"Cò" và thói "quen biết"?

DƯƠNG VĂN MINH LỘC 24/07/2012 20:07 GMT+7

TTCT - Dân mình hễ đi tới đâu là kiếm liền “người quen”... để làm giấy tờ nhà, thuế vụ, hải quan, mua bán xe, tìm trường cho con...

Phóng to
Một “cò” hoạt động tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Đó là một hệ quả tất nhiên khi xã hội ta còn tồn tại nhiều yếu kém chưa thể giải quyết dứt điểm được như hối lộ, tham ô, nhũng nhiễu, hạch sách của một vài nhân viên chính quyền, y tá, bác sĩ vô đạo đức. “Cò” sinh ra từ đây. “Cò” lộng hành, kiếm chác được nhờ hai vế của một phương trình nan giải, đó là tâm lý dân chúng và vài tổ chức xã hội chưa hoàn chỉnh. Nếu một trong hai vế này triệt tiêu là coi như “cò” biến mất.

Nhưng muốn tâm lý dân chúng bỏ dần nếp “quen quen, nhờ nhờ” thì Nhà nước ta phải có biện pháp cải tiến một vài khâu ở cơ quan công quyền. Như “cò” bệnh viện nhởn nhơ ở vài bệnh viện trung tâm thành phố vì các bệnh viện này quá đông bệnh nhân, nhất là khâu nhận bệnh cho tới khâu khám, chữa, hết sức nhốn nháo.

Một bệnh nhân nghèo ở tỉnh muốn vô khám bệnh sớm để kịp về xe trong ngày khỏi tốn tiền mướn phòng trọ thì không cách nào đành phải qua “cò”. Vì họ đón chuyến xe sớm nhất từ quê là 3-4 giờ sáng đi nữa thì tới bệnh viện đã là 7-8 giờ, mà giờ đó đã có cả trăm bệnh nhân khác đứng xếp hàng trước họ, lấy thẻ chỉ có nước đợi hôm sau mà chưa chắc đã lọt vô cái cửa kín mít người là người kia.

Thế thì tại sao bên cạnh chính sách đầu tư cho máy móc, tăng thêm bác sĩ cho các bệnh viện tuyến dưới, ta không áp dụng một phương pháp tiên tiến cực kỳ rẻ tiền mà triệt tiêu hẳn “cò” bệnh viện. Đó là đăng ký khám bệnh qua điện thoại di động bằng số chứng minh nhân dân:

1- Nhà nước sẽ thông báo và hướng dẫn cách đăng ký này trên toàn quốc cho tất cả bệnh viện và dân chúng.

2- Bệnh nhân chỉ cần gọi điện thoại đến bệnh viện mà mình muốn khám. Điện thoại tự động thông báo các phím cần bấm, chẳng hạn: “Muốn khám khoa nội tiêu hóa yêu cầu bấm phím 201, khoa tim mạch bấm phím 202…”. Sau khi bấm phím khoa cần khám xong, tự động máy sẽ yêu cầu “Vui lòng nhắn tin tên bệnh nhân - tuổi - số chứng minh nhân dân vào số...” sau đó chờ nhận tin nhắn báo ngày giờ khám bệnh và mã số khám bệnh, số phòng, khoa khám trong chốc lát.

Máy tính kết nối với tổng đài điện thoại sẽ dùng chương trình sàng lọc, xếp lịch khám bệnh và báo ngay cho bệnh nhân kèm theo: “Vui lòng đến đúng ngày giờ khám, nếu không bệnh viện chúng tôi sẽ từ chối mọi sự chậm trễ”. Toàn bộ chu trình này hoàn toàn tự động, nhân viên bệnh viện hay “cò” gì gì cũng không thể xen vô. Đúng ngày giờ đến bệnh viện, bệnh nhân chỉ cần đến tận phòng X, lầu Y, khoa N và đưa chứng minh nhân dân là coi như được khám bệnh.

3- Riêng chuyện sắp xếp giường bệnh, lên lịch mổ... thuộc về “cò nội” trong bệnh viện thì phải nhờ tới các biện pháp cứng rắn triệt để. Chỉ cần một bệnh nhân tố giác bị dìm, bị kéo dài ngày giờ lên bàn mổ, không sắp giường nhập viện... thì từ trưởng khoa cho tới toàn bộ y tá, điều dưỡng của bộ phận liên quan sẽ bị kỷ luật, trừ lương, thậm chí cách chức nếu vụ việc nghiêm trọng…

Phương pháp mà tôi thiển ý đề xuất chẳng mới mẻ gì so với cái mà thế giới đã áp dụng nhưng không biết sao chưa thấy áp dụng. Mong được góp một chút để diệt tận gốc “cò” bệnh viện - một loại “cò” vô lương tâm nhất trong các loại “cò”, giúp dân ta quen dần với chuyện “lạ vẫn được đối xử tốt không cần quen”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận