Bày cách thưởng thức hội họa cho tay mơ

STEVEN GAMBARDELLA 25/04/2019 16:04 GMT+7

TTCT - Chúng ta may mắn sống trong một thời đại mà đám đông quần chúng cũng có thể tiếp cận hội họa, thay vì chỉ những kẻ siêu giàu của giới đặc quyền đặc lợi như đã hàng nghìn năm qua. Điều đó thật quý giá. Vì thế, hãy đi xem tranh khi có cơ hội!

Nhiều người chưa bao giờ bước chân vào một phòng tranh hay một nhà bảo tàng. Một số người miễn cưỡng không muốn làm thế vì những nơi đấy có thể đáng sợ, có thể tỏa ra một bầu không khí khinh khi khiến người thưởng thức cảm thấy không được chào đón.

Nhưng hội họa quan trọng vì nó là một phần trong câu chuyện chúng ta kể về chính mình, là nền văn hóa của chúng ta, là điều chúng ta có thể tận hưởng bằng các giác quan với một biên độ thật rộng, từ thấy hào hứng cho tới cảm giác được khai minh. Nhưng hội họa thường không dễ “thẩm thấu”, sở dĩ như thế một phần là vì nó quả thật có hợm hĩnh, nhưng cũng là vì hội họa thực sự là tinh tế, do đó đòi hỏi thời gian và nỗ lực.

Thưởng thức hội họa không chỉ có một cách duy nhất. Tôi xin phép nêu ra một hướng dẫn cơ bản, trên thực tế là lời khuyên tôi ước gì tôi có thể khuyên chính bản thân khi còn trẻ.

Khi bạn ghé thăm một phòng tranh hay nhà bảo tàng, hãy tập trung vào vài bức tranh thôi. Một số nơi có hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật, nếu bạn chỉ cần xem vài trăm, thậm chí vài chục tác phẩm thôi, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi. Hãy tập trung vào một vài bức và xem lướt những bức khác. Hãy nghĩ tới tình yêu sét đánh, và để ý xem điều gì thu hút ánh mắt của bạn. Hãy chuẩn bị trước bằng cách ghé thăm trang web của nhà bảo tàng, chọn những bức mà bạn có thể tới xem ngay được, và nhớ rằng bạn có thể sẽ còn ghé lại bảo tàng đấy lần nữa.

Một khi bạn đã có một lựa chọn và thật sự bắt đầu nhìn vào nó, hãy khởi đầu một cách đơn giản. Nhiều người thấy hội họa đáng ngại hay khó thưởng thức vì họ phức tạp hóa vấn đề lên. Những cách tiếp cận đơn giản bao gồm nhìn thấy kích thước và hình dáng tác phẩm; nó là trừu tượng hay hiện thực; những hình dáng bên trong tác phẩm; màu sắc; và tông điệu.

Những cách tiếp cận phức tạp hơn bao gồm phong cách nghệ thuật; chủ đề nghệ thuật; tác phẩm đại diện cho điều gì; những ngụ ý của tác phẩm; và ý nghĩa văn hóa rộng lớn hơn của nó.

Lời khuyên của tôi là hãy xem tranh lâu lâu trước khi đọc bảng giải thích. Hãy tự hỏi: Nhà nghệ sĩ định mời gọi mình chuyện gì? Nhà nghệ sĩ dẫn dắt đôi mắt mình tới đâu? Nhà nghệ sĩ muốn mình cảm nhận hay suy nghĩ thế nào, và bằng cách nào họ đạt được điều đó?

Tôi lấy ví dụ là tác phẩm Bacchus và Ariadne của Titian, một bức tranh đẹp đẽ trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Anh. Tôi đề xuất tám cách chiêm ngưỡng bức tranh này với độ phức tạp tăng dần.

Tranh
Bức tranh Bacchus và Ariadne của Titian

1. Kích cỡ và hình dáng

Bacchus và Ariadne được coi là tranh khổ trung vì nó không đòi hỏi nhiều sự chuyển động từ người xem. Ta có thể đứng ở một điểm và xem được hết bức tranh. Nó gần như có hình vuông, một hình dạng nén các yếu tố lại trong khung tranh để tạo ra cảm giác kịch tính.

Những bức tranh hay tượng khổng lồ với kích cỡ người thật có xu hướng lôi kéo người xem hành động hay được thiết kế cho những khoảng nhìn xa. Ngược lại, các bức tranh nhỏ đòi hỏi sự gần gũi. Những bức tranh cỡ trung bình như bức này thì có ý đồ trung tính. Chúng cho phép người xem chiêm ngưỡng tác phẩm mà không cần phải tương tác nhiều với bức tranh, không phải lùi ra, không đứng sát lại...

2. Kết cấu bức tranh

Một số kết cấu phổ quát trong bức tranh có thể nhận ra được nếu bạn nhìn những thành tố của nó theo nhóm. Trong bức này, có một hình tam giác rõ rệt chia đôi bức tranh theo đường chéo hình vuông. Hầu hết nhân vật trong tranh được nén lại thưa dần từ phải sang trái. Bạn sẽ nhận ra họa sĩ muốn tập trung sự chú ý của người xem vào hai nhân vật chính: một cắt ngang đường chéo hình vuông, và nhân vật kia ở góc trái hình vuông.

3. Tông màu

Kết cấu hai tam giác nói trên cũng chia đôi bức tranh thành hai tông màu: màu lam và lục lạnh hơn của bầu trời, biển, cây cối và tông màu ấm hơn của mặt đất, muông thú và thịt da con người. Bạn có thể chụp lại bức tranh, chuyển nó sang chế độ điểm ảnh (pixelated), bạn sẽ càng thấy rõ điều này.

Một trích đoạn của Bức tranh Bacchus và Ariadne

4. Chuyển động có chủ đích

Các họa sĩ, điêu khắc và những nghệ sĩ thị giác khác thường cố gắng điều khiển mắt người xem với tác phẩm của họ. Họ làm điều đó bằng cách bố cục sự tương tác giữa những yếu tố trong tác phẩm.

Trong bức Bacchus và Ariadne, mắt tôi sẽ nhìn vào nhân vật lơ lửng trong không trung một lát, nhưng hướng nhìn của nhân vật này sẽ kéo tôi về phía người phụ nữ bên trái. Rồi tôi sẽ chuyển mắt xuống cái vò bên dưới, rồi con chó ở gần mặt đất. Con chó đang nhìn nhân vật đầu người mình dê (satyr), nên tôi cũng nhìn sang đó, rồi tới cái đầu dê trên mặt đất và cuộc truy hoan đằng sau. Từ đó, mắt tôi hướng lên chiếc áo choàng của nhân vật chính và trở lại đôi mắt của người này. Tất cả tạo ra một vòng chuyển động xung quanh bức tranh, cả về chiều sâu và chiều rộng, từ tấm vải lộng gió ở trung tâm tới những đồ vật nằm im lìm dưới đất.

Chúng ta có thể xem tranh theo cách phức tạp hơn một chút bằng cách kết hợp chuyển động mắt với những quan sát về hình dáng và tông màu ở trên. Titian đã sử dụng màu lạnh và ấm để điều khiển mắt người xem. Những màu ấm được nén lại trong không gian ở góc phải, trong khi màu lạnh mở toang ra trong không gian ở góc trái. (Hiệu ứng này cũng xảy ra trong đời sống hằng ngày: một căn phòng sơn toàn màu đỏ tạo cảm giác khép kín, trong khi một căn phòng sơn màu xanh nhạt tạo cảm giác cởi mở hơn).

5. Phong cách

Giống như hầu hết những bức tranh hồi thế kỷ 16, bức này có tính hiện thực. Nó vẽ người và động vật giống người và động vật mà chúng ta thấy ngoài đời. Về mặt giải phẫu học, các hình người cơ bản là chính xác, nhưng có những yếu tố rõ ràng cho thấy đây là một bức tranh mô tả thế giới thần thoại. Đây là lúc ta chuyển sang đọc bảng mô tả cạnh bức tranh. Trong đó có thời gian sáng tác (đầu thế kỷ 16), nơi sáng tác (nước Ý), thời kỳ hội họa (thời Phục Hưng toàn thịnh - High Renaissance), những chi tiết sẽ dẫn tới nhiều sự phức tạp hơn.

6. Chủ đề

Chủ đề Bacchus và Ariadne là thần thoại Hi Lạp, nhưng riêng bức tranh sẽ không kể hết cho bạn cả câu chuyện. Để thưởng thức trọn vẹn bức họa, bạn sẽ phải đọc một chút, hoặc nghe hướng dẫn viên trong nhà bảo tàng chỉ dẫn. Bạn cần ghi nhớ là đối tượng khán giả của Titian khi ông vẽ bức tranh không phải là đại chúng, mà là những người khá chắc chắn đã biết rõ bối cảnh câu chuyện này.

Bức tranh về cơ bản là một lát cắt trong câu chuyện khi Ariadne - người phụ nữ ở góc trái mà nhà nghệ sĩ đã khéo léo hướng sự chú ý của chúng ta vào - bị người tình của mình Theseus bỏ lại, nhưng rồi nàng gặp thần Bacchus.

Câu chuyện đại thể là Ariadne, một nàng công chúa, yêu Theseus khi chàng tình nguyện đi giết con quái vật đầu bò mình người Minotaur trong một mê cung. Ariadne đưa cho Theseus một cuộn chỉ để chàng tìm ra đường thoát khỏi mê cung. Sau khi Theseus giết được Minotaur, chàng và Ariadne trốn thoát tới đảo Naxos, nhưng khi họ đã ở đó, nữ thần Athena đánh thức Theseus vào nửa đêm và nói chàng phải rời đảo ngay lập tức vì đó là nơi trú ngụ của thần Bacchus - thần của rượu vang và yến tiệc (điều giải thích cuộc truy hoan hỗn loạn sau lưng Bacchus). Trong bức tranh, ta có thể thấy con thuyền của Theseus đang đi xa dần ở sát cạnh bên trái.

Khi thức giấc, Ariadne rất buồn, và nếu Titian là một nhiếp ảnh gia thì ông đã chụp được tấm hình quan trọng nhất: thời điểm Bacchus xuất hiện cùng phái đoàn của ông và nhìn thấy Ariadne. Lúc đầu, Ariadne kinh ngạc và sợ hãi, nhưng Bacchus, bị cuốn hút bởi vẻ yêu kiều của nàng, đã nhảy khỏi cỗ xe do hai con báo kéo. Khi ánh mắt hai người gặp nhau, đó là tình yêu sét đánh. Vì Ariadne là người trần mắt thịt, Bacchus đã cho nàng được trường sinh, và nàng trở thành một chòm sao có hình dáng như một vòng hào quang - mà ta có thể thấy trong tranh ở góc trên bên trái.

Điều đẹp đẽ về bức tranh này là nó cô đặc cả câu chuyện vào một khoảnh khắc ngẫu hứng, nhưng then chốt được nhấn mạnh không chỉ bởi sự chú ý có chủ đích, các chi tiết, và sự chuyển động, mà còn cả những âm thanh ngụ ý - của bữa tiệc bất tận phía sau vị thần của rượu và hoan lạc.

7. Ngụ ý

Theo chủ đề Hi Lạp cổ đại, bức tranh có những ngụ ý ngầm về nghệ thuật kinh điển. Đầu tiên, phái đoàn của Bacchus giống với hình nổi trên những bức phù điêu trong các kiến trúc La Mã. Phái đoàn cũng làm nổi bật Bacchus và Ariadne, đang mặt đối mặt, với hiệu ứng kịch tính hóa sự ngạc nhiên của họ khi nhìn thấy nhau.

Cũng nên để ý rằng nhân vật có hai con rắn trên người giống với một bức tượng nhan đề Laocoön và các con trai, được cho là sáng tác vào thế kỷ 2 trước Công nguyên. Bức tượng đó được bày ở Rome vào năm 1506 không lâu sau khi nó được khai quật lên từ lòng đất, nên Titian nhiều khả năng đã nhìn thấy nó. Không có bằng chứng trực tiếp cho thấy họa sĩ dựa trên bức tượng để vẽ nhân vật có hai con rắn, nhưng ảnh hưởng nói chung của nghệ thuật Hi-La cổ đại lên nghệ thuật Phục Hưng là điều không thể tranh cãi.

Bức tượng Laocoön và các con trai

8. Ý nghĩa văn hóa

Như đã nói, đây là tác phẩm thời Phục Hưng, từ thế kỷ 14-17, giai đoạn mà văn hóa Hi-La cổ đại được khai quật, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, ở châu Âu. Trước thời kỳ này, văn hóa phương Tây về cơ bản chỉ để phục vụ Thiên Chúa giáo.

Bởi hàng loạt biến cố lịch sử, phát minh khoa học và phát kiến địa lý, văn hóa phương Tây bắt đầu đặt con người vào trung tâm của sự sáng tạo. Không quá phức tạp, phong cách hội họa Phục Hưng nổi bật bởi sự chính xác về giải phẫu học, do ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Hi-La, màu sắc sinh động (nhờ việc phát minh ra sơn nước), và phối cảnh tuyến tính. Tất cả những điều này thật rõ ràng trong Bacchus và Ariadne.

Thời điểm vẽ bức tranh cụ thể là giai đoạn Phục Hưng toàn thịnh, vào khoảng 1495 - 1527, giai đoạn đỉnh cao của thời kỳ Phục Hưng với những nghệ sĩ lừng lẫy: Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael, Giorgione, Bellini, và tất nhiên, Titian.

Phối cảnh tuyến tính là một phát kiến đặc biệt mà nhiều nghệ sĩ thời đó và sau này sử dụng để thay đổi vĩnh viễn nghệ thuật phương Tây, và qua đó, nghệ thuật thế giới. Hội họa trước đó là những bức tranh mang nhiều tính trang trí, ước lệ, nhưng khi có phối cảnh, chúng trở thành những “cánh cửa sổ” mở vào một quang cảnh hiện thực nhờ chiều sâu của không gian và các kỹ thuật phối cảnh.

Đọc tới đây thì bạn đã biết kha khá về bức Bacchus và Ariadne cũng như Titian, nhưng tôi hi vọng bạn cũng đã biết nhiều hơn về cách tiếp cận hội họa. Với mọi tác phẩm, bạn luôn có thể bắt đầu đơn giản và tạm tránh xa những thông tin gây ngợp đáng sợ đi kèm. Hãy thử nghĩ tới việc bức tranh tác động ra sao lên bạn về mặt thể chất và tinh thần. Từ từ, bạn sẽ có thể đón nhận những thông tin phức tạp hơn sau.

Chúng ta may mắn sống trong một thời đại mà đám đông quần chúng cũng có thể tiếp cận hội họa, thay vì chỉ những kẻ siêu giàu của giới đặc quyền đặc lợi như đã hàng nghìn năm qua. Điều đó thật quý giá. Vì thế, hãy đi xem tranh khi có cơ hội! ■

CHIÊU VĂN dịch từ Mediuim

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận