Bàn máu, ghế máu!

HUY THỌ 03/07/2018 21:07 GMT+7

TTCT - Ngày nào mà trên truyền hình vẫn thấy phòng họp của các cơ quan nhà nước còn đầy rẫy những bộ bàn ghế làm bằng gỗ quý; ngày nào mà hội chợ nông lâm nghiệp toàn bán những bộ bàn ghế gỗ quý hàng trăm, ngàn năm tuổi... thì ngày ấy chuyện ngăn chặn phá rừng vẫn là lời hô hào suông.

MH
 

 1.  Matt Bowei (Úc), một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở lĩnh vực sinh học, có một chuyến du lịch đến VN. Tôi chở chàng trai trẻ ấy đi một vòng TP.HCM. Đến một vùng đất mới, gặp những con người mới, đương nhiên mọi chuyện đều lạ lẫm trong mắt anh chàng 25 tuổi này. Nhưng, chỗ duy nhất mà Matt đòi ngừng xe để vào xem bằng được chính là hội chợ nông lâm nghiệp, hôm ấy tổ chức ngay tại công viên Gia Định, trên đường Hoàng Minh Giám.

Matt muốn xem cái gì ở hội chợ?

Không phải là cái khu vực bé tin hin bán cây giống, mà chính là những gian hàng bày bán những bộ bàn ghế, phản, tủ... to đùng, vật vã. Là dân có nghề về chuyện cây cối, Matt săm soi xem những vòng đời trên các thớt gỗ quý để nói rằng cái này mấy trăm tuổi, cái kia gần ngàn tuổi... Rồi Matt hỏi những sản phẩm này có giấy xác nhận rằng nó từ cánh rừng nào, có giấy phép cưa đốn không? Nó xuất xứ từ những cánh rừng VN hay nước nào khác? Tôi hỏi những người đứng bán hàng, họ nhìn chúng tôi như người ở ngoài trái đất!

Không có người nào trả lời cho những câu hỏi của mình, Matt quay sang hỏi tôi: “Ai mua những thứ này về xài?”. Tôi chỉ biết đùa: “Chắc chắn không có tôi!”. Đơn giản bởi tôi không thích những thứ này. Và có thích thì cũng không đủ tiền để mua, vì món nào cũng nghe giá hàng trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng.

2. Huỳnh Huy Tuệ, một điều phối viên của Tổ chức phi chính phủ BAJ (Cầu châu Á - Nhật Bản), là một người Nhật gốc Việt, đã có rất nhiều năm sống ở VN để hoạt động trong lĩnh vực giáo dục môi trường. 

Một đêm, Tuệ gọi điện thoại hỏi với vẻ đầy bức xúc: “Em vừa coi chương trình thời sự trên tivi. Trong nhiều bản tin quay quang cảnh các cuộc họp của các cơ quan nhà nước, em thấy bàn ghế trong phòng họp toàn làm từ gỗ quý. Nếu hình ảnh này xuất hiện ở Nhật, người dân sẽ lên tiếng ngay. Thứ nhất, họ sẽ truy vấn xem nguồn gốc xuất xứ của những thớt gỗ làm nên những chiếc bàn ghế ấy. Thứ hai, dù những bộ bàn ghế ấy có xuất xứ hợp pháp đi nữa thì người dân cũng lên án vì chuyện sử dụng bàn ghế bằng gỗ quý là một hành vi thiếu văn minh. Bởi trong một xã hội văn minh, biết quý trọng thiên nhiên, thì bàn ghế chỉ làm bằng những loại gỗ do con người trồng, có kế hoạch khai thác rõ ràng. Những loại gỗ ấy chắc chắn không thể làm ra được những bộ bàn ghế chạm rồng phụng mà chúng ta thấy trên tivi, thấy trong nhà các đại gia...”. 

Minh họa: Sà Và Ná
Minh họa: Sà Và Ná

 3. Hai câu chuyện trên quay lại trong đầu tôi sau khi xem những hình ảnh tang thương ở Hà Giang, với những thi thể trẻ em, phụ nữ bê bết bùn đất bởi cơn lũ quét ập đến mới đây. Đó là một ngày chủ nhật tang thương, nhưng không phải họa hoằn mới có, mà năm nào cũng có.

Cách đây gần một năm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức một hội thảo để bàn về giải pháp phòng chống lũ ống, lũ quét. Vài ngày sau, đến phiên Ủy ban Dân tộc của Quốc hội tổ chức tiếp một cuộc tương tự. Những con số tang thương đã được đưa ra: trong 5 năm (2010-2015), cả nước ghi nhận trên 250 đợt lũ quét, làm chết và mất tích hơn 646 người, hơn 9.700 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại kinh tế ước hơn 3.300 tỉ đồng...

Khách mời quốc tế của những hôm ấy là các chuyên gia đến từ Nhật Bản, một quốc gia cũng bị trả giá vì sự phát triển kinh tế bằng mọi giá từ cách đây hơn trăm năm. Nay, họ không muốn những nước khác bị trả giá giống như mình. Và họ cũng là những người có kinh nghiệm trong chuyện phòng chống thiên tai nên đã đến VN để chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp như xây dựng hồ chứa nước ở những nơi thường xảy ra lũ, đóng đinh đất ở những nơi hay xảy ra trượt lở, gia cố mái dốc, làm kết cấu tường chắn, hàng rào chống lũ...

Nói đến nguyên nhân gây nên lũ quét, có lẽ đến con nít cũng biết rằng phá rừng vô tội vạ là một chuyện nhức nhối ở nước ta, chúng ta đã và đang phải trả giá đắt cho việc đó. Dĩ nhiên, cũng không thể quơ đũa cả nắm, bởi như Hà Giang - nơi vừa thiệt hại nặng nề do lũ vào cuối tuần qua - vốn phần lớn là núi đá thì chuyện phá rừng không phải là nguyên nhân duy nhất.

Nhưng nói gì thì nói, phá rừng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng bậc nhất. Chúng ta đã nghe rất nhiều về những quyết tâm ngăn chặn nạn phá rừng. Nhưng, ngày nào mà trên truyền hình vẫn thấy phòng họp của các cơ quan nhà nước còn đầy dẫy những bộ bàn ghế làm bằng gỗ quý; ngày nào mà hội chợ nông lâm nghiệp toàn bán những bộ bàn ghế gỗ quý hàng trăm, ngàn năm tuổi... thì ngày ấy chuyện ngăn chặn phá rừng vẫn là lời hô hào suông.

Bao giờ mà người Việt biết nghe được tiếng khóc mất con, tiếng thét kêu cứu vô vọng của đồng bào ở những vùng rừng núi, khi ngồi trên những bộ bàn ghế gỗ quý, ngày ấy mới hi vọng thay đổi. Tôi đã rợn người khi nghe Huỳnh Huy Tuệ từng nói rằng: “Những bộ bàn ghế ấy là bàn máu, ghế máu!”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận