Chiến sự Ukraine: Lý tính và "ngày tận thế"

NHẬT ĐĂNG 25/10/2022 09:10 GMT+7

TTCT - Giới ra quyết định ở Nga hành động lý tính hay chịu tác động bởi cảm xúc trong cuộc chiến Ukraine? Đó cũng chính là câu hỏi về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân và xa hơn là tương lai mối quan hệ Nga - phương Tây.

Chiến sự Ukraine: Lý tính và ngày tận thế - Ảnh 1.

Thế lưỡng nan an ninh tạo ra một tình huống cân bằng hết sức mong manh mà những tính toán sai lập tức dẫn tới hệ quả khó lường. Ảnh: behance

"Tôi cho rằng ông ấy [Tổng thống Nga Vladimir Putin] là người hành động lý tính, chỉ là ông ấy đã tính toán sai" - Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời nhà báo Jake Tapper của CNN ngày 11-10, khi được hỏi ông có nghĩ ông Putin là người lý trí hay không. Câu hỏi và câu trả lời sau đó thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông cũng như giới phân tích chính trị quốc tế.

Ai đe dọa ai?

Khoa học chính trị, kinh tế học và các khoa học xã hội nói chung đều hướng tới những kết luận khái quát bằng mô hình hóa với tham vọng xây dựng lý thuyết không chỉ để phản ánh thực tại mà còn hy vọng dự đoán được tương lai. 

Các mô hình này thường dựa trên giả định rằng hành động của con người về cơ bản là duy lý (rational), tức dựa trên tính toán chi phí và lợi ích. Nếu không có giả định này, nhiều lý thuyết sẽ sụp đổ. Đây chính là "lý thuyết lựa chọn duy lý" (rational choice theory), trong đó "lý tính" được định nghĩa là cá nhân hành động có tính toán sao cho tối đa hóa lợi ích bản thân.

Trong suốt thời gian từ khi Nga nổ phát súng đầu tiên của "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào tháng 2 năm nay, tranh cãi về "lý tính" của ông Putin đã hâm nóng nhiều diễn đàn. 

Một luồng ý kiến phổ biến mô tả ông là người liều lĩnh, thậm chí hành động bất chấp. Nhưng cũng có luồng ý kiến khẳng định ông Putin không chỉ duy lý, mà còn duy lý tới mức "mọi chuyện đã nằm trong sự tính toán" của ông.

Ông Biden vừa rồi có vẻ vừa nêu ra một hướng phân tích khác, rằng ông Putin vẫn toan tính và cân nhắc đầy lý trí, chỉ có điều ông… tính sai. Đó có thể là sai lầm trong đong đếm phản ứng quốc tế, thái độ của phương Tây, hoặc sự chống trả của Ukraine. 

Tất nhiên, đó chủ yếu là phân tích của truyền thông phương Tây. Từ phía Nga, ta hầu như không thấy các bình luận về ý định, toan tính hay mục tiêu của giới lãnh đạo Nga, điều cũng dễ hiểu vì đây không chỉ là chuyện nhạy cảm, mà rất có thể còn là bí mật nhà nước.

Với thế giới, đây là câu hỏi rất quan trọng khi đề cập tới nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân. Mỹ và NATO đều đã cảnh báo những hậu quả "thảm khốc" nếu Nga dùng loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp đấy. 

Nếu Nga thực sự "phi lý trí", họ sẽ bất chấp hậu quả để chiến thắng bằng mọi giá ở Ukraine. Nhưng cho tới giờ thì chưa thấy dấu hiệu nào như thế. Dmitry Peskov, người phát ngôn của tổng thống Nga, thậm chí cáo buộc chính phương Tây đang khiêu khích khi cứ nhắc vấn đề hạt nhân như thể Nga sắp sửa "bấm nút" tới nơi.

Hơn nữa, Mỹ cũng chỉ úp mở về những biện pháp trả đũa. Kiểu nói chuyện nước đôi của ông Biden không làm vừa lòng chính truyền thông Mỹ. Sau cuộc phỏng vấn của CNN, truyền thông nước này vẫn tiếp tục đề nghị Nhà Trắng làm rõ phát ngôn của ông Biden, và Nhà Trắng vẫn từ chối.

Tương lai Nga - phương Tây

Cuộc tranh cãi ai đang đe dọa ai này giống một tranh luận khác ở bình diện rộng hơn: Trong quan hệ Nga - phương Tây, mối đe dọa từ Nga khiến NATO phải mở rộng, hay NATO mở rộng buộc Nga phải hành động?

Câu hỏi này tất nhiên cực kỳ nhạy cảm. Hầu hết giới học giả phương Tây không ủng hộ Nga và lên án gay gắt hành động tấn công Ukraine, gây ra một cuộc chiến giữa lòng châu Âu. Nhưng cũng có một nhóm học giả quan hệ quốc tế theo trường phái thực dụng chủ nghĩa (realism) khẳng định các phân tích và cảnh báo của họ đã bị phớt lờ một thời gian dài.

Nêu ra tình huống lưỡng nan về an ninh (security dilemma) trong quan hệ song phương, họ nhiều lần cảnh báo mở rộng NATO sẽ gây nguy cơ không tránh khỏi khiến Nga thấy phải hành động (bản chất hành động đó là một vấn đề khác). 

Tình huống này nảy sinh khi một nước thực hiện các động thái nhằm đảm bảo an ninh cho mình, nhưng chính các động thái đó đồng thời gây tổn thương cho an ninh nước khác.

"Rất dễ hiểu vì sao giới lãnh đạo Nga - chứ không phải mỗi Putin - xem sự mở rộng NATO là đáng báo động. Giờ đây rõ là bi kịch khi canh bạc này không sinh lời, ít nhất đối với Ukraine, và có thể là cả Gruzia", giáo sư Stephen Walt viết trên tạp chí Mỹ Foreign Policy. 

Ông Walt cũng cho rằng việc giới chức phương Tây mô tả ông Putin như một người hành động phi lý trí thực chất chỉ là hành động lấp liếm, nhằm che giấu sai lầm chiến lược của họ.

Sự khác biệt trong cách tiếp cận này xem ra còn lâu mới giải quyết được.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận