TTCT - Tranh cãi về một siêu ngân hàng với tài sản lớn gấp đôi GDP Thụy Sĩ. Ảnh: The GuardianThứ ba (11-4), Hạ viện Thụy Sĩ bắt đầu phiên tranh luận để quyết định có thông qua khoản đảm bảo 109 tỉ franc Thụy Sĩ (120 tỉ USD) mà chính phủ hứa cung cấp cho UBS để đổi lấy việc ngân hàng này chấp nhận mua lại Ngân hàng Credit Suisse.Trước đó, vào ngày 19-3, UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse với giá tương đương 3,2 tỉ USD, tức chỉ bằng 60% giá trị thị trường của Credit Suisse, chưa kể các lợi lộc mà UBS sẽ được nhận theo hứa hẹn từ chính phủ. Theo Reuters, tổng gói hỗ trợ thanh khoản và đảm bảo do Chính phủ Thụy Sĩ cấp cho UBS đã lên đến 260 tỉ franc Thụy Sĩ (288 tỉ USD). Trước đó nữa, Thượng viện nước này đã bật đèn xanh cho thỏa thuận, và Bộ trưởng Tài chính Karin Keller-Sutter tin rằng Hạ viện sẽ chuẩn y "không chút trở ngại".Gương vỡ khó lànhNếu thỏa thuận được thông qua thì vụ dàn xếp thành lập một "siêu ngân hàng" với quy mô tổng tài sản gấp đôi GDP của chính đất nước Thụy Sĩ sẽ chính thức "đầu xuôi đuôi lọt". Đây sẽ là ngân hàng lớn thứ tư thế giới với 120.000 nhân viên, tài sản trị giá 1.600 tỉ USD và quản lý 5.000 tỉ USD tài sản nữa của khách hàng. Nên nhớ, GDP hằng năm của Thụy Sĩ chỉ là 800 tỉ USD, và đó là một trong những nước giàu nhất thế giới.Việc sáp nhập hai trong số những ngân hàng lớn này đi kèm nhiều rủi ro hệ thống với an ninh tài chính toàn cầu. Chuyện siêu ngân hàng mới có tài sản lớn gấp đôi GDP quốc gia mà nó đặt trụ sở rõ ràng là rất bất thường và không khỏi gây tranh cãi.Vấn đề là ngoài cách "cứu" Credit Suisse bằng để UBS mua lại, Chính phủ Thụy Sĩ lẽ ra đã có những lựa chọn khác. Ví dụ, họ có thể đứng ra mua lại Credit Suisse, cải tổ, rồi bán lại. Điều quan trọng là nếu làm vậy thì Thụy Sĩ vẫn bảo đảm có hai ngân hàng đủ lớn để cạnh tranh nhau, chứ không tạo một khối tài sản độc nhất đi kèm những nguy cơ đổ vỡ dây chuyền cũng khổng lồ tương đương, chưa kể mối lo độc quyền.Viện Nghiên cứu kinh tế KOF của Thụy Sĩ đã tiến hành một cuộc điều tra với giới chuyên gia kinh tế trong nước. Kết quả là 48% trong 167 kinh tế gia được hỏi ủng hộ Nhà nước tiếp quản rồi bán lại Credit Suisse, thay vì sáp nhập với UBS. "Ưu điểm của giải pháp này là không tạo ra một gã khổng lồ ngân hàng theo tiêu chuẩn Thụy Sĩ và duy trì được mức độ cạnh tranh trên thị trường ngân hàng quốc nội", KOF nhận xét.Tuy nhiên, cũng có thiểu số 19% các kinh tế gia ủng hộ để UBS mua lại Credit Suisse. Họ chỉ ra nếu để Nhà nước mua lại, thì rủi ro của Credit Suisse sẽ chuyển sang người đóng thuế, và việc dùng tiền thuế để cứu trợ ngân hàng thì nhiều người đã ghét lắm rồi, kể từ khủng hoảng tài chính 2008.Ngoài những giải pháp này, còn có giải pháp là tìm một tổ chức tài chính nước ngoài mua lại (Black Rock của Mỹ đã quan tâm và các nhà đầu tư Ả Rập cũng đã cân nhắc, nhưng rút lui vào phút chót). Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) cũng có thể bơm một lượng tiền lớn cho Credit Suisse để hỗ trợ thanh khoản trong khi chờ tái cấu trúc.Nhưng cách nào đi nữa thì giải cứu là bắt buộc, và lựa chọn nào cũng có hai mặt, một khi đổ vỡ đã xảy ra. Chỉ có điều, tạo ra một siêu ngân hàng đồng nghĩa với rủi ro trong tương lai là nếu UBS cũng làm ăn thất bại, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải giải cứu một siêu ngân hàng lớn gấp đôi quy mô nền kinh tế!Ảnh: AP"Chẳng học được gì"Một nhận định chua chát của chính giới Thụy Sĩ trong cuộc tranh luận này là các lãnh đạo Credit Suisse đã "chẳng học được gì" từ khủng hoảng tài chính 2007 - 2009. Hồi nửa cuối tháng 3, thỏa thuận để UBS mua lại Credit Suisse đã được một ủy ban của Quốc hội Thụy Sĩ phê chuẩn. Một thành viên của ủy ban, ông Peter Hegglin, nhận xét với truyền thông: "Quyết định này không hề dễ dàng với tôi. Ngành ngân hàng đã được cảnh báo bởi cuộc khủng hoảng năm 2008 - không may là ban lãnh đạo Credit Suisse chẳng học được gì từ cuộc khủng hoảng. Giống như một tấn bi kịch, giới lãnh đạo doanh nghiệp đã gây ra tổn thất cho công ty và làm giàu cho chính họ".Lãnh đạo ngân hàng này quả đã rất liều lĩnh với các thương vụ hết sức rủi ro, thậm chí có thể là phạm pháp, với những khách "ruột", suốt một thời gian dài. Có thể kể ra những vụ như phát hành trái phiếu cho công ty tài chính nay đã phá sản Greensill Capital, rửa tiền tham nhũng ở Bulgaria và Mozambique, làm ăn với những khách hàng rủi ro tới mức không thua gì đánh bạc như Quỹ đầu tư Archegos của"tiểu hổ" Bill Hwang... Kết quả là trong khi giới lãnh đạo ngân hàng nhận lương thưởng hậu hĩnh vì hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, thì cổ đông, người gửi tiền, và cuối cùng là người đóng thuế, phải chịu trận.Nhiều người đã phẫn nộ khi biết Credit Suisse vẫn dự định sẽ trả nhiều chục triệu USD lương thưởng cho các lãnh đạo ngân hàng sau khi bị sáp nhập. Cuối cùng, ngân hàng phải tuyên bố không có lãnh đạo cao cấp nào sẽ được nhận tiền thưởng nữa. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nghi ngờ chuyện này khi chỉ ra khoảng 350 triệu franc Thụy Sĩ tiền thưởng vẫn sẽ được trả cho khoảng 500 nhân viên cao cấp sau khi chương trình tái cấu trúc được chấp thuận. Nên nhớ, Credit Suisse đã thua lỗ tới 7,3 tỉ franc Thụy Sĩ chỉ trong năm 2022.Lòng tham và quan hệ thân hữuNói cách khác, hơn 10 năm sau cuộc khủng hoảng 2008, nhiều ngân hàng khắp thế giới đã có an toàn vốn vững hơn, các biện pháp giám sát rủi ro nhiều hơn (dù chủ yếu tập trung ở những ngân hàng lớn và bỏ lọt những ngân hàng cũng không quá nhỏ như trường hợp ở Mỹ gần đây hay Trung Quốc hiện nay). Tuy nhiên, văn hóa "tham lam tới chết", "làm liều", "hỗ trợ thân hữu" vẫn là phổ biến trong giới lãnh đạo cao cấp ngân hàng, vì lương thưởng của họ gắn chặt với tiền lời kiếm được và những mối quan hệ đôi bên cùng có lợi (còn hại cho ai, tính sau). Nhất là khi nếu vì liều lĩnh mà thua lỗ thì đã có Nhà nước giải cứu, lo gì!Giờ đây cổ đông Credit Suisse thua lỗ thì thua lỗ rồi, ngân hàng bị mua lại thì cũng bị mua lại rồi, hàng nghìn nhân viên Credit Suisse trên toàn cầu có thể thất nghiệp cũng chuẩn bị tinh thần rồi. Nhưng khách hàng của họ thì chưa biết sẽ ra sao. Credit Suisse là một trong những ngân hàng rất sốt sắng đi sắp xếp các thương vụ mua bán sáp nhập, niêm yết ở châu Á. Có những công ty như VinFast của Việt Nam có lẽ giờ cũng lung lay niềm tin với người đi "xếp deal" của mình.Niềm tin mất rồi không dễ lấy lại, thể hiện qua số tiền gửi tụt dốc không phanh của Credit Suisse. Có lẽ đây là vấn đề cố hữu của hệ thống buôn tiền - tức ngân hàng, khi lòng tham, từ tham công, tham danh tới tham tiền, của những nhà quản lý và nhân viên, là khó bề ngăn cản. Cơ chế khuyến khích thưởng, chạy KPI, chạy thành tích giúp ngân hàng phát triển nhưng cũng dung dưỡng lòng tham và đầu óc trục lợi bằng mọi cách. Ngân hàng sân sau, chứng khoán người nhà, lương thưởng tự chi cho mình trở thành rào cản rất lớn để xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh. Bài học thì hằng hà sa số rồi, nhưng con người vốn đầy khiếm khuyết. Vụ Credit Suisse cho thấy nói chuyện minh bạch và đúng quy trình, ngay cả ở một nước như Thụy Sĩ, nhiều khi cũng chỉ là nói... cho vui. Các lãnh đạo doanh nghiệp đã thể hiện là họ có thể vô hiệu hóa mọi cơ chế kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, hay quy định nhà nước nếu những điều đó ngáng đường họ đạt được lợi ích ngắn hạn. ■ 150 tỉ franc Thụy Sĩ: Tiền gửi ở Credit Suisse giảm từ 400 tỉ xuống còn không tới 250 tỉ franc Thụy Sĩ chỉ từ quý 2 đến quý 4-2022. Tags: Bộ trưởng Tài ChínhKhối tài sảnNgân hàng trung ươngKhủng hoảng tài chínhNgành ngân hàngHệ thống ngân hàngThụy SĩNgân hàng UBSNgười gửi tiềnMua bán sáp nhập
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.