Bất chiến tự nhiên thành

DANH ĐỨC 23/06/2018 15:06 GMT+7

TTCT - “Tấn tuồng kết thúc”, có thể kết luận như thế cho cuộc gặp Kim Jong Un - Donald Trump ở Sentosa, Singapore tuần rồi. Nhưng nơi hậu trường ai có thể xoa tay hài lòng?

Hai ông Tập Cận Bình (phải) và Kim Jong Un. Ảnh: Nikkei Asian Review
Hai ông Tập Cận Bình (phải) và Kim Jong Un. Ảnh: Nikkei Asian Review

 

8h30 sáng chủ nhật 10-6, ông Kim khởi hành từ Bình Nhưỡng trên một chiếc máy bay Boeing 747-4J6 của Hãng hàng không Air China, vốn là chuyên cơ của ông Tập cho mượn. Bay gần đến Bắc Kinh thì “bẻ lái” xuống hướng nam trực chỉ Singapore, bay càng sát Trung Quốc càng tốt nhằm giữ an toàn tối đa. Việc bay hộ tống ông Kim, một thủ tục quen thuộc dành cho các nguyên thủ quốc gia, do không quân Trung Quốc đảm nhiệm. Khoảng 9h tối thứ ba 12-6, cũng chiếc máy bay đó của Trung Quốc đến đón ông Kim về.

Rồi ba ngày sau, 15-6, ông Kim gửi thư và hoa chúc mừng sinh nhật ông Tập. Bốn ngày sau nữa, hôm 19-6, Tân Hoa xã là một trong những hãng tin đầu tiên, nhanh chóng hơn cả KCNA ở Triều Tiên, loan tin ông Kim tới thăm Bắc Kinh gặp ông Tập lần thứ ba trong vòng ba tháng.

Châu về hợp phố

Dông dài chuyện đi lại của ông Kim để nhìn và thấy rõ mối quan hệ Kim - Tập nói riêng và quan hệ Trung - Triều nói chung. Trong lá thư chúc mừng sinh nhật được KCNA công bố ngày 16-6, có đoạn ông Kim nhấn mạnh rằng ông Tập “đã khôn ngoan lèo lái cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Trung Quốc và của nhân dân Trung Quốc nhằm đạt đến sự đại thịnh vượng cho Trung Quốc, qua đó đã mở ra một triển vọng sáng láng cho chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đóng góp tích cực để thúc đẩy uy tín quốc tế của Trung Quốc và giữ gìn hòa bình và an ninh toàn cầu”.

Đọc hời hợt dễ tưởng đây là “lưỡi gỗ” trích dẫn văn nghị quyết, nhưng đọc kỹ sẽ thấy đấy không chỉ là lời tán tụng suông mà là một sự “tuyên xưng đức tin” của ông Kim. Nếu như con đường “xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc” đã đem đến “đại thịnh vượng” cũng như “thúc đẩy vai trò quốc tế” của Trung Quốc, thì không có gì lạ khi Triều Tiên cũng sẽ noi theo.

Bức thư mừng sinh nhật cũng có thể coi là lời nhắn nhủ cho những hi vọng mông lung của ông Trump. Ông Trump hẹn ông Kim ở Singapore và ông Kim đã đến. Yến tiệc đã được dọn ra và ông Kim đã ăn. Đoạn video quảng cáo về “hai con người, hai lãnh đạo, một vận mệnh” đã được bật lên trên iPad và ông Kim đã xem.

Cánh cửa dẫn vào con đường tư bản chủ nghĩa, giống như cánh cửa chiếc xe “quái thú” của chủ nhân Nhà Trắng, đã được mở ra giới thiệu với ông Kim và ông đã lấy làm thích thú. Nhưng những thay đổi thực chất sau đó thì cũng mơ hồ như nội dung cuộc gặp vậy.

Tờ “công báo” Triều Tiên, Rodong Sinmun, hôm 18-6 đăng một áng văn lý luận đanh thép: “Chủ nghĩa tư bản không có tương lai... Đó là một khối u ác tính khi mà người giàu cứ giàu hơn và người nghèo cứ nghèo đi. Sự gia tăng giàu có vật chất trong xã hội tư bản làm cho sự bất bình đẳng trong đời sống vật chất trở nên khó chịu hơn, dẫn đến một cuộc sống khốn khổ cho quần chúng lao động cật lực...

Ngay cả những người có một mức sống nào đó cũng phải luôn luôn lo lắng cho tương lai vì họ có thể trở nên nghèo khổ bất cứ lúc nào... Chủ nghĩa tư bản khiến cho xã hội phân rã và người ta bị bệnh tâm thần và thể chất”.

Cùng ngày, cũng trên tờ Rodong Sinmun là một bài khác khẳng định “khát vọng của con người chỉ có thể trở thành hiện thực trong xã hội xã hội chủ nghĩa”: “Chủ nghĩa xã hội là một xã hội mà ở đó sự độc lập của quần chúng nhân dân có thể được bảo vệ và thực hiện. Chủ nghĩa xã hội là xã hội lý tưởng của loài người mà các lợi ích và sự thật đã được chứng minh qua những thử thách khắc nghiệt của lịch sử.

Thông qua cuộc sống thực của mình, người dân Triều Tiên đã có niềm tin rằng chỉ chủ nghĩa xã hội mới có thể mang tới tự do, bình đẳng và một cuộc sống hạnh phúc và đáng giá, và tiến lên chủ nghĩa xã hội là cách duy nhất để hiện thực hóa lý tưởng của quần chúng. Ngày nay không có xã hội lý tưởng nào có thể thay thế chủ nghĩa xã hội trên thế giới”.

Tam cố thảo lư

Phần thứ nhì bức thư mừng sinh nhật ông Tập cho thấy diễn biến gần đây của mối quan hệ Triều - Trung. Bài báo về bức thư nêu rõ “ông Kim đánh giá rằng các cuộc họp quan trọng liên tiếp với ông Tập Cận Bình đã là một dịp quan trọng trong việc tăng cường tình hữu nghị và niềm tin, và thúc đẩy mạnh hơn nữa tình hữu nghị Triều - Trung, sự lựa chọn chiến lược của hai Đảng và hai nước theo yêu cầu của kỷ nguyên mới”.

Không biết có phải trùng hợp không, “kỷ nguyên mới” là chủ đề chính xuyên suốt báo cáo chính trị được ông Tập Cận Bình đọc tại khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hôm 18-10-2017. Cụm từ này, ngụ ý Trung Quốc đã bước lên vị thế “siêu cường”, được ông Tập sử dụng 26 lần trong báo cáo. Nay khi ông Kim viết “theo yêu cầu của kỷ nguyên mới” thì điều đó có ý nghĩa gì?

Câu trả lời đến từ bước ngoặt lịch sử: chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Kim “theo lời mời” của ông Tập từ ngày 25 đến 28-3-2018. Đấy là lần đầu tiên ông Kim sang Trung Quốc sau khi kế vị cha, ông Kim Jong Il, bảy năm về trước. Như mọi quan hệ khác, bảy năm không qua lại dễ sinh nguội lạnh. Cho nên trong lần gặp đó, ông Tập đã đưa ra các đề xuất nhằm làm “sâu sắc” hơn quan hệ Trung - Triều, bao gồm:

(1) “Tiếp tục trao đổi ở cấp cao, điều vốn đã luôn đóng vai trò quan trọng và thúc đẩy nhất trong lịch sử quan hệ Trung - Triều. Trong hoàn cảnh mới này, tôi muốn giữ tiếp xúc thường xuyên với đồng chí chủ tịch qua các hình thức đa dạng như trao đổi viếng thăm, cử đặc phái viên, gửi thư cho nhau”;

(2) “Phát huy đầy đủ các phương pháp thông tin chiến lược đã từng được chứng thực bởi thời gian..., thường xuyên trao đổi sâu quan điểm về các vấn đề chính”.

Ông Kim đáp lại thuận tình, nhất là với ý nhấn mạnh của ông Tập: “Đây là lựa chọn chiến lược và lựa chọn duy nhất đúng mà hai bên đã chọn dựa trên lịch sử và thực tế, trên cấu trúc quốc tế và khu vực, cùng tình hình chung mối quan hệ Trung - Triều. Chọn lựa này không nên và sẽ không thay đổi vì bất cứ sự kiện nào tại một thời điểm cụ thể nào” (Tân Hoa xã 28-3-2018).

Sự kiện cụ thể mà ông Tập nhắc tới là khả năng Triều Tiên đàm phán “thẳng thắn với Mỹ về cách thức hiện thực hóa việc phi hạt nhân hóa bán đảo và bình thường hóa quan hệ song phương”, mà cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui Yong của Tổng thống Hàn Quốc loan báo với AFP hôm 6-3 sau chuyến thăm Triều Tiên, mà ông Chung đã đối thoại và dùng bữa tối với ông Kim. Việc ông Tập “mời” ông Kim sang 20 ngày sau nữa và đưa ra các “đề xuất” như trên cho thấy biên độ hành động của ông Kim như thế nào: sẽ không bao giờ có những thay đổi đột ngột!

Đáp lại đề xuất “tiếp xúc thường xuyên”, ông Kim qua gặp ông Tập lần thứ nhì trong hai ngày 7 và 8-5-2018 ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc. Lần này hai ông bàn bạc chuyện đàm phán Mỹ - Triều, đúng với tinh thần “thường xuyên trao đổi sâu quan điểm về các vấn đề chính”.

Sau chuyến đi Trung Quốc đó, ông Kim mới đưa điều kiện: “Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết nếu Hàn Quốc và Mỹ thiện chí đáp ứng những nỗ lực của chúng tôi, tạo ra một bầu không khí hòa bình và ổn định trong khi thực hiện các biện pháp từng bước và đồng bộ để thực hiện hòa bình...

Chừng nào mà các bên liên quan bãi bỏ các chính sách thù địch và gỡ bỏ các đe dọa an ninh chống lại CHDCND Triều Tiên, thì CHDCND Triều Tiên sẽ không cần là một quốc gia hạt nhân và việc phi hạt nhân hóa có thể được thực hiện”. Còn ông Tập thì tuyên bố chung chung, thể hiện sự đứng ngoài “chứng giám” của mình.

Cũng trong tinh thần “tiếp xúc thường xuyên”, một tuần sau cuộc gặp lịch sử với ông Trump, ông Kim lại sang Trung Quốc. Lần này, lễ đón trọng thể diễn ra tại đại lễ đường Nhân Dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ông Kim gửi lời cảm ơn và ca ngợi nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.

Về phần mình, ông Tập “mong muốn Triều Tiên và Mỹ thực hiện những kết quả thu được sau hội nghị thượng đỉnh”. Trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết chuyến thăm của Kim “sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ Trung - Triều, tăng cường tiếp xúc chiến lược và tạo điều kiện thuận lợi cho hòa bình, ổn định khu vực”.

Bảy năm không thấy mặt nhau, và giờ là ba lần gặp thượng đỉnh trong ba tháng, như để vội vã bù đắp cho những tháng ngày đã mất. Tất cả đều có lý do thuyết phục!■

Hôm 13-6, tức một ngày sau cuộc gặp Trump - Kim, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Matxcơva rằng Washington và Bình Nhưỡng đang đi đúng lộ trình mà Trung Quốc và Nga đã đề ra.

Đến ngày 18-6, Tân Hoa xã loan tin: “Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White cho biết quân đội Hoa Kỳ đã đình chỉ mọi kế hoạch cho cuộc tập trận Freedom Guardian vào tháng 8 tới”. Thôi tập trận Mỹ - Hàn, tháo gỡ các dàn tên lửa THAAD mà mấy năm qua đã là cái gai trong mắt Nga và Trung Quốc, rồi cân nhắc rút quân Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản..., tất cả là những động thái “ngừng khiêu khích” mà Triều Tiên yêu cầu, nhưng Trung Quốc và Nga sẽ có “lợi ích ăn theo” thậm chí còn lớn hơn cả Bình Nhưỡng.

Mấy hôm nay, ông Trump không còn nhắc thượng đỉnh lịch sử với ông Kim nữa, hẳn do bận bịu vụ cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của mình Paul Manafort mới bị tống giam và bị truy tố nhiều tội danh, bao gồm âm mưu chống lại nước Mỹ, rửa tiền, làm “gián điệp cho nước ngoài”, không thông báo về các khoản thu nhập từ nước ngoài... Mọi mảnh ghép đều có chỗ của nó trong bức tranh chung.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận