Campuchia và vấn nạn đại gia lừa đảo

THANH TUẤN 10/04/2024 09:53 GMT+7

TTCT - Thêm một đại gia của Campuchia bị bắt mới đây sau cáo buộc lừa đảo hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư. Đây là diễn biến mới nhất giữa làn sóng một loạt đại gia bị bắt vì lừa đảo ở nước này.

Bà Leng Channa. Ảnh: okhnha.news

Bà Leng Channa. Ảnh: okhnha.news

Theo Nikkei Asia, Leng Channa - doanh nhân nữ 35 tuổi nổi tiếng với các khoản đóng góp cho chính quyền địa phương - bị truy tố với tội danh lừa đảo và rửa tiền. Cô bị tước danh hiệu "oknha" (đại gia) vốn được trao cho những người đóng góp trên 500.000 USD cho chính quyền Campuchia.

Các cáo buộc liên quan tới vụ scandal lớn ở Siem Riep, nơi hàng nghìn gia đình đã mất khoản tiền lớn cho các dự án bất động sản và quỹ đầu tư hứa hẹn lãi cao của Channa trong hai năm qua. Rất nhiều người đã vay tín dụng vi mô (các khoản nhỏ, cho người nghèo) để đầu tư vào các dự án của Channa.

Lừa đảo liên quan đất đai, đầu tư ảo

Tòa Siem Riep ngày 13-3 thông báo Channa và hai đồng phạm Chan Khim, 30 tuổi và Phon Samean, 31 tuổi, bị cáo buộc lừa đảo nhiều lần, sử dụng séc giả và rửa tiền. Channa và các đồng phạm bị bắt trước đó một ngày sau đơn tố cáo của hàng nghìn người đã đặt cọc tiền mua nhà và đất thông qua Tập đoàn Brilliant City World và đầu tư vào các quỹ đầu tư lãi suất cao của bà Channa. Những người này nói họ chưa hề nhận được khoản lợi tức nào và cáo buộc toàn bộ khoản đầu tư chỉ là lừa đảo quy mô lớn.

Theo Khmer Times, hàng trăm người đã biểu tình ở Siem Riep hồi tháng 2 và đại diện cảnh sát Siem Riep nói khoảng 6.000 gia đình đã đầu tư từ 1.000 - 20.000 USD/hộ vào các dự án của Công ty Brilliant City World với hy vọng nhận được tiền lãi cao hằng tháng từ công ty. Tổng số tiền từ các nạn nhân đầu tư vào công ty của Channa ước tính lên tới khoảng 300 triệu USD.

Một người dân Siem Riep nói với Nikkei Asia rằng anh và bố mẹ đã vay hơn 25.000 USD từ ngân hàng sau khi thấy các quảng cáo rầm rộ của Công ty Brilliant City World trên TikTok. 

Một nông dân khác ban đầu nhận lãi cao từ khoản đầu tư vào Channa bắt đầu chuyển sang làm cho công ty này, rồi thuyết phục người dân đầu tư và dùng các nguồn đầu tư mới để trả lợi tức cho họ - mô hình kiểu đa cấp Ponzi. Tới tháng 11-2023, dòng tiền bắt đầu khựng lại và người nông dân này hiện không thể trả được khoản tiền nợ mỗi tháng tương đương 600 USD.

"Tôi rất sợ không đủ tiền để trả ngân hàng - anh nói - Tất cả bò và trâu của tôi đều đã bán đi, bố mẹ, chú bác và bà tôi đã bán hết vàng bạc. Trang trại mấy ha khoai mì của vợ chồng tôi cũng đã bán. Chúng tôi chẳng còn gì".

Vụ bắt giữ của Channa diễn ra giữa lúc chính quyền mới của Thủ tướng Hun Manet đang cố xây dựng hình ảnh điều hành tốt. Dư luận nước này hiện có nhiều bất bình với tầng lớp đại gia khi một số lớn các vụ tai tiếng liên quan tới cướp đất, rửa tiền hay với các băng buôn người.

Nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo là người lao động bình thường. Ảnh: East Asia Forum

Nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo là người lao động bình thường. Ảnh: East Asia Forum

Nỗ lực xây dựng đại gia "đạo đức"

Ở Campuchia, các sự vụ liên quan tới các đại gia hay thành viên gia đình họ hành xử bạo lực từng gây dư luận bức xúc trên mạng xã hội. Từng có trường hợp một đại gia đánh đập vợ cũ của mình ngay tại nhà. 

Ở vụ khác, một đại gia tấn công một nữ dẫn chương trình truyền hình ở nhà hàng và dù bị nhận án tù 3 năm nhưng phần lớn thời gian là án treo. Các đại gia lớn tuổi thì ngày càng lo ngại về làn sóng dư luận phản đối các đại gia trẻ, mới giàu.

Theo Michiel Verver - chuyên gia về khoa học xã hội ở Đại học Vrije Amsterdam, Hà Lan, khi thành lập hiệp hội đại gia hồi năm ngoái các đại gia lâu năm muốn phân biệt nhóm "đại gia thật" với các nhóm mới giàu - "những kẻ không nổi tiếng bằng nhưng đi đâu cũng ve vẩy khẩu súng", theo Verver.

Ngay sau khi thành lập hiệp hội, hai đại gia Chea Saron và Hy Kimhong bị bắt giữ và truy tố tội lừa đảo với các dự án đầu tư ở Kampot và Takeo. Cơ quan quản lý kinh doanh bất động sản và cầm đồ nước này cảnh báo một loạt dự án bất động sản hiện đang kinh doanh dù chưa có giấy phép - một số thuộc về các đại gia.

Channa bị dư luận để ý gần đây khi sử dụng hình ảnh chụp chung với các lãnh đạo Campuchia - trong đó có cả Thủ tướng Hun Manet - và hình chụp có logo của đảng cầm quyền CPP nhằm thể hiện có mối quan hệ thân thiết với các quan chức. 

Bà Channa đã đăng hình ảnh và video đứng cạnh ông Hun Manet, vốn được chụp trong giai đoạn vận động tranh cử hồi năm ngoái, trên mạng xã hội nhằm tạo ấn tượng rằng công ty của bà có liên hệ với Thủ tướng Campuchia.

Các đồn đoán quá nhiều tới mức vào tháng 2, cơ quan phát ngôn của chính phủ phải ra tuyên bố khẳng định thủ tướng và đảng cầm quyền không liên quan gì dự án Brilliant City của Channa. 

Cơ quan phát ngôn của chính phủ nói việc Channa sử dụng tên ông Hun Manet nhằm bảo vệ công ty của mình là hành động trái pháp luật ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của thủ tướng.

"Văn phòng Thủ tướng lấy làm tiếc là các video này gây hiểu lầm với dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm và phẩm giá của Thủ tướng Hun Manet", tuyên bố của cơ quan phát ngôn nói. 

Tuyên bố cho biết bà Channa đã ra thông cáo hôm 16-2 thừa nhận "lạm dụng tên tuổi của Thủ tướng Hun Manet nhằm lừa đảo người dân" và kêu gọi "dư luận không nên bị nhầm lẫn bởi các bài đăng trên mạng xã hội của bà".

Tuyên bố khẳng định "Thủ tướng Hun Manet không liên quan gì tới dự án Brilliant City World". Cơ quan này còn yêu cầu chính quyền có các biện pháp nghiêm khắc với bất cứ ai sử dụng tên tuổi các lãnh đạo nhằm kiếm lợi.

Các chuyên gia nói rằng việc xử lý các đại gia cỡ nhỏ cho phép chính phủ đảm bảo kỷ cương và duy trì được ổn định mà không làm xáo trộn hệ sinh thái các mối quan hệ chi phối ở Campuchia.

Kinh tế tăng trưởng thúc đẩy nhu cầu các dự án bất động sản ở Campuchia.  Ảnh: kinghtfrank.com.kh

Kinh tế tăng trưởng thúc đẩy nhu cầu các dự án bất động sản ở Campuchia. Ảnh: kinghtfrank.com.kh

Thực tế, một số đại gia có tiếng đã hoan nghênh các động thái mới của chính quyền. Sau khi Channa bị bắt, đại gia nông nghiệp Hun Lak - người phát ngôn của Hiệp hội Đại gia Campuchia - nói với báo chí rằng chính quyền nên ra luật để chính thức định danh các nghĩa vụ của tước hiệu "đại gia" và quy định về tước danh hiệu nhằm "bảo vệ uy tín, danh dự và tiếng tăm của những đại gia tốt".

"Hiện các đại gia (bị xử lý) vẫn còn là ở cấp thấp. Nếu các đại gia có tiếng lâu đời khác cũng bị nhắm đến thì có thể sẽ thấy những thay đổi lớn" - Sophal Ear, chuyên gia về Campuchia ở Trường quản lý Thunderbird của Đại học bang Arizona (Mỹ), nói.

Pech Pisey, giám đốc của Transparency International ở Campuchia, nói việc thành lập hiệp hội đại gia cùng các động thái bắt giữ vừa rồi cho thấy lãnh đạo cấp cao của nước này muốn "thanh lọc những đại gia xấu, những người có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà nước". Ít nhất sáu người nhận tước hiệu "đại gia" (tính cả Channa) giai đoạn 2019-2020 đã bị bắt giữ hoặc truy tố về các hoạt động sai trái.

Dù vậy, hiện các đại gia bị truy tố vẫn thường được nhận án phạt nhẹ hơn khung hình. Cho tới giờ, hai đại gia Chea Saron và Hy Kimhong - những người bị bắt vì tội lừa đảo - vẫn chưa được đưa ra xét xử. Kimhong được thả sau khi đóng một khoản bảo lãnh hồi tháng 11. Người phát ngôn của tòa án nước này nói chính quyền vẫn "đang trong quá trình điều tra" các vụ án.

Còn người nông dân ở Siem Riep nói việc Channa dường như có mối liên hệ với các quan chức cấp cao nhất "khiến tôi và nhiều người tin tưởng mà không nghi ngờ gì". "Giờ ngày nào ngân hàng cũng tìm đến nhà tôi - anh nói - Nếu tôi không tin công ty đấy thì gia đình tôi đã không đối mặt với cảnh này". ■

Đầu năm ngoái, theo chỉ đạo của cựu thủ tướng Hun Sen, một nhóm đại gia lớn nhất Campuchia đã chính thức lập hiệp hội nhằm hướng dẫn lớp đại gia mới về "đạo đức" và cải thiện hình ảnh của họ. Campuchia hiện có khoảng 1.500 đại gia với tước hiệu "oknha" - vốn ban đầu dành để vinh danh những người đóng góp cho các hoạt động từ thiện và cộng đồng. Tước hiệu này mấy năm gần đây mất dần uy tín khi được trao thường xuyên cho những người đơn giản là đóng đủ một khoản tiền. Trước đây, oknha là tước hiệu do quốc vương ban phong nhưng từ năm 1994 đã được luật hóa qua một thông tư. Số lượng "đại gia" kiểu này đã tăng từ 20 vào đầu những năm 2000 lên tới gần 1.500 hiện nay. Họ hình thành nên một mạng lưới và thường thông qua những đóng góp của mình để giành được sự ủng hộ về chính trị.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận