Chuyện xây một cây cầu và những xúc cảm được đánh thức

LÊ QUANG 03/10/2021 17:00 GMT+7

TTCT - “Nhất cận thị, nhị cận giang”, lời khuyên cha truyền con nối ấy hối thúc con người cố bám lấy nguồn nước để sinh hoạt và trồng trọt, sau nữa là kiếm đường thủy để giao thương với nơi xa. Có sông có hồ thì phải có cầu bắc qua, dường như vì thế, những cây cầu đầu tiên có tuổi ngang với nền văn minh loài người. Khác với các công trình xây dựng khác từ bàn tay con người như lâu đài hay thành quách, cầu luôn đánh thức những cảm xúc khác hẳn.

Một cái cây đổ tạo ra mạch nối băng qua con suối hay vũng lầy, đó là cây cầu “trời cho” chứ không do con người tạo nên. 

Dĩ nhiên, người ta cũng nghĩ đến khả năng xếp vài thân cây sát nhau hoặc xếp đá thành từng đống gần nhau làm trụ bắc ván để đáp ứng nhu cầu qua lại giữa hai bờ nước cách nhau vài bước nhảy. 

Lịch sử cầu

Cây cầu toàn bằng gỗ có “tầm cỡ” lớn tuổi nhất được ghi trong sử La Mã là cầu Pons Sublicius ngang dòng Tiber ở một đoạn khá nông, được xây vào thế kỷ 7 trước Công nguyên. Nơi nào sâu quá thì người ta nối thuyền với nhau, gọi là cầu phao.

Cầu Krämer ở Erfurt (Đức), có lẽ là một “con phố mini” đáng yêu nhất tôi từng thấy, người đi qua cầu sẽ không hề nhìn thấy nước. Ảnh: Wikipedia.org

 Nhà biên sử Hy Lạp Herodot kể lại rằng vua Ba Tư Dareios Đại Đế trong cuộc chinh phạt dân Scythia, một bộ tộc thuộc Iran hôm nay, đã sai ghép thuyền cho đạo quân của ông vượt eo biển Bosporus sang tận châu Âu. Cũng trong cuộc chiến tranh đó, 70.000 lính của Dareios đã dùng cầu phao vượt sông Danube.

Gỗ thường có tuổi thọ ngắn, do đó cầu xếp từ các phiến đá được ưa chuộng hơn. Cầu Ngũ Lý ở Phúc Kiến được xây từ năm 1138 - 1151, với độ dài 2 cây số và giữ kỷ lục cầu dài nhất Trung Hoa đến tận năm 1905.

Cách mạng công nghiệp cùng các vật liệu mới như thép và bêtông cốt thép khiến kích thước của cầu chỉ còn là một câu hỏi về tài chính. Sách Guinness về kỷ lục thế giới cũng ghi nhận 9/10 cây cầu dài nhất thế giới nằm ở Trung Quốc và Đài Loan. 

Hôm nay ta biết cây cầu dài nhất thế giới là cầu Đan Dương - Côn Sơn 164.851m, nối Thượng Hải với Giang Tô. Thú thực là tôi khâm phục các con số kỹ thuật, nhưng nó vô hồn và lạnh lẽo, có thể dựng cây cầu đó lên ở bất kỳ đâu, Los Angeles hay Saint Petersburg, cũng chẳng có gì khác.

Xứ này còn một cây cầu kỷ lục khác: cầu Ni Châu Hà, cây cầu dây văng gần Lục Bàn Thủy, tỉnh Quý Châu, là cây cầu cao nhất thế giới với độ cao 564m tính từ mặt sông Bắc Bàn.

Những thành phố gần biển thường có nhiều cầu, như New York 2.891 cây, Hamburg 2.500, Venice 400..., cả đời người cũng chẳng đi xem hết.

Cảm xúc cầu

Khác với một ngôi nhà chọc trời hay một vịnh biển bao la - vốn chỉ là một ấn tượng thị giác, cầu luôn tạo cảm giác kết nối hay chia cắt. Bước qua “bên kia cầu” đã là một địa phương khác, một bầu không khí khác, thậm chí là một tín ngưỡng khác với “bên này”. 

Cầu nối liền hai bờ sông, bờ suối, đôi khi nối hai quốc gia như Anh và Bồ Đào Nha - ấy là dùng ngoa ngữ để chỉ Hong Kong và Ma Cao ngày nào, thậm chí còn nối hai châu lục như cầu Bosporus giữa châu Á và châu Âu.

Vậy nên, không khó hiểu vì sao hai đầu cầu Chương Dương cách nhau có 1.200 thước mà cứ như hai thế giới. Một dạo nhà tôi ở ngay đầu cầu, lỡ chân vào đến nội thành là bát phở, bắp ngô hay cốc nước mía cũng đắt hơn, dù không chắc ngon hơn. 

Trước đó tôi ở gần cầu Nhật Tân, không lần nào qua cầu tôi không chứng kiến ít thì đôi ba, nhiều thì cả chục xe máy hay thậm chí ôtô đỗ chình ình rìa đường bên phải để ghé xuống chụp ảnh lưu niệm. Quả thực nó là một cấu trúc dây văng rất sáng sủa và thanh mảnh, không hẳn độc đáo nhưng còn khá hiếm ở ta. 

Lai Viễn Kiều ở Hội An thì khỏi phải bàn, vì nó là ngôi chùa trên cầu thì đúng hơn, có lẽ dân địa phương phải tránh xa vì lúc nào cũng rầm rập du khách.

Mà chẳng chỉ ở ta, vốn hay bị trách oan đại trà là dân trí chưa cao, ở nước ngoài mỗi khi một cây cầu mới khánh thành là nhà chức trách thường phải bỏ khai thác cả tuần lễ để những người tò mò đến ngắm nghía và chụp ảnh. 

Nhà này xanh thì cái bên cạnh đỏ, không thích cái này thì ta ngắm cái khác, chứ cầu thường một mình một cõi. Như đã nói, nó đánh thức nhiều cảm xúc lắm.

Kiến trúc cầu

Rời thủ đô mà vượt qua sông Hồng thì hiện đã có 8 cây cầu, nghe nói đang quy hoạch thêm cả chục cây nữa mới tạm đủ giải tỏa các cục dồn ứ vào giờ tầm. 

 
 Cầu Đan Dương - Côn Sơn ở Trung Quốc, không dành cho người yếu tim hoặc sợ nước mà phải đi ngót 165 cây số mới hết. Ảnh: Pinterest

 Mấy hôm nay thấy dân tình bàn tán nhiều về cây cầu Trần Hưng Đạo, tôi tò mò phải tìm các ảnh trên mạng. Thôi thì, xấu đẹp do mắt người xem, song trước tiên tôi thấy cái tên gọi “phong cách cổ điển Đông Dương” có vấn đề.

Thứ nhất, về mặt nghệ thuật tạo hình thì nó có dáng dấp kiến trúc tân cổ điển. Trong kiến trúc phong cách vào khoảng những năm 1900 này được coi như bước chuyển mình từ cổ điển sang hiện đại. 

Nó chẳng có gì đặc trưng, ngoài các cấp độ khác nhau của sự pha trộn giữa hai trào lưu. Tân cổ điển là một hướng đi khá phiêu lưu, thiếu truyền thống lẫn tiếp thu nghiêm túc mà chệch một li là nó chẳng tân chẳng cổ, hay nói một cách dân dã là “giả cổ” như mấy cái tháp củ hành nhà trọc phú hay đồ gỗ Đồng Kị ngay.

Lại còn gắn thêm mác Đông Dương vào thì khó nghe lắm. Theo tôi đoán, tác giả bản thiết kế không định và không thể nhấn mạnh ý nghĩa địa lý, vì bán đảo Đông Dương thực tế ngoài Việt Nam bao gồm cả Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia (không kể phần đất Singapore sau này). 

Ngày xưa ở đây chỉ có hai nước lớn là Trung Quốc và Ấn Độ nên phương Tây gộp tất cả thành Đông Dương, tức Indochina hay bán đảo Trung - Ấn.

Ngắm nét nổi bật nhất là hai tháp trụ đầu cầu thì chẳng có gì liên quan đến phong cách xây dựng của các nước nêu trên cả. Vậy thì các tác giả định ám chỉ Đông Dương theo nghĩa Đông Dương thuộc Pháp chăng? 

Năm 1887, người Pháp khi thuộc địa hóa xứ này đã lập ra Liên bang Đông Dương (Union indochinoise hay sau này Fédération indochinoise), tức là Đông Dương thuộc Pháp.

Họ để lại nhiều công trình kiến trúc mang dáng dấp tân cổ điển Pháp, đơn giản vì rơi đúng thời điểm lịch sử năm 1900. Xấu đẹp thì tùy cách nhìn, nhưng chúng còn chút ảnh hưởng rơi rớt đến tầng lớp kiến trúc sư Việt Nam sau này. 

Tuy nhiên, dùng khái niệm “Đông Dương” mà gợi nhớ “Đông Dương thuộc Pháp” e rằng không hay!

Tương lai cầu

Cầu Trần Hưng Đạo đi thẳng vào phố cổ Hà Nội - một quần thể kiến trúc độc đáo, dù đã xuống cấp và bị lai căng ít nhiều - lại cũng là một công trình trường thọ, do đó cần có một cuộc “đấu xảo” rộng rãi để đừng mọc ra một thứ mà sau này bỏ thì thương, vương thì tội. 

Lịch sử đã cho thấy nhiều chuyện dở khóc dở cười. Tháp Eiffel, được xây cho Triển lãm thế giới 1889 ở Paris và kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp, bị phản đối dữ dội bởi những tên tuổi nặng ký như Alexandre Dumas hay Guy de Maupassant, lẽ ra chỉ được đứng đó 20 năm rồi phá bỏ làm sắt vụn vì chẳng có công năng gì ngoài... đứng đó! 

Rồi thì người ta giữ nó lại để phát sóng radio và dần dần quen mắt, nay không thể hình dung ra Paris thiếu Tháp Eiffel.

Tương tự như không thể tưởng tượng ra Hà Nội vắng bóng Tháp Rùa. Mấy ai nhớ Tháp Rùa do một thầu xây dựng là Bá hộ Kim được người Pháp cho phép xây, nghe đồn định lén đưa tro cốt của cha mẹ vào đất thiêng. 

Đơn thuần về kiến trúc thì quả là một thảm họa: chẳng ra am cũng không phải miếu, các ô cửa có đỉnh vuốt nhòn nhọn như Gothik, có lẽ học đòi xu thế từ Pháp qua, gọi là “giả cổ” còn là lịch sự.

Tôi nêu hai ví dụ trên, kỳ thực chỉ để nhấn mạnh một ý: bất kể cây cầu Trần Hưng Đạo có vóc dáng gì và đáp ứng công năng giao thông đến đâu, chỉ vài bữa là người ta sẽ quen mắt và hết bàn tán, và đó là sự nguy hiểm của một tư duy quy hoạch ăn xổi ở thì. 

Tháp Eiffel là một điều may mắn, Tháp Rùa nay cũng là niềm tự hào của cả nước - song giá mà cả hai không chỉ tồn tại bởi thói quen, mà có những giá trị cơ bản cao về công năng và thẩm mỹ thì vẫn hay hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận