Bob Dylan và chim én

CHÂU SA 24/10/2016 22:10 GMT+7

TTCT - Hà Nội, thời Pháp thuộc, có những người hát xẩm bị mù, đi hát rong trên tàu điện. Trong Hà Nội thanh lịch, Hoàng Đạo Thúy có kể về một người hát xẩm đã hát rong những lời ca có nội dung cách mạng. Mật thám Pháp bắt, đánh, hỏi ai là người dạy hát. Người hát xẩm mù không nhìn thấy ai đã dạy hát cho mình.

Bob Dylan
Bob Dylan

 Cuối tháng 7-1979, giữa mùa hè khó khăn nhất của đất nước sau chiến tranh, tờ Tuổi Trẻ, mục Thường thức nghệ thuật có chuyên đề về ca khúc chính trị.

Trong đó có phóng sự “Liên hoan ca khúc chính trị lần thứ 9 tại Berlin (CHDC Đức)” kèm nhạc và lời một bài hát viết về liệt sĩ Lê Đình Chinh mới hi sinh vài tháng trước đó trong một trận đụng độ với quân xâm lược Trung Quốc.

Trong số báo này, nói về nguồn gốc và ảnh hưởng của các nghệ sĩ thế giới đến ca khúc chính trị Việt Nam, báo nhắc đến Bốp Dylan (Bob Dylan). Bob Dylan, trong giai đoạn bùng nổ rực rỡ của ca khúc chính trị Việt Nam ấy, luôn được nhắc đến như một ngôi sao nhạc “rốc dân ca” (folk rock) người Mỹ.

Ca khúc chính trị là một loại hình nghệ thuật hơi đặc biệt, có gốc gác từ Đông Âu. Ở Việt Nam, nó là sự hòa trộn khá độc đáo của “nhạc trẻ” miền Nam trước 1975 và “nhạc nhẹ” của miền Bắc sau 1975.

Sau nhiều năm chỉ được nghe các bài có hình thức hùng tráng và nội dung đề tài lớn lao, ca khúc chính trị mang đến cho giới trẻ hậu chiến những ca khúc mới. Không chỉ mới mẻ về hình thức, các ca khúc chính trị còn mới mẻ về tình cảm và nội dung: những rung động gần gũi của cái tôi với cuộc sống đương đại; và đặc biệt hơn, đó là suy nghĩ của chính tôi với những vấn đề xã hội hằng ngày.

Năm 1961, Bob Dylan đang học năm nhất đại học thì bỏ học và chuyển đến New York, làm nghề nhạc công cho các tụ điểm âm nhạc và phòng thu.

Sau này anh cho biết đây là giai đoạn anh bắt đầu chịu ảnh hưởng của “tiếng nói của nhân văn và tinh thần dân tộc”. Điều này giải thích tại sao Bob Dylan có nhiều bài hát cổ xúy cho phong trào quyền công dân (civil right) ở Mỹ những năm 1960.

Những ca khúc nổi tiếng đầu tiên của Dylan được coi là những ca khúc phản kháng. Ca khúc Blowin’ in the Wind (1963) được viết dựa trên chất liệu một bản dân ca của nô lệ da đen (bản No More Auction Block) với lời ca mang nhiều câu hỏi trăn trở các vấn đề chính trị xã hội.

Một ca khúc khác, cũng ghi âm năm 1963, bản A Hard Rain’s A-Gonna Fall, dựa trên chất liệu một bài dân ca tên là Lord Randall nói về vấn đề chạy đua vũ trang giữa các cường quốc. Về lời ca, có thể ví nó như những bài thơ viết theo thể độc thoại nội tâm, mà khi được hát lên, người nghe như bị “cuốn đi” theo “dòng ý thức”.

Sử dụng ngôn ngữ và hình thức của âm nhạc, mà là âm nhạc đậm chất folk, Bob Dylan mang đến cho khán giả của mình các tác phẩm ngôn ngữ. Anh hát những tác phẩm ngôn ngữ của mình thành lời cho các độc giả của mình nghe.

Ở khía cạnh nào đó, Bob Dylan may mắn hơn James Joyce, William Faulkner... ở chỗ anh có thể đàn và hát các sáng tác thơ - văn - xuôi theo thể loại “dòng ý thức”.

Bằng cách này, các “độc giả” bình dân dễ cảm nhận và thẩm thấu “văn chương” của Bob Dylan. Hay nói cách khác, văn và thơ của Dylan vì vậy ít kén độc giả hơn văn và thơ của Joyce, Faulkner hay Eliot. Dylan còn may mắn hơn chính bản thân mình.

Tập tiểu thuyết thơ - văn - xuôi được viết theo phong cách “dòng ý thức” của anh, xuất bản năm 1971, có thể coi như một thất bại đáng xấu hổ.

Được truyền tải bằng các chất liệu âm nhạc, các sáng tạo ngôn ngữ của Bob Dylan, có thể ví như những tiểu thuyết hay trường ca siêu ngắn, đã được reo rắc đến hàng triệu triệu độc giả.

Trước Bob Dylan, không một nhà văn đoạt giải Nobel nào có tác phẩm được độc giả “đọc đi đọc lại” hàng trăm, hàng ngàn lần ở bất cứ góc nào trên thế giới. Sau Bob Dylan, thế giới đã có những tác phẩm của một nhà văn đoạt giải Nobel mà để thưởng thức nó, người ta chỉ cần cắm tai nghe vào và... nhắm mắt.

Trần Tiến thường ví mình với Sergei Vysotsky. Nhưng tôi thấy anh giống Dylan nhiều hơn. Ở chiều ngược lại, nhạc sĩ Việt Nam giống Dylan nhất chính là Trần Tiến. Không chỉ giống nhau về tài năng sử dụng chất liệu dân ca, sau Bob Dylan với các ca khúc “civil right” ở Mỹ khoảng 20 năm, những năm 1980 là giai đoạn Trần Tiến “du ca” với những ca khúc phản kháng của mình.

Bob Dylan đứng dậy bỏ phòng thu The Ed Sullivan Show thay vì đồng ý kiểm duyệt ca khúc Talkin John Birch Paranoid Blues. Trần Tiến đang diễn “Đối thoại 87” thì phải bỏ trốn qua cửa sau nhà hát. Ca khúc Trần trụi 87 nói về nỗi đau của xã hội Việt Nam thời hậu chiến.

Giống như tiếng hát của Dylan là lương tâm của thanh niên Mỹ thời phản chiến, tiếng hát của Trần Tiến là suy nghĩ về những vấn đề xã hội đương thời của thế hệ những người lính trẻ đi qua chiến tranh.

Anh hát về những tay buôn và những cô bé đi qua hải quan; hát về những người thương binh trở về đồng ruộng và trường làng, anh hát về những cô thanh niên xung phong thiếu tình yêu. Anh hát cả về nỗi đau và lòng căm thù trong các cuộc chiến biên giới ngắn ngủi.

Và trên hết, giống Bob Dylan, anh reo rắc vào tâm hồn và suy nghĩ của hàng triệu thanh niên một “ý thức” về thân phận những con người bình dân trên khắp đất nước này. Những người cả đời chăm chỉ lao động, cống hiến và hi sinh để rồi cuộc đời chẳng khác gì cái kim giây trên mặt đồng hồ: “Có mấy ai khi xem đồng hồ... hỏi giây”.

Bob Dylan vẫn tiếp tục đàn và hát trong “Never Ending Tour”. Trần Tiến đã rửa tay gác kiếm. Ca khúc chính trị nay không mấy ai còn nhớ. Nhạc trẻ ở Việt Nam bây giờ là một thể loại rất khác. Một ý định của Trần Tiến, viết những bài hát cho những người hát xẩm mù Hà Nội, có lẽ chưa bao giờ được thực hiện.

Có lẽ anh, bằng linh cảm của một nghệ sĩ du ca thời hậu chiến, đã nhìn thấy một kết cục buồn của một dòng nhạc đậm đặc những suy nghĩ về thời cuộc. Những bài hát sinh ra từ những vấn đề xã hội, mang hơi thở xã hội và tinh thần những người trẻ sống trong xã hội ấy, nay không còn đất sống.

Chúc mừng giải Nobel văn học 2016 và tạm biệt chim én!■

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận