Bên kia biên giới…

HỮU NGHỊ 29/08/2022 08:20 GMT+7

TTCT - Tin tức về những nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia xuất hiện dồn dập trên báo chí mấy tuần qua. Không rõ đây chỉ là phần nổi của tảng băng hay đã là tảng băng.


Bên kia biên giới… - Ảnh 1.

Ảnh: Nikkei Asia Review

Tạm mượn các tựa trên Dân Trí mươi ngày qua để ướm sơ sức nặng của vấn đề: "Vụ trốn khỏi casino: Từ giấc mơ việc nhẹ lương cao… đến bị đánh đập dã man" (21-8); "Lộ diện cặp nam nữ trong vụ 42 người trốn khỏi casino Campuchia" (20-8); "Thanh niên bị nữ nhân viên massage lừa bán sang Campuchia" (13-8); ""Hot girl thành đạt" chuyên buôn người sang Campuchia" (11-8). Chen vào đó là tin: "Việt Nam - Campuchia đảm bảo an ninh biên giới, phòng chống di cư tự do" (8-8).

Tại sao lại là Campuchia?

Tờ Công An Nhân Dân 19-8 đưa ra giải thích quen thuộc: "Quá tin vào những lời mời chào hấp dẫn "việc nhẹ, lương cao", hàng trăm người đã bị lừa qua Campuchia trái phép và bị ép phải làm nhiều công việc nặng nhọc, "nhạy cảm", để rồi sau đó vỡ mộng khi đối mặt với những cạm bẫy chờ sẵn, phải khốn khổ tìm cách lẩn trốn khắp nơi, cầu cứu người thân và cơ quan chức năng giải cứu trở về". 

Vấn đề này đã được hai bên quan tâm ở cấp cao: hôm 8-8, Phó tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia Hun Manet, nhân chuyến thăm Việt Nam, đã hội đàm với Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, trong đó có việc đấu tranh phòng chống tội phạm và di cư tự do bất hợp pháp.

Hơn chục ngày sau xảy ra vụ việc rúng động khi 42 công dân Việt Nam trốn khỏi casino Rich World, bơi qua sông Bình Di để thoát về nước. Casino này nằm tại ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia. 42 người này đến từ đến từ 21 tỉnh thành khác nhau ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ...

Casino nói trên chỉ là một trong 143 casino ở Campuchia đăng ký tái hoạt động năm nay, sau dịch COVID-19. Đến trung tuần tháng 7-2022, 13 trong số đó được gia hạn giấy phép. 

Tốc độ mở cửa lại khá nhanh: tính đến 22-8, tổng cộng thêm 47 casino và sòng giải trí may mắn (games of chance) mở cửa lại, như vậy tổng cộng đã có đến 70 casino mở cửa lại ở Campuchia (Khmer Times 22-8). Số casino này tập trung ở các tỉnh biên giới Banteay Meanchey, Pailin, Koh Kong (với Thái Lan), Svay Rieng, Kampot, Preah Sihanouk (với Việt Nam)… 

Riêng Rich World Casino nằm ở phía gần huyện An Phú, An Giang, cùng với các casino Bun Raven, Crown Casino Chrey Thom, LOY88 Company, 855 PLAY, Yong Yuan Casino, Galaxy Casino Chrey Thom, sòng giải trí Grand Dragon Resorts, đều trên quốc lộ 21 của Campuchia. 

Tất cả các sòng bạc này đều có địa chỉ số trên mạng và tập trung ở khu vực giáp huyện An Phú, ngay bên kia biên giới.

Huyện An Phú là địa phương mà hai nghi phạm Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi, đều ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) bị tạm giữ về hành vi "tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép", đang sinh sống. Được biết, "lực lượng an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang phối hợp Công an huyện An Phú xác định trong số 42 người tháo chạy khỏi casino Rich World Campuchia bơi qua sông về Việt Nam, Lệ cùng Danh đưa trót lọt 6 người xuất cảnh trái phép sang Campuchia trước đó" (Tuổi Trẻ 20-8).

Theo nhật báo Thái Lan Bangkok Post 19-8, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng cho biết cảnh sát nước này đã giữ một quản lý của casino và đang điều tra. 

Tờ báo Thái còn loan tin cảnh sát Campuchia đang tổ chức kiểm tra nhập cảnh trên toàn quốc nhằm đánh phá nạn buôn người, tiếp sau hàng loạt tố cáo từ các nước Đông Nam Á về nạn lừa đảo việc làm lương cao. 

Tháng trước, mấy chục công dân Indonesia bị lừa làm việc tại thành phố cảng Sihanoukville, khiến Bộ trưởng Ngoại giao nước này Retno Marsudi phải sang tận Phnom Penh để "làm rõ trắng đen" với nhà chức trách Campuchia, Bangkok Post cho biết.

Bài bản buôn người hiện đại

Phải nói rằng đó là một vấn nạn của cả khu vực, không chỉ các nền kinh tế với chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, mà có cả Đài Loan. The Diplomat 16-8 loan tin chính quyền Đài Loan đang lo ngại hàng nghìn người Đài Loan đã bị "buôn" vào Campuchia và buộc phải làm việc cho các tổ chức tội phạm. 

Cơ quan cảnh sát Đài Loan tiến hành điều tra dựa trên hồ sơ chuyến bay, theo đó khoảng 1.000 người Đài Loan đã đến Campuchia mỗi tháng, phần lớn trong năm nay, nhưng trung bình chỉ có 100 người trở về. Trên cơ sở đó, cảnh sát cho biết ít nhất 2.000 người Đài Loan vẫn còn ở Campuchia, rất có thể là trái với ý muốn của họ, nhưng con số này có thể lên tới 5.000 người vì những điểm mù trong dữ liệu.

Mô tả của The Diplomat về hoạt động này cho thấy quy mô của vấn đề: "Hoạt động chủ yếu được điều hành bởi các tổ chức băng đảng của Trung Quốc, chuyên lừa những người nói tiếng Quan thoại không cẩn trọng, với hứa hẹn trả công cao. Họ bị bắt cóc khi đến nơi và bị giam giữ trong các tòa nhà khóa chặt". 

"Bài bản" đối xử là như nhau, bất kể quốc tịch: "Đánh đập và tra tấn bằng điện giật là phổ biến, theo lời kể của nạn nhân. Mọi người bị giam trong các phòng ở tầng ba hoặc tầng bốn. Một số nhảy lầu và tất nhiên bị thương. Gia đình họ bị đòi tiền chuộc, lên tới hàng nghìn đôla để chuộc họ ra. Nhiều người được bán tới bán lui".

Thủ đoạn chiêu dụ cũng vậy: "Pip (không phải tên thật) cho biết cô đã xin một công việc lương cao ở Campuchia nhưng khi đến nơi, cô bị giam trong một khu công nghiệp và bị bán lại bốn lần trong bảy ngày. Cô đã trốn thoát nhờ sự giúp đỡ của một tỉnh trưởng Campuchia và một tổ chức chống lừa đảo". 

Mục đích giam giữ và cưỡng bức lao động nói chung như nhau: "Hầu hết là các trò gian lận như đầu tư lừa đảo, tình ái lừa đảo, cờ bạc trực tuyến và tiền điện tử. Mỗi người được giao một mục tiêu để gặp gỡ, thường là người giàu có ở Trung Quốc đại lục".

Có thể thấy cả với trường hợp người Việt, Indonesia, thậm chí Đài Loan… bị lừa rồi bóc lột, vấn đề xoay qua một góc độ khác: tội phạm có tổ chức, rất sát với đánh giá về nạn buôn bán người mà Campuchia hiện được cho là xử lý rất kém.

Một mặt trận phòng ngừa "đổi đời mang họa"

Chuyện một số người từ Việt Nam nghe rủ rê "việc nhẹ, lương cao" rồi xuất cảnh bất hợp pháp chắc không phải chuyện kín như bưng, bởi bên kia sông Bình Di, dọc theo quốc lộ 21 của Campuchia là chừng đó casino chớp nháy ánh đèn ngày đêm. 

Cuộc di cư mong đổi đời kia ít nhiều giống việc một số người Việt qua Nga, Đông Âu rồi tìm đường đến EU, Pháp, chờ ngày xuống phà sang Anh, có khi phải mất mạng, như bi kịch thi thể 39 người Việt được phát hiện trong xe container đông lạnh ở Khu công nghiệp Grays, hạt Essex, Anh, rạng sáng 23-10-2019.

Chuyện họ ra đi khó có thể là điều mà làng xã quê nhà họ không ai hay biết. Trong góc nhìn đó, các đoàn thể xã hội, như thanh niên và phụ nữ, vốn có bộ máy rất lớn và tỏa khắp các cấp từ cơ sở lên trung ương, nên mở rộng công tác. 

Do mục tiêu của các tổ chức buôn người cũng là người trẻ và phụ nữ, các tổ chức đoàn thể kia, nếu thật sự sâu sát quần chúng, cần có thêm vai trò tuyên truyền, hướng dẫn nhằm ngăn ngừa những ý định "đổi đời" bằng mọi giá.

Đã qua rồi giai đoạn lừa đảo bằng chiêu trò "xuất khẩu lao động" như cách đây 20-30 năm. Những trò bịp bợm lừa người xuất cảnh trái phép nay cũng mang "dáng dấp thời đại", sử dụng app, qua tin nhắn, trực tuyến… 

Như vậy công tác tuyên truyền cũng phải thay đổi, giải thích cho họ sẽ không thể bằng băngrôn khẩu hiệu nữa, đây là việc mà bí thư chi đoàn các cấp, với tuổi trẻ và khả năng nắm được địa bàn, hoàn toàn có thể đảm nhận. 

Các tổ chức đoàn thể cũng cần tự tìm kiếm các chiến dịch hành động khác với những gì vẫn làm mấy chục năm qua, từ thế kỷ trước, thì mới hy vọng giúp người dân chống lại những chiêu trò mới của bọn bịp bợm quốc tế và công nghệ cao thời buổi này.

Sâu xa và lâu dài hơn là vấn đề đào tạo và công ăn việc làm cho lao động trẻ, nông thôn, và không có nhiều kỹ năng nghề nghiệp. Ở đây vai trò của Nhà nước rất lớn. Và cuối cùng tất cả cũng chỉ vì dân, bị chê bai thì ai không bực, nhưng nếu lắng nghe mười phần thiên hạ nói cũng có lý vài phần, thì ta gắng sửa những phần đấy thôi.■

Mô tả của The Diplomat về những người bị lừa sang Campuchia cho thấy một điểm khác với định kiến: "Nhóm người bị "buôn bán" hoàn toàn khác với định kiến chung, họ không phải là nông dân, trẻ, nghèo, bị bán làm nô lệ tình dục hoặc bị ép buộc lên làm trên tàu đánh cá, ít hoặc không có chỗ dựa hay mạng lưới hỗ trợ ở quê nhà.

Những người bị "buôn bán" này còn trẻ - một số là trẻ em - nhưng nhìn chung cũng có học thức, hiểu biết về công nghệ và đến từ tầng lớp trung lưu đầy tham vọng… Họ có chung mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn, và sự kiêu ngạo của tuổi trẻ đã biến thành sự ngây thơ khi đối mặt với một đề nghị quá tốt không thể bỏ qua, một công thức mà các phần tử tội phạm luôn nhanh chóng lợi dụng".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận