Cân những mong manh

HOÀNG CÔNG DANH 22/08/2017 20:08 GMT+7

TTCT - Chợ có đã lâu đời, từ thuở mở cõi và xứ này đổi tên thành Thuận Châu, chợ cũng theo đó có tên chợ Thuận. Góc chợ quê nhỏ đã nuôi sống biết bao thế hệ, cả sự học của con em trong vùng cũng nhờ cái chợ này mà nên.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Hồi nhỏ, tôi thường ra chợ chơi, luẩn quẩn quanh chỗ mẹ ngồi bán hàng rau củ chỉ để mẹ mua cho ly chè đá. Đến những năm cấp III, do bận học và đã thôi thèm quà vặt, tôi rất hiếm khi ra chợ.

Mãi đến ngày có kết quả thi đại học, từ chỗ bưu điện vừa gọi tổng đài hỏi kết quả, biết chắc chắn đỗ, tôi ùa chạy vào chợ báo cho mẹ biết. Cả góc chợ nhao nhao lên, xứ quê lúc đó không nhiều người đỗ đại học. Mẹ tôi chỉ cười rất nhẹ, nhưng cái cười có vẻ gượng gạo.

Lúc đó tôi nghĩ chắc mẹ đang xúc động, hay vì người ta đến vồ vập khen quá khiến mẹ cũng ngại. Mãi sau này tôi mới biết lúc đó thật ra mẹ vừa mừng vừa lo.

Lo chuyện tiền nuôi tôi ăn học những bốn năm xa nhà. Đúng như cha mẹ quê hay nói vui với mấy chàng tú tài sắp đi thi đại học: “Không đỗ thì mi chết với tau. Mà đỗ thì tau chết với mi!”.

Chả ai “chết” ở đây cả. Chữ chết thứ nhất cùng lắm là những đòn roi, la mắng. Chữ chết sau ngụ ý đến chuyện lo tiền bạc nuôi con ăn học. Và có lẽ cái buổi sáng hôm đó ở chợ, mẹ tôi đang sợ... chết.

Thực ra đáng lẽ mẹ tôi cũng phải tự hào, vì vẫn còn những người mẹ ở chợ này muốn chết mà không được.

Tôi nhận ra những ánh mắt buồn rười rượi pha chút ghen tị, một chút thèm thuồng vì con của họ không đỗ. Những bà mẹ bán buôn ở chợ chẳng được học hành gì nhiều, chẳng thể giúp con giải một bài toán nào, nhưng họ đã theo suốt hành trình sự học của con.

Thật lạ, họ biết được y dược, bách khoa, sư phạm... ngành nào ngon dở ra sao, điểm tuyển thế nào. Họ cũng biết sư phạm là học ra đi dạy, “làm thầy thiên hạ” và vào trường này khỏi đóng học phí.

Cho nên bà mẹ nào có con đỗ sư phạm thì được người ta khen ngon. Năm đó, tôi đỗ sư phạm Huế. Mẹ tôi được cả chợ khen ngon!

Hôm vừa rồi tôi đi chợ, đúng vào dịp có kết quả xét tuyển vào các trường đại học. Tôi gặp lại ký ức ngày xưa, vài đứa vào chợ báo tin cho mẹ đỗ trường này trường kia.

Xóm chợ giờ con ai chả đi đại học, bằng điểm sàn (thậm chí chưa cần thi) là có trường đại học nhận rồi, nên họ không hồ hởi chúc mừng như xưa. Chỉ có sự lo lắng chuyện tiền nong, chuyện sợ chết là vẫn như trước, vì dù đại học rộng cửa thì các bà mẹ ở chợ quê này vẫn nghèo.

Một đứa thư sinh đi rất từ tốn, như đi chợ mua gì đó thôi. Rồi lẳng lặng đứa thư sinh báo với bà mẹ sáu chục tuổi: “Con chỉ đỗ sư phạm thôi”.

Người mẹ tái mặt: “Lại sư phạm nữa hả con, chị mày chưa...”. Tôi chỉ nghe đến đó thì không còn hứng thú nghe nữa.

Chính tôi, một đứa từng học trường sư phạm, giờ cũng có chút coi thường ngành này, huống chi những người mẹ chắt bóp dành dụm từng đồng lẻ để nuôi con, họ biết con họ đang chọn sự mong manh.

Người mẹ này là mẫu mực tần tảo ở chợ, đã nuôi ba đứa con đại học, thêm đứa vừa trúng năm nay nữa là bốn. Mà bà có buôn bán nhiều nhặn gì cho cam.

Chỉ một cái sạp tre cũ, trên đó bày mấy thứ ớt bột, tiêu tỏi, củ nén, lá thuốc... những thứ lãi lời tính bằng đồng bạc lẻ, thế mà bà vẫn quyết cho đứa út nhập trường sư phạm. Có lẽ sư phạm cũng là một sự an ủi đối với bà mẹ, vì ít ra ngành này giờ vẫn miễn học phí.

Chỉ có điều bà buồn vì đứa con gái thứ ba đã học sư phạm ra trường mấy năm chưa vào được biên chế, dạy hợp đồng chắp nhặt chỗ này chỗ kia.

Nghe người ta bảo tốt nghiệp sư phạm bây giờ phải “chạy” mới có chỗ mà dạy, không có chuyện xét tuyển công bằng đâu. Nhưng coi thứ hàng bà bán thì biết, lấy đâu ra tiền để chạy. Nên bà hoảng hồn khi biết tin lại thêm một đứa vào sư phạm.

Tôi rời chợ, ấn tượng với bà mẹ “bốn con đại học” không phải dáng hình ốm o hay khuôn mặt khắc khổ, mà là cái cân bà dùng để bán hàng.

Cái cân sắt có một chiếc dĩa tròn, móc vào ba sợi dây xích, trên cán cân móc quả tạ nhỏ. Đó là cái cân đòn xách tay bằng sắt thông dụng từ những năm chín mươi thế kỷ trước, đến giờ bà vẫn dùng.

Mấy món đồ bà bán, dù nhẹ như vài cái lá thuốc vấn hút cũng được bỏ lên dĩa để cân. Chắc chỉ tượng trưng thôi, chứ ai đi săm soi hơn thua mấy thứ nhẹ tưng và rẻ hều đó - tôi nghĩ vậy.

Nhưng có lẽ đó không hẳn là sự buôn bán trung thực của người mẹ quê, mà hơn thế, chắc bà vẫn tin sự công bằng còn giá trị, dù mong manh. Và hằng ngày bà vẫn cân những thứ mong manh đó để nuôi dưỡng những điều mong manh khác.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận