Con tàu đường sắt đang giật lùi 

ĐỨC PHÚ 26/06/2018 22:06 GMT+7

TTCT - Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2017 khi lĩnh vực đường bộ, đường thủy, đường hàng không đều có số lượt hành khách tăng trưởng thì vận tải đường sắt giảm 3,5% so với năm trước. Nhưng liệu đường sắt đã thoát đáy, chặn đà tụt dốc sau nhiều năm như lãnh đạo ngành đường sắt tuyên bố trong buổi họp tổng kết năm 2017?

Sau gần 140 năm tồn tại, con tàu đường sắt ngày càng giật lùi, lượng khách đi tàu ngày một sụt giảm. Ảnh: Quang Định
Sau gần 140 năm tồn tại, con tàu đường sắt ngày càng giật lùi, lượng khách đi tàu ngày một sụt giảm. Ảnh: Quang Định

 

Tính từ năm 2013 (với hơn 12 triệu lượt khách) tới năm ngoái, ngành đường sắt đã “chia tay” khoảng 2,6 triệu lượt khách (còn hơn 9,4 triệu). Tương tự, lượng hàng hóa trong cùng thời gian trên cũng giảm từ 6,5 triệu tấn (2013) nay chỉ còn 5,6 triệu tấn. Những năm tới, khi đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành hoàn thành cùng sự ra đời một số hãng hàng không giá rẻ, “sân chơi” cho đường sắt sẽ càng thu hẹp.

Từ lỗ đến lỗ

Báo cáo tổng kết năm 2017 cho thấy doanh thu toàn Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) đạt 8.172 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 154 tỉ đồng. Trong đó doanh thu của công ty mẹ hơn 2.550 tỉ đồng, lợi nhuận trên 117 tỉ đồng. Phần doanh thu còn lại chủ yếu từ hai công ty: Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty Đường sắt Sài Gòn.

Với Công ty Đường sắt Hà Nội, sự cạnh tranh từ phương tiện đường bộ, hàng không đã làm lượt khách đi tàu giảm không phanh. Các tuyến đường sắt có lợi thế trước kia nay bị cạnh tranh gay gắt như tuyến Hà Nội đi Lào Cai, Hải Phòng, Vinh... Năm 2013 có tới 6,7 triệu lượt khách lên tàu, năm 2017 chỉ còn xấp xỉ 5,3 triệu lượt khách, giảm 1,4 triệu lượt.

Công ty này nhìn nhận: năng lực cạnh tranh còn hạn chế, tư duy chưa bắt kịp với tình hình thị trường, phương tiện cũ kỹ, nhà ga xuống cấp... Cộng thêm hệ thống đường đơn, năng lực chạy tàu kém... dẫn đến phát sinh chi phí điều hành, chi phí sức kéo, dẫn đến không thể cân đối được thu chi. Năm qua, công ty đã cắt giảm tần suất hoặc ngừng chạy một số đoàn tàu không hiệu quả nhưng tình hình kinh doanh vẫn hết sức bi đát, lỗ gần 88 tỉ đồng. Họ chỉ hi vọng năm nay thoát lỗ và có lãi hơn 2,5 tỉ đồng.

Ở địa bàn phía nam, Công ty Đường sắt Sài Gòn cũng đang trong tình trạng “ốm yếu”. Năm qua, công ty này làm ra gần 1.870 tỉ đồng sau nhiều nỗ lực “thắt lưng buộc bụng”, nhưng chỉ lãi hơn 11 tỉ đồng. Mà để có con số lãi trên, Công ty Đường sắt Sài Gòn đã phải phân bổ một số khoản chi phí ra nhiều kỳ, thay vì hạch toán luôn trong năm vừa rồi. Dù có lãi, nhưng nếu tính tỉ suất lợi nhuận trên vốn và trên doanh thu thì còn thấp hơn cả lãi suất huy động vốn của ngân hàng thương mại.

Tự dự báo năm nay tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục khó khăn, khả năng tăng trưởng doanh thu không cao do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với loại hình vận tải khác trong khi năng lực nội tại chưa có chuyển biến khả quan, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu trên 2.000 tỉ đồng, tăng 138 tỉ đồng so với năm trước nhưng lợi nhuận thì giảm, chỉ còn 10 tỉ đồng do nhiều chi phí tăng và phát sinh.

Đánh giá hiệu quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2018, công ty nhìn nhận: mặc dù doanh thu có tăng trưởng nhưng chủ yếu do điều chỉnh giá vé tăng 10% so với cùng kỳ 2017. Nguyên nhân cũng được họ xác định: chính sách giá vé cao đã làm giảm sức cạnh tranh, dẫn đến số lượt khách đi tàu sụt giảm.

Từ năm 2013-2017, lượng khách đi tàu sụt giảm khoảng 2,6 triệu lượt. Ảnh: Quang Định
Từ năm 2013-2017, lượng khách đi tàu sụt giảm khoảng 2,6 triệu lượt. Ảnh: Quang Định

 

Dư thừa lao động

Sự “thụt lùi” trong kinh doanh của ngành đường sắt đã ảnh hưởng đến “nồi cơm” của nhiều người lao động ngành này. Các chuyến tàu ngày một thua lỗ, dẫn đến đời sống người lao động hết sức khó khăn, đặc biệt tại Công ty Đường sắt Hà Nội. Hiện toàn ngành đường sắt có hơn 26.000 người lao động đang làm việc tại VNR hàng chục công ty con và các chi nhánh trực thuộc VNR.

Tuy nhiên, chỉ riêng Công ty Đường sắt Hà Nội đã có tới 4.678 người lao động. Việc ít người đông, “nồi cơm” không còn như xưa nên một số chi nhánh vào thời gian thấp điểm mỗi người chỉ làm được 14-15 ngày mỗi tháng. Hiện công ty thừa khoảng 1.000 nhân viên.

Tháng 3-2018, lãnh đạo Công ty Đường sắt Hà Nội tổ chức góp ý quy chế theo hình thức “lá lành đùm lá rách”: vận động người ở lại đóng góp cho người ra đi. Dự thảo quy chế nêu việc đóng góp trên tinh thần tự nguyện để hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, tìm công việc mới. Mức đóng góp sẽ được lấy từ người lao động tới lãnh đạo (trừ người nghỉ thai sản, người tạm hoãn hợp đồng) là 100.000-500.000 đồng/tháng. Người lao động ra đi tùy từng trường hợp sẽ được quỹ này trợ cấp 10-25 triệu đồng/người.

Một cán bộ thuộc Công ty Đường sắt Hà Nội đánh giá việc vận động đóng quỹ tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm việc làm mới là chủ trương đáng hoan nghênh. Nhưng với giai đoạn này, mức thu nhập người lao động khá bấp bênh, có đơn vị bình quân người lao động chỉ nhận 3,5 triệu đồng/tháng.

Hằng tháng còn phải cấn trừ tiền tạm ứng vay ăn Tết Nguyên đán vừa qua, nên số tiền lương còn lại khá ít ỏi. Nếu trích tiền đóng góp, số tiền thực lãnh để nuôi vợ con không còn được bao nhiêu, dễ phát sinh tâm lý không tốt trong đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Nhà nước sẽ trợ giá tàu phục vụ dân sinh

Theo nghị định 65 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đường sắt 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2018), ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp trong các trường hợp phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, phục vụ an sinh xã hội (đoàn tàu địa phương).

Việc hỗ trợ này nhằm đảm bảo bù đắp chi phí hợp lý để doanh nghiệp cân đối được thu chi và không tính đến lợi nhuận. Chi phí hợp lý của doanh nghiệp được xác định và thống kê đầy đủ, cụ thể cho từng chuyến tàu trên từng tuyến, khu đoạn đường sắt. Hằng năm, Bộ GTVT sẽ làm đầu mối cho vấn đề này.

Đây được xem là “cứu tinh” để công ty vận tải duy trì các tuyến đường sắt phục vụ dân sinh mà những năm qua phải bù lỗ. Cụ thể, Công ty Đường sắt Hà Nội đang phải phụ trách quá nhiều tuyến đường không có hiệu quả chạy tàu, chủ yếu phục vụ dân sinh ở phía Bắc như: Hà Nội - Đồng Đăng, Long Biên - Quán Triều, Yên Viên - Hạ Long... đang bị đường bộ cạnh tranh khốc liệt, số lượng khách đi tàu ngày một sụt giảm. Tính riêng năm 2017, công ty này phải bù lỗ cho tàu dân sinh khoảng 20 tỉ đồng.

Những năm trước đó, số tiền bù lỗ cho các tuyến trên lên đến hàng trăm tỉ đồng. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2018, Công ty Đường sắt Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát và cắt giảm các đoàn tàu chạy không hiệu quả để giảm chi phí, đồng thời đề xuất các cấp thẩm quyền nhằm trợ giá. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về đường sắt, việc ngân sách hỗ trợ chi phí ra sao cần được tính toán thêm sao cho có hiệu quả thực sự, có lợi cho hành khách đi tàu.■

Đầu tư toa xe mới: lo dự án ngưng giữa chừng

Theo lộ trình đầu tư ngành đường sắt giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010..., ngành đường sắt cần hơn 4.000 tỉ đồng để đầu tư phương tiện đường sắt.

Hai công ty là Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn muốn tăng hành khách phải thay đổi dịch vụ và đặc biệt đầu tư mới phương tiện để thay các đoàn tàu già nua kém chất lượng, sửa chữa quanh năm. Từ năm 2016 đến nay, hai công ty trên đã đóng khoảng 135 toa tàu với tổng số vốn hơn 1.440 tỉ đồng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Hầu hết số tiền đầu tư đều được đi vay ở các ngân hàng thương mại.

Theo kế hoạch, năm nay Công ty Đường sắt Sài Gòn chỉ bố trí được khoảng 40 tỉ đồng, trong khi phương án đầu tư 30 toa tàu mới cần khoảng 310 tỉ đồng. Sau khi cân nhắc, công ty chọn giải pháp chỉ đầu tư 15 toa tàu nhưng giãn dần, sang đầu năm 2019 mới thực hiện nhằm giảm áp lực chi phí. Tuy nhiên, việc vay nguồn vốn đầu tư cũng đang vấp phải khó khăn do vướng mắc về thủ tục, hạn mức cho vay, chứng minh hiệu quả đầu tư.

Còn Công ty Đường sắt Hà Nội năm 2017 đóng mới 30 toa xe với tổng số vốn khoảng 314 tỉ đồng. Số tiền đầu tư phần lớn đi vay ở các ngân hàng thương mại. Trong năm 2018, tình hình tài chính khó khăn nhưng công ty vẫn tiếp tục đóng thêm 30 toa xe mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, các ngân hàng không mặn mà cho vay do không có tài sản bảo đảm, vì thế tổng công ty phải đứng ra bảo lãnh. Báo cáo từ ban kiểm soát của Công ty Đường sắt Hà Nội cảnh báo: việc đóng mới các dự án toa xe cũng phải có lộ trình, bởi nếu đầu tư không hiệu quả có thể dẫn đến dự án ngưng giữa chừng.

Trong kết luận về giải pháp kinh doanh năm 2018, lãnh đạo ngành đường sắt cũng yêu cầu đối với các dự án đóng mới toa tàu, hai công ty đường sắt Hà Nội và Sài Gòn phải cân nhắc đến hiệu quả đầu tư, cân đối khả năng tài chính và thu hồi vốn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận