TTCT - Giới chức tư pháp Trung Quốc đang sẵn sàng hơn trong việc xem xét lại những bản án oan uổng, nhưng hi vọng vào một nền tư pháp công chính thực sự lớn tới mức nào? Ông Trương Ngọc Hoàn gặp lại mẹ già ngày trở về. Ảnh: sohu.comĐầu tháng 8, dư luận Trung Quốc chấn động bởi một vụ án oan chỉ được “sửa sai” sau khi nạn nhân đã phải ngồi tù oan 27 năm, kỷ lục ở nước này.Bị kết tội vì sợi dây thừngNgày 24-10-1993, làng Trương Gia, xã Hoàng Linh, huyện Tiến Hiền, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây xảy ra vụ án hai trẻ em bị giết rồi giấu xác dưới đập nước. Trương Ngọc Hoàn, người cùng làng, bị cảnh sát tình nghi và bắt giữ. Chứng cứ giết người chỉ là một đoạn dây thừng ở nhà ông Hoàn, vốn cùng loại với sợi dây tìm thấy ở hiện trường, dưới giếng nhà ông có một bao tải bị cho rằng dùng để đựng tử thi, và mu bàn tay ông có vết xước mà cảnh sát cho rằng do người bị hại cào cấu.Ngày 3 và 4-11, ông Hoàn có hai biên bản thú tội, nhưng tại tòa sơ thẩm ở Nam Xương tháng 1-1994, ông Hoàn phản cung, cho rằng mình bị bức cung nên mới nhận tội. Ông nói cảnh sát đã cho chó nghiệp vụ xông vào cắn ông đến bê bết máu khi ông không nhận tội.Tháng 1-1995, Tòa trung cấp Nam Xương tuyên án ông Hoàn tử hình treo hai năm. Ông kháng cáo, nhưng tháng 11-2001, Tòa án cấp cao Giang Tây phán quyết bác bỏ kháng cáo, y án sơ thẩm, tuyên án ông tử hình treo - một bản án tương đương chung thân ở Trung Quốc.Phải hơn 16 năm sau, khi tình hình cải cách tư pháp ở Trung Quốc đã được đẩy mạnh, tháng 8-2017, ông Hoàn mới có thể khiếu nại lên Tòa án cấp cao Giang Tây, yêu cầu tái thẩm. Và sau 3 năm đeo đuổi nữa, mãi tới ngày 4-8-2020, tòa mới tuyên hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố Trương Ngọc Hoàn vô tội.Thời gian ở trong tù, ông Hoàn đã viết gần 600 đơn khiếu nại. Trong tù, ông kể rất nhiều bạn tù hỏi ông có phải kẻ giết trẻ con không. Ông từng hai lần tự tử không thành. Đến khi xem hình gia đình, ông lại tự tát vào mặt mình, vì người nhà vẫn đang đợi ông về. Ông Hoàn chỉ có trình độ tiểu học, nên đã kể lại tình tiết vụ án cho những bạn tù có trình độ cao hơn, nhờ họ chỉ cách viết đơn khiếu nại.Gần 27 năm ngồi tù, mẹ già đã không còn nhận ra ông, vợ ông vì hoàn cảnh đã lấy chồng khác từ 11 năm trước. Khi ông bị tù đày, đứa con trai lớn mới 4 tuổi, thằng út 3 tuổi. Do ở tù trong thời gian quá dài, ngày ấy mọi người vẫn còn đi xe đạp, chưa có điện thoại di động. Giờ ông Hoàn phải làm quen với cuộc sống ngày thường, người nhà dạy ông dùng điện thoại di động.Hiện nay Tòa tối cao Giang Tây đã chính thức xin lỗi ông, ông đã chấp nhận lời xin lỗi, nhưng nỗi đau phải chịu đựng 27 năm không thể giải quyết bằng một câu xin lỗi. “Bản án khiến gia đình tôi tan đàn xẻ nghé, tôi mất tất cả. Tôi yêu cầu cơ quan tư pháp truy cứu trách nhiệm hình sự của người bức cung” - ông Hoàn bức xúc chia sẻ với Nhân Dân Nhật Báo. Kế hoạch tiếp theo của ông là làm đơn yêu cầu nhà nước bồi thường gần 4,6 triệu tệ (1 tệ = 3.500 đồng).Trước vụ ông Hoàn chỉ 4 tháng cũng đã diễn ra một vụ minh oan chấn động khác, khi một người bị kết tội sai đã phải ngồi tù 16 năm. Năm 2004, làng Chu Cương, huyện Dân Quyền, thành phố Thương Khâu (tỉnh Hà Nam) xảy ra vụ án đầu độc khiến một đứa trẻ tử vong. Ông Ngô Xuân Hồng, một người dân trong làng, là nghi phạm.Theo hồ sơ cảnh sát, bắt nguồn từ việc ông Hồng có xích mích với nhân viên điện lực trong làng là ông Vương Chiến Thắng về việc lắp đồng hồ điện và sử dụng điện. Sáng ngày 14-11-2004, ông Thắng dùng loa của làng giục ông Hồng đóng tiền điện, ông Hồng cho rằng ông Thắng làm mất mặt mình nên nảy sinh ý định đầu độc trả thù.Ông Hồng đem theo gói thuốc chuột cho vào túi quần rồi đến nhà ông Thắng. Sau khi đóng tiền điện, ông Hồng lẻn vào bếp nhà ông Thắng, đổ thuốc chuột vào bột mì trong chậu. Sáng hôm sau, ông Thắng dùng bột mì đó làm đồ ăn sáng, hậu quả là Vương Long (3 tuổi) và Vương Phong (6 tuổi) trúng độc, Vương Long sau đó tử vong ở bệnh viện.Ngày 30-5-2005, Viện kiểm sát Thương Khâu khởi tố ông Hồng tội giết người. Nửa tháng sau, ra tòa trung cấp Thương Khâu, ông Hồng phản cung cho rằng mình bị bức cung. Từ năm 2005 đến năm 2009, liên tục bị xét xử ở Tòa trung cấp Thương Khâu rồi đến Tòa trung cấp Hà Nam, nhưng cuối cùng ông vẫn bị kết tội. Sau khi ông Hồng bị bắt, gia đình ông tan nát. Hai con ông mới 12 và 9 tuổi khi ông bị bắt. Vợ ông phải đi Quảng Đông làm việc để nuôi sống cả nhà. Hai đứa con ông bỏ học, đi làm.Suốt 16 năm, ông Hồng hằng ngày đều cặm cụi viết đơn khiếu nại, một đơn gửi đi, một đơn lưu. Đơn khiếu nại mà ông lưu lại đã chất đầy tủ nhựa trong buồng giam. Ông đã có lúc tuyệt vọng. Năm 2013, khi con vào thăm, ông bảo: “Thôi con đừng đi minh oan cho ba nữa, chắc số ba vậy rồi”.Nhưng con gái ông Ngô Lợi Lợi không nản lòng, cô đã gửi đi gần 700 thư khiếu nại. Khoảng năm 2015, Lợi Lợi tìm đến luật sư Lý Trường Xuân ở Bắc Kinh, hồ sơ vụ án của ba cô mới được lật lại, và ông đã được tòa minh oan tuyên bố vô tội vào ngày 1-4-2020. Ngày 5-8, ông Hồng được bồi thường 2,6 triệu tệ, nhưng gia đình ông dự định sẽ khiếu nại vì cho rằng số tiền đó quá ít.Tiến bộ, nhưng chưa phải công lý?Từ năm 2013, nhiều vụ án oan được minh oan; nhiều hoạt động minh oan trong dân gian tự phát thành lập, như Trung tâm hỗ trợ pháp luật cho người bị oan sai, người yếu thế, Chương trình người vô tội, Chương trình hỗ trợ người bị oan sai, Hành động minh oan người vô tội..., theo Thepaper.cn.Luật sư Ngô Hoành Diệu, người phụ trách Chương trình hỗ trợ người bị oan sai, nhấn mạnh chương trình của ông không phải để gây khó dễ cho hệ thống tư pháp, mà chỉ là “chia sẻ áp lực” với họ. Qua đó giúp ngành tư pháp phát triển, vì giải quyết oan sai chính là quá trình phát triển. Giai đoạn 2014-2017, chương trình đã hỗ trợ 14 vụ án, giúp đỡ 20 bị cáo khiếu nại, hiện đã có 4 vụ án tái thẩm, 3 vụ được minh oan tuyên bố vô tội.Nhưng nhiều vấn đề trong hệ thống cần phải được giải quyết ở gốc rễ: lực lượng công an điều tra quá tải, năng lực còn hạn chế của các thẩm phán - nhiều người không có chuyên môn luật, và cả các chiến dịch “trấn áp tội phạm” đặt quá nặng thành tích.“Các bản án gần như luôn được nhất trí trước khi phiên tòa bắt đầu, trong các cuộc gặp riêng giữa thẩm phán, cảnh sát, và công tố viên”, theo The Economist 25-7. “Những quan chức này chịu áp lực phải đóng án từ cấp cao hơn, hoặc của gia đình nạn nhân đe dọa kiện cáo, biểu tình, gây rối nếu nghi phạm không bị trừng phạt. Một khi bị cáo đã ra tòa, tỉ lệ bị kết án là 99,9%”.Những vụ án oan ở Trung Quốc đa phần do bị bức cung, với sự đối xử chỉ có thể nói là kinh hoàng như bắt nghi phạm ăn phân, chích điện, đánh đập, tạt nước đá, cấm ngủ, ép uống dầu ớt, hay kéo dài thời gian hỏi cung từ mấy ngày đến mấy tháng... Cơ quan điều tra quá chú trọng lời khai bị cáo, không sử dụng các biện pháp xây dựng chứng cứ chặt chẽ, theo trang Tài Kinh.Năm 2018, các học giả luật ở Hong Kong và Macau đã phân tích 141 vụ xóa tội ở đại lục từ năm 1982 và thấy rằng nhận tội sai là nguyên nhân của gần 90% các vụ án oan. Ở Mỹ chẳng hạn, tỉ lệ này là 1/4. Những cải cách lớn được cho là bắt đầu trong khoảng 8 năm qua, khi hàng loạt động thái đã được thực thi để giảm bớt án oan sai.Hai lần sửa đổi luật tố tụng hình sự, gần nhất là năm 2018, giúp bị cáo dễ dàng hơn trong việc thách thức những bằng chứng do bức cung mà có. Tháng 1-2020, chính quyền công bố quy định những ai bị kết trọng tội và luật sư của họ phải được hỏi ý kiến vào cuối cuộc điều tra để xác quyết rằng không có tình trạng bức cung, tra tấn xảy ra trong quá trình điều tra. Tòa án cũng được trao nhiều quyền hơn, để không còn là nơi chỉ thông qua bản án định sẵn, và năm 2017, nhà nước tuyên bố mọi bị cáo án hình sự đều phải được quyền có luật sư.Công nghệ cũng góp phần vào sự thay đổi. Hà Gia Hoằng, chuyên gia luật hình sự ở Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói bằng chứng điện tử rất phổ biến ngày nay, như điện thoại di động, giao dịch không tiền mặt và camera an ninh, đã góp phần giảm bớt yêu cầu phải có lời cung khai của bị cáo. Ông cũng chỉ ra sự thay đổi thái độ trong ngành tư pháp: nếu như quan điểm cũ là “giết lầm còn hơn bỏ sót”, thì hiện ngày càng nhiều người đã bắt đầu nghĩ ngược lại: “nếu nghi ngờ, đừng kết tội”.■Năm 2018, Trung Quốc ban hành thông tư chuẩn hóa hoạt động tham gia vụ án của luật sư và bảo vệ quyền tố tụng luật sư, bảo vệ quyền lợi luật sư khi tham gia tranh biện. Tháng 1-2020, ban hành biện pháp thí điểm cải cách đơn giản hóa quy trình tố tụng dân sự.Mức bồi thường oan sai cao nhất ở Trung Quốc hiện là 4.680.000 tệ cho Kim Triết Hoành, người tỉnh Cát Lâm, chịu án oan 23 năm. Năm 2019, vụ án oan cố ý giết người chịu oan 28 năm của Lưu Trung Lâm ở Cát Lâm được bồi thường 2.620.000 tệ. Năm 2018, Cảnh Vạn Hỉ ở Giang Tô được minh oan sau 32 năm bị khép tội lừa đảo, nhưng không được bồi thường vì vụ án xảy ra trước khi luật bồi thường của Trung Quốc được ban hành vào năm 1995. Tags: Trung QuốcCông lýWilliam HillÁn oan
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc THÀNH CHUNG 11/10/2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Việt Nam là ngôi sao của ASEAN QUỲNH TRUNG 11/10/2024 Đó là lời khẳng định của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 11-10 tại Lào. Cùng ngày, Thủ tướng cũng gặp lãnh đạo một số nước dự hội nghị ASEAN.
Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM tiêu biểu năm 2024 NGỌC HIỂN 11/10/2024 Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM tiêu biểu" năm 2024 vào tối 11-10.
Giá điện tăng lên 2.103 đồng/kWh, người dùng điện phải trả thêm bao nhiêu? NGỌC AN 11/10/2024 Việc tăng giá điện tác động thế nào đến các hộ tiêu dùng điện, khách hàng nào phải trả tăng tiền điện nhiều nhất?