TTCT - Về nhiều phương diện, 2010 là một năm của châu Á. Nhưng trong năm 2011 này, hi vọng hòa bình hợp tác phát triển đang song hành với các khủng hoảng và biến động. Phóng to Dư luận chờ đợi kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào đầu năm 2011 tại Washington. Trong ảnh là cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Washington tháng 4-2010 - Ảnh: Reuters Kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, tuy còn chậm chạp và mong manh, một phần đáng kể nhờ sức bật của các nền kinh tế châu Á, tạo bệ đỡ cho kinh tế toàn cầu. Cựu thủ tướng Nhật Bản Taro Aso nói: “Ánh sáng đang phát đi từ châu Á”. Còn Thủ tướng Anh Gordon Brown nhận định cơ hội kinh tế đến từ phương Đông. Kinh tế thế giới chuyển dịch sang Đông Kinh tế Trung Quốc không phải chờ đến năm 2020 mới giành được ngôi vị á quân thế giới như nhiều dự báo mấy năm trước. Từ quý 3-2010, đất nước của 1,3 tỉ dân đã đạt tới mốc son này. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu trải qua ba năm đã làm suy yếu nghiêm trọng các thành trì tư bản chủ nghĩa. Trọng tâm kinh tế thế giới chuyển dịch từ Tây sang Đông. Kinh tế Trung Quốc không phải chờ đến năm 2020 mới giành được ngôi vị á quân thế giới như nhiều dự báo mấy năm trước. Từ quý 3-2010, đất nước của 1,3 tỉ dân đã đạt tới mốc son này. Ngày mà Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc không còn bao xa, nếu Mỹ không khắc phục được các vấn nạn trong cuộc khủng hoảng bắt đầu từ mùa thu 2008, để tạo ra một sức bật mới cho một đế chế đã từng vươn lên vị trí hàng đầu trong thế kỷ 20. Nhưng tại châu Á, không chỉ một con rồng Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ. Ấn Độ đã khẳng định được vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu. Ấn Độ theo sát Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng, giành được sự tôn trọng của các đối tác và đối thủ nhờ những thành tựu nổi bật qua cải cách kinh tế, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sức mạnh quốc phòng. New Delhi trước khi năm 2010 khép lại đã đón các nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ của tất cả năm nước lớn thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy các cơ hội đầu tư, thương mại và bán vũ khí. Còn phải kể đến Hàn Quốc, một quốc gia đất không rộng người không đông, biến khủng hoảng kinh tế toàn cầu thành cơ hội, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế và theo đuổi chiến lược phát triển với tầm nhìn và ý tưởng dẫn đầu khu vực. Trung - Mỹ đọ sức ảnh hưởng Trật tự châu Á - Thái Bình Dương tiền khủng hoảng càng trở nên bấp bênh. Bàn cờ địa - chính trị/kinh tế khu vực bị xáo trộn và đang được sắp xếp lại một cách rõ rệt. Vai trò toàn cầu của Mỹ bị thách thức trước hết tại Đông Á, bao gồm hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Đông Á đang trải qua sự cọ xát giữa hai cường lực: sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và nỗ lực can dự của Mỹ vào công việc của Đông Á. Trọng tâm nỗ lực quân sự của Trung Quốc là đẩy mạnh triển khai chiến lược biển cùng với việc phát triển hải quân viễn dương. Các cuộc thao diễn hải quân quy mô lớn của Trung Quốc đặt ra thách thức đối với vai trò độc tôn từ sau chiến tranh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ. Cách hành xử của Trung Quốc đã thúc đẩy phản ứng dây chuyền của các nước liên quan, thúc đẩy tập hợp lực lượng đan xen đa chiều, mà trong không ít trường hợp tỏ ra phản tác dụng đối với chiến lược của Trung Quốc. Khi Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường hiện đại hóa quốc phòng và đổi mới tư duy phòng thủ và tiến công, Mỹ là bên được lợi từ trạng thái chiến lược mới với sự can dự một cách có chọn lọc. Bộ ba Mỹ - Nhật - Hàn có tiềm năng phát triển thành một “tam giác thép” đối trọng với Trung Quốc. Đó là một liên minh không mong muốn nhưng có thể cần phải có, như lời một quan chức cao cấp của Chính phủ Mỹ phát biểu trên tờ Washington Post gần đây. Còn theo GS Vương Phàm - một nhà nghiên cứu Trung Quốc, cuộc đọ sức Mỹ - Trung hiện nay thực chất là cuộc đọ sức trong việc bao vây và chống bao vây tại khu vực xung quanh Trung Quốc, chứ chưa phải là một cuộc đấu sinh tử có ảnh hưởng đến phạm vi toàn châu Á - Thái Bình Dương. Trên bán đảo Triều Tiên, đến lượt Hàn Quốc áp dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh”. Nguy cơ chiến tranh nóng đang hiện hữu và cuộc chiến tranh lạnh gia tăng cường độ, nhưng các bên dường như đã nhận thức rõ hơn “làn ranh đỏ” trong một cuộc chơi mới. Hi vọng cuộc khủng hoảng sẽ sớm được tháo ngòi và các cuộc thương lượng về những vấn đề quan tâm sẽ mang lại một số kết quả tích cực trong năm 2011. Chạy đua hiện đại hóa quốc phòng Trong năm 2010, biển Đông trở thành một trong các vấn đề “nóng” với việc Bắc Kinh nâng vùng biển này lên hàng “lợi ích cốt lõi” và Mỹ đối trọng lại bằng việc khẳng định thuộc “lợi ích quốc gia”. Hội nghị cấp cao Trung Quốc - ASEAN Hà Nội 2010 đã thỏa thuận thương lượng về một bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) mang tính ràng buộc. Cuộc thảo luận này đang diễn ra, hi vọng có thể mang lại kết quả trong năm 2011. Tuy nhiên, giới quan sát bày tỏ lạc quan một cách thận trọng khi nhìn vào cách thức và định hướng không thay đổi của Trung Quốc trong triển khai chính sách Đông Nam Á/biển Đông gần đây. Trên lĩnh vực quân sự, những gì đang diễn ra tại châu Á cho thấy một cuộc chạy đua hiện đại hóa quốc phòng đang tăng tốc. Dẫn đầu quá trình này, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng pháo binh 2 (tên lửa), mở rộng tầm bắn, tăng cường độ chính xác và trọng tải của các giàn tên lửa chiến thuật và chiến lược; chuyển hóa và mở rộng hạm đội tàu ngầm; sử dụng các hệ thống cảm ứng, thông tin, chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng. Ấn Độ đầu tư quy mô lớn để phát triển tên lửa chiến lược, hải quân và hiện đại hóa lực lượng không quân với các chiến đấu cơ thế hệ mới thông qua hợp tác với Nga. Ấn Độ Dương cùng với Thái Bình Dương dần trở thành những vùng biển tranh chấp quyền bá chủ giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ. Châu Á là thị trường mua bán vũ khí tấp nập. Bên cạnh nhập khẩu vũ khí, các nước nhỏ và vừa ven biển đều quan tâm xây dựng lực lượng tên lửa độc lập, tiếp nhận công nghệ và thu hút đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Nước Nga tích cực tham gia thị trường vũ khí châu Á nhằm tăng thị phần đã bị giảm sút. Ngày 13-12, Chính phủ Nga cam kết dành khoảng 20.000 tỉ rup (gần 650 tỉ USD) để hiện đại hóa và trang bị thêm vũ khí cho quân đội nước này từ nay đến năm 2020, cũng như xây dựng các thế hệ vũ khí mới phục vụ xuất khẩu. Giá dầu tăng cao đang tiếp sức cho quá trình này. Tại Washington đầu năm nay sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Barack Obama và Hồ Cẩm Đào nhằm góp phần giải tỏa những căng thẳng trong quan hệ song phương, cũng như các vấn đề đa phương liên quan tới châu Á. Giới học giả Trung Quốc bắt đầu đề cập “cuộc mặc cả lớn” về kinh tế, an ninh và ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm phá vỡ sự thù địch và nghi kỵ lẫn nhau đang ngày càng tăng giữa hai nước. Không chóng thì chầy, Trung Quốc và Mỹ sẽ thương thảo nhằm định hình một cục diện mang lại sự ổn định mới cho mối quan hệ cộng sinh kinh tế nhưng đối địch quân sự giữa hai nước. Công việc này quả không mấy dễ dàng gì khi xem xét những yếu tố nội bộ phức tạp của mỗi bên trong sự tương tác, đan xen lợi ích với các quốc gia khác trong khu vực có nhiều trung tâm quyền lực và đa cực.
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Bà Trương Mỹ Lan nói chưa từng được ngủ với con, từ khi sinh ra đã giao cho vú nuôi ĐAN THUẦN 26/11/2024 'Thậm chí cho đến hôm nay, bị cáo vẫn chưa được ngủ với con của mình, vì từ khi sinh ra bị cáo đã giao nó cho bà vú để lao vào công việc', bà Trương Mỹ Lan nói lời sau cùng.