TTCT - Mức độ phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) tuần rồi tuy chưa đủ lớn nhưng ẩn chứa sau đó nhiều bí mật, đủ khiến tờ The Economist xếp sự kiện này vào loại độc đáo trong lịch sử tiền tệ thế giới, cùng với hai sự kiện phá giá thảm họa trước đây là đồng bảng Anh năm 1992 và đồng peso Argentina năm 2001-2002. Đến giờ, có thể chia thành ba giả thuyết chính: (1) giả thuyết thị trường, do áp lực cung cầu thị trường nên phải thả nổi; (2) giả thuyết chính trị, thực hiện tham vọng giấc mơ Trung Hoa gấp gáp đưa NDT đủ tiêu chuẩn trở thành đồng tiền SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của IMF; (3) giả thuyết khủng hoảng, kinh tế suy thoái phải phá giá để kích thích xuất khẩu.Phần nhận định dưới đây cho thấy có khả năng rất cao đồng thời xuất hiện cả hai giả thuyết (1) và (3) và khả năng thấp để xuất hiện giả thuyết (2).Giả thuyết thị trường: thả nổi tỉ giá do quan hệ cung cầuCó không ít nhà kinh tế đồng tình với giải thích mới này, họ trách cứ giới truyền thông cố tình lầm lẫn khi đưa tin Trung Quốc (TQ) phá giá tiền tệ (chính phủ chủ động). Tin chính xác phải là: NDT giảm giá (mạnh). Vì tự nó như thế, vì do quan hệ cung cầu định đoạt chứ không phải chính phủ muốn. Muốn đánh giá chính xác giả thuyết này vì vậy phải trả lời câu hỏi: thật sự NDT đang định giá cao hay thấp?Điều thú vị là trong khi Bộ Tài chính Mỹ nhận định NDT vẫn còn “định giá thấp đáng kể” thì IMF lại cho rằng NDT “không còn định giá thấp nữa”. Có lẽ bản thân IMF cũng không thể trả lời được tỉ giá tham chiếu mỗi buổi sáng đối với các đồng tiền chủ chốt (và sau đó để thị trường quyết định) thật sự không có sự can thiệp của giới lãnh đạo TQ.Đến đây vấn đề lại chuyển sang hướng đánh giá mới: phá giá tiền tệ, cho dù bất kỳ lý do gì, cũng luôn phát ra những tín hiệu không tốt. Đó là cách đặt vấn đề dễ chấp nhận hơn thay cho việc tính toán và tranh luận NDT hiện định giá cao hay thấp.Lịch sử cho thấy phá giá tiền tệ liên tục có khả năng kích hoạt hơn nữa kỳ vọng luẩn quẩn của thị trường là đồng tiền sẽ còn có khả năng bị phá giá sâu thêm và vòng xoáy cứ thế... Tất nhiên TQ luôn tìm cách trấn an thị trường rằng họ có lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ lên đến 3.600 tỉ USD để can thiệp, không cho điều xấu nhất xảy ra.Giải thích này tuy vậy bị một số nhà kinh tế chỉ ra có một sai lầm nghiêm trọng là không phân biệt được con số tuyệt đối và con số tương đối. 3.600 tỉ USD tuy là con số lớn về mặt tuyệt đối, nhưng về mặt tương đối lại là một con số nhỏ so với lượng cung tiền M2 mà họ đã bơm ra thị trường thời gian qua. Ước hiện tại dự trữ ngoại hối của TQ chiếm khoảng 17% lượng cung tiền M2, quá mỏng nếu có một cuộc tháo chạy tiền tệ và thấp hơn nhiều so với mức 28% của các quốc gia Đông Á giai đoạn 1997 - 1998. Vậy mà các quốc gia Đông Á đã rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng.Bài học từ các nước Đông Á là: nếu nhà đầu tư và các cá nhân cảm thấy bất an về chính sách phá giá của TQ, một trận đại hồng thủy lượng tiền M2 (NDT) đã bơm ra trước đây sẽ tháo chạy sang tài sản nước ngoài. Có khả năng phá giá NDT vừa rồi là do giả thuyết này.Trên thực tế dòng vốn đã đảo ngược ở TQ khá nhiều thời gian gần đây, dự trữ ngoại tệ trên cung tiền M2 quá thấp nên phá giá gấp gáp là con đường tất yếu mà TQ phải thực hiện. Đây mới thật sự là điều nguy hiểm mà chúng ta cần phải cảnh giác và quan sát thật kỹ.Theo tính toán của tác giả, dự trữ ngoại hối trên cung tiền M2 của VN bình quân năm năm qua thấp đáng kể, chỉ khoảng 12%. Các quan điểm đòi phá giá mạnh VND đến giờ chưa thấy phân tích kỹ số liệu này của VN?Giả thuyết chính trị: sớm hiện thực giấc mộng Trung HoaĐộng cơ chính trị của phá giá NDT là giả thuyết nhận được một số đồng tình từ một số học giả. Nếu thuần về mục đích kinh tế, thả nổi theo đúng lộ trình thì sớm hay muộn NDT cũng sẽ trở thành đồng tiền quốc tế. Chẳng hạn bắt đầu bằng mở rộng biên độ lên 2-3% hoặc hơn nữa và để tỉ giá được phép tự do bay nhảy trong vùng biên độ.Tại sao họ lại bắt đầu bằng cách thiết lập một mức tỉ giá tham chiếu mới hoàn toàn? Truy lại hồ sơ trong biên bản cuộc họp mới đây của IMF ngày 4-8 thấy có ít nhất hai lần câu hỏi của cử tọa đặt ra với quan chức IMF nhưng lại không có câu trả lời thỏa đáng, rằng liệu có những động cơ chính trị trong việc đưa NDT trở thành đồng SDR.Tháng 9 sắp tới IMF sẽ nhóm họp lại để tiếp tục bàn về vấn đề này: liệu lần phá giá này có động cơ chính trị hay thuyết âm mưu gì để sớm đưa NDT thành đồng tiền dự trữ quốc tế ngay trong năm nay? Điều này cho thấy dù có khả năng trở thành đồng SDR thì mức độ tín nhiệm của thế giới đối với NDT cũng sẽ sụt giảm rất nhiều.Ngoài ra trên tờ The New York Times, nhà kinh tế Paul Krugman (đoạt giải Nobel 2008) cho rằng có thể có những động cơ chính trị đằng sau tham vọng biến NDT thành đồng tiền quốc tế nên họ mới thực hiện một chính sách méo mó như thế. Cuối bài báo, ông có nhận định cho thấy rõ ý đồ chính trị của giới lãnh đạo TQ: một ai đó cần nói với người dân Trung Hoa rằng họ không nên hi sinh quốc gia này để đổi lấy SDR.Dù vậy, theo tác giả bài viết, giả thuyết này rất ít có khả năng bởi giới lãnh đạo khôn ngoan của TQ không dại gì lộ mình quá sớm, trừ phi họ đang có những vấn đề nội tại nghiêm trọng đến mức buộc phải hướng dư luận sang hướng khác.Nhìn nhận vấn đề một cách rộng hơn, từ những động cơ kinh tế - chính trị khó đoán định trong chính sách kinh tế của TQ và nguy cơ về một cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu trong tương lai, ít nhất cũng đúng cho năm 2015 này, mới thấy vấn đề có nên phá giá tiền đồng VN bằng hoặc thậm chí cao hơn so với mức phá giá của TQ chỉ là giải quyết những nỗi đau ngắn hạn. Đó là chưa tính đến việc phá giá mạnh cũng có những hệ lụy khó lường.Và nếu thế, cũng chỉ là mới chăm chút cho đám cây cỏ (tỉ giá) trên bề mặt đất (nền kinh tế thực) ít ai chăm sóc.Giải pháp trước những diễn biến vừa qua không chỉ là bài toán tỉ giá, mà còn là hàng loạt giải pháp khác để giải quyết khả dĩ các vấn đề thâm căn cố đế làm suy giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Dù vậy, việc neo cứng tỉ giá USD/VND sắp tới vẫn là điều không nên làm chút nào.Giả thuyết khủng hoảng kinh tế: TQ thật sự đang bên bờ vực...Giả thuyết TQ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng có rất nhiều cơ sở, khi hầu hết mọi người đều nghi ngờ số liệu thống kê của TQ bị thổi phồng theo chiều hướng tốt đẹp, trong khi số liệu thống kê kinh tế tại các tỉnh của TQ đang cho thấy những dấu hiệu suy thoái, cùng với những đổ vỡ trên thị trường chứng khoán gần đây.Số liệu thống kê “ăn gian” thì phải có chính sách “ăn mày” nhà hàng xóm (Beggar-Thy-Neighbor) - chính sách mà giới kinh tế chỉ trích một quốc gia dùng thủ đoạn phá giá tiền tệ thay cho sử dụng những công cụ truyền thống như hạ lãi suất thêm nữa hoặc bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Như nhiều nhà kinh tế ví von: miếng bánh (tăng trưởng) của TQ giờ đang co lại nhanh quá, trong khi bao tử của giới chính trị vốn dĩ lâu nay quá lớn nên chỉ còn cách biến láng giềng thành ăn mày.Thế giới này có nhiều vấn đề lớn hơn TQ phá giá NDTKể từ khi chạm đáy vào giữa năm 2011, đến nay USD đã tăng giá khoảng 33% so với các đồng tiền chủ chốt. Chỉ riêng năm trước USD đã tăng giá 20%. USD mạnh lên đã lấy đi 2 điểm phần trăm tăng trưởng của Mỹ trong quý 1 năm nay.USD lên giá mạnh trước hết do chính sách bơm tiền khổng lồ của châu Âu và Nhật để kích thích nền kinh tế, kết quả là đồng euro và yen giảm giá 20% so với USD và trở thành những đối thủ cạnh tranh với hàng xuất khẩu Mỹ. USD mạnh lên còn do khả năng tháng 9 này Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất, khiến các nhà đầu tư toàn cầu bán những ngoại tệ khác đầu tư vào USD.Cả thế giới này tràn ngập các đồng tiền đầu tư vào USD, khiến đồng tiền phần còn lại của thế giới yếu đi trông thấy rõ. Nay đến lượt TQ phá giá NDT, kinh tế toàn cầu vốn đã xấu nay càng xấu thêm: sự thiếu hụt quá lớn sức cầu tiêu dùng toàn cầu và một cuộc chạy đua xuống đáy của các quốc gia cạnh tranh giành lấy thị trường xuất khẩu ngày càng eo hẹp. Chỉ có một giải pháp khả dĩ giải quyết tình trạnh này là xuất hiện những người tiêu dùng mới đến từ hành tinh khác, một số nhà kinh tế đã bi quan như vậy.TUNG KHĂN TRẮNGTung khăn trắng (throwing in the towel) là cụm từ súc tích nhất tóm lược những gì đã và đang xảy ra. “Họ phải biết điều gì đó mà phần còn lại của thế giới chưa biết và kinh tế TQ thật sự tồi tệ hơn những gì mà chúng ta nghĩ” - giáo sư Eswar S. Prasad, chuyên nghiên cứu về các nền kinh tế mới nổi của Đại học Cornell (Mỹ), đã bình luận như vậy về việc TQ phá giá NDT. Tags: Trung QuốcPhá giá nhân dân tệBài toán tỉ giá
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Tin tức sáng 13-12: ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam; Đông Nam Bộ đón triều cường TUỔI TRẺ ONLINE 13/12/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Từ 1-1-2025 xe đưa đón học sinh phải sơn màu vàng đậm; ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam; Xuất hiện đợt triều cường mới ở Đông Nam Bộ...
Dịch bệnh bí ẩn giống cúm ở Congo có đáng lo? DƯƠNG LIỄU 13/12/2024 Từ ngày 6-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu điều tra về dịch bệnh bí ẩn giống cúm, khiến hàng chục người chết ở Congo. Nhiều quốc gia trên thế giới thắt chặt biện pháp kiểm tra chuyến bay từ châu Phi.
Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ: Đình chỉ từ năm 2001 nhưng bị can không hề biết? HOÀNG ĐIỆP 13/12/2024 Năm 1999, ông Nguyễn Hồng Phước (69 tuổi, quê Kiên Giang) bị khởi tố, đến năm 2001 được đình chỉ bị can. Đáng nói bản thân ông không hề hay biết gì về sự tồn tại của quyết định đình chỉ này.
Bộ Nội vụ bác thông tin lan truyền về chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Nội vụ khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng liên quan nội dung đề xuất chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy là không chính xác.