BHYT chi trả cho tầm soát ung thư: Câu chuyện tiền đâu

LAN ANH - DƯƠNG LIỄU 12/10/2023 05:15 GMT+7

TTCT - BHYT chi trả cho chi phí tầm soát một số bệnh là chính sách tiến bộ, xét dưới quan điểm phòng ngừa thì hơn chữa trị, nhưng giải pháp thực thi vẫn là một khúc mắc lớn.

Nhiều người bệnh sẽ được chữa khỏi, ít tốn tiền nếu phát hiện bệnh sớm. Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều người bệnh sẽ được chữa khỏi, ít tốn tiền nếu phát hiện bệnh sớm. Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi (BHYT) dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10-2023, Bộ Y tế đề xuất quỹ BHYT chi trả phí khám, sàng lọc các bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung, huyết áp, tiểu đường, viêm gan C.

Phát hiện bệnh sớm: nhiều lợi ích

Bà Trần Thị Trang, quyền vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết năm 2020 số ca tử vong do ung thư cổ tử cung trên cả nước là 4.000 ca, năm 2022 con số này đã lên 5.100 ca. Nếu chẩn đoán sớm, có biện pháp điều trị tiên tiến sẽ giảm được số ca tử vong.

"Chúng tôi đang nghiên cứu quy định chi BHYT để khám sàng lọc sớm một số bệnh. Các bệnh này đáp ứng tiêu chí như có tỉ lệ mắc cao, có nhiều phương pháp sàng lọc, phát hiện sớm có thể điều trị hiệu quả, có thể áp dụng rộng rãi ở nhiều tuyến y tế, hiệu quả điều trị sau khi được khám sàng lọc, phát hiện sớm là khả quan…" - bà Trang nói.

Với các tiêu chí này, hiện có 5 loại bệnh và dịch vụ y tế đang được đưa vào danh sách "đề cử" và được cho là khả thi, bao gồm ung thư vú, ung thư cổ tử cung, huyết áp, tiền tiểu đường, khám sức khỏe định kỳ.

Ông Lê Văn Phúc, trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), nói rằng những bệnh lý như ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng… có thể sàng lọc và chữa trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm.

"Năm 2022 chi khám chữa bệnh từ quỹ BHYT khoảng 110.000 tỉ đồng, chi phí này năm 2023 dự kiến là 120.000 tỉ đồng. 10% chi phí này chi trả khám chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư. Nếu được sàng lọc phát hiện bệnh sớm thì hiệu quả điều trị cao, mang lại lợi ích cả về kinh tế và sức khỏe cho người dân", ông Phúc nói.

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu, ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ. Ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 15.000 phụ nữ mắc mới ung thư vú và hơn 6.000 người tử vong do ung thư vú.

Tính toán của Viện Chiến lược và chính sách (Bộ Y tế), Việt Nam có hơn 17 triệu phụ nữ ở độ tuổi 30 - 79. Chi phí cho các kỹ thuật sàng lọc ung thư vú gần 300.000 đồng/trường hợp (gồm khám bệnh, chụp nhũ ảnh và siêu âm). Các chuyên gia đang đánh giá tác động chi phí sàng lọc ung thư vú để lựa chọn kỹ thuật phù hợp với từng độ tuổi.

Đối với chi phí sàng lọc ung thư cổ tử cung, đại diện Viện Chiến lược và chính sách cũng đưa ra 3 phương án sàng lọc.

Phương án 1 là khám sàng lọc cho phụ nữ từ 21 - 65 tuổi bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung 2 năm một lần với chi phí 373.000 đồng/lần;

Phương án 2 là sàng lọc cho phụ nữ từ 25 đến 65 tuổi bằng xét nghiệm HPV 3 năm một lần, chi phí 408.000 đồng/lần;

Và phương án 3 sàng lọc cho phụ nữ từ 30 - 65 tuổi bằng xét nghiệm HPV và tế bào học 5 năm một lần, chi phí 749.000 đồng/lần.

Sau 10 năm, phương án 1 có tổng chi phí khoảng 55.765 tỉ đồng, phương án 2 tốn 43.390 tỉ đồng, phương án 3 có tổng chi phí 36.689 tỉ đồng.

Nếu được phát hiện và bắt đầu điều trị sớm, 92% người bị ung thư cổ tử cung vẫn sống sau 5 năm với chi phí khá thấp (khoảng 8 triệu đồng/trường hợp gồm chi phí phẫu thuật cắt bỏ tử cung, vét hạch chậu để điều trị ung thư cổ tử cung). Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì chi phí này tăng lên gấp nhiều lần tùy thuộc phương pháp điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh còn chịu ảnh hưởng nặng nề về tinh thần, mất thời gian điều trị dẫn đến gián đoạn lao động.

Tiền đâu để tăng thêm dịch vụ?

Việc chi BHYT để sàng lọc sớm một số bệnh đã được quy định trong Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT được khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh. Luật cũng giao quyền cho bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể các bệnh mà người đóng BHYT được khám để sàng lọc sớm.

Vậy tại sao từ năm 2008 đến 2014, người đóng BHYT không được hưởng quyền lợi này? Và tại sao Luật BHYT năm 2014 bỏ quy định về sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, quy định người đóng BHYT được khám để sàng lọc một số bệnh được xem là điểm tiến bộ của chính sách BHYT vào thời điểm năm 2008. Nhưng quy định này đã không triển khai được trong thực tế.

Một phần do quy định trong luật chung chung, sau đó bộ trưởng Bộ Y tế không ban hành được danh mục các bệnh được sàng lọc nên không thực hiện được trong thực tế. Bên cạnh đó, giai đoạn 2008-2014, chỉ có hơn 67% người dân tham gia BHYT, mức lương còn thấp nên quỹ BHYT thu không được nhiều, không có tiềm lực để chi trả khám sàng lọc bệnh trên diện rộng.

Dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này lại tiếp tục dự kiến đưa quy định BHYT chi trả phí khám sàng lọc một số bệnh, trong đó có ung thư vú, ung thư cổ tử cung, tiền tiểu đường, huyết áp… Điều này được nhiều chuyên gia về y tế và chính sách ủng hộ.

Nhưng vẫn là những câu hỏi cũ "có làm được hay không", "làm thế nào", "có khả thi không" cần có lời giải đáp mới, nếu không, sẽ thấy những khó khăn cách đây 15 năm lặp lại khiến một chính sách tiến bộ, có lợi cho người dân rất có thể một lần nữa "chết yểu".

Ai cũng hiểu, về mặt kinh tế, một đồng chi cho dự phòng hiệu quả bằng nhiều đồng chi cho điều trị, chưa kể những lợi ích về sức khỏe, tính mạng… Nhưng tiền đâu để thực hiện sàng lọc trong khi quỹ BHYT có hạn?

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay năm 2022 quỹ BHYT không có kết dư, dự kiến năm 2023 cũng tương tự. Nỗi lo tiền đâu để chi nếu tăng thêm dịch vụ cho người đóng BHYT vẫn là nỗi lo đầu tiên và thường trực.

Hiện tại, BHYT còn khoản kết dư 58.000 tỉ đồng từ những năm trước. Nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khoản phải chi.

Luật BHYT cho phép thu phí BHYT tối đa 6% lương cơ bản nhưng phí BHYT mới chỉ thu 4,5% lương cơ bản. Các chuyên gia cho rằng tăng phí BHYT trong giai đoạn này không phù hợp bởi kinh tế còn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch nên khoản tăng sẽ là gánh nặng cho các gia đình và doanh nghiệp. Trong vài năm tới, khi kinh tế phục hồi, người đóng BHYT được hưởng nhiều quyền lợi hơn thì mới có thể tăng mức đóng BHYT.

Một số ý kiến cho rằng hiện nay, chi phí chồng chéo trong khám chữa bệnh rất lớn. Người bệnh xét nghiệm, chụp X-quang ở cơ sở y tế này được hưởng BHYT một lần, sang cơ sở khác khám chữa bệnh phải làm lại các xét nghiệm, chụp, chiếu một lần nữa do các cơ sở y tế không công nhận kết quả của nhau.

Nếu các bệnh viện công nhận kết quả của nhau hoặc có những chỉ định hợp lý hơn, điều đó sẽ giúp dư ra nguồn kinh phí không nhỏ, từ đó có thể tăng số lượng dịch vụ y tế được BHYT chi trả, trong đó có chi phí sàng lọc, phát hiện bệnh sớm.

Ngoài vấn đề chi phí, việc lựa chọn bệnh lý nào phù hợp nhất đưa vào danh sách bệnh được bảo hiểm trả phí khám, sàng lọc sớm cũng là vấn đề được quan tâm.

Theo ông Nghiêm Trần Dũng, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, thực tế điều trị những bệnh như ung thư vú, ung thư cổ tử cung… đã chứng minh được hiệu quả điều trị cao và giảm chi phí chữa trị khi phát hiện sớm.

Những bệnh như huyết áp, tiền tiểu đường dù đơn giản, dễ phát hiện, nhưng nếu được đưa vào danh mục được sàng lọc cũng sẽ góp phần tạo nên ý thức sàng lọc bệnh sớm của người dân. ■

Với bệnh đái tháo đường, các chuyên gia Viện Chiến lược và chính sách y tế cũng nêu rõ thời gian đầu, ngân sách cần chi trả cho điều trị nhiều hơn bởi lượng bệnh nhân tăng do sàng lọc phát hiện sớm. Tuy nhiên, sau 10 năm thì chi phí điều trị sẽ giảm do biến chứng giảm.

Mỗi năm, chi phí sàng lọc từ 120 - 140 tỉ đồng. Quan trọng hơn, việc sàng lọc này có thể thực hiện ở các sở y tế tại cả tuyến xã và tuyến huyện. Trong 10 năm tới, nếu không được sàng lọc sớm thì chi phí điều trị cho bệnh tiểu đường ước tính từ 603 đến 3.215 tỉ đồng. Nếu được phát hiện sớm, người bệnh được điều trị kịp thời và giảm thiểu nguy cơ biến chứng, chi phí điều trị sẽ giảm đi.

Theo dữ liệu của BHXH Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đã được chẩn đoán tại Việt Nam, trong số đó 65% có xuất hiện biến chứng (dẫn đầu là tim mạch, thần kinh…). Nhưng theo Bộ Y tế, chưa đến 30% người bệnh đái tháo đường được theo dõi tại các cơ sở y tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận