Bộ quốc phòng Mỹ & tài liệu mật: Lại rò rỉ, và sẽ rò rỉ mãi thôi

HỮU NGHỊ 24/04/2023 08:42 GMT+7

TTCT - Từ vụ Watergate năm 1973 tới nay đã xảy ra không ít vụ rò rỉ từ Bộ Quốc phòng Mỹ. Làm thế nào mà một hệ thống gồm đến 17 cơ quan tình báo lại cứ để mất tài liệu mật dễ dàng như vậy?

Jack Douglas Teixeira phục vụ tại Không đoàn tình báo 102 thuộc Vệ binh Quốc gia bang Massachusetts. Anh bị FBI bắt ngay tại nhà cha mẹ anh ta ở Dighton (Massachusetts). Thông cáo của FBI cho biết đương sự "bị cáo buộc liên quan đến việc rò rỉ các tài liệu mật của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ".

Một thanh niên chơi Call of Duty 4 trong khu vực quảng bá của U.S. Army Experience Philadelphia, Pennsylvania. Ảnh: Reuters

Một thanh niên chơi Call of Duty 4 trong khu vực quảng bá của U.S. Army Experience Philadelphia, Pennsylvania. Ảnh: Reuters

Ai muốn chôm tài liệu rồi post lên cũng được sao?

Cấp bậc thì "tép riu", nhưng công việc của Teixieira thì lại khá quan trọng - bảo trì Hệ thống hạ tầng mạng (CTSJ) - do đó anh được cấp một "giấy phép an ninh" cao hơn cấp bậc binh nhứt của mình. 

Được biết, trong phía quân đội và an ninh Mỹ, vẫn luôn có một hệ thống thang bậc "giấy phép an ninh", theo đó, tùy cấp độ "giấy phép an ninh" mà được tiếp cận tài liệu tới đâu. 

Daily Mail 14-4 cho biết "mặc dù các quan chức vẫn chưa xác nhận liệu Teixeira có sở hữu giấy phép an ninh cấp cao hay không, nhưng bản mô tả công việc của anh ta cho thấy anh ta có khả năng làm việc "chặt chẽ" với các hệ thống liên lạc và CNTT của quân đội Hoa Kỳ".

Vụ rò rỉ này nhứt định có quy mô lớn đồng thời gây hậu quả lớn, nên trong thông báo sau khi bắt Teixeira của mình, FBI đã gọi Teixeira (và đồng bọn) là "những kẻ phản bội lòng tin của đất nước chúng ta và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của chúng ta".

Không rõ có phải để thanh minh tại sao lại để Teixeira thoải mái làm "công chuyện" tung tài liệu lên mạng xã hội trong thời gian dài, mà FBI "nhân tiện" quả quyết rằng "đã theo dõi vụ này từ trước" và rằng từ cuối tuần lễ trước đó, FBI đã "tích cực theo đuổi các đầu mối điều tra". 

Và rồi FBI báo công: "Vụ bắt giữ hôm nay minh chứng cho sự dấn thân liên tục của chúng tôi trong việc xác định, truy đuổi và quy trách nhiệm những kẻ phản bội...".

Trước thông báo bắt giữ Teixeira của FBI một ngày, The Washington Post 12-4 đăng một bài dài hơn 3.450 chữ liên quan tới một nhóm chat trên nền tảng Discord chuyên tung những thông tin "tối mật" bị rò rỉ và xoay quanh một thủ lĩnh có bí danh là "OG". Bài báo cho biết đã thu thập thông tin từ những phỏng vấn độc quyền với một thành viên của nhóm chat nêu trên.

Hơn hai chục thành viên của nhóm này có sở thích là súng, quân phục, chơi game và... Thượng đế. Theo lời kể của thành viên này, mọi chuyện bắt đầu năm ngoái khi một thành viên lấy nick là OG bắt đầu "dán" một tin nhắn chứa đầy những từ viết tắt và thuật ngữ lạ lùng. 

OG, lớn tuổi hơn so với cả nhóm, cho hay đang biết nhiều bí mật mà chính phủ giữ chặt và không tiết lộ cho người dân thường biết, nên anh ta bực mình mà "tung hê" lên mạng.

Một trong hai tác giả của bài điều tra đặc biệt của The Washington Post là Shane Harris, từng được giải Pulitzer, đã "chọc quê" Chính phủ Mỹ: "Các tài liệu bí mật và tuyệt mật hiện đã có sẵn cho hàng ngàn người sử dụng Discord, nhưng vụ rò rỉ chắc sẽ không được các nhà chức trách Hoa Kỳ chú ý trong một tháng nữa!".

Bài báo trên đăng lúc 9h36 tối 12-4 , thì qua hôm sau, FBI vội vàng ra thông báo như đã nêu trên, ý nói FBI cũng đã có theo dõi vụ này rồi bắt đương sự chớ đâu có để ai muốn "chôm" gì thì "chôm", rồi post gì thì post! 

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ một mặt ra thông cáo biểu dương FBI, mặt khác chỉ thị cho thứ trưởng quốc phòng đặc trách tình báo và an ninh "xem lại" các vấn đề trong nội bộ Bộ Quốc phòng "nhằm ngăn không cho loại sự cố này xảy ra nữa".

Sẽ cứ rò rỉ mãi thôi!

Tại họp báo chiều 13-4, thiếu tướng Pat Ryder, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, mở đầu bằng cách thừa nhận rằng Lầu Năm Góc có biết đến các báo cáo về một nghi phạm tiềm năng trong một vụ điều tra của Bộ Tư pháp về việc tiết lộ trái phép các tài liệu dường như bắt nguồn từ khắp cộng đồng tình báo. 

Song ông cho biết không thể phát biểu gì thêm do đây là một vụ đang điều tra hình sự, nên có hỏi gì thì hỏi Bộ Tư pháp, chứ Bộ Quốc phòng không tiện trả lời. 

Nói ít hiểu nhiều: Bộ Quốc phòng cũng đang bị... điều tra. Hậu quả không chỉ là một số tài liệu mật bị sao chép rồi công bố trên mạng, mà còn hơn thế nữa: sự thất thủ của phòng tuyến bảo mật thông tin.

Phát biểu của thiếu tướng Pat Ryder của Lầu Năm Góc là cả một sự tự thú và là sự nài nỉ hơn là một lệnh cưỡng chế: "(Nên nhớ rằng nếu) chỉ vì thông tin được đóng dấu mật đã có thể được đăng trên mạng hoặc ở nơi khác, thì điều đó không có nghĩa là thông tin đó đã được giải mật. 

Thành ra, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích những ai trong số các bạn đang tường thuật câu chuyện này xem xét các yếu tố trên". Không chỉ nhắc một lần mà hai lần liên tiếp: "Hãy xem xét các hậu quả tiềm ẩn của việc đăng các tài liệu hoặc thông tin có khả năng nhạy cảm...".

Hậu quả của khuyến cáo trên là Hãng tin TASS của Nga chế giễu: báo chí Mỹ đang tự kiểm duyệt khi đăng tin quốc phòng! Nói cho ngay, hiện Mỹ đang lo "chữa cháy" cuộc khủng hoảng ngoại giao với các đồng minh cố cựu vì sự tiết lộ những bí mật liên quan đến các nước này. 

Bởi thế, tướng Ryder mới căn dặn: "Chúng tôi sẽ không thảo luận hoặc xác nhận thông tin được bảo mật do tác động tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia cũng như sự an toàn và an ninh của nhân viên và của chúng tôi, của các đồng minh và đối tác của chúng tôi". 

Trong thực tế, các rò rỉ đã "bật mí"các góc khuất quốc phòng không chỉ của Mỹ hay các đồng minh thân cận như Ukraine, NATO, nhóm Ngũ nhãn (Five Eyes gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc, New Zealand), mà còn cả của các đồng minh xa xôi như Ai Cập, Israel, Hàn Quốc...

Nói cho ngay, việc ở Mỹ cứ liên tục "thả bom tin tức" trên mạng xã hội là mặt trái của việc thực thi Đạo luật Tự do thông tin (FIOA) mà bản thân Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã chủ động thích nghi, đến nỗi hầu như ở một số lĩnh vực không còn xem bảo mật như là bản năng sinh tồn.

Trong khi các nước cố giấu giếm các vụ mua sắm vũ khí thì Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn hàng ngày công bố trên mục "Hợp đồng" các vụ mua sắm của ngày hôm đó, đúng tinh thần luật FIOA: công khai thay cho bảo mật!

Lấy thí dụ, Lục quân Mỹ hôm 14-4 cho biết đã có những hợp đồng trong đó nổi bật là: "Saab Dynamics AB, Karlskoga, Thụy Điển, đang được trao hợp đồng trị giá 23.308.000 USD trong 5 năm... để mua sắm phụ tùng và bộ phận sửa chữa cho súng không giật 84mm Carl-Gustaf M3-E1 và bộ điều hợp cỡ nòng phụ 7,62mm và 20 mm", hoặc: 

"Hãng Global Military Products LLC, Tampa, Florida, đã được trao một hợp đồng giá cố định trị giá 431.007.300 USD để cung ứng và vận chuyển đạn dược..". Tuy là những chi tiết rất gọn, nhỏ, song bất cứ bên thứ ba nào "rảnh rỗi" ghi chép cũng có thể biết Lục quân Mỹ đang cần gì mà không mất sức người, sức của.

Ngược lại, cũng có những tin có thể cho phép đoán ra một nhu cầu cụ thể hiện tại trên chiến trường, như hợp đồng sau vào hôm 13-4: "Hãng General Dynamics và Hãng IMT Defense Corp. sẽ cạnh tranh cho từng đơn hàng trị giá 344.220.000 USD để sản xuất, thử nghiệm, đóng gói và giao hàng các bộ phận kim loại lắp ráp pháo 155 mm M1128". 

Pháo M1128 là một dòng pháo sử dụng đạn được thiết kế để đạt tầm bắn tối đa 30 - 40km, có tác động phân mảnh và tạo hiệu ứng nổ đối với người và/hoặc vật chất. Chỉ cần ngó lên bản đồ cùng bản tin chiến sự hàng ngày là biết loại pháo này đang là nhu cầu ở đâu và Mỹ nay đang chi bao nhiêu cho việc sản xuất...

Đạo luật Tự do thông tin (FIOA) của Mỹ quả là "béo bở" cho các bên thứ ba "tò mò". Không chỉ có vậy mà ngay cả khi trên các mạng đã đầy rẫy những thông tin rò rỉ, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn "thây kệ", chỉ phản ứng sau khi The Washington Post đăng bài. Cái bản năng bảo mật để sinh tồn đã bị thay thế bởi tập quán công khai, riết rồi "mackeno"!

Đến khi mọi chuyện tan nát và các "miểng" văng tung tóe, hệ thống chỉ huy của Mỹ lại cho thấy một mặt trái khác của mình. Một phóng viên truy hỏi tới cùng vụ rò rỉ tài liệu mật: "Ông bộ trưởng nói rằng ông ấy được báo cáo hôm 6-4. 

Tại sao lại mất quá nhiều thời giờ để báo cáo ông ấy? Liệu bộ có xem vụ chậm trễ báo cáo này như là một thất bại của các nhóm tình báo nguồn mở không?". 

Ông tướng phát ngôn Bộ Quốc phòng trả lời theo hướng "che thân", chối phăng: "Chúng tôi, bộ đã được biết vào ngày 5, bộ trưởng được thông báo vài giờ sau đó, vào sáng ngày 6. Tôi không coi đó là sự chậm trễ". 

Phóng viên cự: "Những tài liệu này đã có từ rất lâu trước ngày 5 và 6 - 4. Điều gì đã khiến Bộ Quốc phòng và cộng đồng tình báo mất nhiều thời gian đến vậy để định vị những tài liệu này?". Ông tướng phát ngôn Bộ Quốc phòng lại giở luật để "che thân": "Việc bộ thu thập bất kỳ thông tin nào liên quan đến người Mỹ, chẳng hạn như phòng chat, phòng game... sẽ phải được tiến hành theo luật pháp và chính sách và theo cách bảo vệ quyền riêng tư và quyền tự do dân sự".

Có thể thấy, qua vụ này, nhất là nay khi nội vụ đã đổ bể, một thái độ mới của Bộ Quốc phòng Mỹ qua các câu trả lời của người phát ngôn: Tác hại của vụ việc không quan trọng bằng che chắn "cứu lấy" Bộ Quốc phòng, nhân danh quyền tự do các loại. 

Qua thứ hai (17-4), Phó phát ngôn viên Sabrina Singh, chủ trì họp báo ở Bộ Quốc phòng, cũng chỉ lập lại rằng bộ đang đánh giá phạm vi và quy mô vụ việc, và rằng trong vòng 45 ngày bộ trưởng sẽ được cung cấp các đánh giá và khuyến cáo ban đầu. Chậm lụt "bàn giấy" là một thói quen khác nữa ở Lầu Năm Góc có thể đã tạo điều kiện dẫn đến những vụ rò rỉ này!

Tất nhiên, không loại trừ rằng trong vụ này có bàn tay "ngoại nhân", rằng câu chuyện về nhóm chat của Teixeira là một kịch bản được "ai đó" dàn dựng... và Teixeira chỉ là một "nạn nhân" bị xúi bẩy. ■

Binh nhứt Teixeira đang lãnh lương vào hàng thấp nhứt, bậc E3, khoảng 2.161 USD/tháng, cộng phúc lợi các thứ (phụ cấp nhà ở, tem phiếu thực phẩm...) có thể vào khoảng 46.128,59 USD/năm. Lương thấp không rõ có tạo ra một cám dỗ tiền bạc "ngoài luồng" nào hay không, nhưng cũng có thể là mũi nghi vấn.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận