Chuyện "dán mắt" vào màn hình thời COVID-19: Dịch đủ mệt rồi, đừng làm khó con nữa !

HOA KIM 13/08/2020 19:08 GMT+7

TTCT - Khi bàn về screen time - thời gian đối diện màn hình (sử dụng tivi, máy tính, điện thoại...) - của trẻ, đặc biệt là trong mùa dịch COVID-19 khi các lựa chọn hoạt động thể chất bị hạn chế, nhiều chuyên gia cho rằng ba mẹ không cần quá khắt khe về thời lượng, mà hãy chú trọng nhiều hơn đến nội dung mà trẻ xem, tương tác.

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đều khuyến cáo trẻ dưới 1 tuổi tuyệt đối không tiếp xúc thiết bị có màn hình, từ 1-5 tuổi không nhìn màn hình quá 1 tiếng/ngày. Khuyến cáo từ các tổ chức khả tín chắc chắn đáng tham khảo, có điều chúng được đưa ra trong điều kiện bình thường và chưa tính đến tình trạng “bình thường mới” mà nhiều ba mẹ đang phải đối diện trước diễn biến khó lường của một đại dịch sẽ đi vào lịch sử.

Nghĩ lại về screen time

Hàng triệu ba mẹ trên khắp thế giới đang bị “nhốt” ở nhà cùng con cái vì các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội đặt ra để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19. Nhiều người buộc phải chuyển sang làm việc từ xa để giữ con nhỏ vì trường học đóng cửa. Họ sớm nhận ra không dễ để hoàn thành công việc chuyên môn bên cạnh một đứa trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ thích quấy phá, nghịch ngợm và quấn ba, quấn mẹ gây mất tập trung.

Trong hoàn cảnh đó, có lẽ ai cũng muốn “thảy” cho con mình một chiếc điện thoại, máy tính bảng hoặc cho phép con sử dụng máy vi tính, xem tivi thoải mái để bản thân được yên tĩnh làm việc. Một khảo sát công bố hồi tháng 4-2020 của Tổ chức ParentsTogether trên hơn 3.000 ba mẹ tại Mỹ cho thấy gần một nửa (48%) số trẻ là con của người được khảo sát dành hơn 6 tiếng/ngày trước màn hình, so với chỉ 8% lúc trước khi dịch bùng phát. Đây rõ ràng là sự lựa chọn dễ dàng và có thể là duy nhất của nhiều ba mẹ.

Anya Kamenetz, phóng viên mảng giáo dục của Đài phát thanh NPR (Mỹ) và là tác giả cuốn sách The Art of Screen Time (tạm dịch: Nghệ thuật thời gian sử dụng màn hình), viết cho báo The New York Times về trải nghiệm của cô từ một chuyên gia về nuôi dạy con cái với nhiều buổi thuyết giảng nhận ra mình “chẳng biết gì” về chủ đề này khi dành nhiều thời gian bên con hơn trong đợt dịch.

“Năm 2019, tôi bay tổng cộng 34 chuyến. Tôi ở khách sạn xịn, trang điểm, diện đầm tông màu quý phái rồi bước lên sân khấu, cố gắng tỏ ra bình tĩnh và nắm rõ những gì mình sắp thuyết giảng. Tôi nói với các bậc ba mẹ về 9 dấu hiệu lạm dụng công nghệ ở trẻ, như thức khuya để xem điện thoại, máy tính. Tôi khuyên họ nên cùng với con soạn một “hợp đồng gia đình” về thời gian sử dụng các thiết bị và tin tưởng nhưng phải kiểm chứng những gì con làm trên mạng” - Anya viết.

Đó là khi trong những chuyến đi xa để thuyết giảng, Anya không phải bận tâm về hai cô con gái nhỏ vì đã có ba chúng, ông bà và người vú em được thuê toàn thời gian để làm phần việc chăm trẻ. Còn bây giờ, Anya thừa nhận cô chưa lúc nào dành nhiều thời gian với con như trong 4 tháng vừa qua khi dịch COVID-19 hoành hành tại Mỹ và nhiều biện pháp phong tỏa được áp dụng.

Với thời gian biểu ken đặc hạn chót gửi bài hằng tuần, lịch lên sóng phát thanh bắt đầu từ 5h sáng và tin tức dồn dập 24/24 giờ bên cạnh nghĩa vụ chăm con, Anya nhận ra những gì mình rao giảng thật ấu trĩ và chỉ có thể áp dụng với những người hưởng các đặc quyền mà không phải ba mẹ nào cũng may mắn có được.

“Tôi muốn xin lỗi những người đã ở trong hoàn cảnh tương tự ngay cả khi trước dịch nếu họ cảm thấy bị đánh giá hoặc xấu hổ vì tôi, hay bất kỳ ai khác, đã ngụ ý rằng họ không phải là ba mẹ tốt nếu không áp dụng một “chế độ cân bằng lành mạnh” đối với thời gian sử dụng màn hình của con hoặc của chính mình” - Anya viết.

Chất quan trọng hơn lượng

Theo Anya, “thời gian” hay “thời lượng” là những khái niệm ngày càng mất đi ý nghĩa khi bàn về việc sử dụng các thiết bị công nghệ. Một hệ quả trước mắt của đại dịch là các giới giạn về thời gian nhìn vào màn hình - mà theo cô vốn cũng chỉ có các gia đình “có đặc quyền” là tuân thủ được - không còn tính thực tiễn.

Như trong tháng 3-2020, khi hầu hết trẻ em ở Mỹ được yêu cầu học trực tuyến, lượng người dùng truy cập ứng dụng gọi video Zoom tại nước này tăng gấp 3 lần và lượt sử dụng Google Classroom - nền tảng quản lý lớp học của Google - tăng hơn gấp đôi.

Ngay cả trước dịch, trẻ em trên thực tế đã dành thời gian đối diện màn hình cao hơn mức khuyến cáo nhiều lần, ít nhất là theo nghiên cứu tại Mỹ (xem bảng). Vậy ba mẹ có nên lo lắng khi con mình dành nhiều thời gian hơn bao giờ hết trước màn hình máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử trong giai đoạn này? Câu trả lời, theo giáo sư James M. Lang của Đại học Assumption (Mỹ), là không, “miễn là ta không để các thói quen mùa dịch trở thành thói quen vĩnh viễn”.

Theo giáo sư Lang, việc não bộ con người dễ bị phân tâm là hoàn toàn tự nhiên. Thay vì tìm cách loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng, trẻ em và cả người lớn có thể học cách sử dụng chúng lành mạnh hơn. Theo ông, ba mẹ cần lưu ý về ảnh hưởng của việc nhìn màn hình quá lâu đến thị lực và chất lượng giấc ngủ của trẻ, nhưng không nên bắt trẻ tránh xa mọi thiết bị số một cách cực đoan không cần thiết.

Thay vì nhìn các thiết bị công nghệ một cách tiêu cực, hãy đánh giá mặt tích cực của chúng là cho phép mọi người trên khắp thế giới làm việc, học tập và giao tiếp với những người thân yêu trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay.

Kẻ thù đích thực đối với sự phát triển lành mạnh của cả trẻ em và người lớn là một lối sống thụ động, tách biệt với xã hội và bị xao nhãng trong công việc, học tập. Sử dụng các thiết bị công nghệ vừa là nguy cơ làm trầm trọng các vấn đề này, vừa là giải pháp để hóa giải chúng.

Theo ông Lang, nếu trẻ sử dụng thời gian này để ngồi vào máy tính sáng tác tiểu thuyết, gọi video giữ liên lạc với người thân hay sử dụng hệ thống định vị GPS trên điện thoại để tham gia trò geocache (một dạng trò chơi đi tìm kho báu, trong đó người tham gia giấu các món đồ khác nhau tại các địa điểm công cộng và đưa ra chỉ dẫn để người chơi khác tìm ra chúng) thì những hoạt động này cần được khuyến khích thay vì cấm đoán.

“Nếu các lệnh hạn chế đi lại và hoạt động tiếp diễn trong nhiều tháng tới, ba mẹ có thể ủng hộ trẻ phát triển lành mạnh bằng cách khuyến khích các hành vi lành mạnh và sáng tạo - dù nó diễn ra trước màn hình máy tính hay không” - ông đưa ra lời khuyên.

Hãy gần con hơn

Đồng tình với quan điểm chú trọng việc trẻ làm trên máy tính, điện thoại hơn là đếm thời gian ngồi trước màn hình một cách cứng nhắc, bà Sonia Livingstone, giáo sư tâm lý xã hội tại Trường đại học Kinh tế London, đưa ra nguyên tắc 3 chữ N trong quản lý thời gian online của trẻ dành cho những người có con nhỏ: Nội dung, Nối kết và Ngữ cảnh (trong tiếng Anh là quy tắc 3C: Content, Connections, Context).

Về nội dung, cần ưu tiên các nội dung mang tính giáo dục và kích thích trí tưởng tượng thay vì tiếp nhận thụ động. Một ví dụ là các chương trình đọc truyện dành cho trẻ em trên YouTube, nơi trẻ có thể vừa nghe kể chuyện vừa đọc chữ hiện trên màn hình.

Việc nối kết với bạn bè và gia đình qua mạng cũng được Sonia đánh giá là cần thiết để trẻ phát triển giao tiếp xã hội (khi không thể gặp mặt trực tiếp) và không nên trừ vào thời gian cho phép sử dụng màn hình.

Cuối cùng là ngữ cảnh: ba mẹ cần nhìn vào tổng thể các hoạt động của con cái trong ngày để quyết định việc trẻ ngồi trước màn hình có thật sự đáng lo ngại hay không. “Nếu con bạn chạy nhảy cả ngày rồi về nhà xem một bộ phim dài hơn 2 tiếng hoặc chơi điện tử... ngữ cảnh ở đây là chúng đã vận động... Hãy đánh giá sự cân bằng giữa các hoạt động” - Sonia khuyên.

Người lớn cũng cần tạo sự gần gũi, cởi mở để trẻ cảm thấy thoải mái chia sẻ về các hoạt động trên mạng. Sonia ghi nhận nhiều thanh thiếu niên khi được hỏi bày tỏ rằng họ muốn được ba mẹ quan tâm hỏi han nhiều hơn để hiểu được tại sao mình thích một trò chơi hay một hoạt động nào đó trên mạng. Tác giả Anya Kamenetz ở đầu bài viết cũng khuyên ba mẹ nên “nhìn vào cảm xúc, đừng nhìn màn hình” của con mình.

“Hãy hỏi han con cái, hỏi chúng đang cảm thấy thế nào và giúp chúng định vị cảm xúc của bản thân” - Anya viết. “Thay vì tranh cãi với con vì dán mắt vào màn hình, hãy lại gần con và thỏ thẻ: Cho mẹ ôm con một cái nha? Ôm con khiến mẹ cảm thấy tốt hơn”.■

Não bộ có khả năng biến đổi để thích ứng với hoàn cảnh và hành vi của chúng ta - và trở lại như cũ khi những hoàn cảnh và hành vi đó không còn. Việc trẻ dành vài tháng nhìn màn hình nhiều vượt mức khuyến cáo sẽ không xóa đi các lợi ích của một tuổi thơ lành mạnh với thời gian sử dụng màn hình vừa phải và vận động tích cực.

GS James M. Lang (Đại học Assumption, Mỹ)

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận