TTCT - Những động thái của Litva, một nước nhỏ ở châu Âu, cho thấy mức độ nhạy cảm và phức tạp của vấn đề Đài Loan. Bà Nancy Pelosi (trái) và bà Thái Anh Văn. Ảnh: ReutersDư chấn từ chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan hôm 2-8 chưa dứt, ngày 7-8, đoàn đại biểu Litva do Thứ trưởng Bộ Giao thông và truyền thông Agne Vaiciukevichiute dẫn đầu lại đến Đài Loan.Đưa tin về chuyến thăm, Đài Bắc thông báo mục đích là "nhằm tăng cường hợp tác chiến lược và quan hệ kinh doanh trong các lĩnh vực tiên tiến". Dự kiến trong chuyến thăm 5 ngày này, các quan chức Litva sẽ gặp gỡ đại diện Bộ Giao thông vận tải Đài Loan và tham quan quá trình sản xuất xe buýt điện.Ngõ cụt chính trịCó thể thấy chương trình nghị sự của đoàn đại biểu Litva không quá quan trọng hoặc khẩn cấp đến độ Vilnius phải cử người sang Đài Loan "bây giờ hoặc không bao giờ". Có thể nói không ngoa là chuyến thăm nhằm mục đích địa chính trị chứ không phải vì xe buýt điện - thể hiện sự ủng hộ chuyến đi của bà Pelosi, tỏ tình đoàn kết với Washington, chứ không đơn giản vì hợp tác Vilnius - Đài Bắc.Đây không phải lần đầu tiên Vilnius thể hiện tinh thần hợp tác này. Tháng 11-2021, một "Văn phòng đại diện Đài Loan" (thay vì "Văn phòng đại diện kinh tế và văn hóa Đài Bắc", riêng trong vấn đề Đài Loan, cách gọi và đặt tên từng chữ một đều có thể trở nên nhạy cảm) đã được mở tại Vilnius. Bắc Kinh cho rằng động thái này đã vi phạm chính sách "một Trung Quốc" mà Litva từng cam kết khi mở Đại sứ quán Trung Quốc tại Vilnius năm 1991. Đáp trả, cuối tháng 11-2021, Trung Quốc đã rút đại sứ khỏi Litva. Sau đó, các đại diện Litva cũng rời Bắc Kinh. Tháng 12 cùng năm, Trung Quốc cấm nhập khẩu hàng hóa từ Litva.Lần này, phát biểu về chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho rằng chuyến đi đã "mở cánh cửa vào Đài Loan rộng hơn". Ông tin tưởng "những người bảo vệ tự do và dân chủ khác sẽ sớm tới đây". Đến lượt mình, Đài Bắc cảm ơn ngoại trưởng Litva và lưu ý rằng Litva là "đối tác duy nhất của Đài Bắc trong EU". Trung Quốc dĩ nhiên đã lên án tuyên bố của ông Landsbergis. Trang web của cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Litva bình luận những phát biểu của ông là "sai trái" và làm tổn hại thêm quan hệ song phương.Tại sao Vilnius cần một cuộc xung đột với Trung Quốc? Vài năm trước, chính quyền Litva còn quan tâm đến việc phát triển quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, và tổng thống Dalia Grybauskaite (nhiệm kỳ 2009-2019) từng đến thăm chính thức Trung Quốc, hy vọng Vilnius sẽ tham gia dự án Vành đai - con đường.Thay đổi trong chính sách của Vilnius với Bắc Kinh bắt đầu khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra và Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các đồng minh xem xét lại quan hệ với Bắc Kinh. Năm 2019, Bộ An ninh nhà nước Litva công bố báo cáo xác định các hành động của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh Litva.Tân Tổng thống Gitanas Nauseda, người kế nhiệm bà Grybauskaite, tuyên bố đầu tư của Trung Quốc vào các cảng ở Litva không phải là triển vọng mới, mà là mối đe dọa lớn. Tập đoàn Huawei, công ty dự kiến sẽ triển khai mạng di động thế hệ thứ năm tại Litva, bị buộc tội gián điệp. Dự án hứa hẹn lợi nhuận cao liền bị dẹp bỏ.Sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2020, Liên minh Tổ quốc - Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo giành chiến thắng, đường lối chống Trung Quốc tiếp tục được củng cố. Năm 2021, các nghị sĩ Litva đã nêu vấn đề về sự đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nghị sĩ Dovile Shakalene hứa sẽ khởi động "cuộc điều tra quốc tế về tội ác của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ". Khi đó, một số công dân Litva đã bị Bắc Kinh trừng phạt trong một danh sách tổng hợp để đáp trả những hành động tương tự của Liên minh châu Âu.Chuyến thăm Đài Loan lần này của đoàn đại biểu Litva có thể là đòn đáp trả cho sự trừng phạt nói trên của Bắc Kinh, theo cổng thông tin secretmag.ru. Nhưng dù mục đích gì, rõ ràng căng thẳng giữa Vilnius với Bắc Kinh chỉ có thể leo thang. Theo ông Vladimir Olenchenko thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học Nga, "đây là chuyến thăm hoàn toàn vô nghĩa với nền kinh tế Litva, vì nó sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích kinh tế nào cho Litva, do cơ hội giao lưu thương mại của các bên còn hạn chế… Tuy nhiên, Vilnius đã hành động như thế để kiếm điểm với Washington và chọc giận Bắc Kinh".Đầu tàu chống Trung Quốc ở Đông ÂuLý giải bước đi của Vilnius, một số chuyên gia quan hệ quốc tế Nga nói trên AiF rằng Vilnius đang hy vọng có được một vị thế đặc biệt, như một "đầu tàu chống Nga và Trung Quốc" ở Đông Âu, bất kể có thể gây thiệt hại kinh tế to lớn cho mình. Mà tình hình hiện nay ở Litva không cho phép lạc quan.Cuối năm 2021, theo Đài BBC, sau khi Litva tham gia cuộc khủng hoảng ở biên giới Ba Lan - Belarus, Minsk đã "thả cửa cho di dân" tràn vào Litva. Dòng người di cư bất hợp pháp vào nước này tăng gấp 15 lần, khiến chính quyền Vilnius đã phải chật vật đối phó. Năm nay, cuộc khủng hoảng khí đốt do chiến tranh Ukraine càng làm Litva khó khăn.Do hoàn toàn từ chối nguồn năng lượng của Nga, nền kinh tế Litva được dự báo sẽ suy thoái mạnh nhất trong các nước EU: 5,3%/năm. (Để so sánh: GDP của Pháp sẽ giảm 0,9%/năm, Đức vào khoảng 0,3%/năm). Nay với việc thách thức Trung Quốc, khó có thể nói điều tốt đẹp đang chờ đón Vilnius. Người ta chưa quên trong cuộc khủng hoảng quan hệ hai nước hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc đã yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia cắt đứt mọi quan hệ với Litva, nếu không sẽ mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.Khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Litva Mantas Adomenas cho biết: "Một số công ty đã vội vàng chấm dứt hợp đồng với các nhà cung cấp Litva". Việc lần này Litva chỉ cử đoàn đại diện ở cấp thứ trưởng Bộ Giao thông và truyền thông cho thấy Vilnius không muốn phá hỏng hoàn toàn các mối quan hệ với Bắc Kinh, như nhận định của chuyên gia Olenchenko.■Tính đến 12-2021, Đài Loan có quan hệ ngoại giao đầy đủ với 13 quốc gia, chủ yếu là các nước nhỏ ở khu vực Caribê và Thái Bình Dương, và Vatican. Trước đây, Đài Loan từng có quan hệ ngoại giao chính thức với 26 nước, nhưng đa số đã đoạn giao với Đài Bắc từ khi bà Thái Anh Văn, người từ chối công nhận chính sách "một Trung Quốc", lên lãnh đạo Đài Loan vào tháng 5-2016. Gần đây nhất, quốc gia Trung Mỹ Nicaragua tuyên bố cắt đứt với Đài Bắc hôm 9-12-2021 vì lý do "Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc, và Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc".Trước Nicaragua, các đảo quốc Thái Bình Dương Kiribati và Solomon đã cắt quan hệ với Đài Loan để chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc từ tháng 9-2019. Khi đó Đài Bắc cáo buộc Bắc Kinh sử dụng chiến lược "ngoại giao đôla" để lôi kéo các nước này. Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã không ngần ngại nói thẳng: "Trung Quốc có nhiều khả năng hơn trong việc tài trợ vốn để phát triển hạ tầng Solomon". Tags: Quan hệ Mỹ-Đài LoanNancy PelosiLitvaTrung QuốcĐài LoanThái Anh Văn
Điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, ông Trump khẳng định coi trọng hợp tác kinh tế với Việt Nam DUY LINH 12/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã trao đổi đánh giá về quan hệ song phương, cũng như phương hướng tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại trong cuộc điện đàm tối 11-11.
Tin tức sáng 12-11: Tân Tạo nói không có công ty nào dám kiểm toán cho họ TUỔI TRẺ ONLINE 12/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Hôm nay Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội; Cổ phiếu một doanh nghiệp bất động sản vào diện cảnh báo; "Cơn mưa" tiền mặt cổ tức về cuối năm, một công ty Sông Đà sắp chi hàng trăm tỉ...
AI - 'trợ thủ' đắc lực của đại biểu Quốc hội TS HOÀNG NGỌC VINH 12/11/2024 Dù đã có nhiều quy định giới hạn thời gian phát biểu, yêu cầu trao đổi đi thẳng vào trọng tâm, không phát biểu lặp với những ý kiến khác nhưng việc cải thiện chất lượng thảo luận ở nghị trường Quốc hội vẫn là nhu cầu bức thiết.
'Thương vụ' hòa bình của ông Trump ở Ukraine LỤC MINH TUẤN 12/11/2024 Ngay sau chiến thắng áp đảo vừa qua, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lập tức bắt tay vào thực hiện cam kết sẽ kết thúc chiến sự ở Ukraine 'trong vòng 24 giờ'.