Booker Quốc tế 2020: Hẹn nhau về nơi địa đàng tận thế

CHIÊU LẠC 15/09/2020 21:09 GMT+7

TTCT - Những tác phẩm vào chung khảo Booker quốc tế năm nay, một năm dị thường, tụ họp như thể để cạnh tranh với chính hiện thực quái đản đang diễn ra.

Từ nhiều năm nay, đã thành thông lệ, vào quãng cuối tháng 5, ban giám khảo Booker quốc tế sẽ công bố tác phẩm đoạt giải. Năm 2020 trở thành một biệt lệ.

Tận cuối tháng 8, giải thưởng trị giá 50.000 bảng chia đều cho tác giả và dịch giả của tác phẩm văn chương được dịch sang tiếng Anh xuất bản tại Anh và Ireland này mới xướng tên người nhận, dẫu sáu tác phẩm lọt vào vòng chung khảo đã được công bố từ hồi tháng 4 và được lọc ra từ 124 tác phẩm dịch từ 30 thứ tiếng, khi “phong thành trở thành hiện thực khắp nơi”.

Việc các quốc gia vội vàng đóng biên kể từ tháng 3, khi COVID-19 bùng lên trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng nặng nề tới việc phát hành sách, khiến độc giả không có cơ hội tiếp cận các tác phẩm được chọn vào chung khảo. Lễ công bố giải, được tổ chức online cuối tháng 8, là một trong những cách để “tác giả, dịch giả, nhà xuất bản và ngành sách được hỗ trợ tốt nhất trong thời điểm khó khăn này”.

Nhưng, quả như nhân vật chính của tác phẩm The Discomfort of Evening (Sự khó chịu của buổi tối) quan niệm, “Trong sự khó chịu, chúng ta mới thật sự là chính mình”. Không hẹn mà gặp, sáu tác phẩm đến từ các quốc gia khác nhau đều cùng gióng lên, ít hay nhiều, dẫu châu Âu hay châu Mỹ, thế kỷ 17 hay thế kỷ 21, một sự khó chịu và hỗn loạn bao trùm đến ngột ngạt. Như thể ăn ý với cái không khí chết chóc do dịch bệnh lan tỏa khắp thế giới, tất cả các tác phẩm đều như một lát cắt cuộc sống loài người, nơi địa đàng tận thế.

Cây Mận
Cuốn "Sự khai sáng của cây mận"

1 The Enlightenment of the Greengage Tree (Sự khai sáng của cây mận) của Shokoofeh Azar là một trong những lát cắt với câu chuyện khủng khiếp nhất đến từ Iran. Cuốn sách kể về số phận một gia đình khá giả và có học thức gồm năm thành viên sống ở Tehran trong và sau cách mạng Hồi giáo chừng một thập niên. Sự kiện cô con gái út bị thiêu sống trong căn nhà bị phóng hỏa đẩy cả gia đình chạy loạn về phía bắc Iran, để rồi mười năm sau, ly tán và chết chóc vẫn chụp gọn từng số phận.

Với người kể chuyện là bé gái 13 tuổi tên Bahar, cô em út (và độc giả nhanh chóng nhận ra ở chương thứ 5 em là một bóng ma), Sự khai sáng của cây mận mở đầu câu chuyện bằng hình ảnh người mẹ gần như hóa dại trước cái chết của một đứa con nữa, “Chị Beeta bảo rằng mẹ đã đạt được sự khai sáng vào chính xác 2:35 chiều ngày 18-8-1988 trên ngọn cây mận xanh”. Chính ở cái cây ấy, anh trai của họ - Sohrab - bị quân chính phủ treo cổ rồi ném vào hố chôn tập thể.

Hàng loạt yếu tố của chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo (mà Trăm năm cô đơn của García Márquez hơn một lần được nhắc đến) được hòa quyện với những chi tiết phi thực của thơ ca và văn hóa Ba Tư từ trận tuyết đen rơi suốt 177 ngày, dòng sông nước mắt, đến đoàn những hồn ma, hay người chị gái biến thành nàng tiên cá, phơi bày những tang thương chết chóc trong cơn bạo động cực đoan.

Azar là một nhà báo độc lập và đã xin tị nạn ở Úc cùng con gái vào năm 2011 - điều thật dễ hiểu vì nội dung đặc biệt nhạy cảm và có thể gây thù hằn vì dám phơi bày tội ác của chính quyền, nên khác với 5 tác phẩm kia, Sự khai sáng của cây mận không có tên dịch giả (người đã dịch tác phẩm từ tiếng Ba Tư (Farsi) và xin được ẩn danh để bảo vệ sự an toàn của chính mình).

 

China Iron
Cuốn "Những cuộc phiêu lưu của China Iron)

2 Cũng có nhân vật kể chuyện là một bé gái ở tuổi vị thành niên, The Adventures of China Iron (Những cuộc phiêu lưu của China Iron) của nhà văn người Argentina Gabriela Cabezón Cámara lại đưa độc giả quay về năm 1872 - cũng là năm mà trường ca El Gaucho Martín Fierro của José Hernández ra đời. Nhấc người vợ (vốn chỉ được nhắc qua) của nam chính trong tác phẩm sử thi nổi tiếng ấy để biến cô bé 14 tuổi có hai đứa con thành nhân vật chính, tác giả thể hiện một cách thẳng thắn quan điểm nữ quyền của mình.

China Iron, khi chồng bị buộc phải nhập ngũ (thực ra là bị bắt cóc), đã lên đường tìm tự do cho chính mình, với bạn đồng hành là một phụ nữ thực dân người Scotland tên là Liz. Đúng như nhận định của hai dịch giả (Iona Macintyre và Fiona Mackintosh), đây là một tác phẩm biến ảo như kính vạn hoa: xoay mặt này nó như một ghi chép thế kỷ 19 của thực dân Anh ở Argentina về đời sống hòa hợp với thiên nhiên của những gã gaucho cao bồi lang thang; xoay mặt kia nó trở thành thế giới của các nhà khoa học tự nhiên nghiên cứu các thảm thực động vật trên vùng đồng cỏ Nam Mỹ. Độc giả không ngừng kinh ngạc trước vẻ đẹp rợn ngợp của cảnh quan như một đại dương hai màu với thân cỏ rạp mình đầu hàng gió, cả cánh đồng biến thành màu trắng, rồi màu xanh lại chiếm hữu khi cỏ đứng thẳng lại.

Trong cái không gian thoáng đãng ấy, cô gái China phóng tầm mắt đi tìm bản ngã với những khái niệm đầu tiên về tính dục đã được khai mở. Viết lại sử thi không chỉ bằng văn xuôi mà còn kết hợp với cả thơ, Cabezón Cámara đã tạo nên một tác phẩm đầy thách thức với dịch giả.

Tyll
cuốn "Tyll"

3 Cũng nhấc một nhân vật ra từ một tác phẩm khác, Daniel Kehlmann, nhà văn người Đức - Áo (tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, Đo thế giới, đã được dịch sang tiếng Việt) lại có cách xử lý vô cùng thú vị trong tác phẩm Tyll.

Kehlmann đưa Tyll Ulenspiegel của thế kỷ 14 trong truyền thống dân gian Đức trung cổ xuyên thời gian đến giai đoạn Chiến tranh Ba mươi năm ở châu Âu vào thế kỷ 17. Gồm 8 chương, mỗi chương được đọc như một truyện dài gắn kết với nhau nhờ nhân vật Tyll khi ở vị trí trung tâm khi chỉ nhạt nhòa xuất hiện trong vai trò chất keo gắn kết, Tyll trải ra trước mắt độc giả một thế giới đầy rẫy chết chóc, dịch bệnh để cho thấy “chiến tranh nghĩa là gì và chiến tranh làm gì với thế giới, về sự tan rã của nền văn minh do phe phái hay cơn giận dữ về mặt tôn giáo”.

Đây là một tiểu thuyết lịch sử thú vị, đầy hài hước, pha trộn rất nhiều yếu tố văn hóa dân gian và cung đình, là nơi Kehlmann thể hiện khả năng tưởng tượng phong phú, tài kể chuyện khéo léo và đầy ranh mãnh, như chú hề Tyll, luôn luôn cợt nhả, phơi bày mọi cực đoan đạo đức giả, và quan trọng là sống sót được qua thời loạn lạc.

Mưa bão
Cuốn "Mùa bão"

4 Hurricane Season (Mùa bão) của nhà văn người Mexico Fernanda Melchor lại đưa độc giả vào một thế giới hiện đại đầy chết chóc theo một cách khác hẳn. Được mệnh danh là Roberto Bolaño của thế hệ mình, Melchor thú nhận “Phần về các tội ác” trong tác phẩm đình đám 2666 đã giúp cô rất nhiều trong quá trình viết nên tác phẩm về những người phụ nữ quẩn quanh trong đói nghèo, mại dâm và mê tín dị đoan.

Melchor như một phù thủy về ngôn ngữ, tạo nên một tác phẩm có ngôn ngữ cuồn cuộn, nơi tám chương thực ra là tám đoạn văn lớn, mỗi câu văn kéo dài từ một đến vài chục trang giấy, phơi trần hiện thực bạo lực với những nạn nhân và cả những kẻ thủ ác.

Theo báo cáo xã hội học ở Mexico hiện nay, trung bình mỗi ngày có 10 phụ nữ bị giết. Tác phẩm của Melchor đầy rẫy giết chóc, bạo lực, ma túy, cưỡng hiếp, chửi thề... và nó không khác xa hiện thực là bao.

Cảnh sát ký ức
Cuốn "Cảnh sát ký ức"

5 Sự trấn áp và kiểm soát về mặt hành vi con người nói chung lại là chủ đề của tác phẩm thứ năm trong danh sách chung khảo Booker quốc tế năm nay, The Memory Police (Cảnh sát ký ức) của nhà văn Nhật Yōko Ogawa.

Được xuất bản ở Nhật từ thập niên 1990, đến nay nó mới được giáo sư văn chương Nhật Stephen Snyder dịch sang tiếng Anh. Toàn bộ tác phẩm diễn ra trên một hòn đảo không tên với các nhân vật phần lớn cũng không có tên kể về việc những đồ vật đột ngột lần lượt biến mất trong đời thực, và sau đó là những khái niệm đồ vật đó biến mất trong trí nhớ của người dân. Có một đội cảnh sát chịu trách nhiệm đảm bảo để những thứ đã biến mất phải vĩnh viễn không tồn tại nữa, và cả những người chẳng may vẫn còn lưu giữ được ký ức về chúng. Những vật đó có thể là con tem, bông hồng, ruy băng, chim... Nhân vật chính là một nhà văn và tác phẩm của cô là những trăn trở về sự lưu giữ và biến mất.

Hơn là một dụ ngôn chính trị, tác phẩm của Ogawa được nhiều nhà phê bình đọc như một tuyên ngôn về nghệ thuật, ở đó nhà văn coi việc viết như một cách thực hành để không bị quên lãng. Nó là câu chuyện, như tác giả Dylan Brown nhận xét trên Los Angeles Review of Books về cuốn sách này: “về việc là nhà văn thì có ý nghĩa thế nào và sự không trường cửu của nghệ thuật”.

Cuốn "Sự khó chịu của buổi tối"

6 Đọc và đọc lại nhiều lần, tất cả giám khảo đã cân nhắc giữa tham vọng văn chương, kỹ thuật và sáng tạo, tranh luận để lọc ra được sự khác biệt giữa “tác phẩm đúng thời điểm và tác phẩm không chịu ảnh hưởng của thời gian”. Bởi thế mà The Discomfort of the Evening (Sự khó chịu của buổi tối) của nhà văn trẻ tuổi nhất trong loạt nhà văn tranh giải này cuối cùng là tác phẩm được chọn, một cuốn sách “không hề giống với cuốn nào ta từng đọc”.

Marieke Lucas Rijneveld, sinh năm 1991, tự công khai là phi nhị nguyên (non-binary), muốn được gọi là “they” - họ. Cuốn sách ít nhiều có thể coi là một tác phẩm mang yếu tố tự thuật bởi sự tương đồng giữa nhân vật chính là Jas, một bé gái 10 tuổi lớn lên ở một trang trại bò sữa, và Rijneveld. Nó độc đáo ở thứ văn chương bị chết chóc rình rập và bao trùm, tập trung vào những cảm giác trực tiếp của các bộ phận của cơ thể (nhất là những quan sát đầy thô ráp của một em bé 10 tuổi) và không hề nhân nhượng trong những miêu tả rất thật.

Câu chuyện của Rijneveld cũng là một thách thức với độc giả bởi những yếu tố đen tối và bạo lực được đưa vào tác phẩm một cách tràn lan: những cuộc tra tấn động vật, những tìm hiểu về tính dục, sự xâm hại thể xác...

Rijneveld từng xuất bản một tập thơ, và nhiều câu văn trong The Discomfort of the Evening đọc lên như một dòng thơ đơn lẻ. Không ngạc nhiên khi tác phẩm “gợi lên sự dị thường của một tuổi thơ mắc kẹt trong tủi thẹn và cứu rỗi” này của Rijneveld đã giành được tuyệt đối số phiếu của các vị giám khảo. ■

“Giải thưởng Booker quốc tế là một gợi nhắc đầy mạnh mẽ về một điều rất hiển nhiên - rằng kể chuyện không phải là biệt tài của bất kỳ một ngôn ngữ nào, hay của bất kỳ một nền văn hóa nào, cũng không phải của bất kỳ trải nghiệm thế giới nào, và rằng độc giả được phục vụ tốt nhất khi họ được trao cho đường vào thứ xuất sắc nhất của văn chương viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

                                                                 Mark Damazer (chủ tịch của Quỹ Giải Booker)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận