TTCT - Trong tiếng Anh có cụm “ngôi nhà lá bài” (house of cards) để chỉ những cấu trúc đồ sộ nhưng có kết cấu mong manh, như ngôi nhà được xây từ những lá bài, chỉ cần rút một lá thì tất cả sẽ đổ ập xuống. Những người đầu tư lớn vào mô hình nhà ở cho thuê ngắn hạn Airbnb cũng không ngờ “đế chế lưu trú” của họ cũng chính là “ngôi nhà lá bài” hay lâu đài cát, nhanh chóng đổ sụp khi cơn sóng đại dịch quét qua. Ảnh: Getty Images “Thỏa thuận với quỷ dữ” Suốt nhiều năm qua, tiếng chuông báo điện thoại đã trở thành âm thanh tuyệt vời đối với bà Cheryl Dopp. Ngoài công việc chính của một nhà quản lý dự án công nghệ thông tin tại Mỹ, người phụ nữ 54 tuổi còn sở hữu 3 bất động sản cho thuê trên Airbnb, nền tảng kết nối người có tài sản nhà ở nhàn rỗi với người có nhu cầu thuê chỗ ở ngắn hạn. Mỗi tiếng chuông báo nghĩa là có khách đặt thuê mới, mà có khách tức là có tiền. Chỉ riêng căn Airbnb ở thành phố Jersey, bang New Jersey có thể mang lại doanh thu hơn 8.000 USD/tháng cho Cheryl, gấp đôi số tiền mà một người thuê nhà dài hạn có thể trả cho cùng một căn nhà đó. Nhưng những ngày vừa qua, tiếng chuông điện thoại đã trở thành nỗi ám ảnh của Cheryl, vì nó đi liền với thông báo hủy đặt chỗ khi người dân đồng loạt hủy hoặc hoãn vô thời hạn các kế hoạch đi chơi trong năm 2020 vì dịch COVID-19. Theo ước tính của Cheryl, số lượng đặt chỗ với tổng giá tiền lên đến khoảng 10.000 USD đã bốc hơi chỉ sau một đêm trong tháng 3. Trong khi đó, tổng chi phí mà bà phải chi trả hằng tháng để duy trì hoạt động cho cả 3 căn nhà cho thuê theo mô hình Airbnb ở các bang New Jersey và Florida lên đến 22.000 USD. Nhưng Cheryl nói với tờ Wall Street Journal bà quyết định “thỏa thuận với quỷ dữ” bằng cách cố thủ với số tài sản, hi vọng thu nhập khi thị trường hồi phục sẽ đủ bù đắp khoản lỗ trong thời gian này. Những người như Cheryl thuộc nhóm chóp bu của nền kinh tế “gig” (gig economy: nền kinh tế thời vụ). Họ là những người sở hữu hoặc đầu cơ bất động sản để kiếm lời thông qua việc cho thuê lại trên Airbnb. Sự trỗi dậy của Airbnb đã cho ra đời một nền công nghiệp gồm những chủ nhà điều hành các “đế chế lưu trú” của riêng mình chỉ với một ứng dụng điện thoại, biến startup ra đời năm 2008 này thành một “tập đoàn khách sạn” mà không cần nắm trong tay một khách sạn nào. Dịch COVID-19 đã phơi bày những mảng lớn của nền kinh tế tuy xuất sắc trong vai trò cung cấp sản phẩm và dịch vụ giá rẻ nhanh chóng nhưng lại không được chuẩn bị để ứng phó trong một cuộc khủng hoảng ở quy mô toàn cầu. Nền kinh tế chia sẻ với giờ giấc linh hoạt và không bị cản trở bởi quy định hay đào tạo chuyên môn là một trong số đó. Những tài xế làm đối tác cho các hãng công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao thức ăn đã chới với trong đại dịch, nhưng với Airbnb thì vấn đề còn rộng hơn thế. Không chỉ các chủ nhà (host) bị ảnh hưởng, mà kéo theo đó là hiệu ứng dây chuyền khi vô số công việc cộng sinh khác cũng bị thất thu theo như dịch vụ lau dọn, thiết kế nội thất, bảo dưỡng nhà cửa... Theo ước tính của Công ty phân tích thị trường AirDNA, các chủ nhà Airbnb đã mất số lượng đặt chỗ với tổng trị giá 1,5 tỉ USD tính đến giữa tháng 3-2020 khi ngành du lịch thế giới gần như bị đóng băng hoàn toàn. Airbnb cam kết khách đặt chỗ từ trước với thời gian lưu trú trong các tháng 3, 4 và 5 sẽ được hoàn 100% số tiền đã trả và buộc các chủ nhà phải tự bỏ tiền túi trả khoản này, trừ khi có thỏa thuận khác với khách. Ảnh: Financial Times Mộng lớn, đau khổ lớn Hoàn cảnh, tình hình tài chính và mô hình kinh doanh của các chủ nhà Airbnb rất khác nhau. Có người là chủ sở hữu thật sự của ngôi nhà và tận dụng thời gian không ở nhà để cho thuê kiếm thêm thu nhập. Nhưng cũng có người ký hợp đồng thuê nhà dài hạn rồi cho thuê lại trên Airbnb. Điều này khiến việc tìm kiếm một giải pháp chung cho các vấn đề của các chủ nhà trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của họ là một vùng xám ở nhiều nước vì sự thiếu sót, chậm cập nhật các pháp luật liên quan đến việc cho thuê lưu trú ngắn hạn. Số liệu chính thức từ Airbnb cho biết hơn 70% số chủ nhà Airbnb trên toàn thế giới chỉ có một tài sản cho thuê duy nhất trên nền tảng này, con số này theo ước tính của AirDNA là 1/3. Cũng theo AirDNA, 1/3 số tài sản cho thuê nguyên căn trên Airbnb được điều hành bởi các chủ nhà có từ 2 đến 24 tài sản, và 1/3 khác thuộc quản lý của các chủ nhà có từ 25 tài sản cho thuê trở lên. Trong số các chủ nhà có hơn 25 tài sản, một số hoạt động theo mô hình công ty startup, bỏ tiền thuê hàng trăm căn hộ rồi cho thuê lại trên Airbnb và các nền tảng tương tự. Rất nhiều trong số các công ty này đã phải sa thải hoặc giãn việc nhân viên trong những tuần gần đây vì ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đến doanh thu. Nhiều người vẫn sẵn sàng chi hàng trăm nghìn USD để mua nhà và cho thuê trên Airbnb. Jennifer Kelleher-Hazlett (47 tuổi), người Mỹ, đã bỏ ra khoảng 380.000 USD mua thế chấp 2 căn nhà ở bang Michigan vào năm 2018. Bà và chồng xoay thêm 100.000 USD để bài trí nội thất với mong muốn thu về 7.000 USD/tháng sau khi trừ đi các chi phí - một khoản thu nhập thụ động đáng kể bên cạnh đồng lương dược sĩ và giáo viên của hai vợ chồng. Trước khi dịch bùng phát, vợ chồng bà Jennifer đã định mua thêm nhà để cho thuê Airbnb khi thấy tình hình làm ăn khấm khá. Còn hiện tại, họ đã mất khả năng chi trả khoản thế chấp mua nhà vì không còn khách đặt chỗ. Người thuê được bảo vệ? Airbnb cho phép chủ nhà tự quyết định chính sách bồi hoàn tiền thuê trong trường hợp khách hủy đặt chỗ. Đại diện hãng cho biết phần lớn các tài sản hiện có trên nền tảng có chính sách bồi hoàn thoải mái đến 24 tiếng trước ngày ở. Các chủ nhà “khó tính” hơn chỉ cho phép người đặt lấy lại 50% số tiền khi hủy đặt chỗ, bất kể thời gian. Airbnb, trong nỗ lực trấn an người dùng, tuyên bố sử dụng quyền có trong điều khoản để buộc các chủ nhà phải hoàn tiền 100% các đặt chỗ với thời gian lưu trú từ ngày 14-3 đến 31-5, đè thêm gánh nặng tài chính lên những người đang dùng thu nhập từ Airbnb để duy trì “đế chế” kinh doanh của mình. Airbnb sau đó tuyên bố dành ra 17 triệu USD giúp các chủ nhà được đánh giá cao nhất chi trả tiền vay thế chấp mua nhà, đồng thời hỗ trợ các chủ nhà 25% giá trị phải hoàn trả cho khách, tối đa 5.000 USD mỗi người. Khoản tiền đó không giúp được gì nhiều cho các chủ nhà như Jennifer và David Landrum. Năm 2016, họ thành lập công ty có tên Local, cho thuê lại 18 căn hộ mà họ thuê và 21 căn hộ mà họ quản lý cho những người hay di chuyển vì công việc và người làm trong ngành công nghiệp điện ảnh. Cặp đôi chi hơn 14.000 USD tiền trang hoàng mỗi căn hộ và thu về khoảng 1,5 triệu USD doanh thu mỗi năm, chủ yếu thông qua Airbnb, bà Jennifer nói. Khi Airbnb bắt đầu chính sách hoàn tiền cho khách từ ngày 14-3, Jennifer ước tính bà sẽ phải hoàn trả tổng cộng 40.000 USD tiền đặt chỗ cho khách. Jennifer đã phải 3 lần giảm giá thuê các căn hộ kể từ giữa tháng 3. Nếu không thể đàm phán giãn nộp tiền nhà cho chủ sở hữu các căn hộ nói trên, Jennifer nói vợ chồng bà sẽ phải tính đường bán nhà. Còn với bà Cheryl, khoản vay ngân hàng “6 con số” (tiền USD) để chi trả chi phí liên quan đến các tài sản cho thuê trên Airbnb đang khiến bà lao đao khi thu nhập từ Airbnb - nguồn thu để bà trả nợ - lao dốc trong đại dịch. “Tôi không muốn thỏa thuận với quỷ dữ thêm chút nào nữa” - bà Cheryl nói chua chát khi kể cho Wall Street Journal kế hoạch bán bớt một tài sản và đóng tài khoản Airbnb của mình.■ Airbnb đang nỗ lực cắt giảm chi phí và đã phải huy động tài chính 2 tỉ USD trong tháng 4-2020, trong đó có khoản vay 1 tỉ USD từ các tổ chức đầu tư với lãi suất cao để chống chọi trước khủng hoảng. Báo Wall Street Journal hồi tháng 3-2020 đưa tin Airbnb đã thiệt hại hàng trăm triệu USD vì đại dịch. Công ty này hiện vẫn chưa công khai số liệu tài chính liên quan đến các khoản thiệt hại này. “Không ai lường trước một đại dịch với quy mô toàn cầu sẽ buộc mọi người ở trong nhà và làm đảo lộn nền kinh tế. Đây chỉ là giai đoạn tạm thời: đi lại sẽ được khôi phục và các chủ nhà Airbnb - phần lớn chỉ có một tài sản cho thuê duy nhất trên Airbnb - sẽ chào đón khách thuê trở lại và tạo ra thu nhập” - Nick Papas, người phát ngôn của Airbnb, trả lời Wall Street Journal. Với hơn 3 triệu chủ nhà và hơn 7 triệu tài sản cho thuê trên toàn cầu, Nick cho biết số tài sản được đăng ký cho thuê trên Airbnb chỉ chiếm một phần nhỏ số tài sản là nhà trên thế giới và sẽ có ảnh hưởng rất nhỏ trên một thị trường rộng lớn hơn. Các chủ nhà đáng lẽ phải luôn chuẩn bị cho tình huống thu nhập (từ Airbnb) của họ sẽ biến mất. Thay vào đó, họ lại xây dựng cho mình một lối sống đắt đỏ từ số tiền mình kiếm được. Gina Marotte (chủ sở hữu kiêm điều hành Tập đoàn Argentia chuyên phân tích rủi ro tín dụng cho các khoản vay bất động sản, nói với Wall Street Journal) Tags: COVID-19AirbnbThuê nhàCơn sóng đại dịch
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.