COVID-19: Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm?

DANH ĐỨC 15/05/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Tháng 5 bắt đầu với những nhánh hoa linh lan màu trắng được trao cho nhau để chúc may mắn, đuổi đi những xui xẻo mùa đông theo truyền thuyết. Tháng 5 năm COVID thứ nhì đã là như thế với chút ánh sáng cuối đường hầm ở Mỹ…

Ở đó, tác dụng tích cực của các vaccine ngừa COVID-19 đã được nhân rộng hôm thứ hai 10-5 sau quyết định của Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech với lứa tuổi 12-15. Từ 11-12-2020, FDA đã cho phép chích ngừa cho người từ tuổi 16 trở lên.

Từ tháng 3, Ấn Độ đã bắt đầu mở rộng diện chích ngừa vaccine từ nhân viên y tế sang người trên 60 tuổi. Ảnh: AFP

 

Làm gì cho hết?

Không có số liệu cụ thể về lứa tuổi 12-15 này, song vẫn có thể mượn số liệu của child.stats.gov về nhóm tuổi 12-17 là 25,2 triệu người. 

Tin trên được đưa ra chỉ một giờ sau khi CDC Hoa Kỳ loan báo trên Twitter khẳng định: “Vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả” và rằng tính đến ngày 10-5, 152,8 triệu người ở Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vaccine. 115,5 triệu người được chích đầy đủ, trên một tổng dân số là hơn 332 triệu người, tức khoảng 34,4%. 

Tối 9-5, trên CNN, cố vấn cao cấp của Nhà Trắng Jeff Zients tiếp tục loan báo: “Tính đến sáng nay, chúng ta có 58% người Mỹ trưởng thành đã được tiêm ít nhất một mũi”.

Mỹ là một quốc gia vĩ đại về mặt địa lý, trải rộng trên diện tích đến gần 9,4 triệu km2 với những truyền thống văn hóa xã hội, trình độ phát triển kinh tế, chủng tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị… hết sức phức tạp. 

Một kết quả tốt trên bình diện cả nước không có nghĩa là tốt đẹp đều cho mọi tiểu bang. Hơn thế nữa, lòng người chưa hẳn đã đồng thuận hết với chính sách chích ngừa toàn dân của chính quyền Joe Biden.

Nếu tra Google xem tiểu bang nào có tỉ lệ chích ngừa cao nhất và thấp nhất, có thể mượn tạm New Mexico và Alabama để nhận ra rằng không dễ khiến dân Mỹ đồng lòng. 

Theo CDC, tính đến ngày 10-5, New Mexico là tiểu bang có tỉ lệ chích ngừa đông nhất, Alabama xếp chót, với khoảng cách rất xa. Tỉ lệ liều vaccine đã sử dụng/liều được phân phối ở New Mexico là 91,24%, trong khi ở Alabama chỉ là 64,72%.

Quan điểm chính trị góp phần không nhỏ giải thích cho sự chênh lệch này. Dò lại kết quả cuộc bầu cử vừa qua, có thể thấy New Mexico là nơi Đảng Dân chủ thắng áp đảo với 54,3% số phiếu; trong khi Alabama lại có tới 62% cử tri bỏ cho ông Donald Trump bên Cộng hòa.

Sự từ chối chích ngừa ở những nơi như Alabama đặt ra một vấn đề nhức nhối: làm gì cho hết số vaccine dư thừa hoặc bị từ chối, có khi sắp hết “đát”, trong khi nhiều nước vẫn đang mòn mỏi đợi chờ, nhiều nơi thậm chí tỉ lệ chích ngừa chưa đầy 1%?

Một điểm tiêm vaccine "vắng khách" ở Birmingham, Alabama, Mỹ. Ảnh chụp ngày 3-5. Ảnh: AP

 

Viện Brookings hôm 4-5 đăng một bài của giáo sư thương mại quốc tế Simon J. Evenett, nêu ra câu chuyện bức xúc này: “Viễn cảnh Hoa Kỳ đang có từ 0,5 đến 1 tỉ liều vaccine dư thừa tới cuối năm nay sẽ tô màu các cảm nhận về chính quyền Biden. 

Do vấn đề phân phối vaccine sao cho công bằng đã trở nên hết sức nhạy cảm, gần như chắc chắn các mục tiêu chính sách kinh tế đối ngoại và quốc tế của chính quyền Biden sẽ bị tổn hại nếu như vấn đề này được xử lý không tốt”.

Ông Biden dễ há miệng mắc quai lắm. Ông nói nay sẽ đưa nước Mỹ trở lại vị trí thống lĩnh, vậy thì làm gì với lượng vaccine thừa mứa - nhất là khi các nhà máy ở Mỹ sắp sản xuất dư lượng thuốc cần để chích ngừa cho dân Mỹ - là điều phải tính sớm. 

Tới giờ, Washington mới chỉ cho hai láng giềng Canada và Mexico vay 4 triệu liều từ hồi tháng 3. Sau đó, tới thượng đỉnh Quad 12-3, ông Biden đề xướng kế hoạch cung cấp 1 tỉ liều cho ASEAN, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa vào cuối năm 2022, sản xuất bởi Ấn Độ bằng công nghệ của Hoa Kỳ, nguồn tài chính của Nhật Bản và Hoa Kỳ, và khả năng hậu cần của Úc.

Giờ thì Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á đang oằn mình vì dịch, câu chuyện sản xuất vaccine tại Ấn tạm ngưng bàn đến, mà bàn đến chuyện cung cấp 60 triệu liều vaccine AstraZeneca “cứu tế”. 

Từ đây tới 20-6, trễ nhất là 18-7, Mỹ dự kiến sẽ sản xuất đủ thuốc chích ngừa cho toàn bộ dân Mỹ trưởng thành, theo lời ông Biden hứa trước Lễ Độc lập 4-7; sau đó là 500 triệu liều gối đầu nữa, dự kiến xuất xưởng khoảng 18-10…

Nhưng cũng phải nhắc rằng Mỹ không phải một mình một cõi. Trung Quốc cũng đang đứng trước viễn cảnh dư thừa vaccine.

Càng chích ngừa sớm càng an toàn

Hôm 7-5 tuần rồi, GAVI - Liên minh Vaccine toàn cầu - do Quỹ Bill & Melinda Gates sáng lập, hợp tác với WHO, UNICEF, World Bank…, đăng một bài viết hô hào “Đẩy nhanh chích ngừa COVID-19 có thể ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong và tiết kiệm hàng tỉ đôla”. 

Bài viết dẫn một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tin học, toán và vận hành y tế công thuộc Trường cao học Y tế công và chính sách y tế, Đại học thành phố New York (CUNY), Trường Y học nhiệt đới quốc gia, Đại học Y Baylor, và Trung tâm An toàn y tế Johns Hopkins, Mỹ trên Tạp chí Các bệnh truyền nhiễm (Journal of Infectious Diseases).

Theo đó, mô phỏng bằng máy tính và thuật toán cho thấy hiệu quả bảo vệ thực sự của vaccine bắt đầu sau khi 20% dân số đã được chích ngừa. Ở Mỹ, với mức bao phủ vaccine 50-70% dân số, có thể ngăn ngừa 9,5 triệu ca bệnh và tiết kiệm 10,8 tỉ đôla chi phí y tế trực tiếp và tổn thất năng suất. Nhưng quan trọng hơn cả là cứu được rất nhiều mạng người.

Các tác giả cũng cảnh báo việc chích ngừa càng chậm triển khai, nguy cơ lây lan càng lớn. Khuyến cáo tuy viết riêng cho nước Mỹ, có lẽ còn áp dụng được ở nhiều nước khác: “Virus càng lan rộng thì càng khó ngăn nó lây lan, ngay cả bằng chích ngừa". 

"Điều này không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng đưa mọi người đi chích ngừa…, mà còn của việc sử dụng các biện pháp phi-dược khoa (NPI) [tương đương với các biện pháp “5K”] như giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang, để làm chậm sự lây lan của virus càng nhiều càng tốt cho đến khi vaccine trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn”.

Những việc cần làm ngay

Coi ngưỡng 20% dân số được chích ngừa như một khởi đầu cơ bản, nghiên cứu còn đưa ra những lời khuyên cho giới chức chống dịch: (1) ráng lo khởi sự chích ngừa càng sớm càng tốt; (2) ráng “5K” thiệt tốt, không để cho lây lan trong khi chờ vaccine; (3) khi đã có vaccine, cần đặt ngay mục tiêu 20% và nỗ lực đạt tới đó; (4) có vaccine rồi vẫn tiếp tục “5K” cho tới khi đạt tỉ lệ tối đa.

Việc tiếp tục đeo khẩu trang vẫn là rất quan trọng để phòng dịch. Ảnh: AP

 

Những khuyến cáo này cũng giống với hướng dẫn “Tiếp cận và phân bổ: Làm thế nào để có sự phân bổ công bằng và hợp lý đối với các nguồn cung cấp hạn chế?” của WHO ngày 12-1-2021. 

Theo đó, việc phân bổ vaccine COVID-19 giữa các quốc gia được ấn định trong “Khung giá trị phân bổ và ưu tiên tiêm chủng COVID-19 cung cấp hướng dẫn trên toàn cầu” của WHO. 

Trong tài liệu này, WHO cũng nói ở giai đoạn đầu tiên, qua cơ chế COVAX, vaccine sẽ được cung cấp đồng thời cho các nước tham gia đến khi đạt độ bao phủ khoảng 20% dân số của mọi quốc gia.

COVAX là cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine, được triển khai qua sự phối hợp giữa WHO, GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vaccine, và các đối tác khác. 

Trong giai đoạn đầu tiên, Việt Nam sẽ được nhận số lượng vaccine dự kiến là từ 4,8 đến 8,2 triệu liều, trong đó 25-35% được cung cấp trong quý 1, 65-75% còn lại trong quý 2-2021. 

Vaccine được sử dụng trong đợt này là của Hãng Astra Zeneca (moh.gov.vn, 6-2-2021). Lô đầu tiên của nguồn vaccine này, gồm hơn 800.000 liều, đã đến Việt Nam hồi đầu tháng 4.

Thành ra, trong khi chờ nhận đủ số vaccine đợt 1 che phủ 20% dân số đó, dứt khoát không thể để dịch bùng nổ. “Bình thường mới” chỉ đến một khi có một tỉ lệ chích ngừa che phủ khả dĩ cùng lúc với “5K”, hòng nhìn thấy chút ánh sáng le lói ở đầu kia trong đường hầm COVID-19.■

Philippines đặt mục tiêu chích ngừa 25 triệu người tới tháng 9

Theo Philippine Daily Inquire ngày 12-5, chính quyền Philippines hiện đặt mục tiêu tới tháng 9 năm nay sẽ chích ngừa COVID-19 được cho 25 triệu người dễ bị tổn thương nhất để đạt mốc 20% ban đầu. 25 triệu người này gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có bệnh nền - ba ưu tiên hàng đầu theo phân loại của WHO. 

Với Philippines, biến số chính trong chiến dịch tiêm chủng đại trà là nguồn cung vaccine. Tính đến đầu tuần trước, Manila đã nhận được 7,57 triệu liều vaccine và dự kiến trước cuối tháng 5 sẽ nhận thêm 1,1 triệu liều Pfizer và 500.000 liều Sinovac. 

Philippines cũng đang đàm phán để mua 2 triệu liều Sputnik V từ Nga và tháng 6 sẽ có thêm các loại vaccine khác từ Sinovac, Moderna, AstraZeneca và Viện nghiên cứu Gamaleya (Nga). Có thể thấy với những quốc gia ít nguồn lực, giờ không phải là lúc để kén cá chọn canh nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận