TTCT - Sáng tinh mơ ngày 2-1, một đoàn xe rời phi trường Baghdad, thủ đô Iraq, để vào phố thì lãnh mấy trái tên lửa bắn từ máy bay không người lái. Thiệt mạng trong đoàn này là thiếu tướng Qasem Soleimani, tư lệnh của lực lượng Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và tư lệnh phó Lực lượng vận động quần chúng của Iraq (PMF), ông Abu Mahdi al-Muhandis. Ảnh: Newsweek Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ngay đó là lệnh của ông, tiêu diệt “một nhân vật nhẽ ra phải loại trừ từ bao năm trước”. Đây là thói ăn nói của Trump, việc gì ông cũng phải tự nhận mình làm hơn người, nghĩa là hơn các tổng thống tiền nhiệm. Đây là một hành động táo bạo của Mỹ, có thể coi như gây chiến với Iran và đặt cả khu vực vào tình trạng thấp thỏm. Lần chót Hoa Kỳ ám sát một tướng lãnh nước ngoài là khi phục kích máy bay chở đô đốc Nhật Yamamoto năm 1943 để trả thù trận Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) năm 1941. Chiến dịch ám sát tư lệnh hải quân Nhật hồi đó mang tên là “Chiến dịch trả thù”. Nhưng lúc bấy giờ, Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai nước đang xung chiến ầm ĩ trên Thái Bình Dương, trong khi hiện nay Iran và Mỹ chỉ trong tình trạng căng thẳng, tuy căng thẳng ngót nghét cũng đã 40 năm. Sự thiếu nhất quán của Mỹ Lập tức sau khi tuyên bố là chính ông ra tay, Tổng thống Trump đồng thời cho biết ông không có ý gây chiến, xâm lăng Iran hay muốn lật đổ chế độ nước này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết họ đã mời phía Iran nói chuyện và sẵn sàng đàm phán. Đại ý là ông Trump chỉ bắn chết chơi một chỉ huy hàng đầu của Iran, chứ ông vốn là người hòa hiếu. Khi tranh cử và sau khi đắc cử, ông Trump luôn xác định là nếu ông Barack Obama còn làm tổng thống thì đã có chiến tranh rồi. Ông từng tuyên bố (sai sự thật) là ngay từ đầu ông chống chiến tranh Iraq do Tổng thống George W. Bush khởi xướng và tìm đủ mọi cách để đàm phán với Triều Tiên, nên ông xứng đáng đoạt giải Nobel hòa bình. Ông rút quân (nửa vời) khỏi Syria, phê bình các đồng minh quân sự Nhật và Hàn Quốc cùng khối NATO, bắt “đây” đóng góp thêm và “kia” tăng tiền trả cho quân Mỹ đồn trú. Quần chúng của ông Trump là thành phần bế quan tỏa cảng, nước Mỹ là nhất và ta chẳng cần ai, bởi nghĩ người Mỹ hễ cứ ra đường là bị thiên hạ gạt và lợi dụng. Đây không phải là quần chúng “thế giới hóa” và phiêu lưu quân sự. Chuyện sát hại tướng Soleimani, tính toán theo kiểu Trump thì ông được hai đằng. Ông là người quả quyết, diệt một “trùm khủng bố” mà các vị tiền nhiệm không dám đụng tới, nhưng đồng thời cũng theo đuổi chính sách tự cô lập của nước Mỹ, không có can thiệp ở đâu hết. Việc này, nếu muốn nghe cho xuôi, thì tướng Soleimani phải là trùm khủng bố dạng Osama bin Laden và Abu Bakr al Baghdadi. Lập tức, có tin là mấy ngày trước ông Soleimani từng họp tại một tòa nhà đối diện sứ quán Mỹ bên kia sông, ý là ông quan sát đấy để đặt bom nên có chạy xe máy đi ngang. Phó tổng thống Mike Pence tweet luôn một bản cáo trạng dài về thành tích khủng bố của viên tướng Iran, có nội dung được chỉ ra là không đúng sự thật, như Soleimani là người giúp 10 trong 12 tên khủng bố trong vụ 11-9 đi sang Afghanistan. Về chi tiết này, Taliban là tử thù của Iran, khi nắm quyền tại Afghanistan đã tàn sát nhân viên ngoại giao Iran tại Tổng lãnh sự quán ở Mazar al Sharif. Chế độ Taliban là Hồi giáo Sunni, xung đột gay gắt với Hồi giáo Shia (Iran) cỡ 15 thế kỷ nay rồi. Khi nắm quyền trong nước, Taliban đã khiến 1 triệu người Shia trong nước (tộc Hazara hay Tajik) chạy sang Iran tị nạn, hay đánh bom khủng bố miền đông Iran, nhưng những chuyện này chẳng truyền thông Tây phương nào đề cập. Năm 2001, khi Hoa Kỳ xâm lăng Afghanistan, Soleimani đã giúp thông tin cho họ tại Thụy Sĩ vì đơn giản đó là kẻ thù chung, chứ không phải vì “đơn giản tôi là Soleimani”. Soleimani là ai? Ông chỉ mang hàm thiếu tướng nhưng chỉ huy lực lượng Quds từ 1998. Đây là lực lượng đặc biệt của Vệ binh IRGC, chuyên hoạt động ở nước ngoài. Iran có hai lực lượng vũ trang: Vệ binh cách mạng và quân đội. Quân đội thuộc nhà nước, vệ binh thuộc chế độ và được coi là công cụ trung kiên. Tổng thống Hassan Rouhani chẳng hạn, là người được cử tri bầu lên, không phải người chỉ huy vệ binh, mà là đại giáo chủ, tức lãnh tụ tối cao, Khameinei. Soleimani được coi là “đệ tử cưng” của lãnh tụ Khamenei không phải là nhờ ton hót hay phe phái, mà nhờ khả năng và thành tích. Ông có gốc nông dân miền đông nghèo khó, vùng núi đồi sỏi đá, nhà chín anh chị em và năm 13 tuổi đã lên phố lao động để trả nợ cho cha. Ông là tấm gương “trai thời loạn”, nếu an bình chắc giờ làm chủ tiệm vá lốp xe trên đường cao tốc nào đó. Ông theo cách mạng thần quyền và năm 1980, khi Saddam Hussein xâm lăng Iran, ông về quê tuyển và huấn luyện một đại đội tình nguyện vệ binh. Trong chiến tranh, năm 28 tuổi, Soleimani lên chức sư trưởng, đụng trận đi đầu và được binh sĩ nể phục lẫn quý mến. Ông nhỏ nhẹ, không bao giờ to tiếng, cũng chẳng màu mè một bên đeo dao găm bên kia dắt lựu đạn, nhưng cả đời chinh chiến. Soleimani cũng được coi là một chỉ huy liêm chính, khác với một số tướng lãnh Iran. Tuy hẳn là cá nhân ông theo chiều hướng bảo thủ và dân tộc, ông tránh phát biểu về chính trị nên được coi là một người phục vụ tổ quốc không phe phái. 1998, khi ông lên tư lệnh, lực lượng Quds lo trị an miền đông và trấn Taliban thù nghịch. Khi chế độ Saddam sụp đổ năm 2003, Iraq trở thành đất dụng võ của Iran. Hoa Kỳ sau khi phá nát guồng máy Sunni, chỉ có thể dựa vào người Shia ở nước này, vốn là thành phần trước đây bị Saddam đàn áp và chèn ép, một số lãnh đạo cộng đồng này sang Iran tị nạn. Cả năm thủ tướng Iraq của tân cộng hòa từ 2004 cho đến giờ đều là người Shia, và vệ binh Shia là thành phần quân đội Mỹ nhờ cậy để dẹp phiến loạn Sunni. Trong tình trạng hỗn mang, Iran gây được ảnh hưởng (tuy không phải là nắm hết và không phải cứ Shia là theo Iran). Giai đoạn này, theo tổng thống Iraq lúc đó thì ông còn dàn xếp cho cả tướng tư lệnh Mỹ ở Iraq là Raymond Odierno gặp Soleimani (ông Odierno bác bỏ). Tháng 6-2014, phiến loạn Sunni Quốc gia Hồi giáo tự xưng (IS) lập kỳ tích dùng 1.500 quân đứt dép chiếm Mosul có 60.000 lính Iraq (ba sư đoàn chính quy và 30.000 lính bảo an) do Mỹ trang bị và huấn luyện. Sau đó, họ tràn xuống chiếm tiếp Tikrit và đe dọa thủ đô Baghdad. Mỹ buộc phải vời đến lực lượng Kurd và vệ binh Shia. Trong cuộc tái chiếm Tikrit nhọc nhằn, lực lượng chính là Shia và Soleimani ẩn hiện ngoài mặt trận, theo lệ cũ, nơi nào lằn tên mũi đạn thì nơi đó có ông, tuy tái chiếm Mosul là công của quân đội quốc gia Iraq. Khi Syria hỗn loạn sau 2011, Iran chọn ủng hộ chế độ Bassar al Assad cùng với Nga. Hoa Kỳ, Saudi Arabia, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ Qatar… đầu tư vào các lực lượng phiến quân chống Assad nhưng không kết quả, lại tạo ra “quái thai” IS khiến mọi người phải hợp tác chống lại. Soleimani là người mang quân Hezbollah từ Lebanon sang cứu giá nhà Assad. Ông tổ chức “chí nguyện quân”, chủ yếu là người Afghanistan tị nạn tại Iran, để đưa sang Syria. Trước đây, Iran chỉ có một “đệ tử” trong khu vực là Hezbollah tại Lebanon. Giờ sau khi Hoa Kỳ tốn công tốn của bình Iraq thì họ nắm luôn nước này. Rồi Hoa Kỳ tìm cách lật đổ chế độ Syria thì Iran lại đóng vai chính ở Syria. Yemen, sau khi bị đồng minh của Mỹ là Saudi và UAE xâm lăng, cũng lại ngả về Iran nốt. Cuối tháng 8-2019, phiến quân Houthi ở Yemen bắn 10 tên lửa sang Saudi, làm ngưng ngay 50% sức sản xuất dầu của quốc gia này. Chiến lược 30 năm võ trang của của Saudi tốn bao nhiêu tiền tỉ vũ khí Mỹ để phòng bị tan tành trong 30 phút đó. Saudi và UAE cũng chẳng ngờ nghệch gì, hiểu ngay nên đổi giọng thôi lớn lối và tìm đường khe khẽ lánh xa Mỹ, sau khi thấy “anh hai” Uncle Sam cũng chỉ thẽ thọt với Iran chứ không có động thái gì cho ra dáng. Kết quả của nền ngoại giao bất cân xứng của Iran trong khu vực trong hai thập niên qua phải nói là rực rỡ. Iran giờ chi phối Lebanon, Gaza, Syria, Iraq và Yemen mà chẳng tốn bao nhiêu xương máu hay tiền bạc. Saudi, UAE giờ đổi giọng nhỏ nhẹ và giữ khoảng cách với Hoa Kỳ, làm như ờ thì có qua lại nhưng mà không quen thân. “Đại sứ lưu động” Soleimani là tác nhân quan trọng. Năm 2006, khi Israel xâm lăng Lebanon, ông có mặt tại chỗ trong suốt cuộc chiến. Tại Iraq, ông đi về tự nhiên như ở nhà, và là khách của chính phủ. Cùng thiệt mạng với Soleimani là phó tư lệnh của PMF Iraq, lực lượng vệ binh trực thuộc Phủ thủ tướng, khiến thủ tướng nước này là Adil Abdul-Mahdi nghẹn cả cổ. Giờ không nói chuyện Soleimani, Hoa Kỳ là khách - đồng minh của Iraq, lại giết luôn một lãnh đạo quân sự Iraq, ngay trên đất Iraq! Thế kẹt của Iraq Nhưng phản ứng của thủ tướng Iraq có ra sao thì cũng không ai coi là quan trọng. Chuyện mọi người lo sợ là phản ứng của Iran. Đây là một nước “cứng đầu”, chứ biết sợ thì đã hàng Mỹ lâu rồi. Tiềm năng phục hận của Iran rất lớn. Thủ tướng Abdul-Mahdi phản đối chuyện xâm phạm chủ quyền quốc gia nhưng “đá banh” sang quốc hội để họ quyết. Nội bộ trong nước ông đang rối ren còn chưa đủ, 500 người biểu tình chết, 15.000 người bị thương. Hết lãnh sự quán Iran bị biểu tình đốt cháy rụi thì đại sứ quán của Hoa Kỳ bị biểu tình tấn công. Giờ lại đến chuyện này, sao mà ông khổ thế! Đây là chuyện thể diện thôi vì trên thực tế trong khu vực, kể như là Iran đã thắng Mỹ rồi và hành động sát hại này chẳng mang lợi thêm gì cho Mỹ. Dũng tướng Soleimani tài giỏi và đảm lược gì thì cũng chỉ là người thi hành tốt đẹp một chính sách chiến lược đúng đắn về đường dài. Việc trả thù này của Iran phải tính toán cẩn trọng và Iran có rất nhiều đường. Iran có thể đợi và hôm nào đó ám sát lại nhân vật nào người Mỹ, dùng các đàn em ở Iraq, Syria đánh thẳng lính Hoa Kỳ. Còn nếu thấy thế phiền phức quá, họ cũng có thể nhắm vào một đồng minh của Mỹ, và UAE hay Saudi đang “chết rét” là vì vậy. Họ còn có thể phá rối hay khóa luôn eo Hormuz là qua lại của 24% nguồn dầu khí trên thế giới, với các nước kỹ nghệ lệ thuộc nhiều nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nguy cơ là tình hình có thể leo thang: Iran phá rối eo Hormuz thì Hoa Kỳ có thể gửi chiến hạm đến “làm luật”, lỡ như Iran giật mình bắn chìm một chiếc, rồi Mỹ ào ạt đánh bom “52 mục tiêu” như lời ông Trump đe dọa, thì không biết thế giới đi về đâu. Quốc hội Iraq ngày 5-1 vì mất mặt mà biểu quyết mời Hoa Kỳ ra khỏi nước? Đây sẽ là diễn tiến có lợi cho ai? Giết một ông Soleimani, Hoa Kỳ có thể mất cả ảnh hưởng tại Iraq, trong khi chế độ Iran lại được củng cố, từ tả sang hữu đoàn kết trước đe dọa nước ngoài. ■ Năm 2015, chính quyền cải cách ôn hòa của Tổng thống Iran Rouhani khó khăn lắm mới đạt được thỏa hiệp hạt nhân với Tây phương. Kết quả này dự tính mang lại ổn định và phát triển kinh tế trong nước, nhờ ngưng cấm vận và phong tỏa. Tiềm năng kinh tế của Iran rất lớn, nền giáo dục và kỹ thuật cao, tài nguyên lại dồi dào. Khi kinh tế tốt đẹp, xã hội cũng sẽ thay đổi theo. Nhưng quyết định đơn phương của chính quyền Trump xé bỏ thỏa hiệp khiến viễn tượng này chìm luôn, trước ngơ ngác và tiếc rẻ của châu Âu định xô nhau vào làm ăn. Ông Trump khiến phe bảo thủ tại Iran, chống Mỹ tới bến, được củng cố. Chính quyền ôn hòa Rouhani bị chuyện sát hại này gây khó, chỉ có thể vung tay hô hào chủ nghĩa quốc gia cùng quần chúng. Lịch sử mất một dịp tốt đẹp cho cả đôi bên, nhưng như con người, lịch sử vốn léo lắt, ít khi đi con đường đúng. Tags: Trung ĐôngIranBàn cờ Trung ĐôngTướng Soleimani
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.