Bhutan và cuộc thí nghiệm về hạnh phúc

TTCT - Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính hiện nay nhắc nhân loại một thực tế: sự thừa mứa vật chất sẽ không kéo dài bởi tài nguyên trên Trái đất không phải là vô hạn. Các nhà hoạch định chiến lược đang đi tìm một thước đo mới cho sự thịnh vượng không chỉ dựa vào công thức tổng sản lượng nội địa (GDP). TTCT giới thiệu những nỗ lực này của thế giới.

Theo giáo sư Mark Anielski, các nhà kinh tế đã quên nguồn gốc của từ “giàu có” (wealth), xuất hiện trong tiếng Anh từ thế kỷ 13 mang ý nghĩa “các điều kiện của hạnh phúc (the conditions of well-being)”

Một trong những đất nước đi tiên phong trong cuộc tìm kiếm này là Bhutan. Năm 2008, Thủ tướng Jigme Y. Thinley nhậm chức với lời hứa sẽ chứng minh cho thế giới thấy Tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness GNH) không phải là một giấc mơ không tưởng.

Nhưng ông lưu ý: “Chúng ta cần phân biệt từ “hạnh phúc”... trong GNH với tâm trạng “cảm thấy dễ chịu” thoải mái một cách phù phiếm thường gắn với từ này. Chúng ta hiểu rằng hạnh phúc chân chính vĩnh cửu không thể tồn tại khi người khác đau khổ và chỉ đến trong sự phục vụ người khác, trong việc sống hài hòa với thiên nhiên, trong việc nhận ra sự thông thái bẩm sinh và bản chất tuyệt vời của trí tuệ chúng ta”.

Hạnh phúc ở Bhutan

Bhutan đã sử dụng GNH như một thước đo sự thịnh vượng của đất nước thay cho GDP, mặc dù những thách thức nước này phải đối mặt không khác với nhiều quốc gia khác trên thế giới: những vùng quê nghèo chật vật không đủ ăn, nạn di dân tới những vùng đô thị quá tải, các gia đình trung lưu lo âu về việc con em tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm thích hợp.

Tầng lớp thượng lưu đau đầu về việc con em họ mất quá nhiều thời gian cho Facebook và iPad. Nói cách khác, Bhutan đang trải qua “nghịch lý Easterlin” (gọi theo tên nhà kinh tế Mỹ Richard Easterlin, người chứng minh rằng đến một mức độ nào đó, việc tăng thêm thu nhập không mang tới hạnh phúc). 

Giải pháp táo bạo của Bhutan là xây dựng xã hội từ nền tảng, sử dụng “bốn trụ cột” của GNH (phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, quản trị tốt).

Bhutan là một phòng thí nghiệm hoàn hảo: nền dân chủ mới đặt chân vào thị trường tự do nên các nhà hoạch định chính sách có thể thoải mái thử nghiệm những tư tưởng không chính thống mà không bị áp lực bởi gánh nặng di sản.

Thí nghiệm hạnh phúc của Bhutan đang được nhiều nước và lãnh thổ trên thế giới dõi theo, từ Brazil tới Anh, từ Nhật tới Đài Loan, những nơi đang tìm một hướng đi mới cho sự phồn vinh của thị trường tự do mà không gây tổn hại quá mức cho môi trường, công bằng xã hội và đời sống gia đình. 

Người đứng đầu hoạt động của Liên Hiệp Quốc ở Bhutan Claire Van der Vaeren nhận xét: “Đây là một triết lý sống rất có ý nghĩa, không chỉ cho Bhutan mà cho nhiều quốc gia khác nữa”.

Hạnh phúc, đo được hay không?

Cuộc nghiên cứu về GNH của Bhutan đã được tiến hành 7 năm và kết quả vừa được công bố đầu năm 2012. Các nhà nghiên cứu đã lập một bảng hàng trăm câu hỏi, tìm gặp 8.000 người Bhutan tận nhà của họ (ở đất nước chỉ 738.000 dân) để hỏi tường tận những câu hỏi buộc phải suy nghĩ thấu đáo: “Có bao nhiêu người bạn có thể nhờ giúp đỡ khi bạn bất ngờ bị bệnh? Bạn có thường xuyên nói chuyện về đời sống tinh thần với con em mình? Lần cuối cùng bạn dành thời gian giao tiếp với hàng xóm là khi nào? Ở mức nợ nào của gia đình bạn sẽ vẫn cảm thấy yên tâm?”. 

Tổng cộng lại, những câu trả lời đã đưa ra chỉ số GNH đầu tiên của Bhutan: 0,743 trên thang điểm 1 là hạnh phúc nhất.

Bảng điểm này là một nỗ lực toàn diện nhất tìm ra cách tính toán nào đó nhằm thay thế GDP. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, những lời kêu gọi tư duy lại GDP ngày càng nhiều.

Joseph Stiglitz, Nobel kinh tế, nhận định: “Cuộc khủng hoảng rất có ích bởi người ta nhận thấy GDP không lý giải cho chúng ta được gì về những chuyện xảy ra. Khi Bhutan tìm tới GNH, nhiều người cho rằng vì Bhutan muốn lôi kéo sự chú ý khỏi việc chậm phát triển của xứ này. Tôi nghĩ hoàn toàn ngược lại. Cuộc khủng hoảng cho chúng ta hiểu được rằng những tham số của chúng ta trong kinh tế kém cỏi thế nào, chẳng hạn thoạt nhìn thì GDP của Mỹ là tốt, thế rồi bất thần ta nhận ra đó là một bóng ma!”.

Vậy chỉ số nào sẽ thay thế GDP? Joseph Stiglitz đang dẫn đầu một ủy ban được Chính phủ Pháp tài trợ để tìm kiếm những cách thức mới cho việc tính toán sự sung túc của một đất nước. 

Cùng lúc, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế châu Âu (OECD) cũng đưa ra Chỉ số cuộc sống tốt đẹp hơn của bạn (Your better life Index), một công cụ trên mạng cho phép người sử dụng xếp các nước theo 11 tiêu chuẩn của sự hài lòng. 

Công cụ này nhìn nhận rằng mỗi người có thể có một định nghĩa hạnh phúc, và căn cứ vào đó họ sẽ tính ra chỉ số tương ứng.

Chẳng hạn, nếu cho rằng sự quân bình giữa cuộc sống với công việc và môi trường là quan trọng nhất thì Đan Mạch và Thụy Điển là những nước đứng đầu thế giới, nhưng nếu cho rằng thu nhập và sức khỏe là quan trọng nhất thì Mỹ và Thụy Sĩ giữ ngôi đầu. Stiglitz cho rằng các thước đo sự hài lòng này không thay thế GDP mà bổ sung cho nó.

Thành phố Edmonton (tỉnh Alberta, Canada) ủng hộ phát triển Chỉ số thịnh vượng Canada (Canadian Index of Well-being). 

Nó cũng tương tự GNH của Bhutan, nhưng thay vì sử dụng những câu hỏi, các nhà nghiên cứu Canada tập hợp 64 số liệu thống kê về sự hài lòng (bao gồm từ số giờ làm việc tới tỉ lệ tội ác bạo lực, những thành tố tạo nên sự hài lòng cho mọi người trong xã hội).

Cục Thống kê quốc gia của Vương quốc Anh bổ sung bốn câu hỏi về sự hài lòng vào cuộc thăm dò các hộ gia đình lớn nhất của nước này năm ngoái (trị giá 3,2 triệu USD, tương ứng 1% ngân sách của cơ quan này) - trong đó có những câu: “Hôm qua bạn cảm thấy hạnh phúc thế nào?”, “Bạn hài lòng ra sao về cuộc sống mình hôm nay?”. 

Những câu hỏi này bị chỉ trích bởi được đưa ra trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng, nhưng Thủ tướng Cameron, người đấu tranh cho cuộc nghiên cứu về hạnh phúc, kiên quyết bảo vệ.

Nic Marks - nhà sáng lập Trung tâm vì sự thịnh vượng của Quỹ kinh tế mới, trụ sở ở London - nhận định: “Những dữ liệu mới sẽ vẽ ra cho các nhà hoạch định chính sách Anh một bức tranh hoàn thiện hơn về cảm nhận của các công dân Anh, bởi ngày càng nhiều người cảm thấy mất kết nối với những chỉ số kinh tế chủ đạo”.

Ở Nhật, chính phủ đang tìm cách phát triển chỉ số GNH để đo mức sống người dân. Chỉ số GNH của Nhật sẽ bao gồm ba nhân tố: các điều kiện kinh tế và xã hội, sự khỏe mạnh thể chất và tinh thần, sự gắn kết xã hội và gia đình. Một cuộc nghiên cứu về vấn đề này dự kiến được thực hiện trong năm nay (1).

Nguồn: www.green.maryland.gov

Để mang tới hạnh phúc

Sau khi đã tính toán ra rồi, người ta sẽ sử dụng các số liệu có được như thế nào? 

Ở Edmonton (Canada), các chỉ số hài lòng được coi như một dữ liệu tham gia hình thành một chiến lược dài hạn (2). Còn ở Anh, các nhà nghiên cứu hi vọng các số liệu sẽ được đưa vào cuộc thảo luận tầm quốc gia về việc giải quyết nạn thất nghiệp và thu nhập.

Nỗ lực của Bhutan chuyển sang các nguyên tắc của GNH vẫn còn trong giai đoạn “trứng nước”, nhưng mỗi quyết định hiện nay của chính phủ nước này đều được đưa qua màng lọc GNH - đó là một loạt câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc.

Thí dụ, liệu một hệ thống thuế mới hay một dự án cộng đồng có tác động gì tới sự đa dạng sinh thái, có giảm mức độ stress của người dân hay thúc đẩy các hoạt động nâng cao thể chất của họ không. 

Bhutan cũng đang rà soát toàn bộ chính sách khai khoáng của họ bằng cách sử dụng công cụ GNH để tìm ra những quy trình đấu thầu tốt nhất, các quy định và thỏa thuận chia lợi nhuận sao cho giảm tới mức thấp nhất nguy cơ tham nhũng và tổn hại môi trường.

Sonam Tshering, bộ trưởng kinh tế Bhutan, nói: “Về mặt môi trường, đó là một thách thức lớn. Chúng ta phải nghĩ tới những thế hệ tương lai. Nhưng chúng tôi cũng nhận thức được rằng khoáng sản là tài nguyên cần được sử dụng cho đất nước”.

Ở Mỹ, bất ổn kinh tế đang tác động đến cảm nhận hạnh phúc. Cuộc tổng nghiên cứu xã hội, nỗ lực gần đây nhất để đo cảm nhận sung túc ở Mỹ, đã tìm thấy “năm 2010 là năm mức hài lòng thấp nhất” nước Mỹ từng có. 

Ở cấp độ bang và địa phương đã có những nỗ lực đầu tiên đong đếm hạnh phúc của người dân. Thí dụ, bang Maryland đã bắt đầu sử dụng Chỉ số tiến bộ đích thực (Genuine Progress Index - GPI) để tính xem liệu tăng trưởng kinh tế có dẫn tới sự hài lòng của xã hội hay không (3).

Tháng 5-2012, nghị viện bang Vermont đã thông qua dự luật áp dụng GPI, gắn các sứ mệnh của Cơ quan Dịch vụ xã hội Vermont (chịu trách nhiệm mọi thứ từ sức khỏe cộng đồng tới điều kiện trong nhà giam) vào các thước đo sự thịnh vượng.

 Bang này đã đặt ra mục tiêu tới năm 2015 sẽ thu hẹp khoảng cách về kỹ năng đọc giữa những học sinh nghèo và học sinh những gia đình trung lưu.

Tuy nhiên Monica Hunt, giám đốc Cơ quan Hoạch định chính sách dân vụ, đã tránh nói những từ như “hạnh phúc” mà theo bà, đó phải là “cái gì đó cao hơn thế”. Mục đích của bà là biến Vermont thành một nơi an toàn hơn và khỏe mạnh hơn để sống, “tất cả điều này hợp lại cũng tương tự GNH của Bhutan” - bà nói.


Thủ tướng Bhutan Jigme Y. Thinley - Ảnh: schoolforwellbeing.org
9 yếu tố làm nên hạnh phúc (theo Sách hướng dẫn về chỉ số hạnh phúc quốc gia của Bhutan)

1) Tâm lý hài lòng (hài lòng về cuộc sống, sự quân bình cảm xúc, sự duy linh)

2) Sức khỏe (bao gồm cả sức khỏe tinh thần)

3) Sử dụng thời gian hiệu quả

4) Giáo dục (kỹ năng đọc viết, trình độ giáo dục, kiến thức, các giá trị)

5) Văn hóa (ngôn ngữ, kỹ năng thủ công, tham gia các tổ chức văn hóa xã hội...)

6) Quản trị tốt (sự tham gia các hoạt động chính trị, tự do chính trị, cung ứng dịch vụ, thành tích chính phủ)

7) Sức mạnh cộng đồng (sự hỗ trợ xã hội, quan hệ cộng đồng, gia đình)

8) Đa dạng môi trường (ô nhiễm, trách nhiệm môi trường, đời sống hoang dã, vấn đề đô thị)

9) Chuẩn mực sống (thu nhập gia đình, tài sản, chất lượng nhà ở)


Người Trung Quốc với câu hỏi: Bạn có hạnh phúc không?


Giữa tháng 8-2012, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát một chương trình đặc biệt bao gồm phỏng vấn 3.500 thường dân khắp Trung Quốc để hỏi họ có hạnh phúc không. Nhiều người tránh né trả lời. Thậm chí có người còn đưa ra những câu trả lời vô nghĩa, hoặc đơn giản là biến nó thành trò đùa. Điều đặc biệt là chúng vẫn được CCTV phát đi. Dưới đây là những câu trả lời được cư dân mạng truyền đi nhiều nhất, theo quan sát của tuần san Economist:

Hỏi chuyện một người bán hàng rong tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây

- Tôi là người ngoại tỉnh nhập cư. Đừng hỏi tôi.

Anh có hạnh phúc không (Ni xing fu ma - nghe rất giống câu hỏi: Anh họ Phúc hả)?

- Không, tôi họ Tăng.

Hỏi một sinh viên 18 tuổi trước quầy vé ở tỉnh Hồ Nam

Bạn đang muốn gì nhất?

- Bạn gái.

Điều gì tệ nhất xảy ra cho bạn trong 10 năm qua?

- Điều tồi tệ nhất là khi nói chuyện với anh tôi bị người khác chen ngang.

Hỏi chuyện cụ già nhặt ve chai ở thành phố Hải Ninh, phía bắc tỉnh Chiết Giang (ảnh)

Ông ơi, sáng nay ông lượm được bao nhiêu chai rồi?

- Tôi 73.

Vậy là ông 73 tuổi?

- Mỗi chai được 10 xu.

Tới giờ ông lượm được bao nhiêu rồi?

- Tôi sống nhờ trợ cấp chính phủ, mỗi tháng 650 tệ (100 USD). Chính phủ tốt.

Ông có hạnh phúc không?

- Tôi lãng tai.

___________

(http://www.economist.com/blogs/analects/2012/10/unrest-cities?spc=scode&spv=xm&ah=9d7f7ab945510a56fa6d37c30b6f1709)


(Lược dịch  và tổng hợp theo Time, Economist, www.grossnationalhappiness.com)

THAM KHẢO:

(1): http://sonamtobgyal.blogspot.com/2011/12/japan-to-adopt-gnh-index.html. (2): http://www.albertaviews.ab.ca/2011/11/28/genuine-wealth-2(3): http://www.green.maryland.gov/mdgpi/whatisthegpi.asp

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận