nhiên. Tham vọng của ông là vừa chống nạn phá rừng vừa thúc đẩy nông nghiệp.Lula nói với các phóng viên tại hội nghị: "Chúng tôi muốn thuyết phục những người đầu tư vào nông nghiệp… rằng việc giữ rừng đứng vững và (vẫn) có đất để trồng bất cứ thứ gì ta muốn là hoàn toàn khả thi".Kế hoạch trên muốn biến những mảnh đất đã suy thoái trở nên hấp dẫn về mặt kinh tế. Dưới lực đẩy của tinh thần tái tạo, nông dân sẽ đầu tư các khoản vay trợ cấp vào việc cải thiện năng suất đồng cỏ hoặc chuyển đổi đồng cỏ thành đất trồng trọt, sử dụng các kỹ thuật bền vững như phục hồi đất, canh tác không cần cày xới, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu thân thiện với thiên nhiên hơn…Tuy nhiên vẫn còn đó những câu hỏi: liệu nông dân có cam kết sẽ ngừng chặt cây trên đất của chính họ hay không? Chương trình trên quy định rằng nông dân không được gia tăng lượng khí thải carbon bằng cách thay đổi mục đích sử dụng đất trong vòng 10 năm. Nhưng theo các điều khoản của Bộ luật Lâm nghiệp năm 2012, nông dân Brazil được phép chặt cây trên phần đất tư nhân một cách hợp pháp, chỉ cần giữ lại thảm thực vật tự nhiên trên một phần đất nhất định.Dẫu vậy, vẫn có một điều chắc chắn: kế hoạch tái tạo trùng hợp với nỗ lực cải thiện hồ sơ môi trường của nước này khi các quy định mới của Liên minh châu Âu cấm các mặt hàng liên quan đến phá rừng."Hầu hết các chủ đất theo đuổi những mô hình kinh doanh dựa trên việc phá rừng, không mô hình nào trong số đó đặc biệt hiệu quả khi nhìn từ góc độ năng lượng (đường) hoặc dinh dưỡng (đạm)" - cây bút Timothy J. Killeen viết trong loạt bài Perfect Storm in the Amazon (Họa vô đơn chí ở Amazon) cho trang Mongabay. Tuy nhiên, tác giả cho rằng chúng lại có lợi về mặt kinh tế trong các tình huống hạn chế quyết định đầu tư, ngay cả khi những quyết định đó cuối cùng dẫn đến suy thoái tài nguyên đất."Nếu logic kinh tế thúc đẩy nạn phá rừng bị đảo ngược, nghĩa là nếu việc trồng cây sinh ra lợi nhuận nhiều hơn việc chặt bỏ chúng, hầu hết các chủ đất sẽ vui vẻ thay đổi hệ thống sản xuất của họ" - Killeen giả định. Về cơ bản, đó chính là mô hình nông lâm kết hợp (agroforestry).Paulo Barreto, một nhà nghiên cứu tại Imazon, nói với trang Context rằng sự thành công của kế hoạch tái tạo đồng cỏ đòi hỏi một hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả, cho phép người mua tránh được các sản phẩm liên quan đến những khu vực mới bị phá rừng - dù là hợp pháp hay bất hợp pháp.Dân tộc bản địa? Đúng vậy, nhưng…Rừng Đại Tây Dương (Atlantic Forest) chạy dọc hơn 1.800 dặm (gần 2.900km) của bờ biển Đại Tây Dương, phủ lên 17 bang của Brazil và kéo sâu vào nội địa Argentina, Paraguay và Uruguay. Ở đó nạn khai thác gỗ diễn ra từ đầu thế kỷ 16 khi đất bị khai hoang để lấy gỗ và khai thác mỏ, sau đó vào thế kỷ 19 để phát triển cà phê, thịt bò, đường mía, củi và than củi. Ngày nay cây rừng tiếp tục bị đốn hạ để làm nhà ở.Khi rừng không còn, quần thể ong bản địa cũng biến mất. Và nếu không có chúng giúp thụ phấn, diện tích rừng còn lại sẽ phải vật lộn để tồn tại. "Lũ ong rất nhạy cảm. Chúng giống như một chiếc nhiệt kế của khu rừng. Nếu chúng biến mất, bạn biết rằng đang có điều gì đó không ổn" - Jurandir Jekupe, một nhà lãnh đạo của cộng đồng bản địa Guarani Mbya nói với Yale Environment 360.Vì vậy, Jekupe và cộng đồng mình đã hành động. Họ bắt đầu mua ong, nuôi chúng trong các tổ bằng gỗ và đưa chúng trở lại vùng đất của mình. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Ecological Applications, việc phục hồi và bảo tồn các khu rừng nhiệt đới ở Brazil phụ thuộc vào các loài thực vật cần được thụ phấn. Vì vậy, khi xem xét cụ thể rừng Đại Tây Dương, nhóm nghiên cứu kết luận rằng việc bảo tồn quần thể ong phải là ưu tiên hàng đầu trong việc phục hồi rừng.Tộc trưởng người Waiapi, bà Ajareaty, dẫn cháu trai 5 tuổi của mình, Heron, đi tham quan đồn điền sắn, chuối, đậu phộng và khoai tây của người bản địa vùng Amazon. Ảnh: Teresa Tomassoni/NBC NewsHóa ra cả cây và ong đều cần sự chung tay của những người đang sống giữa chúng và có mối liên hệ sâu sắc với vùng đất này. Các dân tộc bản địa trên khắp Brazil lâu nay được xem là những người bảo vệ đất đai và một nghiên cứu năm 2023 về những người sống trong rừng Đại Tây Dương đã xác nhận điều đó.Nghiên cứu đăng trên PNAS Nexus phát hiện ra rằng: người dân bản địa không chỉ đẩy lùi các hành động phá rừng mà họ còn khởi xướng các dự án khôi phục thiên nhiên, bao gồm cả việc đưa ong bản địa trở lại rừng và trồng lại các thảm thực vật đã từng bị người ngoài xóa sổ.Trên toàn thế giới, vai trò bảo vệ rừng của các cộng đồng bản địa ngày càng được khẳng định. Theo Viện Tài nguyên thế giới, những vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của người bản địa ở Amazon ít bị phá rừng hơn so với những vùng đất còn lại, và do đó có xu hướng trở thành các bể chứa carbon ròng hơn là nguồn phát thải nguy hại.Nhưng giống như nhiều cộng đồng bản địa khác, người Guarani Mbya đang gặp bất lợi. Họ thiếu sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài cộng đồng của họ và quan trọng nhất là từ chính phủ liên bang, nơi vẫn chưa cấp cho họ quyền sở hữu toàn bộ số đất đai đó. Nếu không có sự công nhận chính thức này, những nỗ lực gây quỹ giữ rừng của họ sẽ không thể hiệu quả như mong đợi khiến rừng Đại Tây Dương càng dễ bị tổn thương.Theo tổ chức bảo tồn quốc tế World Wildlife Fund, 1ha rừng Đại Tây Dương có thể nuôi sống đến 450 loài cây. Khoảng 40% trong số 20.000 loài thực vật có mạch của nó là loài đặc hữu, nghĩa là chúng không sống ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất. Nhưng ngày nay rừng Đại Tây Dương chỉ còn lại khoảng 12% diện tích. Một người đàn ông Guarani đi qua một đoạn đã bị dọn sạch trong rừng Đại Tây Dương, nơi cộng đồng bản địa địa phương đang cố gắng trồng lại rừng. Ảnh: DIEGO HERCULANO/Getty Images"Nếu muốn cứu rừng, chúng tôi cần chính phủ chính thức công nhận đây là đất của chúng tôi. Chúng tôi là người nhìn thấy hậu quả của phá rừng, cảm nhận hậu quả của biến đổi khí hậu mỗi ngày. Và nếu họ tránh sang một bên, chúng tôi chính là người có thể làm gì đó về chuyện này" - Jekupe nói.Trong chiến dịch tranh cử, ông Lula đã hứa sẽ ký sắc lệnh sở hữu đất đai cho tất cả 237 yêu cầu của các cộng đồng bản địa. Giờ là lúc chờ lời hứa ấy được thực thi. Tags: Nạn phá rừngĐất nước BrazilBiến đổi khí hậuĐại Tây DươngRừng nhiệt đới
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Hàn Quốc muốn mở rộng hợp tác công nghệ cao, hạ tầng giao thông với Việt Nam DUY LINH 15/10/2024 Đây là bày tỏ của ông Chang Ho Jin, cố vấn đặc biệt về ngoại giao và an ninh của tổng thống Hàn Quốc, trong cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
La Nina sắp xuất hiện, thời tiết ở Việt Nam sẽ ra sao? CHÍ TUỆ 15/10/2024 Dự báo từ tháng 11 năm nay, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70% và mùa mưa ở Trung Bộ có thể kết thúc muộn, miền Bắc khả năng xuất hiện rét đậm rét hại kéo dài.
NÓNG: Hàn Quốc công bố 11 khu vực nguy hiểm trên biên giới liên Triều TUỔI TRẺ ONLINE 15/10/2024 Nhà chức trách Hàn Quốc công bố 11 khu vực nguy hiểm ở biên giới liên Triều, trong khi Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế.
Tập đoàn Sun Group đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn 8-10 làn xe ĐỨC PHÚ 15/10/2024 Sun Group đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ dài 78,2km từ 8-10 làn xe, thay vì chỉ 3-4 làn.