APEC: Vận hội không để bỏ lỡ

TTCT - Một cách thiết thực, APEC có thể mang lại những gì cho Việt Nam? Từ nghị trình của những ngày vừa qua, có thể trả lời câu hỏi đó qua ba vấn đề cụ thể: phòng chống thiên tai - bảo vệ rừng, hỗ trợ doanh nghiệp, và giảm bất bình đẳng.

Ảnh: Thuận Thắng

Năm ngoái, khi lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC kết thúc hội nghị tại Lima (Peru) và chào tạm biệt: “Chúng tôi mong muốn gặp lại tại Việt Nam vào năm 2017”, ít ai ngờ rằng ngay trước tuần lễ APEC năm nay, nước chủ nhà hai lần liên tiếp trải qua bão lụt nặng nề. Thách thức đó của tự nhiên càng nhắc nhở những khuyến cáo và chủ trương của APEC.

“Nắng mưa là chuyện của ông trời” - dân gian nói thế. Song, dân gian của thế kỷ 21 khó cứ tiếp tục nói thế hay nghĩ thế khi nhân loại đã đề ra mục tiêu chống biến đổi khí hậu từ lâu rồi.

“Đánh giá thực hiện mục tiêu của thiên niên kỷ số 7” (MDG 7) từng cảnh báo: “Việt Nam dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Hằng năm hơn 1 triệu người Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả của thiên tai, và thiên tai liên quan đến khí hậu ngày càng gia tăng”, đồng thời khuyến cáo “đảm bảo bền vững về môi trường” bằng cách “...đẩy lùi tình trạng suy thoái tài nguyên và môi trường - giảm đáng kể tỉ lệ mất đa dạng sinh học vào năm 2010...”.

Bảo vệ rừng

Thứ ba tuần rồi, 31-10, các bộ trưởng và quan chức lâm nghiệp 21 nền kinh tế APEC đã họp tại Seoul và ra Tuyên bố Seoul nêu rõ:

“Chúng tôi, các bộ trưởng và quan chức cao cấp tham dự phiên họp APEC lần thứ 4 của các bộ trưởng phụ trách lâm nghiệp (MMRF4) tại Seoul, Hàn Quốc... ghi nhận việc các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh vai trò quan trọng của rừng trong việc phát triển môi trường, kinh tế, xã hội cũng như giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu; ... tái khẳng định rằng việc quản lý rừng bền vững đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống và phúc lợi cho người dân trong các nền kinh tế thành viên”.

Tìm kiếm chút trên Google, có thể nhặt ra các tựa báo sau trong khoảng thời gian chưa đầy 2 tháng trước MMRF4:

“Phá rừng thông để trồng mắc ca. Hơn 100ha rừng thông tuyệt đẹp ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum bị đốn hạ” (Sài Gòn Giải Phóng 9-8), “Hàng ngàn cây dương liễu trồng dọc ven bờ biển có tuổi đời hàng chục năm đang bị chính quyền địa phương cho đốn hạ, san ủi để trồng rau.

Người dân ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi đang rất bức xúc và không khỏi xót xa, tiếc nuối hàng ngàn cây dương liễu ven biển ở thôn 4 đang bị cho đốn hạ” (Vietnamnet 6-9), “Phá rừng ở Phú Yên: Kiến nghị xử lý nhiều lãnh đạo” (Pháp Luật 6-9), “Hàng loạt lãnh đạo xã tham gia phá rừng trồng keo” (Tuổi Trẻ 24-9)...

Nếu tổ chức một triển lãm thành tựu kiểm lâm, e rằng ngôi nhà 80m3 gỗ của chi cục trưởng kiểm lâm Quảng Trị sẽ lập kỷ lục Guinness! Đã hợp tác quốc tế về lâm nghiệp và xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ rừng không tệ, nhưng vấn nạn ở Việt Nam có lẽ là ở việc thực thi.

Nhiều vụ phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật, quy mô lớn xảy ra trong thời gian dài. “Có hay không hành vi làm ngơ tiếp tay bảo kê cho phá rừng?

Thật ngạc nhiên khi có địa phương khởi tố 25 vụ phá rừng nhưng không khởi tố được một bị can nào. Vậy tội phạm ở đâu hay cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta yếu kém bất lực?” - theo lời đại biểu Hoàng Đức Thắng của tỉnh Quảng Trị (quochoi.org 7-11).

Từ tình hình đó, càng thấm thía Tuyên bố MMRF4: “Tăng cường hợp tác chống nạn phá rừng bất hợp pháp cùng việc buôn bán đi kèm, bằng cách thiết lập và thực thi các chính sách hiệu quả ngay trong từng nền kinh tế, đồng thời chia sẻ thông tin cùng các kinh nghiệm thực thi tốt nhất giữa các nền kinh tế APEC, đặc biệt là qua EGILAT”.

EGILAT là tên viết tắt của Nhóm chuyên gia về chống buôn bán và phá rừng bất hợp pháp, do APEC thành lập từ năm 2011. Trong tôn chỉ hoạt động của EGILAT có nhấn mạnh tới việc trao đổi thông tin và hỗ trợ thực thi pháp luật về bảo vệ rừng.

Chủ trương hỗ trợ “thực thi pháp luật” của EGILAT có bao nhiêu “đất dụng võ”? Đại diện chủ nhà APEC 2017, trong buổi đối thoại tư vấn EGILAT tháng 2-2017 ở Khánh Hòa, thừa nhận: “Không thể phủ nhận những nỗ lực to lớn của APEC trong việc khuyến khích buôn bán gỗ và các sản phẩm từ gỗ hợp pháp, đấu tranh chống buôn bán gỗ trái phép.

Tuy nhiên, những nỗ lực này là chưa đủ đối với các nền kinh tế thành viên APEC do những khó khăn thách thức được đặt ra như thiếu chính sách, sự yếu kém của chính quyền trong việc tuyển chọn, triển khai, quản lý và chưa khuyến khích được sự huy động vốn trong khu vực tư nhân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Những gì đã thỏa thuận được tại MMRF4 Seoul sẽ được đưa lên cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao APEC cuối tuần này.

Đối thoại giữa các chính phủ và doanh nghiệp trong phiên họp về Tương lai của toàn cầu hóa tại APEC CEO Summit 2017, Đà Nẵng, ngày 8-11-2017. -Ảnh: Thuận Thắng
Đối thoại giữa các chính phủ và doanh nghiệp trong phiên họp về Tương lai của toàn cầu hóa tại APEC CEO Summit 2017, Đà Nẵng, ngày 8-11-2017. -Ảnh: Thuận Thắng

 Hỗ trợ doanh nghiệp

Trong khi đó, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) không chỉ trình Báo cáo ABAC 2017 lên các lãnh đạo APEC mà còn trực tiếp trao đổi với các lãnh đạo cấp cao thứ sáu này (10-11) khi TTCT đã phát hành.

Được thành lập từ tháng 11-1995, bao gồm đại diện doanh nghiệp các nền kinh tế APEC, ABAC đã đề ra 20 khuyến nghị cho các nhà lãnh đạo trong bản báo cáo kết quả của ba ngày họp kết thúc hôm 6-11, nổi bật nhất là:

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tham gia vào thương mại, tăng cơ hội kinh tế cho phụ nữ và tăng cường an ninh lương thực trong khu vực bằng cách loại bỏ các rào cản đối với thương mại lương thực và giảm tổn thất lương thực - điều đòi hỏi phải giải quyết các thách thức đa dạng trong mỗi nền kinh tế”.

Cho tới nay, ở một số nền kinh tế đã có những gói hỗ trợ hay “giải cứu” lớn cho các đại gia, từ trong ngành tài chính - ngân hàng ở Mỹ cho tới các doanh nghiệp điện tử tiêu dùng ở Nhật Bản, nhưng các MSME chưa nhận được sự đãi ngộ tương tự.

Thế cho nên APEC lần này đã điều chỉnh thước ngắm quan tâm, khuyến nghị các chính sách hướng đến không chỉ các xí nghiệp vừa và nhỏ, mà cả siêu nhỏ. Trên bình diện cấp cao nhất, Tuyên bố của các lãnh đạo APEC 2016 Lima (Peru) từng vạch rõ: “Chúng tôi thừa nhận rằng các MSME là thành phần chủ yếu đối với các nền kinh tế trong việc thực hiện tăng trưởng chất lượng và thịnh vượng”.

Một chút liên tưởng, câu chuyện dùng dằng về tàu sắt của ngư dân miền Trung sớm hư hỏng có thể có lý do ở chỗ không có một cái nhìn thấu đáo, đúng như tinh thần APEC về yêu cầu hỗ trợ các doanh nghiêp siêu nhỏ, trong trường hợp này là các ngư dân vay vốn đóng tàu (trong khi lại bỏ quá nhiều nguồn lực vào các hãng đóng tàu “đại gia”).

Khuyến nghị đáng chú ý thứ hai của ABAC: “Là một phần của lịch trình kết nối vô cùng quan trọng của APEC, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo nhìn nhận tiềm năng chuyển hóa của việc tiếp cận hiệu quả với Internet và nền kinh tế kỹ thuật số cho tất cả các cộng đồng ở mọi giai đoạn phát triển. Chúng ta phải luôn thận trọng để đảm bảo rằng “khoảng cách kỹ thuật số” không làm ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế đang nổi lên của chúng ta.

Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo ưu tiên và tạo điều kiện phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cơ bản. Chúng tôi cũng khuyến khích cách tiếp cận quản lý thống nhất, bao gồm cả việc chuyển tải dữ liệu và thông tin xuyên biên giới và trong khu vực”.

Trong bối cảnh đang rộ lên thông tin về ý định “khóa cổng” bằng cách này cách kia với những “cơ sở dữ liệu và thông tin xuyên biên giới”, khuyến nghị “mở cổng” nêu trên của ABAC là kịp thời.

Bởi lẽ, bên cạnh những “tín đồ” săn lùng các thiết bị kỹ thuật số thời thượng hay những người tiêu dùng đầu cuối “sành điệu”, còn có cả những phụ nữ, học vấn chỉ hết cấp 1, cách đây hai năm còn làm khuân vác trong một công trường xây dựng, nay vừa nhận làm tạp vụ riêng trong một chung cư, vừa rao bán quần áo, mỹ phẩm giá rẻ, thạch và sữa chua trên Facebook qua điện thoại di động.

Chẳng thể đổi đời, nhưng giúp cuộc sống đỡ vất vả hơn, và cũng là một đối tượng “doanh nghiệp siêu nhỏ” cần được giúp đỡ, theo khuyến nghị đã nhắc!

Vận hội cho mọi người

Một trong những đề tài trung tâm của hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp APEC (CSOM) là làm sao “thúc đẩy hợp tác trong APEC nhằm giảm bớt những lo ngại của công chúng về việc ai hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và ở trong vị thế tốt hơn...”.

Quan ngại này từng được tổ chức Oxfam nêu ra trước đó một tuần trong báo cáo Mục tiêu phát triển bền vững số 10: “Các nền kinh tế thành viên APEC cần đặt những mục tiêu quốc gia rõ ràng để giảm bất bình đẳng, thu thập dữ liệu về nhóm có thu nhập và tài sản cao nhất, nhằm đạt được mục tiêu số 10. Nghèo đói và bất bình đẳng cực đoan không phải do số phận gây ra.

Những vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết và xóa bỏ. Các nhà lãnh đạo APEC giữ một vai trò đặc biệt trong việc chấm dứt những vấn đề dai dẳng này bằng việc kiến tạo và thúc đẩy nền kinh tế nhân bản mà ở đó không ai bị bỏ lại phía sau, một thế giới tươi sáng cho các thế hệ sau”.

Tất cả các quan ngại đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đã cho thấy một sự đồng tâm trong phát biểu của ông trước Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam hôm thứ ba 7-11:

Tập trung vào cải thiện thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân..., không ngừng kéo tầng lớp cư dân có thu nhập thấp tiến lên hội tụ nhóm thu nhập trung bình và khá...”.

Trong bài viết “Một Việt Nam năng động, hội nhập và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương”, Thủ tướng Việt Nam giải thích thêm ý này của ông:

“Có một xu hướng sẽ được nhận thấy ở Việt Nam trong thập niên tới là sự dịch chuyển từ mô hình tăng trưởng đặt trọng tâm vào GDP sang tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, tăng trưởng bao trùm và bền vững.

Đặc biệt, Việt Nam xem việc theo đuổi các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và cam kết COP-21 Paris về hạn chế phát thải, bảo vệ môi trường vừa là thước đo, vừa là động lực phát triển trong những thập niên tới”.

Trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh kinh doanh APEC, chủ tịch toàn cầu của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers, Robert E. Moritz, đã nêu một câu hỏi rất lý thú: “Thế nào là kiến tạo?”. Có lẽ không hiểu sai ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nghĩ rằng kiến tạo còn là đem đến cơ hội bình đẳng cho mọi người. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận