"Bọn trẻ có khỏe không?"

TUẤN VIỆT 25/11/2020 22:11 GMT+7

TTCT - Một hệ thống giáo dục không chuẩn bị cho công dân được hạnh phúc và khỏe mạnh trong thế giới họ sẽ sống là một hệ thống vô giá trị.

Bia sách
Bia sách

“Khi một người Maasai ở châu Phi gặp một người khác, cho dù là chiến binh mạnh mẽ và hung dữ nhất hay cụ bà cao niên nhất, anh ta sẽ hỏi: “Kasserian Ingera?” nghĩa là “Bọn trẻ có khỏe không?”. Câu trả lời truyền thống và được mong đợi là: “Bọn trẻ đều khỏe mạnh”. Người Maasai hiểu rằng sức khỏe của xã hội phụ thuộc vào sự khỏe mạnh của tất cả các trẻ em.

Tất cả con em của chúng ta đều “không khỏe”... Trong xã hội toàn cầu của chúng ta, quá nhiều trẻ em đang sống trong nghèo đói. Quá nhiều trẻ em không thể tiếp cận nguồn thực phẩm hoặc nước sạch... Chúng ta đã ưu tiên cho các mục tiêu khác và đặt tương lai vào tình trạng nguy hiểm. Nhiều trẻ em không khỏe vì chúng ta đã tập trung hệ thống giáo dục vào những gì dễ dàng định lượng (điểm số) hơn là vào những gì quan trọng nhất. Chúng ta đã quên mất những gì con em chúng ta cần để được hạnh phúc, khỏe mạnh và để trở thành những công dân đóng góp cho xã hội toàn cầu - xã hội mà chúng sẽ thừa hưởng từ chúng ta”.

Đó là phần mở đầu bài tham luận của Michael Soskil - một trong những người đoạt giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teaching Prize). Nó nằm trong cuốn sách mang tựa đề Dạy học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư (*) mà chúng tôi giới thiệu ở đây. Dĩ nhiên, cuốn sách nói về những thách thức của toàn cầu hóa, sự tích hợp công nghệ vào giáo dục, nhưng nó cũng nói cả về vai trò của giáo viên, vị thế của họ, việc trao quyền, việc cải tổ hệ thống... Nhưng bạn đừng lầm, đây không phải là một cuốn sách hàn lâm, nó là một tập hợp những bài viết của các giáo viên xuất sắc nhất từng đoạt giải thưởng giáo viên toàn cầu, kể về những kinh nghiệm của họ, những vấn đề thực từ thực tiễn hằng ngày của họ trong các lớp học [ở những môi trường dạy học rất khác nhau] những sáng kiến của họ để học sinh luôn “khỏe” và cả những nỗi hi vọng và sợ hãi của các học sinh khi phải đấu tranh với những gì tương lai trao cho các em...

Phảng phất trong những câu chuyện này, chúng ta thấy một Bijal Damani (Ấn Độ) đã cùng học sinh tổ chức thành công dự án Hội chợ từ thiện nhằm giúp các trẻ em gặp khó khăn; một Stephen Ritz cùng học sinh tổ chức dự án trồng thực phẩm lành mạnh ở South Bronx (Hoa Kỳ); một Emmily Minayo theo cùng học sinh làm dự án cung cấp truy cập Internet cho khu ổ chuột Kibera (Kenya); một Gabriela Kaplan với sáng kiến giúp hơn một trăm nghìn học sinh học tiếng Anh từ xa; hay một Ngô Thành Nam của Việt Nam với dự án kết hợp học sinh nhiều châu lục vào việc tìm giải pháp cho tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước, các vấn đề bình đẳng giới và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em...

Bạn cũng sẽ được đọc câu chuyện “con ếch của Lucy” - một ẩn dụ tuyệt vời về việc ta cần xác định vị trí của mình trong khi phác thảo con đường để các trường học hướng đến vào năm 2030. Hay về mô hình Teach me của Armand Doucet giúp giáo viên thiết kế các lớp học để chuẩn bị cho học sinh vào một thế giới nơi các em sẽ sinh sống và làm việc giữa những người có nguồn gốc văn hóa, tôn giáo và chủng tộc đa dạng, có thể có các nhân sinh quan khác nhau. Và nhận lấy một giải thích sống động về bốn cột trụ (4L) của UNESCO: Học để hiểu biết (Learning to know); Học để làm (Learning to do); Học để làm người (Learning to be); Học để chung sống (Learning to live together).

6 tác giả, từ hai ngày ngồi thảo luận cùng nhau trong một căn phòng nhỏ ở Toronto, vừa chia sẻ vừa bất đồng, nhưng đều cùng nhau đưa ra một bức tranh chung về những thách thức của việc học qua video trực tuyến, học tính phản biện, học sáng tạo, học khả năng giao tiếp và hợp tác, học giải quyết các vấn đề phức tạp... Những câu hỏi hóc búa nhưng thú vị cứ liên tiếp nảy sinh: Liệu robot có thay thế được giáo viên? Làm cách nào giáo viên có thể dạy học cho những học sinh vốn thành thạo về công nghệ hơn cả chính mình? Làm cách nào nâng cao vị thế của giáo viên, trao thêm quyền cho giáo viên? Làm cách nào để triển khai cá nhân hóa trong học tập, đào tạo lại giáo viên, chuẩn bị cho học sinh về những thách thức việc làm trong tương lai? Lớp học sẽ như thế nào trong thời đại của trí tuệ nhân tạo, của Internet vạn vật, của học máy... trong sự giằng co vẫn tiếp diễn giữa giáo dục truyền thống và giáo dục hiện đại?...

Soskil đã cho rằng trước những băn khoăn đó, chúng ta sẽ buộc phải liên tục đánh giá lại câu hỏi: “Làm người có nghĩa là gì?”.

Có quá nhiều chất liệu để suy ngẫm trong cuốn sách nhỏ này. Các tác giả thống nhất với nhau rằng nền giáo dục hiện nay đang ở trên bờ vực thẳm do những sáo mòn của quá khứ (việc bám theo sách giáo khoa, việc học để thi cử, việc thiếu giáo viên giỏi, việc lương giáo viên thấp, sự quan liêu trong hệ thống giáo dục...), hoặc một đứa trẻ rất thông minh bị mắc kẹt trong một hệ thống đánh giá thành công của học sinh theo nghĩa hẹp... dù các cơ hội cũng đang mở rộng hơn bao giờ hết. Câu hỏi là phải làm thế nào khi đứng trước bờ vực thẳm đó? Câu trả lời của các tác giả khá đơn giản: “Chúng ta chỉ có thể nhảy xuống hoặc bay lên”.

Những ai quan tâm đến việc con em chúng ta “khỏe mạnh” (theo cách hiểu của người Maasai) xin đừng bỏ lỡ cuốn sách này - như gửi gắm của các tác giả: Một hệ thống giáo dục không chuẩn bị cho công dân được hạnh phúc và khỏe mạnh trong thế giới họ sẽ sống là một hệ thống vô giá trị. ■

(*) Tựa gốc Teaching in the fourth industrial revolution của Armand Doucet, Jelmer Evers, Elisa Guerra, TS Nadia Lopez, Michael Soskil và Koen Timmers, NXB Trẻ, 2020.

“Hội nhập công nghệ phải xảy ra, và ở nhiều nơi, nó đã và đang xảy ra, để ta cải tiến được xã hội. Nó phải xảy ra mà không làm suy giảm tầm quan trọng của giáo viên. Chúng ta cần các nhà giáo dục được trao quyền sư phạm, được nâng lên, chứ không phải bị hạ bệ bởi các cơ hội mà công nghệ tạo ra” (tr. 265)

“Biết đọc và biết viết trong thế kỷ 20 có nghĩa là biết truy cập và quản lý thông tin. Trong thế kỷ 21, việc bảo học sinh tìm lời giải đúng từ sách giáo khoa và mặc định rằng nó chính xác là không đủ nữa. Nay học sinh cần có khả năng lèo lái giữa những thông tin mâu thuẫn nhau trên Internet và xây dựng kiến thức mới từ những gì đọc được” (tr. 278)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận