Cuộc hạnh ngộ của những hồn thơ mong manh

TRÍCH TRỔ BÔNG (LÊ HỮU NAM) 11/08/2012 02:08 GMT+7

TTCT - Những người trẻ khuyết tật yêu thi ca ấy chỉ quen nhau và thân thiết qua mạng. Lần đầu tiên, từ nhiều vùng miền họ gặp gỡ nhau ngoài đời thực trên đất Quy Nhơn (Bình Định).

Phóng to
Không ai trong nhóm có thể ngờ rằng có ngày được gặp mặt nhau ngay trên bãi biển Quy Hòa, Ghềnh Ráng ở TP Quy Nhơn - Ảnh: Trần Đức tài

Bị trói buộc trên giường bệnh hay xe lăn vì những chứng bệnh nan y, họ đã trút niềm khát sống qua những vần thơ. Thi ca và cảnh ngộ tương đồng đã giúp kết thân họ với nhau, tiếp cho họ một nghị lực sống mãnh liệt.

Từ Tam Thi Nhất Mệnh...

Sinh năm 1986, Nguyễn Văn Hợp (huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk) suốt 22 năm qua không đi lại được vì teo cơ toàn thân do di chứng da cam. Học hết lớp 11, anh không thể tiếp tục đến trường do sức khỏe và hoàn cảnh gia đình. Những khát khao bế tắc của anh đã được cứu rỗi bằng những rung động ngôn từ. Hợp đến với thơ từ năm 2006 với bút danh Huệ Nguyên và đoạt giải trong cuộc vận động sáng tác văn học Đắk Lắk cùng năm đó. Anh nói: "Chỉ khi ở trong thơ tôi mới thấy mình trở thành một con người bình thường".

Nguyễn Hữu Thịnh (Cẩm Giàng, Hải Dương) cũng tật nguyền vì di chứng da cam. Sinh năm 1981, Thịnh vẫn là đứa trẻ bình thường đến năm 8 tuổi bỗng nhiên cơ thể co quắp toàn thân, các đốt sống co gập. Thịnh không còn tự đi lại được nữa và các cơ mặt co rút cũng cản trở khả năng phát âm. Chỉ học đến lớp 2 rồi đành ở nhà, Thịnh phải tập nói lại từng từ như đứa trẻ và nỗ lực tiếp tục học tại nhà. Bắt đầu làm thơ một cách tự nhiên từ năm 1997, Thịnh tìm được sự giải tỏa trong thế giới thi ca. Với Thịnh, "thơ là đời tôi".

Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1985, đang sống ở Nhà may mắn, quận Bình Tân, TP.HCM) lại là một trường hợp khác. Quê ở Thanh Hóa, Lâm thi đậu vào khoa văn Cao đẳng Sư phạm tỉnh Bình Dương năm 2003. Chỉ hơn một năm sau, một tai nạn giao thông khiến Lâm gãy đốt sống cổ. Ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nẹp xương cổ thành công nhưng Lâm đã tê liệt toàn thân và tứ chi.

Lâm may mắn được nhà bác ái Thụy Sĩ là bà Tim Aline Rebeaud đưa về sống ở Nhà may mắn do bà lập ra dành cho trẻ mồ côi và người khuyết tật ở quận Bình Tân. Tại đây, bà Tim đã giúp anh tập vật lý trị liệu, học ngoại ngữ và tin học. Kiên trì khổ luyện nhiều năm, Lâm đã có thể gõ bàn phím máy tính chỉ bằng đốt ngón út bàn tay phải của cánh tay duy nhất cử động lại được. Và anh trút hết những mơ ước không thể thành hiện thực vào thơ.

Ba người bị liệt này chưa từng gặp nhau nhưng quen biết nhau qua những bài thơ đăng tải trên các trang mạng thi ca như lucbat.com, vanhoctre.com hay vanthoviet.com. Những ký tự vất vả ghép nối thành câu chữ từ những ngón tay co quắp, run rẩy chính là sức mạnh vô hình nối kết tâm hồn ba con người ở ba miền đất nước qua không gian số.

Yêu thơ, đọc nhiều thơ, cả ba đều tìm thấy chung một sự ngưỡng mộ với thơ và đời của Hàn Mặc Tử, một tài thơ mệnh yểu đất Quy Nhơn. Từ gợi ý của Thịnh, ba con người chung số phận và khát khao ấy từ năm 2011 lấy một cái tên chung là Tam Thi Nhất Mệnh.

Phóng to
Nhóm thi ca Toàn Xương lần đầu tiên gặp nhau. Từ trái sang, hàng đầu: Nguyễn Hữu Thịnh, Nguyễn Văn Lâm; hàng sau: Mai Đức Trung, Nguyễn Văn Hợp, Lê Hữu Nam, Nguyễn Tôn Phi Quỳnh - Ảnh: Trần Đức tài

... đến nhóm thi văn Toàn Xương

... Dù khập khiễng
Dù buốt đau
Dù không bao giờ là dễ
Cho đôi chân tật nguyền hành lễ
giữa đời

Có những lúc ta dường buông xuôi
tất cả
Nhưng
Ôi
âm sắc cuộc đời dịu hiền quá đỗi
Là tiếng cười trẻ thơ
Là lời dạy mẹ cha
Là bầy chim ríu rít sớm mơ
Là nhành hoa dưới nắng vàng hờn dỗi
Là đôi mắt của người
ta nhớ

Ta vẫn bước
Bước nhanh
Bước chậm giữa cuộc đời
Để ta thấy bao ánh xuân ngời
Còn đọng lại trên nhánh vai gầy
bao điều ước trổ bông...

Nhịp cầu thơ đã giúp Nguyễn Văn Hợp và Lê Hữu Nam quen nhau qua mạng. Nam chào đời năm 1981 ở Đà Lạt với trái tim bất thường, chỉ có một tâm thất. Khuyết tật bẩm sinh nguy hiểm này buộc bố mẹ phải đưa Nam về TP.HCM chữa chạy từ năm 1997. Nam sống suốt ba năm ròng trong Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhưng y học đành bó tay. Nam vẫn đi lại bình thường, gương mặt khôi ngô nhưng anh bé nhỏ như một cậu thiếu niên và có thể đột tử bất cứ lúc nào. Tình yêu thơ và nhiều trái tim đồng cảm qua mạng Internet đã giúp Nam sống.

Hợp và Nam từng là hai người điều hành tích cực của trang mạng vanhoctre.com. Trang mạng này nối kết Nam với hai người bạn của Hợp và các bạn thơ đồng cảnh ngộ khác như Hà Văn Thế, sinh 1988, tê liệt vì chứng u tủy ở Phú Thọ, Hoàng Thị Diệu Thuần, sinh năm 1987, bị ung thư máu ở Hà Nội.

Còn thêm hai người bạn khác không hề bệnh tật nhưng lại gắn bó thân thiết với sáu anh em này. Nguyễn Tôn Phi Quỳnh, sinh năm 1981, ở Hà Nội và Mai Đức Trung, sinh năm 1987, ở Đồng Nai. Hai người khỏe mạnh này từ những đồng cảm văn chương qua mạng đã trở thành cầu nối liên lạc và chỗ dựa tinh thần cho cả nhóm ở hai đầu Nam - Bắc. Tình thân thiết ấy đã cho ra đời nhóm thi văn Toàn Xương.

"Ban đầu cái tên Toàn Xương chỉ dùng để thân mật gọi nhau, vì cả nhóm ai cũng gầy trơ xương, xấu xí và yếu ớt" - Nam giải thích. Nhóm Toàn Xương lập ra như một tuyên ngôn huynh đệ của những anh em chơi với nhau qua mạng, có chung một tình yêu thi ca và một niềm khao khát sống - sống có ích.

Một sự cố dữ liệu vào cuối năm 2011 khiến trang vanhoctre.com không hoạt động được. Cơn khát thơ văn và sự mất mát niềm chia sẻ đồng điệu khiến nhóm bạn thơ chung nhau những đồng nhuận bút thơ ít ỏi và được bạn bè giúp đỡ để lập ra trang web hoiquantre.info do nhóm Toàn Xương điều hành. Với trang web mới, mong muốn của họ không chỉ là những bài thơ tâm trạng. Họ muốn từng bước tham gia những hoạt động xã hội có ý nghĩa hơn.

Từ nguồn thu nhập khiêm tốn của Nam trong công việc ở phòng bán vé máy bay Nghị Lực Sống, của Lâm trong công việc marketing online cho Công ty thiết kế web Vina Design..., từ những đồng nhuận bút thơ gian khó của Hợp, của Thịnh... cùng sự hỗ trợ của cộng đồng cả ngàn thành viên hoiquantre.info, họ lập ra một quỹ học bổng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Riêng Hợp, năm vừa qua anh đã làm đơn gửi Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xin hiến giác mạc và cơ thể cho khoa học sau khi qua đời.

Gặp nhau bên mộ Hàn Mặc Tử

Nhóm Toàn Xương lần đầu tiên được gặp mặt nhau ngoài đời thực vào ngày 31-7 ở Quy Nhơn. Cuộc hạnh ngộ gần như là điều chỉ có thể nằm mơ. Trừ Quỳnh và Trung là hai người bình thường, những người còn lại đều không thể tự đi lại hoặc đi xa một mình không có người chăm sóc.

Với bệnh tim có thể chết bất đắc kỳ tử của mình, Nam không thể đi máy bay. Phi Quỳnh từ Hà Nội bay vào TP.HCM đưa Nam ra Quy Nhơn bằng tàu hỏa. Hợp ở Đắk Lắk không đi xe lăn. Bao năm nay người anh song sinh khỏe mạnh của Hợp là Hà luôn là người cõng, bế bồng thân thể bại liệt của em trai. Hai anh em đi máy bay từ Buôn Ma Thuột về TP.HCM nghỉ ngơi rồi bay tiếp ra Quy Nhơn. Đồng hành với Thịnh là người cha yêu thương đến Quy Nhơn cũng bằng máy bay. Còn đi cùng Lâm có Lương, người em trai, chăm sóc. Thế ở Phú Thọ sức khỏe quá yếu không thể lên đường, Diệu Thuần ở Hà Nội đang chờ giải phẫu ghép tủy.

Cuộc hạnh ngộ này là một cơ duyên cho những hồn thơ mong manh của nhóm Toàn Xương. Người biến giấc mơ gặp gỡ này thành hiện thực chính là ông Phạm Lưu Đạt, 48 tuổi, một nhà kinh doanh ở California (Mỹ) nhưng quê quán ở Quy Nhơn. Vốn thích văn chương, ông Đạt đã đồng cảm với thi ca và thân phận của các cây bút thơ đặc biệt này qua nhịp cầu Internet.

Ông Đạt đã tài trợ cho Hợp và Lâm in các tập thơ riêng những năm trước. Năm nay ông tài trợ cho một tập thơ chung của nhóm Tam Thi Nhất Mệnh và một tập khác của cả nhóm Toàn Xương. Ông về Quy Nhơn tổ chức đưa các bạn Toàn Xương khắp ba miền tụ về Quy Nhơn để các bạn được gặp nhau, viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử mà các bạn hằng ngưỡng vọng.

Một người bạn của ông Đạt, chị Hư Phụng, Việt kiều ở Đức, giúp toàn bộ chi phí ăn ở cho mọi người tại Quy Nhơn. Ông Đạt còn tổ chức một đêm thơ ra mắt cả nhóm thi sĩ mong manh này vào tối 2-8 ở một quán lộng gió ngay trong khu Ghềnh Ráng, nơi Hàn thi nhân đã sống những năm thơ mãnh liệt cuối đời.

Ngày hôm nay
ngày mai
ai biết trước
cũng có thể ngay lúc này
tôi gục chết trên trang giấy khi ngồi viết những câu thơ cuối cùng để ngợi ca
cuộc sống...

Những vần thơ của Hợp dốc cạn niềm khát sống. Ôi, họ yêu cuộc đời này xiết bao!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận