Chính quyền trên đầu súng và trên đầu lưỡi

ĐỨC HOÀNG 04/09/2016 17:09 GMT+7

TTCT - Tờ Time gọi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là “Donald Trump của châu Á”. Nhưng Trump chỉ cực đoan bằng miệng: một nhà buôn thì không thể so sánh với một chính trị gia đã tuyên án tử hình hàng nghìn người trước khi bước lên ghế tổng thống.

Bức ảnh Jennelyn ôm chồng Michael Siaron đã gây nhiều xúc động ở Philippines -inquirer.net
Bức ảnh Jennelyn ôm chồng Michael Siaron đã gây nhiều xúc động ở Philippines -inquirer.net


Sát thủ đến từ Davao

Đó là năm 2007. Một cậu bé 11 tuổi ở thành phố Davao tự tử vì nghèo. Lãnh đạo phe đa số tại hạ viện, Prospero Nograles cáo buộc Rodrigo Duterte, thị trưởng của Davao, đã chi quá nhiều tiền cho hoạt động chống tội phạm, thay vì dùng nó để xóa đói giảm nghèo.

Duterte xuất hiện trên truyền hình. Ông nhìn thẳng vào ống kính máy quay và hỏi đối phương: “Ông thích đánh nhau không? Thích tôi chiều. Cứ chọn đi. Thích kiểu gì? Tao sẽ tát mày, thằng khốn”.

Và khi bàn về lập luận của ông nghị Nograles về việc dùng ngân sách cho đói nghèo thay vì cho tình báo, vị thị trưởng nói: “Ăn hết đi, thằng ranh con. Tới đây mà uống hết xăng dầu tao cấp cho quân đội”.

Đó là một đoạn thoại nói lên cả tính cách lẫn cương lĩnh chính trị của Rodrigo Duterte từ ngày ông còn là một thị trưởng. Sự hung hăng đến mức gạt đi các nguyên tắc giao tiếp, sự ưu tiên tối thượng cho công tác chống tội phạm, và thật sự là Duterte thích đánh nhau.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm chính trị, với cha, ông và chú họ đều từng giữ các ghế thị trưởng, “cậu ấm” Duterte có thành tích bất hảo từ ngày còn đi học. Thân hình thấp bé nhưng không chịu khuất phục trong các cuộc đánh lộn. Bị đuổi học hai lần, trong đó có một lần ra khỏi trường trung học danh tiếng bậc nhất đất nước.

Thời học đại học, có lần Duterte đã rút súng bắn một người bạn học khi bị cậu này bắt nạt. Người bạn may mắn không chết, còn Rodrigo, con trai của ông thị trưởng, bằng cách nào đó vẫn được cho tốt nghiệp.

Người ta nói rằng Rodrigo Duterte là một con mọt sách. Nhưng những đầu sách yêu thích của ông là các tiểu thuyết kiểu Sidney Sheldon. Còn về học thuật thì ông chỉ vừa đủ “điểm sàn” để vượt qua kỳ thi sát hạch luật sư.

Trong lịch sử Philippines, 8 vị luật sư lên làm tổng thống thì có 3 người đỗ thủ khoa kỳ thi sát hạch đó, 2 người xếp thứ 2, thấp nhất cũng đứng thứ 7. Sự nghiệp chính trị của Rodrigo Duterte được xây dựng trên một chuỗi những hành động quyết liệt theo phương pháp tư duy giống đại chúng.

Trên toàn thế giới, Tổng thống Rodrigo Duterte nổi tiếng vì cho phép cảnh sát bắn chết các nghi can buôn bán ma túy nếu cảm thấy cần thiết. Nhưng có những bằng chứng cho thấy không phải đến giờ Duterte mới làm thế. Phương pháp luận của ông chưa bao giờ thay đổi.

Thời còn làm thị trưởng Davao, ông đã được cho là chỉ đạo “Đội hành quyết Davao”, một tổ chức ám sát đặc biệt, chuyên hành quyết những nghi can chưa bị kết án.

“Đội hành quyết Davao”, một tổ chức chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng, tập hợp các sát thủ tinh nhuệ được trang bị vũ khí tận chân răng. Họ được cho là tiến hành các cuộc hành quyết không qua tòa án với những nghi can buôn ma túy, hiếp dâm, giết người và những tội đặc biệt nghiêm trọng khác.

Có khoảng 1.400 người tại Davao đã bị giết theo kiểu “luật rừng” này. Tất nhiên có lý do để các tổ chức quốc tế nghi ngờ chính ông thị trưởng Rodrigo Duterte là người đã lập nên đội hành quyết: các tay súng của đội hành quyết xuất hiện đúng vào nhiệm kỳ đầu tiên của ông (năm 1998); bằng cách nào đó, họ có hồ sơ và nhân dạng của những mục tiêu đang bị cảnh sát điều tra và họ dễ dàng thoát khỏi lưới pháp luật sau hàng nghìn phi vụ trót lọt.

Nhưng người dân Davao yêu quý Rodrigo Duterte. Tỉ lệ tội phạm giảm, kinh tế khởi sắc. Ngay cả nếu ông thị trưởng có đứng sau một đội hành quyết thì nhiều người càng vì thế mà coi ông là một anh hùng.

Với sự bất chấp tất cả, kể cả luật pháp, để chống tội phạm, ông thị trưởng Rodrigo Duterte hiện lên như một cứu tinh trong bối cảnh người dân Philippines đã mất niềm tin vào hệ thống chính trị hiện tại.

Ông xuất hiện trong những chiếc áo phông, đi xe phân khối lớn (với súng giắt hông), ăn nói bỗ bã. Ông xa lạ với các sự vinh danh, từ chối cả danh hiệu “Thị trưởng xuất sắc nhất thế giới”. Bữa ăn của Rodrigo giản dị với các món ăn bốc theo kiểu truyền thống.

Ông ta đi thị sát hằng đêm bằng xe máy hoặc taxi, đến kiểm tra từng đồn cảnh sát, thậm chí còn tặng quà cho họ với lý do “để họ không phải nhận hối lộ”. Và trong lập luận của Rodrigo, nghe rất thấu tình người, thì cái chết chỉ là lựa chọn cuối cùng ông tặng cho những kẻ buôn bán và sử dụng ma túy.

Ông cam kết sẽ trợ cấp 2.000 peso/tháng (khoảng 1 triệu đồng) cho những con nghiện hứa sẽ cai và xây một trung tâm cai nghiện trị giá 250.000 USD bằng ngân sách thành phố.

Khác với Donald Trump, người thường xuyên nhắm vào các nhóm thiểu số trong xã hội dễ tổn thương với tư tưởng cánh hữu cực đoan, Rodrigo Duterte tỏ ra là một người thiên tả. Ông rất coi trọng các cộng đồng thiểu số, như người Lumad và người Hồi giáo, đặt ra các ghế phó thị trưởng riêng để đại diện cho các cộng đồng này tại chính quyền địa phương.

Ông chống lại việc phân biệt đối xử với người Hồi giáo (điều ngược lại hoàn toàn với Donald Trump). Ông ủng hộ quyền của người đồng tính. Trump và Duterte giống nhau đôi chút ở cách quan hệ công chúng với lối thể hiện rằng mình không phải là người làm chính trị.

Họ bỗ bã, phũ phàng với các chủ đề, và đề cao hành động. Nếu có một cơn bão lớn thì họ sẽ xuất hiện để thăm hỏi người dân đầu tiên. Sau trận bão Haiyan năm 2011, chính khách đầu tiên xuất hiện ở thành phố Tacloban không phải là tổng thống Philippines mà là Duterte, thị trưởng của Davao, một thành phố ở xa cơn bão.

Tuy nhiên, Rodrigo Duterte không phải là Trump, nếu không muốn nói là phần lớn đường lối chính trị đều ngược lại. Ông tạo ra cảm giác về một con người tôn trọng tất cả mọi thứ - trừ một thứ: quyền được xét xử của tội phạm.

Đội hành quyết Philippines

Rodrigo Duterte nhậm chức vào ngày 30-6-2016. Đúng một tháng sau, 465 nghi can và nghi phạm buôn bán ma túy bị giết.

Đó là khi Duterte quyết định rằng sẽ không chỉ có Davao có “đội hành quyết”, mà hợp pháp hóa việc giết các nghi can không cần xét xử, rồi nhân rộng hình thức ấy ra trong cả nước.

Hãy giết chúng. Bạn có thể gọi cho cảnh sát hoặc tự làm điều đó với súng của mình. Bạn có sự ủng hộ của tôi” - Duterte nói với người dân. Vị tân tổng thống phát động một cuộc chiến chống ma túy - theo đúng nghĩa của từ “chiến tranh”, với đầy đủ sự loạn lạc và mâu thuẫn giá trị.

Hình ảnh mạnh mẽ nhất của cuộc chiến mà Duterte phát động là một phụ nữ trẻ ngồi ôm thi thể của chồng cô trên đường phố Manila. Bên cạnh họ là một tấm bìa viết nguệch ngoạc chữ “PUSHER” (buôn ma túy).

Michael Siaron, một nghi can ma túy, đã bị bắn chết bởi một kẻ hành quyết đi xe máy. Jennelyn, người vợ, nói rằng chồng mình chỉ là một người lái xe lam để kiếm sống. “Anh ấy từng dùng ma túy nhưng không thể bán ma túy, vì chúng tôi rất nghèo, thậm chí còn không có gì để ăn” - người vợ nói trong nước mắt.

Và điều trớ trêu nhất trong bi kịch này là chính Siaron đã bỏ phiếu bầu cho Rodrigo Duterte ngày 9-5 vừa qua. Giờ vĩnh viễn chúng ta sẽ không biết được Siaron có thật sự buôn bán ma túy hay không, bởi anh ta sẽ không bao giờ được xét xử.

Tương tự là hàng nghìn người đã chết kể từ khi Duterte nhậm chức. Bức ảnh Jennelyn ôm chồng trong tay gây chấn động, người ta thậm chí so sánh nó với bức Pieta của Michelangelo, mô tả Mary ôm thi hài của Jesus.

Duterte phản ứng còn quyết liệt hơn. Ông tiếp tục kích động người dân tiếp tục cuộc chiến. “Hãy nỗ lực gấp đôi, thậm chí gấp ba nếu có thể. Chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi từng tên tội phạm đầu hàng, vào tù hoặc nằm xuống đất, nếu chúng muốn”.

Duterte nói rằng tội phạm ma túy không hề thương xót người dân, và không có lý do gì để thương xót chúng. Những cuộc tuyên án, rất nhanh, leo thang lên một cấp độ mới. Tổng thống cho công bố danh sách các quan chức “tình nghi” có liên quan đến tội phạm ma túy. Ngay sau đó, rất nhiều người trong số này ra đầu thú. Nhưng cũng nhiều người dù đầu thú vẫn kêu oan: họ nói rằng mình sợ chết.

Sự mềm dẻo trên biển Đông

Trái ngược với sự cực đoan trong cuộc chiến chống tội phạm trong nước, thái độ của Tổng thống Rodrigo với vấn đề tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông với Trung Quốc lại mềm mỏng một cách đáng ngạc nhiên so với người tiền nhiệm Benigno Aquino.

Một mặt, chính phủ của ông cương quyết khẳng định lập trường với phán quyết của Tòa trọng tài, nhưng mặt khác ông mở ra khả năng thương thuyết với Trung Quốc để đảm bảo lợi ích của Philippines.

Chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 8, Duterte tuyên bố với Trung Quốc rằng nếu họ xâm phạm lãnh hải của Philippines “sẽ có một cuộc chiến đẫm máu”. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, người ta lại thấy ông hạ giọng nói rằng Trung Quốc “nên đối xử với Philippines như anh em chứ không phải kẻ thù”, và ông không hề sẵn sàng cho chiến tranh.

Đến lúc này người ta tạm hiểu rằng Duterte đang muốn gây sức ép để có đối thoại đa phương với Bắc Kinh, bao gồm cả Mỹ, để đảm bảo lợi ích của mình tại Biển Đông. Nếu có được tiếng nói trước Bắc Kinh, theo nhiều nhận định, Philippines sẽ không quan tâm đến toàn cục Biển Đông, hay nói cách khác là vấn đề chung của ASEAN.

Tất nhiên, chỉ sau ba tháng nhậm chức là quá ngắn để nhận định hoàn toàn về con người và cương lĩnh của Rodrigo Duterte. Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực vẫn đang chăm chú theo dõi từng động thái của vị tổng thống kỳ lạ này - đặc biệt là khi Philippines sẽ trở thành chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2017.

Không chỉ an ninh nội địa mà an ninh khu vực cũng đang chịu ảnh hưởng của người đàn ông đang tự mình định nghĩa, qua đầu súng và đầu lưỡi, một khái niệm “an ninh” của riêng ông.■

Các tổ chức quốc tế vẫn đang liên tục lên án phương pháp chống tội phạm của Duterte. Liên Hiệp Quốc cũng đã có ý kiến về việc Philippines nên xét xử các nghi can tại tòa. Nhưng Duterte không muốn nghe bất kỳ ai, ông dọa rằng Philippines sẽ rời khỏi Liên Hiệp Quốc và cùng Trung Quốc lập một tổ chức quốc tế mới.

Sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao Philippines phải cải chính rằng đây chỉ là một cách diễn đạt cảm xúc của tổng thống, còn nước này không có ý định rời Liên Hiệp Quốc. Còn bản thân Duterte thì “chữa thẹn” với câu hỏi “quý vị không biết đùa sao?”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận