Âm vang trống đồng Chè Đông

HÀ ĐỒNG 23/02/2011 15:02 GMT+7

TTCT - Những năm qua các lò đúc đồng thủ công truyền thống ở làng Chè Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) luôn đỏ lửa. Nhiều hộ gia đình trong làng giàu lên, trở thành tỉ phú từ nghề đúc đồng. Đầu năm Tân Mão, tỉnh Thanh Hóa vừa đưa cụm công nghiệp - làng nghề đúc đồng Chè Đông vào hoạt động.

Phóng to
Rót đồng nung chảy vào khuôn đúc trống đồng - Ảnh: Hà Đồng

Các xưởng đúc đồng vào cụm công nghiệp - làng nghề rộng 5,7ha, tổng vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng này sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh về cơ chế đầu tư, giá thuê mặt bằng...

Một trong những nguyên liệu sẵn có của làng nghề Chè Đông chính là đất sét dẻo quạnh, dùng làm khuôn đúc đồng tuyệt hảo. Các sản phẩm dân dụng bằng đồng như xoong, nồi, chậu, mâm... của làng còn vươn sang cả thị trường nước bạn Lào. Những năm cuối thập niên 1990, đầu năm 2000, khi các đồ dân dụng bằng nhôm, inox chiếm lĩnh thị trường, người dân làng Chè Đông năng động chuyển sang đúc đồ mỹ nghệ với các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao như trống đồng, cồng, chiêng, tượng đồng, lư hương... Từ năm 2005 đến nay là thời kỳ ăn nên làm ra nhất của làng nghề Chè Đông. Đến đầu làng đã nghe những âm thanh mài giũa, thử độ vang của sản phẩm cùng tiếng máy thổi lửa từ các bếp than hồng sáng rực ngày đêm. Khách tứ phương tấp nập đến mua sản phẩm đồng mỹ nghệ.

Vì sao sản phẩm của làng Chè Đông, đặc biệt là những chiếc trống đồng, được ưa chuộng như vậy? Trước hết, Chè Đông là nơi phát tích của trống đồng Đông Sơn nên trống đồng được coi trọng hơn hết trong số những sản phẩm mỹ nghệ của làng. Chè Đông là nơi các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống. Các nghệ nhân Lê Văn Bảy, Đặng Ích Hoàn... còn tham gia nhiều buổi trình diễn đúc trống đồng tại Bảo tàng Dân tộc học ở Thái Nguyên, đền Đồng Cổ (huyện Yên Định, Thanh Hóa), tại Festival Huế...

Phải kể đến một sự kiện: các nghệ nhân làng Chè Đông đã đúc thành công phiên bản chiếc trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất VN cho Bảo tàng cổ vật Hoàng Long (Thanh Hóa) vào tháng 10-2006. Năm 2010, các nghệ nhân của làng đã tham gia đúc 100 chiếc trống đồng mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đúc chiếc trống đồng kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Phóng to
Chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long

Nghệ nhân Lê Văn Bảy, người đã đúc thành công hàng trăm chiếc trống đồng, cho biết: “Đúc trống đồng không đơn giản, người làm nghề phải thể hiện kinh nghiệm và tâm huyết khi chế tác một sản phẩm có ý nghĩa lịch sử, văn hóa như vậy. Phải thực hiện sản phẩm không chỉ bằng từng cảm nhận qua vân ngón tay mà cả ở độ tinh của trí tuệ và tâm hồn người thợ. Nói không quá lời, mỗi khi đúc thành công một chiếc trống đồng, chúng tôi có cảm giác như vừa khám phá một chi tiết rất nhỏ trong lịch sử nghìn năm của dân tộc.

Sau khi đưa trống ra khỏi lò, bỏ đi lớp khuôn đúc, phải chỉnh sửa những nét hoa văn, họa tiết rồi dùng mu bàn tay đập lên mặt trống để thử âm vang của trống, nghe trống kêu vang chúng tôi vui sướng lắm. Mang ý nghĩa quan trọng nên những phiên bản trống đồng đúc thành công đều được đặt ở vị trí trang trọng tại đền, chùa, bảo tàng, cơ quan nhà nước...”.

Ông nói tiếp, không giấu được niềm hân hoan: “Năm mới xưởng của gia đình tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng đúc trống đồng theo phiên bản Ngọc Lũ. Khách đến xưởng có thể tham quan, tìm hiểu cách đúc trống theo phương pháp truyền thống. Ngoài trống đồng, lư hương, cồng, chiêng..., xưởng của gia đình tôi còn nhận đúc tượng bán thân bằng đồng để thờ cúng tổ tiên, ông bà... Đây là nét mới của nghề đúc đồng tại cụm công nghiệp - làng nghề Chè Đông”.

Nghề đúc trống đồng ở làng Chè Đông được các nhà khoa học đánh giá cao về kỹ thuật chế tác các hoa văn, họa tiết và âm vang của trống. Những chiếc trống đồng Chè Đông đã vượt ra khỏi lũy tre làng, mang theo niềm tự hào của người dân và góp phần làm nên diện mạo mới cho làng nghề.

Âm vang trống đồng Chè Đông đã và đang tỏa đi muôn ngả.

Ông Trần Văn Tiến - bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND xã Thiệu Trung - cho biết: đầu tháng 3-2011, xã sẽ xây dựng khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm đồ đồng tại cụm công nghiệp - làng nghề Chè Đông. Hướng phát triển của làng nghề gắn với tham quan, du lịch bởi trên địa bàn xã có đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu, chùa Hương Nghiêm, đền thờ thánh sư Khổng Minh Không - ông tổ của nghề đúc đồng, đều là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia...

Hiện làng Chè Đông có gần 300 hộ làm nghề đúc đồng, phát triển nhất là các hộ Nguyễn Bá Châu, Lê Văn Bảy, Lê Văn Dương, Đặng Ích Hoàn, Đặng Ích Hân... Thu nhập của thợ đúc đồng bình quân 2-3 triệu đồng/tháng. Tổng doanh thu của làng nghề đúc đồng Chè Đông đạt hàng chục tỉ đồng/năm.

Phóng to
Nghệ nhân làng Chè Đông làm khuôn đúc trống đồng bằng đất sét - Ảnh: H.Đ.
Phóng to

Một thợ trẻ tạo hoa văn trên khuôn đúc trống đồng - Ảnh: H.Đ.

Phóng to
Chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ vừa được đúc xong - Ảnh: H.Đ.
Phóng to
Khâu làm tinh mặt, thân trống đồng vừa đúc xong - Ảnh: H.Đ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận